Tiếng chèo làng Phan
Cộng đồng cư dân của làng Phan có nhiều dòng họ lớn cư ngụ lâu đời như: Họ Hoàng, họ Trần, họ Nguyễn, nhưng họ Phan là dòng họ lớn nhất, có lẽ vậy nên làng mới có tên là Phan. Khi thực dân Pháp tổ chức các chiến dịch đánh vào chiến khu Việt Bắc, làng Phan đã bị ném bom NaPan, cả làng bị cháy trơ trụi, trong đó có 1 chùa và một đình cũng trở thành phế tích không thể phục hồi. Làng Phan bây giờ được xây dựng lại cách đây hơn 60 năm là ở vị trí mới. Tuy nhiên, binh đao, giặc giã không làm thui chột, hoặc mai một đi di sản văn hoá của cha ông để lại, trong đó có hát Chèo. Những làn điệu mượt mà ấy không chỉ động viên trong lao động sản xuất, trần lực thiên tai, mà còn được mang vào trong cuộc trường chinh của dân tộc, góp phần đánh đổ đế quốc, thực dân, phong kiến để xây dựng cuộc sống mới bắt đầu từ mấy mươi năm về trước.
Làng Phan là một khu dân cư đông đúc, có đội Chèo nổi tiếng tồn tại đã mấy chục năm nay. Tương truyền, cách đây vài trăm năm, những cư dân lập làng, vốn là gia nhân của quan binh đi trấn ải. Vì từ làng Phan đi lên ải Chi Lăng chẳng đáng bao xa - nơi chiến địa và phên dậu của nhiều đời. Họ không chỉ lập nên làng xóm, mà còn xây dựng nên chỗ thờ tự và các thánh tích khác, đồng thời cũng mang theo cả giọng hát Chèo ngọt lịm từ chốn quê hương, để mỗi lúc nỗi nhớ cồn cào thì lại ngân nga câu hát. Câu chuyện đó có thực hay hư thì chưa được kiểm chứng. Nhưng một điều rất hiển nhiên là những làn điệu chèo mượt mà, đã tồn tại đi qua bao thế hệ của dân làng. Mỗi dịp mùa vụ vừa xong, hay dịp đầu xuân mới, đó đây trong mỗi khoảnh tre lại rộn tiếng trống Chèo, làm nền cho những câu hát, tạo lên hồn cốt cho một địa danh thêm giàu bản sắc. Trải qua bao bước thăng trầm, làng Phan trước đây lơ sơ nhỏ bé, nay đã trở thành một cộng đồng chiếm tới 1/3 của xã, với 6 thôn gồm: Núi Thượng, Phan Thượng, An Lạc, Tân Mỹ, Đồi Bụt và Tân Thịnh, với 750 hộ và trên 2.600 nhân khẩu. Mỗi tên đất, tên xóm của làng đều ẩn chứa trong đó những câu chuyện nửa thực nửa hư, nhưng đầy tính nhân văn và giáo dục.
(Ảnh: TL)
Trong những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, làng Phan có 6 xóm thì xóm nào cũng có đội Chèo. Các đội Chèo đã từng đi tham gia biểu diễn phục vụ bộ đội chỉnh huấn, chỉnh quân, huấn luyện chuẩn bị cho các chiến dịch và các đoàn dân công tiếp lương, tải đạn tạm nghỉ ở địa phương. Trước năm 1960, làng Phan có một đội tuồng cổ và đội Chèo của làng. Ngay từ khi ra đời, đội Tuồng và Chèo đã thường xuyên biểu diễn phục vụ nhân dân vừa sản xuất, vừa chiến đấu. Khi hợp tác xã nông nghiệp được thành lập, đội Chèo do hợp tác xã quản lý trả công điểm. Khi ấy các ông Vũ Văn Bính, Đặng Tiến Dũng, Ngô Duy Chiêu, Vũ Văn Nhi... đều là các chàng trai độ tuổi đôi mươi, có năng khiếu về âm nhạc, được cử đi học nhạc cụ dân tộc, sau đó về làm nhạc công cho đội Chèo. Đội Chèo làng Phan đã đi biểu diễn phục vụ bộ đội ở cầu Lường, ga Kép, ở sân bay, cầu Bến Trăm, đèo Cà trong suốt những năm đánh Mỹ. Tham dự các hội diễn của tỉnh, huyện, diễn viên, nhạc công vừa được trả công điểm, vừa được hỗ trợ lương thực, thực phẩm luyện tập. Đội Chèo làng Phan khi ấy có tiếng trong tỉnh luôn giành nhiều giải cao trong các kỳ hội diễn văn nghệ quần chúng.
Đã nửa thế kỷ trôi qua, người mất, người còn, các diễn viên, nhạc công trẻ trung thuở nào nay đã 70 tuổi. Mặc dù vậy, họ vẫn là những nhạc công chính của đội Chèo làng Phan. Do tác động của các phương tiện nghe nhìn, giải trí hiện đại, không ít người, nhất là thế hệ trẻ đã quay lưng với sân khấu và dân ca truyền thống.
(Ảnh: TL)
Năm 2007, được sự giúp đỡ của Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, loại hình nghệ thuật Chèo trong tỉnh được khôi phục. Đội Chèo làng Phan được tái lập lại với 23 thành viên, gồm có ban lãnh đạo đội 3 người, còn lại là diễn viên và nhạc công. Đặc biệt, toàn bộ nhạc công của đội đều là những người của năm xưa. Các diễn viên thì hầu hết trên 40 tuổi, là hạt nhân văn hoá của làng từ thời bao cấp. Ngay sau khi được tái lập và đi vào luyện tập, tại hội diễn văn nghệ quần chúng không chuyên của tỉnh, tuy đã dời chiếu Chèo nhiều năm, nhưng đội vẫn xuất sắc giành giải nhì. Đến tháng 9-2009, đội tiếp tục giành giải nhì tại Liên hoan các làng chèo của tỉnh.
Dự án của tỉnh khôi phục đội Chèo làng Phan đã góp phần bảo tồn di sản văn hoá phi vật thể ở cơ sở một cách thiết thực. Nhưng nhìn vào thực tế, đội Chèo làng Phan sẽ khó tồn tại cùng năm tháng, bởi tuổi đời của đội đã cao, hoạt động hoàn toàn tự nguyện và đáng ngại nhất là không có lớp kế cận. Hiện nay, trang bị của đội còn rất thiếu thốn, chỉ có những nhạc cụ còn giữ được từ thời bao cấp, trang phục diễn rất thiếu và không có kinh phí để mua sắm lại, cũng như dàn dựng các vở mới đưa ra công diễn phục vụ dân làng trong các dịp lễ tết. Tuy vậy, vào những đêm trăng thanh, gió mát, tiếng trống Chèo vẫn thì thùng rộn rã, như thúc giục mỗi người dân trong làng khi vừa cấy hái, hay gặt xong cố thu xếp công việc để đến sân đình, hay nhà văn hoá thưởng thức những làn điệu chèo quen thuộc của những lão ông lão bà đắm say với nghề còn ngân mãi, ngân mãi ở một vùng quê nơi chót cùng của vùng châu thổ.
Với hơn nửa thế kỷ tồn tại và phát triển, đội Chèo làng Phan đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong làng. Mong rằng các cấp, các ngành liên quan sẽ tạo thuận lợi cho hạt nhân văn nghệ nơi đây lưu giữ được vốn văn hoá cổ truyền để những làn điệu hát Chèo tiếp tục vang xa.
Hồng Chinh