Về một bài thơ mừng thọ Bác

Đó là bài thơ do những người thân của Bác làm năm 1950, từ Kim Liên gửi lên chiến khu Việt Bắc nhân dịp ngày sinh lần thứ 60 của Người. Bài thơ như sau: Mười chín tháng năm ở Hoàng Trù Cụ Bảng Kim Liên đẻ Bác Hồ Dì Dụng lo co ôm chủi trện Cụ An lật đật kéo tua mo Ông Hàn gắt giọng đòi hoa chóng Cố Thích xung phong cắt giún cho Anh hùng tượng trưng khi mới lọt O.oa, o.oặc… tiếng rành to.

Bài thơ trên nay không còn giữ được bản gốc và cũng ít được ghi lại trong các sách và tài liệu về Bác Hồ và gia đình. Vào năm 1973, khi vào khảo sát, nghiên cứu tại Khu Di tích lịch sử về thời niên thiếu của Bác Hồ ở Kim Liên, Nghệ An, đoàn sinh viên năm thứ 4 ngành Bảo tồn Bảo tàng thuộc Khoa Lịch Sử, Đại học Tổng hợp Hà Nội đã được các cụ cao tuổi ở Kim Liên kể lại. Người ghi được bài thơ này là ông Hoàng Hồ Tuyên, cháu nội ông Hoàng Phan Quỳnh, lúc đó ông Tuyên là giáo viên Trường cấp II Kim Liên. Ông Hoàng Hồ Tuyên đã được các cụ cao tuổi trong dòng họ cung cấp và ghi lại được  chú thích bài thơ như sau:

Tác giả bài thơ là hai ông Hoàng Phan Kính và Hoàng Xuân Trình làm gửi mừng thọ Bác nhân dịp 19 tháng 5 năm 1950. Ông Hoàng Phan Kính và ông Hoàng Xuân Trình là anh em cùng chung một cố với bà Hoàng Thị Loan, thân mẫu Bác Hồ. Hai ông gọi bà Loan bằng chị. Là anh em con chú con bác, hai ông Kính và Trình đều học chữ Nho nhưng không đậu đạt gì nên chỉ dạy chữ Hán ở quê nhà. Ông Kính kém Bác Hồ một tuổi, đã mất năm 1956, thọ 65 tuổi. Ông Trình hơn Bác Hồ 15 tuổi, mất năm 1954, thọ 78 tuổi.

Những nhân vật được nói đến trong bài thơ như sau:

Cụ Bảng, tức là cụ Phó Bảng, ý nói bà Hoàng Thị Loan;

Dì Dụng, tức là nói dì ruột Bác Hồ, em gái bà Hoàng Thị Loan;

Cụ An, tức là nói cha bà Loan, cụ Hoàng Xuân Đường. Dì và cha bà Loan chuẩn bị chủi trện (Cây rành rành) và tua mo (tức mo cau khô) để sưởi ấm cho người đẻ theo phong tục địa phương.

Ông Hàn, tức ông Hoàng Phan Quỳnh, là cha của Hoàng Phan Kính, Ông Kính là một trong hai tác giả bài thơ. Ông Hoàng Phan Quỳnh đậu cử nhân nhưng không làm quan mà chỉ ở nhà dạy học. Cuối đời ông được nhận sắc hàn lâm nhưng chỉ là hình thức. Theo ông Hoàng Phan Kính kể lại, khi còn nhỏ, Bác Hồ có theo học ông Hàn Quỳnh và cùng bạn học với ông Kính.

Cố Thích, tức là một ông bác trong họ của bà Hoàng Thị Loan, lúc đó cố Thích là Tộc trưởng họ Hoàng.

Bác Hồ sinh ra vào mùa lúa chín vàng, cũng là mùa hoa sen nở. Ngôi nhà ở quê ngoại do ông bà ngoại cắt đất làm khi cho con gái ra ở riêng đã chứng kiến sự ra đời của ba chị em Bác Hồ. Chị cả Nguyễn Thị Thanh, anh trai Nguyễn Sinh Khiêm và Bác. Cụ Đồ Hoàng Đường chọn tên Nguyễn Sinh Cung đặt cho cháu ngoại thứ ba của mình. Thanh, Khiêm, Cung là những cái tên rất có ý nghĩa khi Cụ mong muốn các cháu của mình thanh khiết, khiêm nhường, cung kính, sẽ có chí lớn làm rạng danh tổ tiên, gửi gắm niềm tin và hy vọng vào một thế hệ mới sẽ biết tôn trọng, kính nhường và làm nhiều điều tốt đẹp.

Bác Hồ sống ở quê ngoại trong 5 năm đầu đời. Tại đây đã ghi lại những dấu ấn không phai mờ trong cuộc đời Bác. Khi được ba tuổi thì ông ngoại, cụ Hoàng Xuân Đường qua đời vào năm 1893. Sau tổn thất to lớn đó của gia đình, cha Bác về dạy học ngay tại nhà và không ngừng ôn luyện để tiếp tục thi Hương lần thứ hai (Khoa thi lần một năm 1891 ông không đậu). Vào năm Giáp Ngọ 1894, ngôi nhà của Bác đã chứng kiến những người ruột thịt và bà con xóm giềng đến chúc mừng cha Bác đậu cử nhân trong kỳ thi Hương ở trường Nghệ An. Nguyễn Sinh Cung đã thấy niềm vui của cha mình lần đầu tiên đã báo hiếu với hai họ Hoàng Xuân và Nguyễn Sinh. Sữa và lời ru của mẹ, cơm của bà với dòng nước sông Lam, khí thiêng xứ Nghệ đã từng ngày nuôi dưỡng tuổi ấu thơ êm đềm của Nguyễn Sinh Cung. Năm 1895, một sự kiện không thể nào quên đối với tuổi thơ Bác Hồ, đó là Cha của Người vào Huế dự kỳ thi Hội. Thi không đậu nên cụ Sắc quyết định đưa vợ và hai con vào Huế học Trường Quốc học. Và lần chia tay ấy cũng là lần cuối cùng mẹ của Bác, bà Hoàng Thị Loan xa mái nhà thân thương và không bao giờ được trở lại. Bà đã mất tại Huế vào năm 1901, khi mới 33 tuổi. Kỷ niệm này đối với Bác thật đau lòng, sau này khi đến thăm một trường học thấy có các em bé gái được đến trường, Bác nói với những cán bộ đi cùng răng: Nhìn các cháu gái lại nhớ đến mẹ Bác là con một thầy giáo mà không được đến trường.

Cùng với làng Sen quê nội, làng Hoàng Trù nơi Bác được sinh ra có ý nghĩa rất sâu sắc đối với gia đình của Người. Sau này khi cùng cha và các anh chị về làng Kim Liên, Nguyễn Sinh Cung - Nguyễn Tất Thành vẫn thường đi bộ về thăm quê ngoại. Tất Thành rất thương và quý bà ngoại, nhất là từ khi mẹ qua đời, Thành muốn thay mẹ chăm sóc bà. Chuyện kể rằng, khi nghe tin cụ Nguyễn Thị Kép, bà ngoại bị lâm bệnh, Tất Thành cùng cha và anh về Hoàng Trù chăm sóc. Nhưng vì bệnh nặng nên Cụ đã qua đời vào ngày 7 tháng 4 năm Quý Tỵ, tức ngày 22 tháng 5 năm 1904. Cũng như ông ngoại, cha Bác đã để tang nhạc mẫu theo nghi thức của con trai đối với cha mẹ.

Năm 1959, Ty Văn hóa tỉnh Nghệ An với sự cộng tác của các nhà khoa học và các cụ cao tuổi ở địa phương đã phục dựng lại ngôi nhà Bác cùng với các di  tích gắn liền với tuổi thơ của Người ở quê ngoại Hoàng Trù. Bài thơ mừng thọ Bác ra đời sau 60 năm sinh nhật Bác và cách đây đã gần 70 năm, cùng với những câu chuyện về thời thơ ấu của Bác Hồ sẽ mãi là “di tích phi vật thể” làm giàu thêm giá trị của Di tích quê ngoại Bác Hồ.

TS Nguyễn Thị Tình

 

 

Top