Tổng quan di sản văn hóa Bắc Giang
Bắc Giang là một trong những nơi sinh tụ đầu tiên của dân tộc Việt Nam, những phát hiện khảo cổ học đã chứng minh con người có mặt trên đất Bắc Giang từ rất sớm: Thời đồ đá cũ đã để lại dấu vết ở Bố Hạ (Yên Thế), Chũ (Lục Ngạn), An Châu (Sơn Động)...; thời đá mới, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy rìu đá ở Mai Sưu, Vô Tranh (Lục Nam); thời kim khí đã tìm thấy các di chỉ đồ đồng thau ở Hiệp Hòa, Yên Thế, Lục Nam... đặc biệt đã tìm thấy trống đồng ở Bắc Lý, Xuân Giang (Hiệp Hoà).
Nhờ tác dụng tích cực của kỹ thuật chế tác đồ kim khí, người Việt cổ ở Bắc Giang đã dần dần mở rộng địa bàn sinh sống xuống ven các dòng sông: Sông Lục Nam, sông Thương, sông Cầu. Các di chỉ, di vật khảo cổ học cùng những huyền tích, thần phả còn lưu lại đã làm sống lại chuỗi dây lịch sử liên tục về sự di trú của cư dân Việt cổ ở đất Bắc Giang, những “lạc dân” đã góp phần xây dựng thành công nhà nước đầu tiên của mình–Nhà nước Văn Lang với triều đại Vua Hùng đã được lịch sử ghi nhận.
Cảnh quan chùa Mỹ Độ.
Trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, vùng đất Bắc Giang đã ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử trọng đại của dân tộc. Trước thế kỷ X có khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Lý Bôn, Lý Bí... Đến thời Lý, cư dân Bắc Giang tham gia vào cuộc chiến tranh giữ nước chống quân xâm lược Tống (thế kỷ XI). Dọc hai bờ sông Cầu, phòng tuyến Như Nguyệt đã diễn ra nhiều trận đánh lớn, nhiều người con Bắc Giang đã lập nên những chiến công được sử sách ghi nhận như: Thân Thiệu Thái, Thân Cảnh Phúc... Sang thời Trần, Bắc Giang trở thành mảnh đất chôn xác giặc Nguyên Mông làm nên những chiến thắng vang dội ở ải Xa Lý, Nội Bàng (Lục Ngạn) gắn liền với tên tuổi Trần Hưng Đạo, Yết Kiêu, Dã Tượng, đặc biệt là người anh hùng dân tộc thiểu số vùng Động Giáp là Vi Hùng Thắng còn lưu truyền đến tận hôm nay. Đến thời Lê sơ tính từ đầu thế kỷ XV, một trong những chiến công góp phần làm nên độc lập dân tộc là chiến thắng Xương Giang năm 1927, hơn 10 vạn quân Minh đã bị tiêu diệt gọn trong các trận đánh Cần Trạm, Hố Cát, Xương Giang. Hào khí Xương Giang mãi mãi còn trong lòng người dân đất Việt.
Nhắc đến Bắc Giang, không thể không nói đến cuộc khởi nghĩa nông dân Yên Thế (1884-1913) do Đề Nắm và Hoàng Hoa Thám lãnh đạo kéo dài ngót 30 năm đã góp phần viết nên những trang sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc. Khu Di tích An toàn khu II (huyện Hiệp Hòa)- nơi ghi dấu nhiều sự kiện quan trọng của Đảng ta. Đặc biệt, ngày 12-3-1945, tại đình Xuân Biều (xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa) đã diễn ra cuộc mít tinh khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên theo tinh thần Chỉ thị “Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta” ở tỉnh Bắc Giang cũng là cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đầu tiên trên toàn quốc lúc bấy giờ.
Qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, đến nay Bắc Giang vẫn tự hào là nơi lưu giữ những di sản văn hóa vô cùng phong phú, cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.
Cây dã hương nghìn năm tuổi.
Theo số liệu thống kê năm 2007, tỉnh Bắc Giang hiện có 2.237 di tích các loại. Tính đến hết năm 2016, Bắc Giang có 706 di tích được nhà nước xếp hạng, trong đó có 03 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt (Di tích lịch sử Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế; Di tích chùa Vĩnh Nghiêm và Di tích chùa Bổ Đà), 98 di tích quốc gia và 586 di tích cấp tỉnh. Ngoài 03 Di tích quốc gia đặc biệt, không thể không kể đến những di tích: Đình Lỗ Hạnh (Hiệp Hòa) xây dựng năm 1576, được mệnh danh là “Đệ nhất Kinh Bắc; chốn tổ Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) - một Trung tâm phật giáo thời Trần, trường Đại học Phật giáo đầu tiên của Việt Nam, nơi lưu giữ kho Mộc bản kinh Phật với hơn 3.050 bản đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới khu vực Châu Á -Thái Bình Dương năm 2012. Đình, chùa Tiên Lục và cây Dã hương nghìn năm tuổi (Lạng Giang) đã được Vua Cảnh Hưng sắc phong là “Quốc chúa Đô mộc Đại Vương”.... Hệ thống 46 lăng đá độc đáo được mệnh danh là khu bảo tàng đá lớn nhất cả nước. Hương án đá chùa Khám Lạng, huyện Lục Nam được Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2015...
Là nơi gặp gỡ, giao thoa của nhiều miền văn hóa nên kho tàng di sản văn hoá phi vật thể của cộng đồng các dân tộc tỉnh Bắc Giang rất phong phú như: Lễ hội, diễn xướng dân gian, phong tục tập quán, tri thức dân gian, nghề thủ công truyền thống… Bắc Giang hiện có trên 500 lễ hội truyền thống, chủ yếu là các lễ hội quy mô làng xã, với sự đa dạng về hình thức, phong phú, hấp dẫn về nội dung, trong đó có 07 Lễ hội được đưa vào danh mục lễ hội cấp quốc gia: Lễ hội Đình Vồng, huyện Tân Yên; Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng; Lễ hội chùa Bổ Đà, Lễ hội Thổ Hà, huyện Việt Yên; Lễ hội Y Sơn, huyện Hiệp Hòa; Lễ hội Yên Thế, huyện Yên Thế; Lễ hội Suối Mỡ, huyện Lục Nam.
Nằm trong vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, người dân Bắc Giang tự hào là một trong cái nôi của Dân ca Quan họ với 05 làng Quan họ cổ, cùng với 44 làng Quan họ của tỉnh Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại năm 2009.
Bên cạnh dấu ấn của văn hóa vùng Kinh Bắc, kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số mang đậm dấu ấn văn hóa vùng Đông Bắc cũng rất phong phú và được bảo lưu, thực hành trong đời sống, tiêu biểu như hát Sọong cô dân tộc Sán Dìu, Sịnh ca dân tộc Cao Lan, Cnắng côộ dân tộc Sán Chí, nghi lễ Then người Tày, Nùng, lễ cấp sắc dân tộc Dao, Sán Dìu,…
Lễ hội chùa Vĩnh Nghiêm.
Xác định văn hóa là nền tảng, động lực cho sự phát triển xã hội, trong những năm qua, UBND tỉnh Bắc Giang đã ban hành các nghị quyết, chương trình, đề án nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa như: Quy hoạch phát triển ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Nghị quyết số 44-NQ/TU ngày 30-3-2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Kế hoạch số 102/KH-UBND ngày 30-5-2016 của UBND tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016- 2020; Đề án “Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2011-2020”; Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 12-9-2014 về việc tăng cường các biện pháp quản lý di tích và các hoạt động bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; lập các quy hoạch: Quy hoạch Bảo tồn tổng thể Di tích và Danh thắng Tây Yên Tử, giai đoạn 2011-2015; Quy hoạch tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Những địa điểm Khởi nghĩa Yên Thế; Quy hoạch tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt chùa Vĩnh Nghiêm, huyện Yên Dũng; Quy hoạch tổng thể Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật quốc gia đặc biệt chùa Bổ Đà, huyện Việt Yên…
Bên cạnh đó, các hoạt động bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng: Bảo tồn Dân ca Quan họ, Ca trù của dân tộc Kinh; Dân ca dân tộc Sán Chí, Cao Lan, Dao, Tày, Nùng, Hoa…; thực hiện các chương trình truyền dạy tiếng nói, dạy hát dân ca dân tộc thiểu số, thành lập và duy trì hoạt động của các câu lạc bộ dân ca các dân tộc thiểu số; triển khai các chương trình kiểm kê phi vật thể, tổ chức các hội thảo khoa học, xây dựng Đề án tổ chức Ngày hội văn hóa các dân tộc tỉnh Bắc Giang... Các hoạt động trên đã góp phần quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, gắn công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển du lịch bền vững, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của tỉnh.
Trần Minh Hà