Về Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực Trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng: Ủng hộ quan điểm bảo tồn nguyên vẹn cảnh quan và ngôi nhà Dinh tỉnh trưởng

(TGDS). UBND TP Ðà Lạt đã tổ chức công bố Quyết định số 229/QÐ-UBND ngày 12-2-2019 của UBND tỉnh Lâm Ðồng về việc phê duyệt Đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỷ lệ 1/500 Khu vực trung tâm Hòa Bình, TP Ðà Lạt. Sau khi Đồ án được công bố, liên quan đến tòa nhà 10 tầng dự kiến được xây dựng sẽ làm ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực gắn với Dinh tỉnh trưởng, nhóm Bảo vệ Di sản Việt Nam đã gửi Thư kiến nghị tới Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Về sự việc này, TS Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam, Trưởng Ban Chuyên môn của Hội đã có cuộc trao đổi dưới đây với Tạp chí Thế giới Di sản, Cơ quan ngôn luận của Hội DSVH Việt Nam.

PV: Được biết, vừa qua, một số thành viên nhóm Bảo vệ Di sản Việt Nam đã gửi Thư kiến nghị đến Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam. Nội dung kiến nghị có liên quan đến văn bản quy hoạch chi tiết 1/500 khu vực Trung tâm Hòa Bình, TP Đà lạt, tỉnh Lâm Đồng. Bà có thể nói cụ thể hơn về nội dung Thư kiến nghị?

TS Lê Thị Minh Lý: Đúng như vậy, ngày 16-9-2020, một số nhà báo, kỹ sư, kiến trúc sư thuộc nhóm “Bảo vệ Di sản Việt Nam” đã gửi Thư kiến nghị đến Chủ tịch Hội Di sản văn hoá Việt Nam, phản ánh việc quy hoạch Đà Lạt có liên quan đến câu chuyện cần bảo vệ toà nhà kiến trúc Pháp đầu thế kỷ XX từng là Dinh tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức, thời Việt Nam Cộng hoà.

Theo nội dung Thư kiến nghị, ngày 12-02-2019, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 22-/QĐ-UBND về việc phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực Trung tâm Hòa Bình, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Thư kiến nghị cho biết, đã có hàng trăm bài báo ghi nhận “ý kiến phản đối” của nhân dân cũng như các chuyên gia đầu ngành đối với bản quy hoạch bởi có một số điểm không phù hợp, không giữ được cân bằng giữa bảo tồn và phát triển, làm mất đi bản sắc, giá trị kiến trúc và cảnh quan đặc thù của Đà Lạt. Giá trị di sản ấy không chỉ của người Đà Lạt hay tỉnh Lâm Đồng mà còn là của nhân dân cả nước.

Dinh tỉnh trường nhìn từ hướng cổng vào. Ảnh: thanhnien.vn

PV: Thưa bà, cần nhìn nhận và đánh giá thế nào về giá trị Dinh tỉnh trưởng?

TS Lê Thị Minh Lý: “Dinh tỉnh trưởng” là một công trình có giá trị kiến trúc nghệ thuật gắn với lịch sử đô thị Đà Lạt gần một trăm năm qua. Công trình này là có thể coi là một di sản văn hoá, là di tích gắn với ký ức của nhiều thế hệ người Việt Nam và người nước ngoài sinh sống hoặc có dịp đến nơi đây. Trong những thập niên vừa qua, thành phố Đà Lạt phát triển quá nhanh, hầu hết cảnh quan thiên nhiên đã thay đổi duy chỉ có khu vực đồi Dinh này còn lại tương đối đầy đủ cả di sản vật thể và cảnh quan thiên nhiên, vì vậy càng cần phải ưu tiên giữ gìn như một tài sản quý giá của cộng đồng. 

PV: Vậy quan điểm của Hội Di sản Văn hóa Việt Nam về vấn đề này thế nào, thưa bà?

TS Lê Thị Minh Lý: Sau khi nhận được Thư kiến nghị, chúng tôi đã cùng nhìn nhận, đánh giá giá trị Dinh tỉnh trưởng và thống nhất đồng tình, ủng hộ quan điểm của Hội Kiến trúc sư Việt Nam về việc đề nghị không xây dựng toà nhà 10 tầng trên khu vực đồi Dinh (Vietnamnet 23-9-2020). Đồi Dinh và công trình kiến trúc Dinh tỉnh trưởng là một di sản văn hoá cần được bảo tồn nguyên vẹn và phát huy giá trị một cách bền vững.

Hội Di sản Văn hóa Việt Nam mong rằng, ngành Văn hoá, chính quyền địa phương quan tâm tu bổ, sửa chữa, phục hổi và sớm làm các thủ tục pháp lý để bảo vệ ngôi nhà cùng cảnh quan của nó như một di sản văn hoá của tỉnh và của quốc gia.

PV: Xin cảm ơn Phó Chủ tịch!

                                                                   Hoàng Vân (thực hiện)

Dinh tỉnh trưởng là khu vực rộng gần 17.000m2, tại đây có dinh tỉnh trưởng là một kiến trúc đẹp với diện tích hơn 1.500m2. Đồi dinh (nơi tọa lạc dinh tỉnh trưởng) có thể nói là nơi duy nhất ở khu vực trung tâm TP Đà Lạt có diện tích đất lớn, vị trí cao và đẹp nhất. Đồng thời, đây cũng là mảng xanh quan trọng bên cạnh đồi Cù (đang thuộc sở hữu của Công ty Hoàn Cầu Đà Lạt).

Tại nhà trưng bày rạp Hòa Bình, UBND TP Đà Lạt đã trưng bày 3 mô hình của 3 phương án quy hoạch kiến trúc khu đồi dinh do 3 nhóm kiến trúc sư khác nhau thực hiện.

Cả 3 phương án đươc trưng bày đều gìn giữ khối kiến trúc Dinh tỉnh trưởng. Đặc biệt phương án 1 đưa Dinh tỉnh trưởng lên cao 28m so với hiện nay. Phương án 2 cũng giữ nguyên Dinh tỉnh trưởng, bao quanh là khối nhà hình chữ U cao 10 tầng. Phương án 3 cũng để Dinh tỉnh trưởng “yên vị” nhưng cạnh đó là khối khách sạn đồ sộ hình vòng cung, tựa như kiến trúc Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt.

 

Có thể bạn quan tâm

Top