Tục xin chữ - cho chữ những ngày Tết đến xuân về
Năm cũ sắp trôi qua, khi mọi nhà đã sắm sửa được cái tết về vật chất, nồi bánh chưng đang sôi, bàn thờ gia tiên đã mãn quả, ông Táo đang về Trời, trẻ con nô nức pháo hoa áo mới, thì chủ nhà cũng không quên đi xin cho được câu đối - con chữ mang về để đón chào năm mới. Con chữ ngày Tết đến với dân Việt từ lâu, những ghi chép của sử sách không đầy đủ, cách quãng, rất ít được thể hiện, để chúng ta tìm về, hiểu thấu một phong tục không thể vắng thiếu trong sinh hoạt truyền thống của cộng đồng. Cách đây gần trọn một thế kỷ, nhà thơ Vũ Đình Liên, một vị túc Nho, đã từng chứng kiến những ông Đồ cứ Tết đến xuân về bày mực tàu giấy đỏ để cho bàn dân thiên hạ đến xin chữ, rồi cũng thật buồn khi không còn ai đến xin chữ ông Đồ nữa, và những ông Đồ biến mất lúc nào không ai hay! Bài thơ Ông Đồ như một hoài niệm vô cùng buồn và nhớ tiếc về ông Đồ từng ngồi cho chữ trên phố cổ, về một phong tục đẹp đã bị mai một bởi trào lưu Tây hóa không gì cưỡng nổi. Xin đọc tiếp bài thơ:
Ông Đồ
Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy Ông Đồ già
Bày mực tàu giấy đỏ
Bên phố đông người qua
Bao nhiêu người thuê viết
Tấm tắc ngợi khen tài
Hoa tay thảo những nét
Chữ phượng múa rồng bay
Nhưng mỗi năm mỗi vắng
Người thuê viết nay đâu
Giấy đỏ buồn không thắm
Mực đọng trong nghiên sầu
Ông Đồ vẫn ngồi đấy
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài giời mưa bụi bay
Năm nay Đào lại nở
Không thấy Ông Đồ xưa
Những người muôn năm cũ
Hồn ở đâu bây giờ?
Tục xin chữ - cho chữ truyền thống bị lãng quên gần hết thế kỷ XX, bởi Nho học như là một cản trở cho công cuộc Tây hóa và kinh dinh đất nước. Những Ông Đồ cho chữ, những người xin chữ vắng đi khắp nơi từ thị thành đến thôn quê, cứ tưởng tục tập này sẽ bị chôn vùi không có cơ may tái xuất hiện trong đời sống đương đại.
Vậy mà hơn ¼ thế kỷ qua, sự trở lại một cách mãnh liệt của tục xin chữ - cho chữ, như làm dấy lên một trào lưu mới của học hành - thi cử, ai cũng mong muốn có được nhiều con chữ hơn để lập nghiệp khi vào đời. Trong đời sống hàng ngày của cộng đồng, ai cũng hiểu rằng mọi cố gắng của bản thân, sự lao động cần cù của mỗi người sẽ đưa lại cho họ nhiều kết quả tốt đẹp; song cái sự thật tệ hại, là ở chỗ, nhiều thành quả lao động là kết tinh không chỉ của lao động mà bằng may rủi nữa là đằng khác, chẳng hạn lúa trổ vào đúng mưa bão là phi tang cả một mùa làm ăn nhọc nhằn của nhà nông; cho nên cứ dịp xuân về Vua Chúa ở Triều đình làm Lễ Tịch điền, ở làng quê các lão nông làm Lễ Xuống đồng, như để cầu mong trời đất phù hộ cho mùa màng bội thu. Đạo học cũng vậy, sự học là kết tinh của thầy dạy tốt, trò học tốt, và không thầy đố mày làm nên! Không ai phủ nhận điều đó, nhưng dạy tốt học tốt là chưa hoàn toàn, trong học hành thì đã đành, còn trong thi cử thì cần có sự may rủi. Từ bao đời nay, dân gian đã tổng kết sự thành đạt hay không của học hành - thi cử là: học tài - thi phận như một khuyên răn rằng anh chớ cậy vào cái tài năng vốn có của anh, còn cái vận hạn (đỗ hay hỏng) của anh quyết định anh có đạt được hay không? Do đó người ta mới nghĩ ra cách đi xin chữ của Thánh hiền, như một sự bảo lãnh của Tiên thánh, khi sắp xếp cho con được ghé vào danh sách của những người thành đạt. Trước mỗi kỳ thi, không chỉ nắm vững kiến thức, mà còn phải dự liệu những may rủi trong thi cử, giữ gìn, kiêng kỵ khi xuất hành, kể cả giữ mồm giữ miệng trong giao tiếp và câu chữ trong bài vở…Một tổng kết có giá trị thực tiễn, là số người học giỏi thường đỗ đạt cao, tỷ lệ người hỏng (do may rủi) là không đáng kể; còn những người học không giỏi đỗ đạt rất ít, tỷ lệ người đỗ đạt (do may rủi), cũng chẳng bao nhiêu!
Tục xin chữ - cho chữ đầu năm đã và đang là một nét văn hóa đẹp. Cứ Tết đến xuân về, tại các thành phố lớn trong cả nước, đều có chọn những mạch đất Thánh hiền ngự trị để giành cho người cho chữ và người xin chữ, mà Văn Miếu - Quốc Tử Giám Hà Nội là một điển hình. Sau lễ đưa tiến đưa ông Táo về Trời (23 tháng Chạp), người ta đã rục rịch chuẩn bị mọi thứ cho ngày khai trương, tất nhiên cũng chỉ là chuẩn bị một vài hoạt động cho chữ - xin chữ cho Giao thừa đã được thực hiện; nhưng tất cả phải chờ đến sau Tết, khi mọi nhà đã hoàn tất thủ tục tiễn đưa năm cũ, nghênh đón năm mói. Theo truyền thống dân tộc, lễ đón xuân sang đối với những người con hiếu thảo và học trò hiền là tôn vinh ba bậc: cha-mẹ-thầy, trong ba ngày Tết thì: mùng Một tết Cha - mùng Hai tết Mẹ-mùng Ba tết Thầy. Thế là hết ba ngày Tết một cách nhanh chóng, chung quanh với bậc sinh thành và thầy dạy dỗ.
Và tục xin chữ - cho chữ phải sau ngày lễ thầy. Nhiều hình ảnh ghi lại không khí nhộn nhịp xin chữ - cho chữ tại khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau Tết Nguyên đán nhộn nhịp đến ngần nào! Mọi lứa tuổi, dù hoạt động trong lĩnh vực kinh tế - xã hội nào đều có tâm nguyện xin chữ, cầu mong cho cuộc sống của mình, tùy theo mỗi hoàn cảnh mà xin được những chữ như ý, thỏa mãn nguyện vọng của mình; nhưng đông đảo nhất vẫn là lứa tuổi học trò, đặc biệt là học sinh lớp 12, những Tú tài tương lai mấp mé để trở thành những Cử nhân trong vòng 5 năm tới. Các em thường đi thành tốp, hoặc theo cha mẹ để bậc phụ huynh chứng kiến nghi thức trọng đại này, có khi chính cha mẹ chủ động và thuyết phục con em tiến hành một cách trọng thể tục xin chữ, mà cho đó là dấu hiệu của sự thành đạt sắp tới.
Có một sự thật là, người đi xin chữ, khi đứng trước người cho chữ, thường lung túng, không biết nên xin thầy chữ gì? Thầy cũng ngỡ ngàng với người xin chữ, và cách duy nhất là người xin chữ nêu ý tưởng và mong muốn trong tương lai, từ đó người cho chữ tìm cho người xin chữ, những chữ có thể thích hợp, để thầy phóng bút. Theo truyền thống, thì chữ Hán được ưa thích nhất, bởi nghĩa sâu xa của nó; nhưng đến nay chữ Nôm cũng rất thông dụng trong tục xin chữ - cho chữ, và chữ Việt, bằng nhiều thể chữ đã và đang được những người xin chữ - cho chữ thể hiện.
Cùng với tục xin chữ - cho chữ truyền thống như chúng ta thấy, không chỉ trong dịp Tết Nguyên đán, mà trong bất cứ trường hợp nào có liên quan, người ta làm những thủ tục xin chữ mà không thể hiện bằng bút pháp nét chữ, đó là thắp một nén nhang trước đền thờ danh nhân Nho học, trước bia Tiến sĩ, nhất là bia của các bậc Trạng nguyên… khấn khứa thầm xin các vị độ trì cho sự nghiệp học hành thi cử của mình một cách hanh thông.
Là một nét đẹp của văn hóa truyền thống, màu sắc của sự may rủi đan chen vào hoạt động trần tục, ai cũng biết là bất học bất tri lý, có nghĩa là không học thì ngu dốt, không học thì thi cử không nên thân, đừng nhờ cậy vào vận hạn làm chi! Song như ma ám, có người cứ mê muội vào đức tin, không biết mình có khả năng để thành đạt trong thi cử, đã làm những việc dại dột, hủy hoại thân phận mình một cách uổng phí! Con đường đi của chúng sinh, không chỉ có một là học hành - thi cử, không phải ai ai cũng theo học cho đến kỳ tài, điều đó chỉ giành cho một số ít, có tư chất hơn hẳn mọi người. Cho dù có sự phù giúp của Thánh nhân, nhưng cái đạo học và sau đó là thi cử, phải là cố gắng của mỗi thành viên, nhất là thế hệ học sinh, những chủ nhân tương lai của cộng đồng, hãy theo lời giáo huấn: Học! Học nữa! Học mãi!
Bùi Thiết