Xây dựng Bảo tàng điện tử tương tác 3D - Bước đột phá trong giáo dục truyền thống lịch sử quân sự

Ứng dụng công nghệ tương tác 3D có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử quân sự tới cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên mọi miền Tổ quốc, nhất là vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Năm 2017, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam đã hoàn thành lắp đặt và bàn giao hệ thống Bảo tàng điện tử tương tác 3D tại 4 điểm đảo đầu tiên (Côn Đảo, Phú Quốc, Trường Sa và Song Tử Tây).

Ứng dụng công nghệ tương tác 3D vào hoạt động Bảo tàng

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, bảo tàng là công cụ đắc lực để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vì lợi ích và sự phát triến của các dân tộc, quốc gia trên thế giới. Năm 2001, Luật Di sản văn hóa được ban hành và Luật sửa đổi, bổ sung năm 2008. Đặc biệt, từ năm 2005, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống bảo tàng Việt Nam đến năm 2020, đã mở ra cơ hội phát triển thuận lợi cho các bảo tàng Việt Nam trong tương lai.

Ký biên bản bàn giao Bảo tàng điện tử 3D tại đảo Song Tử Tây, ngày 11 tháng 5 năm 2017

Bảo tàng là nơi hội tụ tri thức của nhiều ngành khoa học và chuyên môn khác nhau. Tổ chức và hoạt động của bảo tàng hiện đại không ngừng phát triển và biến đổi. Do vậy, nếu chỉ dựa vào những kiến thức, kinh nghiệm có sẵn và hình thức hoạt động truyền thống thì không thể thích ứng với nhu cầu phát triển xã hội trong thời đại ngày nay.

Hiện nay, cùng với sự phát triển vượt bậc của kỹ thuật công nghệ, công nghệ số hóa và tương tác 3D đang được ứng dụng rất thành công và hiệu quả trong việc tuyên truyền và phát huy các giá trị di sản văn hóa quân sự. Công nghệ 3D đang được ứng dụng rất thành công và hiệu quả trong việc tuyên truyền và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Nhiều bảo tàng hàng đầu trên thế giới đã và đang triển khai công nghệ Bảo tàng tương tác 3D, tiêu biểu là: Bảo tàng Tự nhiên Quốc gia Smithsonian (Mỹ), Bảo tàng Louvre (Pháp), Quần thể Di tích Angkowat (Campuchia). Bảo tàng điện tử 3D giúp khách tham quan tương tác thông tin, tư liệu trực tiếp. Bên cạnh đó, thông qua kết nối mạng, du khách tham quan có thể sử dụng máy tính, thiết bị di động kết nối, tham quan bảo tàng ở mọi lúc, mọi nơi.

Hầu hết các bảo tàng lớn, các di tích nổi tiếng trên thế giới đã sử dụng bảo tàng ảo tương tác 3D để giới thiệu không gian trưng bày tới khách tham quan trên toàn cầu. Điểm mạnh của bảo tàng ảo là đem các hình ảnh, không gian trưng bày một cách chân thực nhất đến với khách tham quan. Với những thông tin tư liệu, video phong phú, bảo tàng ảo còn cung cấp cho công chúng thông tin thực tế nhiều hơn trưng bày thực. Thực tế, ở Việt Nam đã có một số bảo tàng sớm ứng dụng công nghệ này vào hoạt động của mình, tiêu biểu là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Bảo tàng Phụ nữ, Bảo tàng Quảng Ninh,...

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là một trong 6 bảo tàng quốc gia và là bảo tàng đầu hệ của hệ thống bảo tàng quân đội. Nhận thấy giá trị của việc ứng dụng công nghệ tương tác 3D trong việc nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử quân sự, ngay từ năm 2014, Bảo tàng đã chủ động triển khai, ứng dụng công nghệ này cho một số khu trưng bày chuyên đề, triển lãm và được công chúng, khách tham quan trong và ngoài nước quan tâm, đánh giá cao hiệu quả của nó.

Giáo dục truyền thống lịch sử quân sự nơi biên giới, hải đảo bằng Bảo tàng điện tử 3D

Từ kinh nghiệm thực tế đó, năm 2016, Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện xây dựng chương trình Bảo tàng điện tử 3D tổng thể trong Dự án “Xây dựng chương trình giáo dục truyền thống lịch sử quân sự Việt Nam tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo bằng công nghệ tương tác 3D”.

Các đại biểu tham quan Bảo tàng 3D tại Côn Đảo, ngày 15 tháng 1 năm 2017

Nội dung Bảo tàng điện tử 3D bao gồm: Thứ nhất, tổng thể các nội dung trưng bày của Bảo tàng LSQS Việt Nam; Thứ hai, tổng thể nội dung trưng bày của Bảo tàng Hải quân; Thứ ba, tổng thể nội dung trưng bày của Bảo tàng LLVT miền Đông Nam Bộ (phục vụ điểm đảo Côn Đảo); Thứ tư, tổng thể nội dung trưng bày của Bảo tàng LLVT Quân khu 9 (phục vụ điểm đảo Phú Quốc); Thứ năm, 12 di tích lịch sử quân sự tiêu biểu, bao gồm: Di tích nơi thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân (Cao Bằng); Di tích ATK Định Hóa (Thái Nguyên); Di tích ATK Tân Trào (Tuyên Quang); Cụm Di tích Điện Biên Phủ (Điện Biên); Di tích căn cứ Trung ương Cục miền Nam (Tây Ninh); Di tích Bộ Chỉ huy Miền ở Tà Thiết (Bình Phước); Di tích Sở Chỉ huy tiền phương Chiến dịch Hồ Chí Minh ở Căm Xe (Bình Dương); Di tích Địa đạo Củ Chi, Di tích Dinh Độc Lập (Thành phố Hồ Chí Minh); Di tích trận Ấp Bắc (Tiền Giang); Di tích trận Tầm Vu (Hậu Giang); Di tích Chiến thắng Chương Thiện (Hậu Giang); Thứ sáu, Thư viện điện tử bao gồm ảnh, phim tài liệu, các bài hát, bản nhạc, sách, tài liệu nghiên cứu về LSQS Việt Nam.

Thiếu tướng, TS Nguyễn Xuân Năng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo Dự án khẳng định: “Việc triển khai thực hiện dự án Bảo tàng điện tử 3D thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ở những nơi cuộc sống và điều kiện sinh hoạt còn nhiều khó khăn, ít có cơ hội để được thụ hưởng những sản phẩm văn hóa với công nghệ hiện đại”.

Mục tiêu của dự án là giới thiệu những hình ảnh, tài liệu, hiện vật, di tích lịch sử nhằm khẳng định truyền thống lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc, truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN tới cán bộ, chiến sỹ ở những nơi không có điều kiện đến tham quan Bảo tàng và các di tích lịch sử quân sự. Qua đó tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước và cách mạng, ý chí tự lực tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc, lòng biết ơn sâu sắc đối với các thế hệ đã hy sinh xương máu vì độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bồi dưỡng lý tưởng cộng sản cho các thế hệ, nhất là với cán bộ, chiến sĩ đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ và bảo vệ chủ quyền biên giới, hải đảo của Tổ quốc.

Đơn vị thực hiện đã xây dựng hệ thống phần mềm bảo tàng điện tử 3D. Tiến hành số hóa 3D hơn 450 điểm tham quan dưới dất; 11 điểm tham quan tổng thể trên không; gần 100 hiện vật tiêu biểu; 700 hiện vật trưng bày; 800 hình ảnh/tư liệu; xây dựng 12 phim thuyết minh; ghi hình 172 hạng mục hướng dẫn viên tại thực địa, thu âm, biên tập 34 băng thuyết minh. Xây dựng các bộ thiết bị Ki-ốt lắp đặt tại Côn Đảo (15-1), Phú Quốc (29-3), Song Tử Tây (11-5) và Trường Sa Lớn (15-5).

Mặc dù đã có nhiều kinh nghiệm trong thực hiện Bảo tàng 3D nhưng dự án này là nhiệm vụ khó khăn nhất bởi chưa có tiền lệ. Đơn vị thực hiện không chỉ dừng lại ở việc số hóa 3D hiện vật, không gian trưng bày mà còn phải ghi hình thuyết minh viên tại nhiều địa điểm bảo tàng, di tích khác nhau từ Bắc vào Nam, tiến hành số hóa cả dưới đất và trên không; vấn đề bảo quản thiết bị trong môi trường khắc nghiệt ngoài biển, đảo đòi hỏi phải tính toán kỹ, đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật đáp ứng yêu cầu về ứng dụng công nghệ tự động hóa cho người sử dụng và chuyển giao công nghệ cho đơn vị quản lý bảo tàng 3D tại các điểm đảo.

Bước đột phá trong giáo dục truyền thống lịch sử quân sự

Một trong những điểm mới trong ứng dụng công nghệ tương tác 3D mà Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam thực hiện là ghi hình thuyết minh viên đối với các điểm tham quan và tích hợp vào phần mềm giúp người xem có thể tiếp thu nội dung đầy đủ bằng cả hình ảnh và âm thanh mà không cảm thấy quá khác biệt khi tham quan thực tế. Giải pháp đó giúp nội dung tuyên truyền phong phú, hình thức sinh động, hấp dẫn hơn phương thức số hóa thành hình ảnh thông thường. Sau khi hoàn thành lắp đặt, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực.

Các chiến sĩ Hải quan tham quan Bảo tàng 3D tại đảo Song Tử Tây 

Về hiệu quả khoa học, đây là một dự án ứng dụng công nghệ hiện đại nhất và quy mô lớn nhất tính đến thời điểm này trong lĩnh vực bảo tàng lịch sử quân sự nói riêng và bảo tàng ở Việt Nam nói chung. Công nghệ tương tác 3D còn giúp Bảo tàng LSQS Việt Nam thực hiện tốt việc quảng bá và phát huy các giá trị di sản văn hóa quân sự Việt Nam tới công chúng, nhất là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; đồng thời là công cụ đắc lực giúp công tác quản lý và bảo quản hiện vật, tài liệu hiện có dưới dạng số hóa các dữ liệu.

Về hiệu quả kinh tế, việc lắp đặt bảo tàng ảo ngoài biển, đảo là cơ sở tiền đề quan trọng để mở rộng Dự án ở nhiều điểm khác trên khắp mọi miền đất nước. Do vậy, trong tương lai đó sẽ là công cụ quảng bá rất hữu hiệu ra phạm vi toàn cầu, thu hút du khách trong nước và quốc tế đến tham quan. Đặc biệt, đối với công tác trưng bày chuyên đề, trưng bày lưu động dưới hình thức trưng bày điện tử trong và ngoài nước sẽ đem lại lợi ích lớn về kinh tế, xã hội; đồng thời, có thể sử dụng trong việc quảng bá trên internet, tham quan ở bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào, qua các thiết bị di động, qua các ấn phẩm CD…

Về hiệu quả xã hội, nội dung tuyên truyền phong phú, ý nghĩa; hình thức giáo dục sinh động, hấp dẫn, cho phép xem được hiện vật trong không gian 3 chiều, trong khi với ảnh chụp thì chỉ có thể phản ánh hình ảnh hiện vật trong không gian 2 chiều vốn thấy. Tương tác trực tiếp giúp người xem chủ động thu nhận thông tin chi tiết và đầy đủ hơn, góp phần làm sống động các hiện vật được trưng bày. Thực tế, nhiều chiến sỹ trẻ rất thích thú với hệ thống bảo tàng 3D, tạo tâm lý mong muốn được tìm tòi, khám phá và học tập.

Tiếp nhận Bảo tàng điện tử 3D tại Phú Quốc, Đại tá Nguyễn Duy Tỷ, Tham mưu trưởng Vùng 5 Hải quân khẳng định giá trị của việc khai thác, ứng dụng công nghệ 3D trong tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử quân sự tại vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Để khai thác có hiệu quả, lãnh đạo, chỉ huy Vùng 5 Hải quân sẽ có kế hoạch tham quan cụ thể cho cán bộ, chiến sỹ và nhân dân trên địa bàn. Mong muốn mô hình này được nhân rộng, trong chuyến bàn giao tại đảo Song Tử Tây và Trường Sa, lãnh đạo Vùng 4 Hải quân và Ban Chỉ huy các đảo đề nghị Bảo tàng báo cáo Thủ trưởng Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam mở rộng lắp đặt tại các đảo khác thuộc Quần đảo Trường Sa.

Áp dụng công nghệ điện tử tương tác 3D của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam là bước đi mới, lần đầu tiên được triển khai trên quy mô tổng thể, phạm vi ứng dụng rộng tại Việt Nam. Những kết quả đạt được là cơ sở quan trọng để hướng tới mở rộng xây dựng chương trình tư liệu 3D cho nhiều bảo tàng quân đội khác và các di tích lịch sử tiêu biểu để quảng bá di sản văn hóa quân sự, giáo dục truyền thống cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Trung tá Mai Thị Ngọc

Top