Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Nha Trang: Nụ hôn của hòa bình với chiến tranh trên biển Cam Ranh

Tuổi trẻ Bác Hồ đã đi xuyên suốt từ miền Trung vào Nam Bộ đến Sài Gòn. Nhưng khi trở thành Chủ tịch nước thì Người chỉ một lần duy nhất đến Cam Ranh, và nơi đây là vùng duyên hải cuối cùng của miền Nam mà Bác đến. Rời Cam Ranh, Bác đã nói với những người cùng đi rằng: Đất nước ta có nhiều vịnh lớn và đẹp, nhưng Cam Ranh là vịnh đẹp và có thế chiến lược vào bậc nhất. Cam Ranh được đánh giá là một trong 3 cảng tự nhiên tốt nhất thế giới, hai cảng còn lại là San Francisco của Mỹ và Rio de Janero của Brazil. Cam Ranh có đủ 3 yếu tố cơ bản: chiều rộng, độ sâu và được che chắn tốt, lại nằm trong vùng rất ít bão.

Từ cảng Nhà Rồng đến vịnh Cam Ranh

Đó là hai địa danh ghi dấu ấn quan trọng trong chặng đường đấu tranh vì độc lập, thống nhất, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Cảng Nhà Rồng, nơi người thanh niên Nguyễn Tất Thành với thân phận làm người phụ bếp làm thuê trên một chiếc tàu buôn của Pháp bắt đầu cuộc hành trình cứu nước năm 1911. Vịnh Cam Ranh, nơi diễn ra cuộc gặp lịch sử của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Đô đốc Đácgiăngliơ, Cao ủy Pháp ở Đông Dương vào năm 1946 nhằm kiên quyết bảo vệ nền độc lập, thống nhất của Tổ quốc vừa giành được trong cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Lịch sử dân tộc ta không thể quên cuộc đấu tranh nhằm giữ vững và củng cố chính quyền cách mạng trong những năm 1945 - 1946. Đó là một cuộc đấu tranh chống thù trong giặc ngoài, vừa phải đối phó với 20 vạn quân Tưởng và bọn phản động ở miền Bắc với âm mưu “diệt cộng, cầm Hồ”, vừa phải đối phó với quân Anh ở miền Nam và nấp sau quân Anh là quân đội Pháp với âm mưu trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Với Hiệp định Sơ bộ ngày 6 tháng 3 năm 1946 với Pháp, chúng ta đã đẩy được 20 vạn quân Tưởng về nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đội chiếc mũ Hải quân nhân dân Việt Nam khi đến thăm một đơn vị hải quân đang sẵn sáng chiến đấu bảo vệ vùng biển Tổ quốc, ngày 22-1-1962. Ảnh: TTXVN

Sau đó, vào ngày 31 tháng 5 năm 1946 theo lời mời của Chính phủ Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên đường thăm nước Pháp. Cùng ngày đó phái đoàn của Chính phủ ta do đồng chí Phạm Văn Đồng dẫn đầu cũng sang đàm phán với Chính phủ Pháp tại Phôngtennơblô. Tuy nhiên, với âm mưu quyết tâm trở lại xâm lược nước ta, cuộc đàm phán giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Pháp tại Phôngtennơblô không đi đến kết quả. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa tỏ rõ thiện chí hòa bình, tranh thủ thời gian hòa hoãn, Người đã đàm phán và ký kết với đại diện Chính phủ Pháp là Bộ trưởng Pháp quốc Hải ngoại Mariuýt Mutê (Marius Moutet) bản Tạm ước 14 tháng 9 năm 1946.

Tạm ước 14-9 gồm 11 điều khoản, trong đó nội dung cơ bản là ở Điều 9 như sau: Pháp cam kết thi hành quyền tự do dân chủ ở Nam Bộ và cuộc trưng cầu dân ý ở Nam Bộ để chấm dứt mọi hành động chiến tranh sẽ được tổ chức vào ngày 30-10-1946. Và ngay sau khi ký Tạm ước, một Tuyên bố đã được đưa ra, nêu rõ: Hai Chính phủ quyết tâm theo đuổi trên tinh thần tin cậy lẫn nhau, một chính sách hòa hợp và cộng tác đã được thiết lập với Hiệp định Sơ bộ 6-3-1946 và nói rõ trong các cuộc đàm phán Pháp - Việt tại Đà Lạt và Phôngtennơblô. Tuyên bố cũng nêu rõ: Hai bên căn cứ theo Hiệp định 6-3 vẫn còn hiệu lực, nhận thấy đã đến lúc phải ghi thêm một tiến bộ mới trong sự phát triển các quan hệ Việt - Pháp, trong khi chờ đợi hoàn cảnh thuận tiện cho Pháp ký kết một hiệp định trọn vẹn và vĩnh viễn.

Ngay sau đó tất cả những nội dung trên đã được truyền đạt tới Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ ở Đông Dương. Mặc dù rất hằn học bởi những nội dung đó không đúng với ý đồ của mình nhưng Đácgiăngliơ vẫn buộc phải chấp nhận và đã điện mời gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đường từ Pháp về Hà Nội tại vịnh Cam Ranh.

Và biển Cam Ranh đã chứng kiến cuộc gặp lịch sử, một cuộc đấu trí của Chủ  tịch Hồ Chí Minh với thế lực chiến tranh nhằm bảo vệ thành quả của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại.

Nụ hôn của hòa bình với chiến tranh trên biển Cam Ranh

Ngày 19-9-1946 từ cảng Tulông (Toulon) của Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh và đoàn Việt Nam lên tàu chiến Đuymông Đuyếcvin (Dumont Durville) vượt Đại Tây Dương, nhằm hướng Thái-Bình-Dương.  Một tháng sau, ngày 18 tháng 10 năm 1946 tàu tới vịnh Cam Ranh. Tại đây trên tuần dương hạm Pháp Xuphơren (Suffren), Cao ủy Pháp Đácgiăngliơ và tướng Luitxơ Môlie, đại diện của Pháp tại Hà Nội ra tận boong tàu đón Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tàu được trang hoàng lộng lẫy với các loại cờ hiệu, quốc kỳ Pháp, lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam. Quân Pháp giương hết các loại súng theo nghi thức đón tiếp nguyên thủ quốc gia.

Chúng ta được biết cuộc gặp lịch sử ấy phía Việt Nam ngoài Bác Hồ chỉ có một người Việt Nam duy nhất được tham dự là bác sỹ Trần Hữu Tước (Lúc đó ông cùng với ba Việt kiều yêu nước tình nguyện theo Bác về Việt Nam tham gia kháng chiến, là các kỹ sư Trần Đại Nghĩa, kỹ sư Võ Quý Huân, kỹ sư Võ Đình Quỳnh. Cùng đi trên tàu trở về còn có thư ký và cận vệ của Bác lúc đó là Đỗ Đình Thiện và Vũ Đình Huỳnh). Sau này Giáo sư Trần Hữu Tước kể trong Hồi ký của mình: Theo sau Đácgiăngliơ và Móclie là một đoàn tùy tùng quân phục lòe loẹt với những kiếm, dù vàng bạc, hai tên vác kích sáng loáng. Trong khi đó Bác Hồ chỉ xách cây gậy và cầm chiếc mũ cứng cùng màu vàng nhạt với bộ quần áo quen thuộc. Sự giản dị và phong độ ung dung, thư thái của Bác càng tôn vẻ vĩ đại của Bác hơn. Rõ ràng trong cuộc gặp này Bác là người chủ, chủ của biển cả, chủ của đất trời Cam Ranh. Trông Bác vô cùng gắn bó với giang sơn, còn các thứ lòe loẹt kia càng trở nên xa lạ, lố lăng, kệch cỡm.

Biết là cuộc kháng chiến sẽ không thể tránh khỏi, nhưng cuộc chiến đấu trên mặt trận ngoại giao của Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp tục trong cuộc gặp ở vịnh Cam Ranh, càng tỏ rõ bản lĩnh và trí tuệ của Người. Giáo sư Trần Hữu Tước kể tiếp: Tại cuộc hội đàm Bác ngồi giữa một bên là Đô đốc hải quân Pháp ở Thái Bình Dương, một bên là Thống soái lục quân ở Viễn Đông. Đácgiăngliơ cười nói, bóng gió giới thiệu: “Thưa Chủ tịch, Chủ tịch đang bị đóng khung giữa lục quân và hải quân đó”, viên Cao ủy Pháp cố tình nhấn mạnh những từ “đang bị đóng khung” rồi cười khoái chí. Rất nhanh, Bác Hồ thản nhiên mỉm cười trả lời bằng tiếng Pháp, rất khôn khéo và cương quyết: “Nhưng mà, đô đốc biết đó, chính bức họa mới đem lại giá trị cho chiếc khung”. Đácgiăngliơ lại nói: “Chủ tịch thật quen với biển cả, có lẽ xin tặng Người danh hiệu “người thủy thủ nhỏ” như quân đội Pháp đã quý mến tặng Napoleon cái tên “người đội trưởng nhỏ”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đáp lại: “Phải, người thủy thủ nhỏ của Hải quân Việt Nam”.

Vịnh Cam Ranh. Ảnh: Internet

Cuộc gặp diễn ra trong khoảng 02 giờ đồng hồ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết bác bỏ yêu cầu của Đơcgiănglio đòi quân đội Việt Nam ở miền Nam phải rút về miền Bắc. Có một chi tiết rất đáng nhớ mà Giáo sư Trần Hữu Tước kể: Sau hội đàm, khi bắt tay từ biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh bỗng ôm hôn Cao ủy Đácgiăngliơ, ông ta lúng túng bị bất ngờ, mấy giây sau ông ta ôm lại. Các phóng viên báo chí chứng kiến cũng hết sức ngạc nhiên, họ chen nhau chụp ảnh, ghi chép. Có nhà nghiên cứu bình luận đó là nụ hôn hòa bình với chiến tranh. Bởi vì chỉ hai tháng sau đó, ngày 19-12-1946, trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: Chúng ta muốn hòa bình, chúng ta đã nhân nhượng. Nhưng chúng ta càng nhân nhượng, thực dân Pháp càng lấn tới, vì chúng quyết tâm cướp nước ta một lần nữa.

Và Tượng đài Bác Hồ ở thành phố Cam Ranh

Chỉ có hai ngày ở Cam Ranh, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã để lại những kỷ niệm sâu sắc trong lịch sử cuộc đấu tranh ngoại giao trong thời điểm nóng bỏng những năm 1945-1946. Ý nghĩa của cuộc gặp ở Cam Ranh là một phần quan trọng trong thực hiện chủ trương trì hoãn và kéo dài thời gian chuẩn bị cho cuộc kháng chiến toàn quốc. Về phương diện ngoại giao, cuộc gặp ở Cam Ranh đã nâng tầm vị thế của Việt Nam trong tình thế khi chưa có nước nào công nhận chính quyền non trẻ của ta.

Tuổi trẻ Bác Hồ đã đi xuyên suốt từ miền Trung vào Nam Bộ đến Sài Gòn. Nhưng khi trở thành Chủ tịch nước thì Người chỉ một lần duy nhất đến Cam Ranh, và nơi đây là vùng duyên hải cuối cùng của miền Nam mà Bác đến. Rời Cam Ranh, Bác đã nói với những người cùng đi rằng: Đất nước ta có nhiều vịnh lớn và đẹp, nhưng Cam Ranh là vịnh đẹp và có thế chiến lược vào bậc nhất.

Biểu dương các đội viên tiêu biểu tại Tượng đài Bác Hồ - Công viên 18/10, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: Internet

Cam Ranh được đánh giá là một trong 3 cảng tự nhiên tốt nhất thế giới, hai cảng còn lại là San Francisco của Mỹ và Rio de Janero của Brazil. Cam Ranh có đủ 3 yếu tố cơ bản: chiều rộng, độ sâu và được che chắn tốt, lại nằm trong vùng rất ít bão.

Ông cha ta từ ngàn xưa dù chưa đủ lực và trình độ như bây giờ nhưng đã biết vươn ra biển từ rất sớm. Từ thế kỷ 17,18 các cụ đã quản lý và khai thác Hoàng Sa, Trường Sa. Và để quản lý những đảo và quyền lợi biển như thế thì nhất định phải có căn cứ trên biển. Nay đất nước phát triển, khoa học kỹ thuật ngày càng tiên tiến thì Cam Ranh sẽ là căn cứ lý tưởng.

Thiên nhiên đã phú cho Cam Ranh những điều kiện cực kỳ thuận lợi nên đã trở thành căn cứ chính của Hải Quân nhân dân Việt Nam. Ngày 8-3-2016, Quân chủng Hải quân Việt Nam đã tổ chức Lễ khai trương cảng quốc tế Cam Ranh, xây dựng, phát triển nơi đây trở thành căn cứ bảo vệ an ninh của đất nước, duy trì hòa bình, ổn định các nước trong khu vực và thế giới.

Năm 2006, Tỉnh ủy Khánh Hòa đã phối hợp với Viện Sử học Việt Nam, Viện Nghiên cứu Lịch sử quân sự, Viện Lịch sử Đảng, vùng 4 Hải quân…tổ chức cuộc Hội thảo “60 năm ngày Bác Hồ đến Cam Ranh”.

Sau hội thảo, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Khánh Hòa, Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được khởi công xây dựng trong Công viên 18-10. Năm 2008 Lễ khánh thành trọng thể đã được tổ chức. Tác giả bức tượng là nhà điêu khắc Trần Việt Hưng, tượng cao 4 mét, dáng Bác đứng ung dung trên mũi tàu phần đế tượng cao 4m, chất liệu công trình bằng đá granit.

Vịnh Cam Ranh như một dải lụa xanh của Nha Trang đã nổi tiếng từ lâu. Núi và biển Cam Ranh kết hợp với nhau tạo thành bức tranh thiên nhiên tuyệt tác. Phong cảnh hiếm có của Cam Ranh - Nha Trang đang là điểm đến lý tưởng cho du lịch trong nước và quốc tế. Đảo Bình Ba quanh năm lộng gió, sóng nước mênh mông, nơi đây có làng chài Bãi Nồm rất sầm uất. Hải sản ở Cam Ranh rất phong phú. Tôm hùm Bình Ba/ Nai khô Diên Khánh/ Cá tràu Võ Cạnh/ Sò huyết Thủy Triều - những đặc sản nổi tiếng của Cam Ranh ai cũng muốn một lần thưởng thức.

Biển Cam Ranh đúng là một tài sản chiến lược của nước ta. Cam Ranh hiện nay đang được sử dụng và khai thác ngang tầm vốn có của vùng biển này, vừa đáp ứng nhiệm vụ phòng thủ biển đảo, phát triển kinh tế và hợp tác hội nhập quốc tế.

Trong công cuộc đưa Cam Ranh “cất cánh”, Công viên 18-10 và Tượng đài Bác Hồ ở thành phố là một biểu tượng thiêng liêng để kể mãi câu chuyện Người đã đến Cam Ranh, một biểu tượng Người vẫn sống mãi với núi sông, đất trời, với biển cả Việt Nam.

TS Nguyễn Thị Tình

Nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh

 

Top