Vai trò của lạc đà trong di sản văn hoá Ả-rập Xê-út

Ngày 14/6, tại Đại học quốc gia Hà Nội, đã diễn ra Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế lạc đà với chủ đề: “Vai trò của lạc đà trong di sản văn hoá Ả-rập Xê-út”.

Chương trình do Đại sứ quán Ả-rập Xê-út tại Việt Nam phối hợp với Trường Đại học quốc gia Ngoại ngữ (Đại học quốc gia Hà Nội) tổ chức với sự tham dự của đại diện Đại sứ quán Vương quốc Ả-rập Xê-út; Trường ĐH Ngoại ngữ; các viện nghiên cứu, trường đại học, cao đẳng, và các tổ chức về di sản văn hóa du lịch; các vị cựu đại sứ, nhà ngoại giao Việt Nam tại các nước Ả Rập và sinh viên, cộng đồng những người Việt Nam quan tâm và yêu mến tìm hiểu di sản văn hóa Ả-rập...

Chương trình thu hút sự tham dự của đại diện các cơ quan liên quan; sinh viên, cộng đồng những người Việt Nam quan tâm và yêu mến tìm hiểu di sản văn hóa Ả-rập

Lạc đà - biểu trưng văn hóa

Phát biểu tại Chương trình, ông Hamoud Naif S. Almutairi, đại diện Đại sứ quán Ả-rập Xê-út khẳng định: Trong suốt chiều dài của lịch sử, lạc đà là loài vật thân thương, có dấu ấn sâu đậm trong đời sống cư dân bán đảo Ả rập. Lạc đà được ví như “con tàu sa mạc” bởi nhờ có lạc đà mà người Ả rập khi xưa mới có thể định cư và di chuyển trên sa mạc. Lạc đà được nhắc đến trong thiên kinh Qur’an và chiếm vị trí cực kỳ quan trọng trong tâm trí của người dân Ả rập thuở ban sơ.

Ông Hamoud Naif S. Almutairi, đại diện Đại sứ quán Vương quốc Ả-rập Xê-út phát biểu tại buổi Lễ

“Chúng tôi vô cùng tự hào và đánh giá cao những giá trị biểu trưng to lớn của lạc đà trong nền văn hóa Ả Rập. Chúng tôi nhận thức rõ, văn hóa Ả rập cần phải thể hiện, lưu giữ và phản ánh được mối quan hệ gắn bó chặt chẽ vốn có từ thời cổ đại giữa người dân ẢtRập và lạc đà. Mối quan hệ này tiếp tục được củng cố, phát triển cho đến ngày nay. Chính phủ Vương quốc Ả-rập Xê-út luôn quan tâm chăm sóc và bảo tồn lạc đà vì đó là niềm tự hào và là một phần tất yếu trong nền văn minh và lịch sử Vương quốc Ả-rập Xê-út, thậm chí những đặc điểm và phẩm chất của lạc đà đã được đưa vào ca dao, tục ngữ và cả các tác phẩm văn học, thơ ca Ả-rập Xê-út” - ông Hamoud Almutairi nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hamoud Naif S. Almutairi, nhằm bảo tồn và đề cao tầm quan trọng của lạc đà, Hội đồng Bộ trưởng Ả-rập Xê-út đã quyết định chọn năm 2024 là “Năm Lạc đà”, nhằm tôn vinh những giá trị văn hóa độc đáo của lạc đà trong đời sống của người dân Bán đảo Ả Rập, cũng như củng cố vị thế vững chắc và tăng cường sự hiện diện của lạc đà trong khu vực và trên trường quốc tế.

Bà Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ phát biểu tại buổi Lễ

Lạc đà trong di sản văn hóa

“Hajini” là loại hình hát xướng kết hợp giữa thơ, ca hát và nhịp điệu, thể hiện mối quan hệ khăng khít giữa con người và lạc đà cũng như giữa nghệ thuật và đời sống sinh hoạt hàng ngày trong văn hóa Ả-rập Xê-út. Loại hình hát xướng này có nhịp điệu phù hợp với bước đi và chuyển động của lạc đà khi tản bộ hoặc chạy.

Một đoàn người du mục biểu diễn hát Hajini trong một dịp lễ tết tại Tabuk, Ả-rập Xê-út

Hát Hajini là nghệ thuật hát của người dân miền Bắc Ả-rập Xê-út, các ngôi làng ở vùng Najd và sa mạc ở đó nên ca từ của loại hình nghệ thuật này dựa trên các bài thơ của người Nabataean cổ đại do các thi sĩ của họ sáng tác bằng phương ngữ và phong cách hát riêng của mình.

Hajini được biểu diễn trên lưng lạc đà với nhịp điệu ca hát phù hợp với nhịp bước của chúng.

“Heda'a Al Ebel” là cách hò gọi có nhịp điệu mà những người chăn lạc đà sử dụng để tập hợp đàn lạc đà lại quanh mình khi chúng đang phân tán tách khỏi nhau, hay là gọi để chúng đi thành đoàn theo một hướng cụ thể. Hò gọi lạc đà có nhiều kiểu, trong đó có “Heda’a Alob” được sử dụng trên đường trở về nhà, “Heda’a Alward” được sử dụng khi tìm thấy nguồn nước. Lời của hình thức hò gọi này thường chỉ là những câu ngắn ít từ và tác động vào tâm lý. Ngày 30 tháng 11 năm 2022, “Heda’a Al Ebel” đã ghi danh vào đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO).

Năm 2022, “Heda’a Al Ebel” đã ghi danh vào đưa vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO)

Lễ hội Lạc đà mang tên Quốc vương Abdulaziz được tổ chức hằng năm tại khu vực Umm Ruqaybah gần khu Al Artawiyah, Ả-rập Xê-út với với rất nhiều sự kiện đi kèm cùng sự tham gia đông đảo của các thương nhân, chủ sở hữu và tất cả những ai quan tâm đến lạc đà. Lễ hội được tổ chức nhằm củng cố và phát huy các giá trị di sản gắn với hình ảnh con lạc đà trong văn hóa Ả-rập Xê-út nói riêng cũng như trong văn hóa Ả Rập và Hồi giáo nói chung, đồng thời đem đến một hệ thống kinh tế tích hợp cho việc đấu giá và các ngành công nghiệp liên quan đến lạc đà, gia tăng lợi ích cho xã hội và những người quan tâm đến di sản đậm đà bản sắc Ả Rập này.

Đây là dịp để khách tham dự có thêm thông tin về biểu tượng “lạc đà” của thế giới Arab

Lễ kỷ niệm Ngày quốc tế lạc đà là cơ hội để khách tham dự có thêm thông tin về biểu tượng “lạc đà” của thế giới Arab, như bà Hà Lê Kim Anh - Phó Hiệu trưởng trường Đại học ngoại ngữ chia sẻ: Biểu tượng lạc đà, mà mỗi khi nhắc đến có thể tưởng tượng ngay tới sa mạc mênh mông, cát vàng phủ kín, nhưng, không phải ai cũng biết rõ vai trò của lạc đà trong đời sống của người dân Arab.

Khách tham dự trải nghiệm hoạt động tô tượng

Trong khuôn khổ của chương trình, khách tham dự được trải nghiệm hoạt động tô tượng.

Quỳnh Hương

 

 

Top