Về miền Quan họ nghe tiếng hát Nghệ nhân Nguyễn Thị Chung

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chung vẫn bảo bà được sinh ra bên dòng sông Cầu thơ mộng như trong cổ tích.

Lớn lên trong tiếng ru của mẹ, lời ca của bà, câu hát Quan họ tình tứ ngấm sâu vào máu thịt mỗi người con đất Kinh Bắc như bà. Từ khi bắt đầu biết bập bẹ, bà Chung đã để ý lắng nghe người lớn cất tiếng hát. Đến khi được 5-7 tuổi, bà đã “học đòi” được nhiều câu hát từ các liền anh, liền chị trong những buổi tối chập chờn ánh đèn dầu giữa canh hát, rồi theo người lớn tham gia các đội Quan họ của thị trấn Lim…  Bà dần trở thành những giọng hát chính trong những canh hát đám, hát hội của làng. Quan họ và việc Mẫu theo bà suốt những năm tháng cuộc đời.

Khi đặt câu hỏi tại sao bà lại say mê Quan họ đến vậy, câu trả lời chỉ là nụ cười hồn hậu, có lẽ chẳng lý giải được tình yêu của bà với Quan họ bởi đó đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc đời bà và gắn chặt với đời sống, sinh hoạt văn hóa tinh thần của cộng đồng nơi đây suốt mấy chục năm qua. Có thể nói, Quan họ là không khí để thở và việc Mẫu là trái tim để sống vậy. Thế nên với bà Chung trở thành nghệ nhân cả đời gắn bó với Lim, với Quan họ như mây quấn quýt với gió ngàn.

Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chung. Ảnh: Trần Anh Tuấn

Đến đền Vọng từ Côn Sơn Kiếp Bạc của gia đình bà Chung khi các học viên lớp Quan họ của bà đang học hát vô cùng say sưa. Từ xa, người ta đã nghe giọng trẻ con trong trẻo: “Khách đến (í) đến chơi (hự hừ) nhà là chơi (hự hừ) nhà…”. Đây là lớp học Quan họ miễn phí mà bà Chung dành cho các cháu thanh thiếu nhi từ 6-18 tuổi. Bà Chung kể, từ lâu bà ấp ủ mong muốn góp phần truyền đạt tất cả vốn liếng dân ca của mình cho thế hệ trẻ, để chúng giữ gìn đúng cách. Thế nhưng, lớp học lại không duy trì được như ý muốn, vì nhiều lý do. Không chấp nhận thực tế đó, bà Chung đã cùng một người bạn của mình là bà Hồng Thái mời các em đến đình làng Lim và đền thờ của gia đình học hát. Vẫn giáo án đó, vẫn là “cô giáo Chung, cô giáo Thái”, nhưng dường như sự thay đổi không gian khiến bọn trẻ chuyên tâm hơn vào việc học. Và, lớp học đó được duy trì đến tận bây giờ.

Với bà, Quan họ giống như là duyên, là nợ. Dù bà kiệm lời khi nói về mình, thế nhưng, nhìn nghệ nhân U60 này say sưa uốn nắn cho “những chồi non Quan họ”, người ta dễ dàng cảm nhận được tâm huyết của bà dành cho loại hình văn hóa phi vật thể của quê hương, của thế giới này lớn lao biết nhường nào. Bà tâm sự: “Mong muốn của tôi là được khỏe mạnh, tiếp tục giữ gìn văn hóa của dân tộc mình, làm sao để di sản của mình lan tỏa đi khắp thế giới”.

Xuân Mậu Tuất, những ngày diễn ra Hội Lim tiết Xuân hanh hao nắng vàng, các làn điệu quan họ vang vọng cả một vùng giúp người ta dễ dàng cảm nhận sự bình yên trong những ngày đầu Xuân. Để di sản này lưu giữ đến ngày hôm nay, không thể thiếu những đóng góp của các nghệ nhân như bà Nguyễn Thị Chung.

Ngọc Ngà

Top