TP. Hồ Chí Minh: Vì sao phải bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi?

Là cây cầu đường sắt đầu tiên vượt sông Sài Gòn, từng chứng kiến bao thăng trầm của thời cuộc, mang trên mình những “thương tích” qua hai cuộc kháng chiến, thống nhất đất nước, cầu đường sắt Bình Lợi mang trong mình những giá trị lịch sử và văn hóa phải được gìn giữ và bảo tồn để làm “giàu” thêm kho tàng di sản vùng đất phương Nam.

“Chứng nhân lịch sử”

Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP. HCM, cầu đường sắt Bình Lợi nằm tại Km 1719+089 trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM, được xây dựng từ những năm đầu 1900, có chiều dài 280,4m bắc qua sông Sài Gòn, hiện hữu nối quận Bình Thạnh và Thủ Đức (TP. HCM). Năm 1902, cầu đưa vào khai thác gồm 6 nhịp dàn thép vòm mạ cong, mặt cầu được thiết kế đi cùng đường sắt - đường bộ (Quốc lộ 1A cũ). Đến năm 1963, do sức tàn phá của chiến tranh, nhịp 5 (62m) của cầu bị hư hỏng nặng và được thay thế bằng 2 nhịp thép giản đơn 2x31m, dẫn đến sơ đồ nhịp cầu thay đổi thành 7 nhịp.

Hai nhịp cầu 1 và 2 giáp bờ quận Thủ Đức được thống nhất đề xuất bảo tồn nguyên vẹn

Vào năm 1975, nhịp 4 của cầu cũng bị chiến tranh làm hư hỏng và được thay bằng nhịp dàn thép thẳng, khác với lúc đầu là thép vòm mạ. Từ năm 2006 đến nay, 2 nhịp giản đơn 2x31m (thay thế nhịp 5 trước đây) tiếp tục được thay thế bằng một nhịp dàn thép thẳng 62m. Qua đó, đưa sơ đồ nhịp cầu trở lại 6 nhịp nguyên bản như ban đầu. Tuy nhiên, kết cấu của nhịp 4 và 5 đã thay đổi hình dạng bằng nhịp dàn thép thẳng, không phải nhịp nguyên dạng ban đầu (nguyên bản là thép vòm mạ cong - PV). Theo ông Nguyễn Văn Tám, Phó Giám đốc Sở GTVT TP. HCM, xét về tính nguyên trạng, hiện chỉ có nhịp 1 (22m), nhịp 2 (40m), nhịp 3 (62m) và nhịp 6 (22m) còn giữ được nguyên hình dạng vòm vành lược của Pháp xây dựng trước đây, tuy nhiên nhiều chi tiết thép đã được thay thế qua các thời kỳ. Bên cạnh đó, bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh còn tồn tại một tháp canh lâu đời, trên vách tường hướng ra bờ sông của tháp canh còn hiện rõ ô đắp chữ nổi “Binh Loi Octobre 1948”.

Năm 2014, Bộ GTVT phê duyệt Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp luồng sông Sài Gòn đoạn từ cầu đường sắt Bình Lợi tới cảng Bến Sức theo hình thức hợp đồng BOT, trong đó có hạng mục xây dựng mới cầu đường sắt Bình Lợi. Theo dự án được duyệt, sau khi xây dựng xong cầu đường sắt Bình Lợi mới, cầu đường sắt Bình Lợi cũ sẽ bị tháo dỡ để đảm bảo luồng giao thông thủy trên sông Sài Gòn. Lo ngại công trình mang nhiều giá trị lịch sử và văn hóa bị “xóa sổ”, nhiều đơn vị và người dân thành phố đề nghị nên giữ lại một phần cầu đường sắt Bình Lợi, bởi hình ảnh cây cầu sắt đầu tiên vượt sông Sài Gòn đã ăn sâu trong ký ức bao thế hệ người dân thành phố và các vùng lân cận, như một chứng nhân của lịch sử, từng “chiến đấu” với biết bao sức tàn phá của chiến tranh để giữ vững tuyến lưu thông huyết mạch đường sắt.

Bảo tồn nguyên trạng hai nhịp cầu giáp bờ quận Thủ Đức

Trong văn bản trả lời đề nghị của Sở GTVT TP. HCM về việc xem xét, có ý kiến về thực hiện bảo tồn công trình cầu đường sắt Bình Lợi. Sở Văn hóa và Thể thao TP. HCM nhấn mạnh, đây là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng cách nay gần 120 năm tuổi, đặc biệt có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại. Cầu có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành và phát triển của Sài Gòn - TP. HCM và của ngành Đường sắt Việt Nam.

Do đó, việc bảo tồn nguyên trạng một phần cầu đường sắt Bình Lợi, gồm phần đầu cầu và một nhịp cầu quay tiếp giáp bờ sông Sài Gòn thuộc quận Thủ Đức và tháp canh còn hiện rõ ô đắp chữ nổi “Binh Loi Octobre 1948” là cần thiết, nhằm lưu giữ lại dấu tích của cầu đường sắt gắn với không gian sông nước phục vụ việc tìm hiểu, nghiên cứu khoa học về ngành Đường sắt và phát triển du lịch trên địa bàn thành phố. Ngoài ra, Sở này cũng đề nghị cho phép Bảo tàng TP. HCM thực hiện khảo sát, sưu tầm, ghi hình và tiếp nhận một số cấu kiện, thành phần kiến trúc có giá trị để lưu trữ tư liệu, hình ảnh phục vụ nghiên cứu khoa học.

Tháp canh còn hiện rõ ô đắp chữ nổi "Binh Loi Octobre 1948"

Ngày 29-5, Sở GTVT đã báo cáo UBND TP. HCM các nội dung liên quan đến việc bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi theo hướng đề xuất Bộ GTVT thống nhất phương án bảo tồn của Sở Văn hóa và Thể thao, cụ thể bảo tồn nguyên trạng một phần cầu, gồm hai nhịp cầu giáp bờ quận Thủ Đức, trong đó có một nhịp cầu quay và một tháp canh còn hiện rõ ô đắp chữ nổi “Binh Loi Octobre 1948”. Về phía Bảo tàng TP. HCM cho biết đã tổ chức khảo sát và quay phim, chụp hình cầu đường sắt Bình Lợi. Tuy nhiên, do Bảo tàng không có mặt bằng để lưu giữ nhịp, dầm cầu và các cấu kiện khác. Mặt khác, nhà đầu tư cầu đường sắt Bình Lợi mới là Công ty TNHH Đầu tư BOT Bình Lợi sẽ hỗ trợ Bảo tàng quay phim, chụp hình quá trình tháo dỡ những hạng mục, nhịp cầu không bảo tồn. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng sẽ hỗ trợ Bảo tàng thu thập thông tin, tài liệu và hồ sơ thiết kế cầu. Sau khi hoàn thành tháo dỡ cầu đường sắt Bình Lợi, phạm vi khu vực phía bờ quận Bình Thành được đề xuất giao cho Khu Quản lý Đường thủy nội địa nghiên cứu xây dựng bến thủy nội địa phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và du lịch đường thủy của thành phố.

Theo ông Nguyễn Văn Tám, tại cuộc họp gần đây nhất, các đơn vị liên quan đã thống nhất nội dung bảo tồn toàn bộ công trình là không khả thi, do các yếu tố như không đảm bảo an toàn giao thông đường thủy trên sông Sài Gòn (đường thủy nội địa cấp III); các trụ cầu cũng đã hư hỏng và được sửa chữa gia cố nhiều lần, đáng nói nhất là có 2 nhịp đã bị thay đổi bằng kết cấu mới vào năm 1963 và 1975; thiếu mặt bằng để lưu giữ các cấu kiện của cầu, vấn đề thiếu kinh phí bảo quản cũng được nhắc đến… Hơn nữa, cầu sắt Bình Lợi hiện đang là tài sản kết cấu hạ tầng giao thông được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam quản lý, do đó đề nghị đơn vị này có kế hoạch bảo tồn các kết cấu của cầu Bình Lợi.

Các nhịp cầu chạy thẳng về phía bờ quận Bình Thạnh sẽ bị tháo dỡ

Chuyển về sinh sống bên cạnh khu vực cầu đường sắt Bình Lợi từ năm 1993 đến nay, bà Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, dù chưa biết chính thức chính quyền sẽ giữ lại những nhịp cầu nào? Nhưng khi nghe thông tin một phần cầu sẽ được bảo tồn nguyên trạng, những người dân sinh sống lâu năm tại đây như chúng tôi rất phấn khởi. Giữ lại một phần cây cầu như vậy để sau này, các cháu nội, ngoại của bà còn biết nơi đây từng có cây cầu đường sắt với lịch sử lâu đời như vậy. Bà Hồng cũng mong muốn, khi thực hiện các hạng mục bảo tồn, khu vực này sẽ được xây dựng và chỉnh trang sạch đẹp hơn để thu hút du khách tới tham quan và tìm hiểu.

Dù nội dung đề xuất bảo tồn cầu đường sắt Bình Lợi chưa được phê duyệt chính thức, nhưng các bước đi “thận trọng” của những đơn vị liên quan cho thấy, các công trình mang trong mình những giá trị di sản đang ngày càng được “tôn trọng” và đối xử “văn hóa” hơn khi đứng trước số phận “xóa bỏ” hay bảo tồn.

Bài và ảnh: Hoàng Đăng

 

Top