"Thương binh tàn, nhưng không phế"

Tháng 6 năm 1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh Chỉ thị chọn một ngày trong năm làm ngày thương binh toàn quốc để nhân dân có dịp tỏ lòng biết ơn đến thương binh, liệt sĩ. Thực hiện Chỉ thị của Người, một Hội nghị trù bị họp tại xã Phú Minh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên và nhất trí lấy ngày 27-7 hàng năm làm ngày Thương binh toàn quốc. Ngày 27-7-1947 là ngày Thương binh toàn quốc đầu tiên, từ năm 1955 ngày 27-7 được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sĩ.

Từ đấy, hàng năm đến ngày 27 tháng 7, Bác Hồ đều gửi thư thăm hỏi, động viên tới thương binh, gia đình liệt sĩ, tới các đơn vị điều dưỡng, các cán bộ phụ trách để nhắc nhở mọi người phải biết ơn và hết lòng giúp đỡ các thương bệnh binh và gia đình liệt sĩ. Bên cạnh đó, Người dành thời gian nhiều lần đến thăm các anh em thương binh tại các trại điều dưỡng, hay bệnh viện và đón tiếp họ tại nơi Người ở và làm việc.

Trên báo Vệ quốc quân số 11, ra ngày 27-7-1947 đã đăng Thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Thường trực Ban Tổ chức“Ngày Thương binh toàn quốc”. Đầu thư Người viết: “Ðang khi Tổ quốc lâm nguy, giang sơn, sự nghiệp, mồ mả, đền chùa, nhà thờ của tổ tiên ta bị uy hiếp. Cha mẹ, anh em, vợ con, ao vườn, làng mạc ta bị nguy ngập. Ai là người xung phong trước hết để chống cự quân thù? Ðó là những chiến sĩ mà nay một số đã thành ra thương binh”(1) và Bác giải thích: “... Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào. Vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào mà các đồng chí đó chịu ốm yếu, què quặt. Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy ...”. Cuối thư, Người đã vận động bà con, đồng bào cả nước nhường cơm sẻ áo, giúp đỡ thương binh. Còn Bác đã xung phong góp chiếc áo lụa, một tháng lương và tiền ăn một bữa của mình và của tất cả các nhân viên của Phủ Chủ tịch, tổng cộng là một ngàn một trăm hai mươi bảy đồng (1.127 đồng) để tặng thương binh. Bác luôn đề cao sự hy sinh, cống hiến của các thương binh, liệt sĩ.

Một đêm tháng Chạp năm 1946, bác sĩ Vũ Ðình Tụng phải mổ một trường hợp chiến thương quá đặc biệt và rất đau lòng: một chiến sĩ “sao vuông” rất trẻ, tuy vết thương nặng, đạn xé tung cả một khúc ruột mà miệng vẫn mỉm cười, cái nụ cười quá quen thuộc và thân thương đối với bác sĩ. Anh tự vệ Thủ đô ấy, người chiến sĩ gan góc ấy lại chính là Vũ Văn Thành, con trai út của bác sĩ. Nghe tin chiến sĩ Vũ Văn Thành đã anh dũng hy sinh, Bác đã gửi thư thăm hỏi tới gia đình, chia sẻ nỗi đau như chính con ruột của mình: “Thưa Ngài, tôi được báo cáo rằng con giai Ngài đã oanh liệt hy sinh cho Tổ quốc. Ngài biết rằng tôi không có gia đình, cũng không có con cái. Nước Việt Nam là gia đình của tôi. Tất cả thanh niên Việt Nam là con cháu của tôi. Mất một thanh niên thì hình như tôi đứt một đoạn ruột. Nhưng cháu và anh em thanh niên khác dũng cảm hy sinh để giữ gìn đất nước. Thế là họ đã làm rạng rỡ dân tộc, vẻ vang giống nòi. Họ chết cho Tổ quốc sống mãi, tinh thần họ luôn luôn sống với non sông Việt Nam. Họ là con thảo của Ðức Chúa, họ đã thực hiện cái khẩu hiệu: Thượng đế và Tổ quốc. Những thanh niên đó là anh hùng dân tộc. Ðồng bào và Tổ quốc sẽ không bao giờ quên ơn họ. Ngài đã đem món quà quý báu nhất là con của mình, sẵn sàng hiến cho Tổ quốc. Từ đây, chắc Ngài sẽ thêm ra sức giúp việc kháng chiến để bảo vệ nước nhà thì linh hồn cháu ở trên trời cũng bằng lòng và sung sướng. Tôi thay mặt Chính phủ cảm ơn Ngài, và gửi Ngài lời chào thân ái và quyết thắng”. Sau này ông kể lại: Tôi thấy nỗi đau thương và sự hy sinh của gia đình mình trở thành nhỏ bé trong cái tình thương mênh mông và sự hy sinh cao cả của Bác đối với cả dân tộc. Tôi nhủ mình sẽ phải làm tốt công việc để xứng đáng với sự hy sinh của các con và khỏi phụ lòng Bác. Sau đó, tôi theo Bác lên Việt Bắc - căn cứ thần thánh của cách mạng Việt Nam. Từ một người thầy thuốc của xã hội cũ, một giáo dân ngoan đạo, tôi đã trở thành một người thầy thuốc tốt, một Bộ trưởng Bộ Thương binh xã hội của nước Việt Nam mới.

Ngày 27-7-1947 là ngày Thương binh toàn quốc đầu tiên, từ năm 1955 ngày 27-7 được đổi thành ngày Thương binh - Liệt sĩ. Ảnh: internet

Trong những năm sống và làm việc tại Hà Nội, vào đêm Giao thừa Bác Hồ thường đi thăm và chúc Tết nhiều nơi, nhưng Giao thừa năm 1956, Bác chỉ đến thăm duy nhất Trường Thương binh hỏng mắt Hà Nội và tặng cho anh em một chiếc áo mà đồng bào miền Nam gửi tặng Người. Trường Thương binh hỏng mắt được thành lập trong những năm kháng chiến chống Pháp, ở Thanh Hoá. Hoà bình lập lại, trường chuyển địa điểm về phố Nguyễn Thái Học, thuộc quận Ba Ðình, Hà Nội. Tối 11-2-1956 (tức tối 30 Tết năm Bính Thân), sau bữa cơm tất niên, anh em thương binh quần tụ đông đảo ở hội trường để vui liên hoan đón Giao thừa. Giữa cuộc vui, mọi người được tin Bác Hồ đến thăm trường. Ai cũng nghĩ không có nguồn động viên nào lớn hơn thế. Bác hỏi thăm tình hình sức khoẻ, học tập và công tác chuẩn bị đón Tết của nhà trường. Bác vui mừng vì nhà trường đã chăm lo việc tổ chức sản xuất tăng gia, cải thiện nâng cao đời sống vật chất cho anh em. Trong buổi nói chuyện, Bác đã nói một câu mà đến nay đã trở thành phương châm sống của anh em thương bệnh binh: Có trường thương binh hỏng mắt này, các chú được học chữ, học nghề để tiếp tục phục vụ nhân dân, như vậy các chú “Tàn mà không phế”. Các chú tuỳ theo sức của mình mà học tập và công tác. Lời động viên của Bác đã trở thành khẩu hiệu hành động của các đồng chí thương binh. Từ đó, nhiều đồng chí đã nỗ lực học tập để nâng cao trình độ như anh Ðinh Công Cẩn, Vương Nguyên Khoa, Huỳnh Ðình Thảo đã tốt nghiệp Ðại học Tổng hợp văn, nhiều đồng chí tốt nghiệp cấp III, đặc biệt có nhiều anh đã quên đi ý định “quyên sinh” sau lần gặp Bác.

Chị Trần Thị Lý, Nguyễn Thị Kim Cúc, Huỳnh Thị Kiển là những nhà hoạt động cách mạng, là những nữ tù chính trị dưới các nhà tù Pháp - Mỹ và là những thương binh nặng vì đã từng chịu nhiều cực hình, tra tấn dã man. Chị Lý bị bọn tay chân của Diệm bắt đánh đập, “sám hối” với những nhục hình dã man như: lấy kìm sắt kẹp vào người rứt ra từng mảng thịt, dùng điện tra vào đầu vú và bộ phận sinh dục, đổ nước xà phòng và nước bẩn vào họng rồi mang giày đinh thi nhau đạp lên bụng, lên ngực làm nước trào ra miệng và mũi. Giữa năm 1958, Bệnh viện Việt - Xô tại Hà Nội tiếp nhận một bệnh nhân đặc biệt. Hồ sơ bệnh án ghi: Trần Thị Nhâm (tức Lý), tuổi 25, quê miền Nam, cân nặng: 26kg. Tình trạng bệnh: Suy kiệt, luôn lên cơn co giật, có 42 vết thương trên người liên tục rỉ máu. Chị Trần Thị Lý vinh dự nhiều lần được gặp Bác, nhắc đến tình cảm của Bác dành cho, chị thường bùi ngùi nhớ lại: Mỗi lần vào thăm Bác, Bác thường cho tôi ăn cháo đậu xanh vì tôi không ăn được cơm. Nhiều lúc, Bác dắt tôi đi chơi trong vườn Phủ Chủ tịch. Bác không đưa tôi đi trên sỏi vì Bác biết chân tôi đi dẫm trên sỏi thì ảnh hưởng đến vết thương trên đầu. Bác chỉ cho tôi những cây dừa, cây bưởi, cây cam Bác trồng… Tình thương của Bác đối với tôi thật không bờ bến. Tôi hiểu rằng Bác dành tình thương đó không chỉ riêng cho tôi mà toàn thể phụ nữ, thanh niên và đồng bào miền Nam gian khổ đi trước về sau…

Tháng 7 năm 1951, Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào “Ðón thương binh về làng”. Tùy theo sự cố gắng và khả năng chung của mỗi xã để giúp lâu dài chứ không phải giúp bằng cách góp gạo nuôi thương binh; cụ thể là mỗi xã trích một phần ruộng công, nếu không có ruộng công thì mượn ruộng của những đồng bào có hằng tâm, hằng sản; nếu không mượn được ruộng thì chính quyền đoàn thể, đồng bào trong xã chung sức phát vỡ một số đất mới, tổ chức việc cày cấy, chăm nom, gặt hái những ruộng đất ấy, hoa lợi để nuôi thương binh. Anh em thương binh sẽ tùy sức mà làm những công việc nhẹ như học may, đan lát, hớt tóc, hoặc giúp việc phòng giấy… Như thế thì đồng bào mỗi xã được thỏa mãn lòng ước ao báo đáp anh em thương binh, mà anh em thương binh thì được yên ổn về vật chất và vui vẻ về tinh thần và có dịp tham gia hoạt động ích lợi cho xã hội.

Cùng với việc kêu gọi trách nhiệm của toàn xã hội với anh em thương binh, gia đình liệt sĩ, trong thư gửi anh em thương binh, bệnh binh Trại An dưỡng Hà Nam tháng 6-1957, Bác cũng nhắc nhở trách nhiệm của anh em thương binh với xã hội: “Các chú là những chiến sĩ đã được quân đội nhân dân rèn luyện về đạo đức và kỷ luật cách mạng, là những người con đã hy sinh một phần xương máu để bảo vệ nước nhà. Vậy các chú cần phải giữ vững truyền thống tốt đẹp và vẻ vang của quân đội cách mạng là: giữ gìn kỷ luật đoàn kết chặt chẽ, thật sự đoàn kết yêu thương giữa anh em thương binh với nhau; giữa thương, bệnh binh với cán bộ và nhân viên giúp việc ở trại, giữa thương bệnh binh với đồng bào xung quanh, mỗi thương, bệnh binh cần tự giác, hòa mình với nhân dân, tôn trọng nhân dân, tránh phiền nhiễu nhân dân, tránh tâm lý công thần coi thường lao động, coi thường kỷ luật, chớ bi quan chán nản, phải luôn luôn cố gắng…”

Tình cảm của Bác Hồ với thương binh, liệt sĩ là vô bờ bến, nó vừa là trách nhiệm của người đứng đầu Nhà nước vừa là tình cảm của người chủ gia đình. Người ra đi khi Tổ quốc chưa thống nhất nhưng người vẫn khẳng định: Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà. Trước khi về với thế giới người hiền, Người chỉ tiếc là: “không được phục vụ cách mạng lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”, thì Người vẫn nghĩ đến các liệt sĩ, thương binh. Trong Di chúc thiêng liêng, Người căn dặn: Ðối với những người đã dũng cảm hy sinh một phần xương máu của mình (cán bộ, binh sĩ, dân quân, du kích, thanh niên xung phong…), Ðảng, Chính phủ và đồng bào phải tìm mọi cách làm cho họ có nơi ăn, chốn ở yên ổn, đồng thời phải mở những lớp dạy nghề thích hợp với mỗi người để họ có thể dần dần “tự lực cánh sinh”; Ðối với các liệt sĩ, mỗi địa phương (thành phố, làng xã) cần xây dựng vườn hoa và bia kỷ niệm ghi sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ, để đời đời giáo dục tinh thần yêu nước cho nhân dân ta; Ðối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp quyết không để họ bị đói rét.

Thực hiện lời dạy của Bác Hồ, Ðảng và Chính phủ đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi thích hợp với thương binh và gia đình liệt sĩ. Từ khi đất nước thống nhất, bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển kinh tế, cả nước đã thu được nhiều thành tựu đáng kể về nhiều mặt. Các hoạt động tình nghĩa đã có những đổi mới về chất, đi vào chiều sâu. Công tác “đền ơn đáp nghĩa” đã trở thành phong trào quần chúng rộng lớn, được xã hội hóa và hướng vào các hoạt động thiết thực. Các chương trình như xây dựng, tu bổ nghĩa trang liệt sĩ; xây dựng nhà bia ghi công các liệt sĩ; chương trình củng cố các cơ sở sản xuất của thương binh và người tàn tật; chương trình xây dựng quỹ “Ðền ơn đáp nghĩa”… được triển khai sâu rộng đã thực sự mang lại những ý nghĩa to lớn cả về chính trị và xã hội.

Th.S Hồ Thị Quỳnh Hoa

Top