Xòe người Thái

Khi thu hoạch xong mùa màng, các bạn người Thái nổi trống chiêng, dân bản nắm tay nhau vào vòng xòe. Xòe Thái có ba loại hình: xoè vòng, xòe biểu diễn, xòe thiêng (xòe dùng trong nghi lễ).

Xòe vòng

Xòe vòng là một hình thức múa cộng đồng. Mỗi khi bản người Thái vào cuộc vui, tiếng trống ngân vang, già trẻ, gái trai nắm tay nhau cùng vào vòng xòe. Mừng nhà mới người Thái cũng xòe ra, trong ngày hội Xên bản xên mường, vòng xoè càng mở rộng. Khách quý từ xa đến thăm bản, tiếng trống âm vang, vòng xòe rộng mở như đón chào. Khách cùng dân bản không phân biệt tuổi tác, giới tính, giàu nghèo. Tất cả đều nắm chặt tay trong vòng xòe nghĩa tình. Ở giữa vòng xòe một nghệ nhân già chân nhún nhảy, tay gõ trống liên hồi theo nhịp 2 - 4. Càng về khuya, tiếng trống càng âm vang rộn rã, lòng người càng náo nức thêm vui.

Đội hình múa vòng tròn nhưng khi đông người, vòng xòe tách thành hai vòng. Vòng xòe lớn đi theo hướng ngược chiều kim đồng hồ; Vòng xòe nhỏ bên trong lại chuyển động theo chiều ngược lại. Ở Mường So, vòng xòe lại chuyển động theo kiểu cuốn chiếu. Từng người trong vòng xòe nhỏ lần lượt đi vòng sau lưng người thứ hai, người thứ hai đi vòng sau lưng người thứ ba,... tất cả lại nhập vào vòng xòe lớn. Dàn nhạc đệm cho xòe ở Mường Lang gồm có 1 trống lớn, 1 cồng và 1 chiêng (có khi có cả chũm, chọe) âm thanh nhạc xòe sôi động, vui tươi, có sức cuốn hút đông người tham gia xòe.

Xòe vòng là hình thức xoè cổ xưa. Có nhà khoa học cho rằng: vòng xòe ở giữa có ngọn lửa là bắt nguồn từ tục thờ mặt trời. Đồng thời đội hình vòng xòe chuyển động ngược chiều kim đồng hồ (từ phải qua trái) cũng là mô phỏng chuyển động của mặt trời từ Đông sang Tây. Tục thờ mặt trời phản ánh tín ngưỡng của cư dân nông nghiệp ruộng nước. Yếu tố mặt trời còn phản ánh trong cấu trúc Đông Tây của làng bản. Vòng xòe cũng là biểu hiện đậm nét của dấu vết tín ngưỡng thờ mặt trời. Nhưng tại sao người Thái lại xòe trong đội hình vòng tròn? Trước hết, đội hình vòng tròn cũng là đội hình hướng tâm, tất cả các thành viên xòe đều bình đẳng như nhau. Ánh mắt, nụ cười của họ đều hướng vào ngọn lửa giữa vòng xoè. Hơi ấm của lửa, âm thanh của trống hội đã tạo thành không gian thiêng. Không khí thiêng đó lan tỏa và phân phối đều cho mọi thành viên có mặt trong vòng xoè.

Trong xã hội nguyên thủy, khi bộ lạc săn được thú rừng, Mọi người vây quanh đống lửa cùng nướng thú rừng. Họ cầm tay nhau nhảy múa mang tính đoàn kết. Ý thức cộng đồng, bình đẳng là giá trị của văn hóa nguyên thủy. Do đó, đội hình múa vòng tròn quanh đống lửa có mặt ở nhiều tộc người khác nhau. Người Thái có xe vòng, người Xá Phó có múa vòng tròn, người Lào có múa lăm vông. Đặc biệt, các tộc người ở Tây Nguyên  cũng có những điệu múa vòng tròn phổ biến, gọi là xoang. Như vậy, đội hình múa vòng tròn phản ánh tín ngưỡng thờ mặt trời và ý thức cộng đồng, bình đẳng có lịch sử từ các bộ lạc nguyên thủy truyền lại.

Xòe nghi lễ

Nếu như xòe vòng là hình thức múa mang tính dân dã, phổ biến trong đời sống hằng ngày của người Thái thì xoè nghi lễ, là những điệu múa chỉ dùng trong nghi lễ tôn giáo. Điển hình là lễ “kin pang then”. Sau khi thầy mo cúng các vị tổ sư trước bàn thờ linh thiêng, ông cùng mọi người hát khúc mở đường...mọi người nhảy múa quanh cây hoa... Đây thực chất là biểu tượng cây vũ trụ. Trên cây có nhiều cành hoa, hình cắt con chim, con thú phản ánh quan niệm các tầng thế giới của người Thái. Xung quanh cây vũ trụ và các học trò của thầy cũng cầm nhạc cụ nhảy múa theo nhịp điệu của trống chiêng. Âm thanh càng rộn rã thì điệu múa càng sôi động, thăng hoa. Lúc đó như có các vị thần linh nhập vào những người nhảy múa. Các động tác múa dường như mềm mại uyển chuyển hơn, các bước nhảy khéo léo, bay bổng. Tất cả những người trong đội múa và tham gia nghi lễ đều tràn ngập trong không khí linh thiêng. Cây vũ trụ trở thành cây thiêng. Mọi người đều vui vẻ, phấn khởi như được tiếp thêm năng lượng thiêng từ cây vũ trụ tỏa ra. Vì vậy, các nghệ nhân dân gian người Thái với chất thiêng đã sáng tạo ra các đội điệu múa nổi tiếng như quét hoa tàn. Ở vùng người Thái đen, nhà dân tộc học Cầm Trọng đã nghiên cứu về các điệu múa cổ của người Thái như các điệu múa “Xé lảng”, “Xé Pén” trong các lễ Xên Mường, Xên Cha hoặc nghi lễ đám ma của chủ mường Thái.

Xòe nghi lễ là loại hình xoè nghệ thuật được sáng tạo, thăng hoa trong không gian nghi lễ. Xòe nghi lễ cũng phát triển hơn xòe vòng ở các động tác. Đồng thời trang phục, đạo cụ, âm nhạc cũng có những bước phát triển mới. Về trang phục với các bộ trang phục cổ, về âm nhạc có thêm các nhạc cụ dùng trong nghi lễ. Như vậy tinh hoa nghệ thuật Thái thấm đẫm trong múa nghi lễ.

Xòe biểu diễn

Vào đầu thế kỷ 20, ở mỗi châu, mường người Thái, người Tày và một số dân tộc khác ở Tây Bắc đã hình thành các trung tâm xòe nổi tiếng như: Mường Lay, Mường So, Mường Lò, Quỳnh Nhai, Mường Hum,... Các chủ mường đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành các trung tâm xòe.

Ở mỗi mường, chủ mường đều có nhiều biện pháp xây dựng các đội xòe, họ chú trọng tuyển dụng các nghệ nhân giỏi và các thiếu nữ xinh đẹp có năng khiếu từ 12 đến 16 tuổi tham gia vào đội xòe. Mỗi mường đều có chính sách riêng nhằm hỗ trợ, khuyến khích cho các đội xòe... Một số đội xòe ở Bắc Hà (Lào Cai), Mường Hum huyện Bát Xát (Lào Cai), Mường Lay (Lai Châu) đều có sự giao lưu, tham gia tái sáng tạo nghệ thuật xoè của người Pháp. Điển hình như xòe của người Tày ở Bắc Hà (Lào Cai). Các nghệ nhân tiếp thu nghệ thuật van từ người Pháp, vì vậy đội hình xòe của người Tày ở Tà Chải, huyện Bắc Hà đã phát triển thành đội hình xòe hàng dọc, hàng ngang, xòe đôi, xòe đập lưng, xoè đón quan, xòe cờ; ngoài ra một số động tác cũng chịu ảnh hưởng từ nghệ thuật này như động tác nhún chân, tay cầm tay, tay bám lên vai người trước tương tự như động tác của khiêu vũ. Mặt khác một số nhạc cụ trong đội hình xòe Thái ở Mường Lay cũng “mượn” của người Giáy ở Bát Xát (Lào Cai). Ngược lại, mô hình đội xòe của của Mường lay, Mường so cũng được các thổ ty ở Bắc Hà, Bát Xát (Lào Cai) học tập. Sự giao thoa giữa nghệ thuật múa của người Thái người Tày và người Giáy đã hòa trộn, tạo nên các điệu xoè hấp dẫn và đổi mới. Sau khi miền Bắc được giải phóng đến nay, xòe Thái tiếp tục được các nghệ nhân, nghệ sĩ nổi tiếng tái sáng tạo. Đội hình biến đổi, bên cạnh đội hình truyền thống, đội hình mới cũng ra đời. Đặc biệt, theo Giáo sư, nhà nghệ thuật học Lâm Tô Lộc thì ngôn ngữ múa có một số sáng tạo mới: bước nhún nhảy không hết đà, không uốn lưng khi quỳ gối, ngả người. Dàn nhạc cho xòe biểu diễn có sự giao lưu với dàn nhạc Pí là của người Tày, người Dao ở Lào Cai trở thành nhạc cụ Pí kẻo. Nếu trước kia, các đội xòe chỉ có nữ diễn viên, nam giới chỉ đóng vai trò nhạc công thì nay vai trò của nam diễn viên càng nổi bật trên sân khấu.

Như vậy, nghệ thuật xòe biểu diễn ở Tây Bắc ở là sản phẩm của sự giao lưu văn hóa giữa một số dân tộc Tây Bắc với người Pháp. Tuy nhiên, cơ tầng xòe Thái truyền thống vẫn là nòng cốt, tô đậm nghệ thuật xòe.

TS TRẦN HỮU SƠN 

Viện Nghiên cứu Văn hóa dân gian ứng dụng;

Nguyên Giám đốc Sở VHTTDL Lào Cai

Top