Trống đồng Hoàng Hạ sau 75 năm tìm được từ trong lòng đất
Trống đồng ngày xưa không chỉ để làm nhạc khí mà còn có chức năng biểu tượng cho quyền lực, tôn giáo của những người đứng đầu và một tập thể cộng đồng dân cư ở một lãnh địa nào đó. Quyền lực càng lớn thì trống càng đẹp. Vậy thì tổ tiên của những chủ nhân chiếc trống đồng á hậu này là ai, thế nào mới đáng quyền sở hữu một vật thể linh quyền như thế.
Lật lại sử sách bằng cách xem địa hình địa mạo, tên đất tên làng của huyện Phú Xuyên nay cũng như cả lãnh địa phủ Thường Tín xưa và những vùng phụ cận như: Triều Khúc (Thanh Trì), Triều Đông (Thường Tín), Nam Triều (Phú Xuyên), Phố Hiến (Hưng Yên - bên bờ tả Sông Hồng). Lại đọc cả câu trong bài văn tế tổ sư làng nghề cũng của huyện này:
“Hỏi ai xưa đi từ Bạch Hạc về Châu Can, Chi Thuỷ đào Sông Nhuệ, đắp núi Phú Đôi”
Ta sẽ nhận ra ngay vùng đất này xưa, cùng với việc biển lùi để làm lên những bãi phù sa và dòng chảy, đoàn người Lạc Việt tiến về từ trên các vùng núi ở phía Bắc tới đây để khai khẩn, lập làng nên mới có chuyện xuất hiện trống đồng ở Hoàng Hạ, tháp đồng các loại công cụ ở xung quanh Phượng Dực, Đồng Quan, những ngôi mộ cổ ở Châu Can, công cụ bằng đá ở Thắng Lợi (Thường Tín), trống Ngọc Lũ (1902) ở xã Như Trác, Lý Nhân, Hà Nam (cận kề với Phú Xuyên). Và rất có thể, từ trong lòng đất của vùng này sẽ còn biết bao cổ vật nữa của người xưa đang nằm im dưới đó. Mọi thông tin lịch sử về con người, mảnh đất của huyện Phú Xuyên chỉ có thể đánh giá được hết khi có điều kiện khai quật đầy đủ được những thứ đó. Nhưng trước mắt, sự hiện hình ấy một phần đã được thể hiện ở chiếc trống đồng Hoàng Hạ.
Trống đồng Hoàng Hạ là một trong những chiếc trống đồng Đông Sơn có kích thước lớn, cao 61,5cm, đường kính mặt 79cm. Về hình dáng và kích thước tương tự như trống Ngọc Lũ. Hoa văn phong phú và cũng gồm hai loại là hoa văn hình học và hình khắc người, động vật và vật thể. Trên mặt trống, ở chính giữa có hình ngôi sao nổi với 16 cánh (trong khi đó trống Ngọc Lũ chỉ có 14 cánh). Xen kẽ các cánh sao là những hoạ tiết trang trí kiểu lông công. Bao quanh ngôi sao là 15 vành hoa văn. Ngoài những hoa văn tương tự như hoa văn trên trống Ngọc Lũ là các chấm nhỏ thẳng hàng, chữ gãy nối tiếp, vòng tròn chấm giữa có tiếp tuyến song song, văn hình răng cưa… còn có thêm vành hoa văn hình xoắn ốc và vòng tròn đồng tâm ở vành thứ 7 từ trong ra ngoài. Hình khắc người và động vật thì không có vành hươu nai, chim bay xen kẽ. Tại vành số 9 chỉ có 14 con chim bay, đó là những hình chim mỏ dài, đuôi và chân đều dài, chim có mào. Không có những hình chim đứng ngậm mồi như ở một số loại trống khác. Rìa mặt trống có 30 lỗ nhỏ nằm cạnh đều nhau, đây chỉ là dấu vết con kê trên khuôn đúc trống.
Trống đồng Hoàng Hạ ( Ảnh: TL)
Hoa văn ở phần thân trống là bố cục và trang trí giống như trống Ngọc Lũ. Trên tang trống, ngoài các vành hoa văn hình học còn có hình 6 chiếc thuyền, xen giữa thuyền là những hình chim có từ 2 đến 4 con. Về trang sức, tất cả thuyền trưởng đều cầm trống lệnh, vũ sĩ và người cầm lái đều đội mũ lông chim.
Quai trống gồm hai đôi kiểu quai kép, trang trí hoa văn bện thừng. Chân trống đúc trơn không vẽ hoa văn.
Trống đồng Hoàng Hạ khi đào lên còn rất nguyên vẹn, người Pháp đưa ngay về để bảo quản và trưng bày trong nhà Bảo tàng Bác Cổ nay là Viện Bảo Tàng Lịch Sử Việt Nam từ ngày đó đến nay.
Trống đồng Hoàng Hạ, chứng tích lịch sử lập làng dựng nước của tổ tiên người dân Phú Xuyên nói riêng, người dân Thăng Long, Hà Nội và cả nước nói chung từ mấy chục ngàn năm trước bị chôn vùi cùng với chủ nhân của linh vật ấy theo truyền tục của trống đồng đã được đào lên để con cháu ngưỡng vọng, tự hào về tổ tiên mình
Đến hôm nay, một lần nữa sau gần hai thế hệ (75 năm) lại im lìm, cháu con không mấy ai hề hay biết tinh hoa của tổ tiên mình đang cất giữ ở bảo tàng. Nếu như không có được chủ trương phục dựng, quảng bá về giá trị vô cùng to lớn của bảo vật vô giá này do Đảng bộ và chính quyền huyện Phú Xuyên khởi xướng thì lại im lìm tiếp theo một lần nữa cùng với những thế hệ sau này.
Mặt trống đồng Hoàng Hạ ( Ảnh: TL)
UBND huyện đã tiến hành đúc một trống đồng Hoàng Hạ theo phiên bản gốc để lấy đó làm biểu trưng văn hoá và tinh thần dân tộc truyền thống của người dân Phú Xuyên.
Ngày xưa, ngoài việc dùng làm nhạc khí và biểu trưng cho quyền lực, trống đồng còn được dùng làm hiệu lệnh trong các nghi lễ tôn giáo. Trong chiến tranh, nếu mỗi khi trống đánh tiếng vang lên thì tất cả mọi người trong bộ lạc đều tụ về để cùng chiến đấu. Còn hôm nay, người dân Phú Xuyên cũng lấy trống đồng Hoàng Hạc làm thanh khí trong những ngày lễ trọng, mừng non sông đất nước, mừng hạnh phúc trăm nhà ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành.
Âm vang của trống đồng Hoàng Hạ hoà với âm vang của hào khí Thăng Long tự ngàn năm vọng mãi đến hôm nay.
Nguyễn Văn Bảo