Từ câu chuyện xâm phạm Di sản Thế giới Tràng An, nghĩ về cách thức quản lý di sản tại Việt Nam

Ngày 23-6-2014, tại Thủ đô Doha (Qatar), với sự đồng thuận tuyệt đối của Ủy ban Di sản thế giới, Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) chính thức trở thành Di sản thế giới hỗn hợp đầu tiên của Việt Nam khi đáp ứng cả hai yếu tố nổi bật về văn hóa và thiên nhiên. Tràng An hiện cũng là di sản thế giới kép đầu tiên và duy nhất ở khu vực Đông Nam Á. Trong quy hoạch phát triển du lịch tại Việt Nam, Tràng An cũng là địa danh được đầu tư để trở thành một khu du lịch tầm cỡ quốc tế. Tuy nhiên, gần đây, Khu Danh thắng Tràng An đã bị xâm phạm nghiêm trọng khi Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An tự ý đầu tư, mở điểm du lịch có tên là “Tràng An Cổ,” tại khu vực núi Cái Hạ.

Tràng An nằm ở khu vực ranh giới giữa huyện Hoa Lư với các huyện Gia Viễn, Nho Quan, thành phố Tam Điệp và thành phố Ninh Bình. Về mặt hành chính, vùng lõi Tràng An nằm trên 12 xã: Trường Yên, Ninh Hải, Ninh Hòa, Ninh Xuân, Ninh Vân, Ninh Thắng (Hoa Lư); Ninh Nhất, Ninh Tiến (TP. Ninh Bình) Gia Sinh (Gia Viễn); Yên Sơn (Tam Điệp) và Sơn Hà, Sơn Lai, (Nho Quan). Vùng lõi Tràng An có diện tích hơn 6.172 ha, chủ yếu thuộc 2 xã Trường Yên và Ninh Hải (huyện Hoa Lư) là vùng bảo vệ đặc biệt của danh thắng. Vùng bảo vệ đặc biệt này nằm trọn trong quy hoạch Khu du lịch Tràng An với diện tích 12.252 ha.

Tham quan Quần thể danh thắng Tràng An. Ảnh: vietnamtourism.gov.vn

Tại Khu Du lịch Tràng An (xã Trường Yên), trên núi Cái Hạ, nhiều tháng nay xuất hiện cột bê tông, bậc thang lên xuống đỉnh núi khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép. Điều đáng nói là núi Cái Hạ nằm trong vùng lõi của di sản đã được UNESCO công nhận. Công trình được Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An do ông Nguyễn Văn Son làm Giám đốc, xây dựng (đơn vị khai thác Khu du lịch Tràng An cổ) từ tháng 8-2017. Trong vòng khoảng 6 tháng xây dựng, dự án được Công ty gọi là đường lên đỉnh Huyền Vũ - nơi Vua lập đàn kính thiên, hoàn thành và đưa vào khai thác từ Tết Nguyên đán Mậu Tuất. Công trình được doanh nghiệp xây dựng với quy mô lớn, hàng trăm cột bê tông được khoan, dựng trên đá tai mèo, hơn 2.000 bậc thang, hệ thống lan can, được lắp đặt với chiều dài toàn bộ con đường lên xuống là hơn 1km. Không chỉ hàng chục tấn bê tông, cốt thép vận chuyển đến xây dựng bậc thang lên xuống làm phá vỡ cảnh quan của khu vực núi Cái Hạ (vũng lõi di sản), Công ty CP Du lịch Tràng An còn tự ý xây dựng nhiều hạng mục liên quan đến “đường lên đàn kính thiên” này như: nhà vệ sinh, đền thờ, cầu…

Sau khi kiểm tra hiện trạng công trình, Sở Du lịch Ninh Bình nhiều lần có văn bản yêu cầu huyện Hoa Lư xử lý những vi phạm mà Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An đang thực hiện. Bên cạnh đó, Sở này cũng yêu cầu các ban ngành liên quan của tỉnh vào cuộc xử lý dẹp bỏ công trình vi phạm, trả lại hiện trạng cho vùng lõi di sản bởi việc xây dựng bậc thang lên xuống của Công ty CP du lịch Tràng An là trái phép, vi phạm nghiêm trọng Quyết định 230/QĐ-TTg ngày 4-2-2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) và các quy định của nhà nước về quản lý, bảo vệ Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới Quẩn thể danh thắng Tràng An, vi phạm Luật Bảo vệ rừng nhưng đến đầu tháng 3-2018 mọi việc vẫn “án binh bất động”.

Ngày 2-3-2018, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình đã có Công văn số 97 yêu cầu Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An chấm dứt hoạt động tại điểm du lịch “Tràng An cổ”, đồng thời kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của Công ty. Kết quả kiểm tra của Sở Du lịch Ninh Bình ngày 5-3 cho thấy, ông Nguyễn Văn Son đã tự ý xây dựng trái phép đường lên núi Cái Hạ khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép, tự ý mở bến giao thông đường thủy nội địa hoạt động kinh doanh du lịch, tự ý in, phát hành đĩa VCD tuyên truyền điểm du lịch không đúng quy định… Trong quá trình xây dựng, Sở Du lịch đã nhiều lần phối hợp kiểm tra lập biên bản yêu cầu dừng lại, nhưng ông Son cố tình không chấp hành và vẫn tiếp tục xây dựng trái phép.

Ngay sau khi có thông tin, ngày 5-3-2018, Cục Di sản văn hóa và Thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã lập đoàn thanh kiểm tra xem xét và kết luận, công trình đường lên núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa và vi phạm Nghị định số 109/2017/NĐ – CP ngày 21-9-2017 của Chính phủ Quy định về bảo vệ và quản lý di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới ở Việt Nam. Ngoài việc xây dựng không có phép, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An cũng có những sai phạm khác như: Sử dụng hướng dẫn viên không có thẻ hành nghề; sử dụng phương tiện thuyền đò để chở khách du lịch tham quan nhưng đội ngũ lái đò chưa được tập huấn nên tiềm ẩn nguy cơ với khách du lịch; tự ý phát hành vé thu phí của khách với mức 45.000 đồng/vé chưa được phép của cơ quan thẩm quyền; tự ý phát hành - nhân bản các đĩa DVD tuyên truyền quảng cáo tới khách du lịch nhưng nội dung đĩa chưa được cơ quan thẩm quyền thẩm định và cho phép; tất cả các đĩa này chưa được dán tem lưu hành nên có thể khẳng định đĩa in sao trái phép; tên Tràng An Cổ cũng do công ty trên tự ý đặt chứ không xuất trình được giấy tờ chứng minh đây là vùng "Tràng An cổ".

Tại buổi làm việc với Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, Đoàn kiểm tra Thanh tra Bộ VHTTDL đề nghị Sở Du lịch phối hợp với Sở VHTT và các Sở, ban ngành, địa phương liên quan tiếp tục kiểm tra tổng thể việc quản lý, bảo vệ phát huy di sản và có biện pháp xử lý kịp thời những hành vi vi phạm tại Quần thể Danh thắng Tràng An. Làm việc với các bên liên quan tại UBND huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình, Đoàn kiểm tra xác định rõ trách nhiệm quản lý xây dựng tại vùng lõi di sản thuộc thẩm quyền của UBND huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Thanh tra Bộ VHTTDL đề nghị UBND huyện Hoa Lư chỉ đạo các ngành chức năng có liên quan xử lý vi phạm về xây dựng trái phép và kiên quyết tháo dỡ công trình xây dựng xâm hại cảnh quan, môi trường tại khu vực núi Cái Hạ, thôn Tràng An, xã Trường Yên, sớm trả lại mặt bằng cảnh quan thiên nhiên của di sản tại khu vực này.

Lý giải về hành vi xây dựng công trình lên núi Huyền Vũ, ông Nguyễn Văn Son, Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An cho rằng, bản thân làm công trình không vì lợi ích kinh tế, không coi thường pháp luật mà chỉ vì nóng vội muốn làm nhanh đường lên núi Huyền Vũ, mừng kỷ niệm 1.050 năm ngày Đinh Bộ Lĩnh lên ngôi.

Sáng 7-3-2018, tại UBND huyện Hoa Lư, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Ninh Bình đã đọc Quyết định 387/QĐ-UBND ngày 6-3-2018 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thanh tra toàn diện hoạt động của Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An. Cũng theo quyết định, Đoàn kiểm tra gồm 13 ban, ngành chức năng của tỉnh Ninh Bình, bao gồm các sở, ban, ngành: Công an, Thanh tra tỉnh, Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kiểm lâm, Tài chính, Giao thông, Bảo hiểm xã hội, Cục Thuế, Lao động - Thương binh và Xã hội... sẽ kiểm tra toàn diện từ hoạt động kinh doanh du lịch, đến xây dựng của Công ty CP Du lịch Tràng An.

Ngày 8-3-2018, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên đã ký Công văn số 845 gửi UBND tỉnh Ninh Bình, đề nghị xử lý các sai phạm tại Quần thể Danh thắng Tràng An. Văn bản nêu rõ, đề nghị UBND tỉnh Ninh Bình chỉ đạo các cơ quan chức năng đình chỉ các hoạt động dịch vụ, du lịch chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép theo quy định của pháp luật hiện hành tại khu vực núi Cái Hạ.

Khu Danh thắng Tràng An đã bị xâm phạm nghiêm trọng khi Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An tự ý đầu tư, mở điểm du lịch có tên là “Tràng An Cổ,” tại khu vực núi Cái Hạ. Ảnh: Dantri.com.vn

Tiếp đó, Bộ VHTTDL đã có Thông báo số 947/TB-BVHTTDL thông báo kết luận của Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên tại cuộc họp với UBND tỉnh Ninh Bình về việc xử lý các hoạt động sai phạm tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Kết luận nêu rõ tại cuộc họp dưới sự chủ trì của lãnh đạo Bộ VHTTDL với UBND tỉnh Ninh Bình, Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục Di sản văn hóa và Văn phòng Bộ VHTTDL về việc xử lý các hoạt động sai phạm tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình đã đi đến kết luận cần phải thanh tra toàn diện những hoạt động xây dựng trái phép và hoạt động kinh doanh dịch vụ du lịch của công ty cổ phần Du lịch Tràng An. Bên cạnh đó, kết luận cũng nêu rõ nghiêm túc thực hiện Công văn số 845/BVHTTDL-DSVH ngày 8-3-2018 của Bộ VHTTDL về việc xử lý các hoạt động sai phạm tại khu vực núi Cát Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư. Khẩn trương phê duyệt phương án tháo dỡ các công trình xây dựng trái phép, xâm hại cảnh quan, môi trường tại khu vực núi Cái Hạ, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư; trường hợp Công ty cổ phần Du lịch Tràng An cố tình không tự tháo dỡ các công trình vi phạm UBND tỉnh cần chủ động có phương án tháo dỡ, để sớm hoàn trả mặt bằng, cảnh quan thiên nhiên của Di sản Văn hóa thiên nhiên thế giới Tràng An đã được UNESCO công nhận. 

Sáng 26-3-2018, UBND huyện Hoa Lư (Ninh Bình) tổ chức cuộc họp phương án tháo dỡ, cưỡng chế cầu xuyên lõi di sản Tràng An. Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An đã có đơn đề nghị tự nguyện tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên núi Cái Hạ, nằm trong vùng lõi Quần thể Danh thắng Tràng An. Dự kiến thời gian tháo dỡ trong 1 tháng, từ ngày 30-3 đến 30-4-2018.

Tháo dỡ công trình vi phạm. Ảnh: Vietnamnet.vn

Ngày 30-3-2018, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An đã tự tháo dỡ công trình xây dựng trái phép tại núi Cái Hạ, xâm phạm vùng lõi quần thể danh thắng Tràng An. Phương pháp tháo dỡ chủ yếu là khoan cắt bê tông rồi dùng sức người di chuyển các khối bê tông. Sau đó, nhóm thợ sẽ dùng ròng rọc đưa các khối bê tông xuống mặt đất nhằm giữ nguyên hiện trạng vùng lõi Di sản Tràng An. Trước đó, huyện Hoa Lư cũng đã mời các chuyên gia từ Trung ương về để khảo sát, tư vấn phương án tháo dỡ một cách hiệu quả nhất. Song song với việc tháo dỡ, đoàn thanh tra liên ngành của UBND tỉnh Ninh Bình cũng đang tiến hành thanh tra toàn diện những hoạt động xây dựng trái phép tại khu vực núi Cái Hạ.

Việc lập và bảo vệ hồ sơ trước Ủy ban UNESCO để được công nhận là Di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới đã khó, việc gìn giữ danh hiệu này còn khó hơn gấp bội lần. Được biết, trên thế giới đã có hai trường hợp bị loại khỏi danh sách Di sản thế giới do UNESCO công nhận. Trường hợp đầu tiên xảy ra năm 2007 ở Oman, vùng thánh địa của loài hươu Trung Đông. Di sản này bị loại khỏi danh sách một phần vì công tác bảo tồn không tốt, thứ hai là áp lực phát triển nên chính phủ Oman thống nhất và tự nguyện đề xuất Uỷ ban Di sản thế giới xin rút khỏi danh sách. Trường hợp thứ hai là ở thung lũng Elbe, Đức. Họ đã ngang nhiên xây dựng cầu bắc ngang con sông làm phá vỡ cảnh quan của khu di sản. Năm 2007, UNESCO đã đưa thung lũng Elbe vào danh sách di sản bị de doạ. Nước Đức khi đó đã tổ chức trưng cầu dân ý. Song, người dân ở đây lại không hiểu được trách nhiệm của họ trong việc bảo tồn di sản, người ta chọn xây cầu, đi ngược lại với cam kết của Đức với cộng đồng quốc tế.

Bàn về cách thức quản lý di sản tại Việt Nam, chúng tôi cũng mượn quan điểm của ông Michael Croft - Trưởng Đại diện Văn phòng UNESCO tại Hà Nội để kết thúc bài viết này: “Chúng ta phải quan tâm về vai trò của các ban quản lý di sản. Trong trường hợp của Tràng An, không phải ban quản lý di sản không làm gì. Họ cũng đã rất chủ động đến, xử lý, lập biên bản. Nhưng vấn đề ở đây là thẩm quyền của họ hạn chế. Họ chỉ có thể gửi công văn kiến nghị. Vì vậy, rõ ràng rất là khó khăn để cho ban quản lý ngăn chặn kịp thời khi phát hiện vi phạm. Nhìn về phía trước chúng tôi thấy có 2 cách tiếp cận nhằm phòng ngừa và giải quyết các vấn đề xung quanh việc quản lý di sản. Một là rà soát lại hệ thống văn bản pháp luật đối với di sản. Nhưng tôi nghĩ cách quan trọng hơn đó là cách đối thoại với khối doanh nghiệp, khối tư nhân. Những người làm quản lý có thể nắm rất rõ nhưng những hướng dẫn, quy định nào được áp dụng cho khu vực vùng lõi; hay những hướng dẫn, quy định nào được áp dụng cho khu vực vùng đệm. Song, cả người dân lẫn doanh nghiệp ở địa phương có di sản vẫn chưa hiểu họ được làm gì, không được làm gì tác động lên di sản. Tôi nhấn mạnh một vai trò quan trọng của khối doanh nghiệp. Chúng tôi không nhìn khối doanh nghiệp như những người đối địch. Trong công tác bảo tồn, chúng ta phải nhận thức rất rõ quyền của người dân cũng như quyền doanh nghiệp, họ đóng một vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển, cách duy nhất là đối thoại với họ và cùng nhau xác định giải pháp. Trong bối cảnh, Việt Nam hiện là một quốc gia có mức thu nhập trung bình, thì vai trò của khối doanh nghiệp sẽ ngày càng lớn và họ mới thực sự là những đối tượng mà các nhà quản lý cần kết nối. Mối quan hệ ở đây, nhà quản lý cần làm sao để các quy định rõ ràng hơn, dễ tiếp cận với người dân và doanh nghiệp”.

                                                                             Quỳnh Hương

 

 

 

 

 

 

Top