Tìm hiểu các Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới ở Việt Nam

Tính đến nay, Việt Nam có 8 di sản thế giới, gồm 5 di sản văn hóa, 2 di sản thiên nhiên và 1 di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên (Di sản kép).

Việc các di sản này được ghi vào Danh mục Di sản thế giới là căn cứ vào 10 tiêu chí Di sản văn hóa và Thiên nhiên Thế giới, do UNESCO quy định. Dưới đây là Danh sách các di sản thế giới ở Việt Nam, xếp theo thời gian được UNESCO công nhận:

1. Quần thể di tích cố đô Huế - Di sản Văn hóa Thế giới

- Quần thể di tích cố đô Huế nằm ở các địa bàn thành phố Huế, huyện Hương Trà, huyện Hương Thủy, huyện Phú Vang và huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.

- Được xây dựng dưới thời Nguyễn (1802-1945), từ thế kỷ 19 đến giữa thế kỷ 20.

- Ngày 11-12- 1993, tại Hội nghị lần thứ 17 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Cartagena (Colombia), Quần thể di tích cố đô Huế đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới phù hợp với tiêu chí (iii): Bằng chứng nổi bật của quyền lực phong kiến Việt Nam đã mất mà đỉnh cao của nó vào đầu thế kỷ XIX và tiêu chí (iv): Một ví dụ nổi bật của một kinh đô phong kiến phương Đông

- Ngày 12-8-2009, Quần thể di tích cố đô Huế được xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt đợt 1 (Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật), theo Quyết định số 1272/QĐ-QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Quần thể di tích cố đô Huế (Ảnh:TL)

2. Vịnh Hạ Long – Di sản Thiên nhiên Thế giới

Vịnh Hạ Long nằm ở Đông Bắc Việt Nam, cách thủ đô Hà Nội 165km, thuộc địa phận tỉnh Quảng Ninh, với diện tích 1.553 km² gồm 1.969 hòn đảo, trong đó 90% là đảo đá vôi. Ngày 17-12-1994, tại Hội nghị lần thứ 18 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Phù - kẹt (Thái Lan), vịnh Hạ Long đã được ghi vào Danh mục Di sản thiên nhiên thế giới theo tiêu chí (vii): về vẻ đẹp cảnh quan vào ngày 2-2-2000, tại Hội nghị lần thứ 24 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại thành phố Cairns, bang Queensland, Australia, vịnh Hạ Long lần thứ 2 được ghi vào Danh mục Di sản Thiên nhiên thế giới với tiêu chí (viii): Giá trị nổi bật toàn cầu về địa chất, địa mạo.

- Năm 1962, vịnh Hạ Long được xếp hạng Di tích danh thắng quốc gia. Ngày 12-8-2009, được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 1, theo Quyết định số 1272/QĐ-QĐ-TTg ngày 12-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ.  

- Ngày 11-11-2011, vịnh Hạ Long đã được tổ chức New 7 Wonders bầu chọn là một trong 7 kỳ quan thiên nhiên mới của thế giới.

Vịnh Hạ Long (Ảnh: TL)

3. Khu di tích Chăm Mỹ Sơn – Di sản Văn hóa Thế giới

- Khu di tích Chăm Mỹ Sơn nằm trong một thung lũng hẹp đường kính khoảng 2km, thuộc làng Mỹ Sơn, xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, cách Đà Nẵng 70km về hướng Tây - Tây Nam.

- Ngày 1-12-1999, tại Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Marrakesh (Morocco), Khu di tích Chăm Mỹ Sơn được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới với tiêu chí (ii): Điển hình nổi bật về sự giao lưu văn hóa với sự hội nhập vào văn hóa bản địa; những ảnh hưởng văn hóa bên ngoài, đặc biệt là nghệ thuật kiến trúc Ấn Độ giáo từ tiểu lục địa Ấn Độ và tiêu chí (iii): Phản ảnh sinh động tiến trình phát triển của lịch sử văn hóa Chămpa trong lịch sử văn hóa Đông Nam Á.

- Ngày 12-8-2009, Khu đền tháp Mỹ Sơn, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 1 (Di tích kiến trúc nghệ thuật), theo Quyết định số 1272/QĐ-QĐ-TTg ngày 12-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Khu di tích Chăm Mỹ Sơn (Ảnh: TL)

4. Khu phố cổ Hội An – Di sản Văn hóa Thế giới

- Phố cổ Hội An nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc tỉnh Quảng Nam, cách thành phố Đà Nẵng 30km về phía Đông Nam.

Hội An là một trong những đô thị cổ, đến nay vẫn giữ được gần như nguyên vẹn. Nơi đây xưa kia đã có một thời nổi tiếng với tên gọi Faifoo mà các thương nhân Nhật Bản, Trung Quốc, Bồ Đào Nha, Italia... đã biết đến từ thế kỷ 16 - 17. Hồi đó thương cảng Hội An thịnh vượng, là trung tâm buôn bán lớn của vùng Đông Nam Á.

- Ngày 1- 12-1999, tại Hội nghị lần thứ 23 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Marrakesh (Morocco), Khu Phố cổ Hội An đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới với các tiêu chí (ii): Biểu thị vật chất nổi bật của sự hòa trộn giữa các nền văn hóa vượt thời gian tại một thương cảng quốc tế và tiêu chí (v): là một điển hình nổi bật về bảo tồn một thương cảng châu Á cổ truyền.

- Ngày 12-8-2009, Khu phố cổ Hội An được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 1 (Di tích kiến trúc nghệ thuật), theo Quyết định số 1272/QĐ-QĐ-TTg ngày 12-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ).

Phố cổ Hội An (Ảnh: TL)

5. Vườn Quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng – Di sản Thiên nhiên Thế giới

- Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng và phụ cận nằm trên địa bàn các huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa và Quảng Ninh thuộc tỉnh Quảng Bình, trải rộng từ biển tới biên giới Việt – Lào, với diện tích  85.754 ha.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có hai kiểu địa hình chính: karst (chiếm 2/3 diện tích ) và phi karst. Phần lớn diện tích vùng lõi là núi đá vôi, được liên kết với vùng núi đá vôi thuộc Khu bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia Hin Nậm Nô của Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào tạo thành vùng đá vôi liên tục lớn nhất Đông Nam Á. Khu hệ núi đá vôi của Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng có tuổi địa chất trên 400 triệu năm, với trên 300 hang động lớn nhỏ, trong đó 17 hang động đã được khảo sát và 2 hang động đã đưa vào khai thác phục vụ du lịch là hang Tiên Sơn và hang Phong Nha. Hệ thống hang động Phong Nha đã được Hội nghiên cứu hang động Hoàng gia Anh (BCRA) đánh giá là hang động có giá trị hàng đầu thế giới với 4 điểm nhất:  các sông ngầm dài nhất, cửa hang cao và rộng nhất, những bờ cát rộng và đẹp nhất, những thạch nhũ đẹp nhất.

Phong Nha-Kẻ Bàng rất đa dạng về sinh học, với 8 kiểu thực vật chính, gồm khoảng 2.500 loài thực vật bậc cao có mạch, trong đó có 208 loài lan và nhiều loài quý hiếm có tên trong sách đỏ Việt Nam và sách đỏ thế giới cùng khoảng 1.074 loài động vật có xương sống.

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Ảnh: TL)

Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng chứa đựng nhiều Di tích lịch sử và văn hóa quan trọng.

  • Ngày 3-7-2003, tại Hội nghị lần thứ 27 của Ủy ban Di sản Thế giới họp tại Paris (Pháp), Phong Nha - Kẻ Bàng đã được ghi vào Danh mục Di sản thiên nhiên thế giới với tiêu chí (viii) về địa chất, là một tập hợp bằng chứng ấn tượng về lịch sử trái đất.
  • Ngày 12-8-2009, Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 1 (Di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh) theo Quyết định số 1272/QĐ-QĐ-TTg ngày 12-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội – Di sản Văn hóa Thế giới

- Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội, có vùng lõi 18,395ha (bao gồm Khu di tích thành cổ Hà Nội và Khu di tích khảo cổ học 18 Hoàng Diệu) và diện tích vùng đệm là 108ha. Hai khu vực thuộc vùng lõi di sản là một hệ thống nhất nằm trong Cấm thành Thăng Long và cũng chính là trung tâm của Hoàng thành Thăng Long. Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là bộ phận quan trọng nhất của Kinh thành Thăng Long - Kinh đô của quốc gia Đại Việt từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 18.

- Ngày 31-7-2010, tại Kỳ họp lần thứ 34 của Ủy ban Di sản Thế giới tại Braxin, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội đã được ghi vào Danh mục Di sản văn hóa thế giới với các tiêu chí (ii): Minh chứng cho sự giao lưu giữa các ảnh hưởng đến chủ yếu từ Trung Quốc ở phía Bắc và Vương quốc Champa ở phía Nam, Tiêu chí (iii): Minh chứng cho truyền thống văn hóa lâu dài của người dân Việt được thành lập ở đồng bằng sông Hồng, đó là một trung tâm quyền lực liên tục từ TK 7 cho đến tận ngày nay và tiêu chí (vi): Liên quan trực tiếp tới nhiều sự kiện văn hóa - lịch sử quan trọng.

Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (Ảnh: TL)

- Ngày 12-8-2009, Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long-Hà Nội được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 1 (Di tích lịch sử và khảo cổ) theo Quyết định số 1272/QĐ-QĐ-TTg ngày 12-8-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

7. Di tích Thành Nhà Hồ - Di sản Văn hóa Thế giới.

- Khu di sản cách thủ đô Hà Nội khoảng 150km về phía Nam, cách thành phố Thanh Hóa khoảng 45km về phía Tây Bắc. Từ Hà Nội có thể đến di tích theo đường quốc lộ 1A sau đó rẽ về phía Tây theo con đường 7 qua Kim Tân, hoặc theo con đường 217 qua xã Hà Trung, Hà Lĩnh. Từ thành phố Thanh Hóa có thể đến di tích theo con đường 45. Còn nếu đi theo đường Hồ Chí Minh, từ cả hai phía Bắc – Nam đều có thể đến di tích theo con đường 45 qua Cẩm Thủy.

Thành Nhà Hồ (thành do Hồ Quý Ly xây dựng năm 1397) còn gọi là  thành Tây Đô hoặc  Tây Kinh (kinh đô phía Tây Đại Việt),  thành An Tôn (thành ở khu vực động An Tôn thời Trần),  thành Tây Giai (vì ở phía Tây thuộc địa phận thôn Tây Giai), Thạch Thành (tòa thành xây dựng bằng đá), Thành Nội (vòng thành quan trọng bên trong La Thành) thuộc địa phận 2 xã Vĩnh Long, Vĩnh Tiến, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tòa thành là một chứng tích kỳ vĩ và duy nhất về lịch sử và văn minh Đại Việt (cuối thế kỷ 14-đầu thế kỷ 15).

  • Ngày 27 tháng 6 năm 2011, tại Kỳ họp lần thứ 35 của Ủy ban Di sản Thế giới ở Paris, Cộng hòa Pháp, Thành Nhà Hồ đã được ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa thế giới với các tiêu chí (ii): Thể hiện sự giao lưu quan trọng giữa các giá trị của nhân loại, trong một khoảng thời gian hoặc trong phạm vi một vùng văn hóa của thế giới, về các bước phát triển trong kiến trúc hoặc công nghệ, nghệ thuật tạo hình, quy hoạch đô thị hoặc thiết kế cảnh quan và tiêu chí iv):  là một ví dụ nổi bật về một kiểu kiến trúc xây dựng hoặc một quần thể kiến trúc cảnh quan minh hoạ cho một hay nhiều giai đoạn có ý nghĩa trong lịch sử nhân loại.
  • Ngày 10-5-2012, Di tích Thành Nhà Hồ được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt đợt 2 (Di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ), theo Quyết định số 548/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Khu Di tích Thành nhà Hồ (Ảnh: TL)

8. Quần thể Danh thắng Tràng An – Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới (Di sản Hỗn Hợp)

  • Quần thể danh thắng Tràng An, cách Hà Nội khoảng 90 km về phía Đông –Nam, có diện tích 6.172 ha, vùng đệm có diện tích 6.079 ha, với ba khu vực liền kề nhau là: Di tích quốc gia đặc biệt Cố Đô Hoa Lư, Khu danh thắng Tràng An - Tam Cốc - Bích Động và Rừng nguyên sinh đặc dụng Hoa Lư, thuộc địa bàn các huyện Hoa Lư, Gia Viễn, Nho Quan, thị xã Tam Điệp và thành phố Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình).

- Ngày 23 tháng 6 năm 2014, tại Kỳ họp lần thứ 38 của Ủy ban Di sản Thế giới ở thủ đô Doha, Ca-ta, Quần thể danh thắng Tràng An đã được UNESCO ghi vào Danh mục Di sản Văn hóa và Thiên nhiên Thế giới với 3 tiêu chí:

Là một thí dụ nổi bật về sự tương tác giữa con người và môi trường ở khu vực Đông Nam Á trải qua hơn 30.000 năm lịch sử phát triển của con người từ Hậu kỳ Pleistocene đến Holocene; Cảnh quan tháp các-xtơ nằm trong số những khu vực đẹp mê hồn thuộc kiểu này trên Trái đất và sự nổi bật trong số các cảnh quan tháp các-xtơ đá vôi của thế giới và không có gì sánh bằng trên phạm vi toàn cầu, minh chứng cho các giai đoạn cuối cùng của quá trình tiến hóa các-xtơ trong môi trường khí hậu nhiệt đới ẩm. Tràng An nổi bật toàn cầu một cách rõ ràng và tổng quát về đặc trưng cảnh quan các-xtơ đá vôi nhiệt đới ẩm, bao gồm các nón các-xtơ, tháp các-xtơ, các hố sụt, các bồn địa, ngấn đầm lầy, hang ngập, sông ngầm và các hang động với các trầm tích trong đó. Có ý nghĩa khoa học lớn là sự hiện diện trong cùng một cảnh quan các dạng chuyển tiếp giữa các-xtơ chóp nón, với các nón liên kết với nhau qua các sống núi sắc mảnh, và các-xtơ tháp đứng rời rạc trên.

Quần thể danh thắng Tràng An (Ảnh: TL)

  • Ngày 10-5-2012,  Danh lam thắng cảnh Tràng An - Tam Cốc - Bích Động (huyện Hoa Lư, huyện Gia Viễn, huyện Nho Quan và thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), được xếp hạng Di tích Quốc gia Đặc biệt đợt 2 (Quyết định số 548/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ).

                                                                         Đỗ Vũ (tổng hợp)

Có thể bạn quan tâm

Top