Thư ký Bác Hồ kể chuyện Nhà sàn
Bác muốn có một cái nhà sàn, kiểu như nhà sàn của đồng bào các dân tộc Việt Bắc, dưới lùm cây sau vườn Phủ Chủ tịch.
Trở về Hà Nội sau 9 năm kháng chiến, Bác vẫn nhớ tới những ngày gian khổ sống cùng đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Về Phủ Chủ tịch Bác không ở Dinh Toàn quyền lộng lẫy, khang trang, mà ở ngôi nhà của một người thợ điện cũ. Người nói với các cán bộ: Về Hà Nội nhưng không được quên cuộc sống ở chiến khu, các chú không phải quá lo lắng tới nơi ở của Bác. Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước muốn Bác ở trong một ngôi nhà xây mới, khang trang. Hiểu được ý đó nhưng Bác muốn ở trong một nhà sàn kiểu như nhà sàn của đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Và Bác đã thực hiện ý định đó theo cách của mình
Đồng chí Vũ Kỳ kể: Vào sáng ngày 1 tháng 3 năm 1958, Bác Hồ mời đoàn đại biểu các dân tộc Việt Bắc về Hà Nội và vào Phủ Chủ tịch. Lâu ngày gặp nhau đông vui, mọi người nhắc lại những kỷ niệm thời hoạt động bí mật và kháng chiến. Cũng tại cuộc gặp đó Bác hỏi những lán trại, nhà sàn Bác ở trong các vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên, Bắc Kạn có còn lại cái nào không? Các đại biểu nhìn nhau và trả lời: Thưa Bác hồi đó Bác ở bí mật, nhiều người không biết. Lán trại thường làm vội bằng gỗ tươi và tre nứa lá. Trong rừng lại ẩm ướt nên đã hư hại cả. Bác cười rồi nói: Gặp mọi người Bác vui và càng nhớ đồng bào và nhà sàn của đồng bào miền núi rất thoáng mát.
Sáng hôm sau buổi gặp đó, Bác lại đi Thái Nguyên thăm một hợp tác xã nông nghiệp đầu tiên của tỉnh ở xóm Cầu Thành, xã Hùng Sơn, huyện Đại Từ. Chiều Bác đi thăm Trạm bơm Lữ Yên ở xã Yên Định, huyện Phú Bình. Ngày hôm đó, trên đường từ Thái Nguyên về Hà Nội, Bác đã nói với các cán bộ cùng đi về ý định muốn làm một nhà sàn tại Phủ Chủ tịch. Ý Bác không nên làm bằng tre, nứa, lá không bền mà làm bằng gỗ nhưng không nên dùng gỗ tốt vì còn cần để làm nhiều việc khác.
Chủ tịch Hồ Chí Minh làm việc tại tầng 2 Nhà sàn, tháng 4-1960
Và ngay cuối tháng 3 năm 1958 đó, Văn phòng cơ quan báo cáo với Bác công việc đã chuẩn bị. Sau khi nghe Bác góp ý kiến không nên làm rộng, tầng trên chỉ làm hai buồng nhỏ và làm cửa lưới cho thoáng. Dưới nhà làm thấp, để thoáng, không ngăn gió mát và ánh sáng của vườn. Cầu thang nên làm cho hai người đi (đồng chí Vũ Kỳ có hỏi tại sao làm cầu thang rộng cho hai người đi, Bác nói là làm như vậy khi có khách đến thăm cả chủ và khách có thể cùng đi, không phải một người đi trước, một người đi sau, như thế không tiện.). Giữa phòng ở tầng dưới kê bàn ghế làm việc với Bộ Chính trị, nên xây thêm bệ xi-măng bao quanh, đặt ván gỗ lên trên để khi các cháu bé vào chơi với Bác có đủ chỗ ngồi thuận tiện. Bác còn bảo để thêm bể cá vàng cho các cháu vui.
Khách trong nước và quốc tế thăm Nhà sàn Bác Hồ
Bác trực tiếp gặp kiến trúc sư thiết kế, dặn thêm một số điểm cụ thể ví dụ như: Làm ngăn để sách ngay trong vách gỗ ngăn hai phòng. Bên ngoài hiên không để rộng, lan can gỗ bào nhẵn, không chạm trổ hoa lá… Bản thiết kế được hoàn chỉnh thêm theo ý Bác và sẵn sàng cho khởi công.
Bác đồng ý nhờ các đồng chí bộ đội công binh làm cho nhanh gọn và không quên dặn phải tiết kiệm. Đúng ngày 15 tháng 4 năm 1958 chính thức khởi công. Anh em thi đua làm xong trong một tháng để chúc thọ Bác Hồ 68 tuổi. Và Nhà sàn được làm xong ngày 15 tháng 5 năm 1958, ngày 17 tháng 5 Bác chính thức chuyển sang ở ngôi nhà này.
Bác chuyển sang ở ngôi nhà sàn, ngôi nhà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở trong Phủ Chủ tịch được nâng thêm một tầng.
Câu chuyện đồng chí Vũ Kỳ và các đồng chí giúp việc Bác thường kể với các đoàn khách khi vào thăm nơi ở và làm việc của Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, đó là chuyện vì sao ngôi nhà của Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở trong Phủ Chủ tịch được nâng lên thêm một tầng?.
Năm 1954 khi về Hà Nội, Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng ở trong khu nhà của những người phục vụ Phủ Toàn quyền cũ. Bác Hồ ở trong ngôi nhà của một người thợ điện, Thủ tướng Phạm Văn Đồng ở trong ngôi nhà của người quản lý trong Phủ Toàn quyền, hai nhà này chỉ cách nhau một cái sân. Thường ngày đồng chí Phạm Văn Đồng được gặp Bác Hồ bàn công việc, hai người gắn bó với nhau rất thân thiết. Sớm chiều họ đều nhìn thấy nhau, cùng tập thể dục, cùng đi bách bộ, cùng ngồi ăn cơm với nhau vì họ cùng dùng chung một nhà bếp.
Đồng chí Vũ Kỳ kể, khi làm Nhà sàn, Bác làm hai phòng ở tầng trên, có ý mời Thủ tướng ở một phòng, Bác ở một phòng và vẫn dùng chung một nhà bếp nhưng Thủ tướng xin phép không sang, vẫn ở lại căn nhà cũ. Bác không ép nhưng rất băn khoăn vì nhà Thủ tướng ở không có tầng cao, còn Nhà sàn thì có tầng hai thoáng mát hơn. Hiểu được sự băn khoăn của Bác, các đồng chí phục vụ trong khu vực đề nghị được nâng ngôi nhà Thủ tướng đang ở thêm một tầng như ngôi nhà đang có hiện nay. Ngôi nhà được nâng cao thêm vào năm 1962, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã ở trong ngôi nhà đó đến năm 1970 sau một năm Bác Hồ mất. Thủ tướng tâm sự với các đồng chí giúp việc: Tôi không thể và không nên tiếp tục ở và làm việc trong căn nhà này, bởi hàng ngày hình ảnh Bác như trước mặt tôi, tiếng Bác cứ nhè nhẹ bên tai tôi, làm tôi không cầm được lòng. Hơn nữa toàn bộ khu vực này rồi đây phải xây dựng thành Khu Di tích Bác Hồ để đồng bào, đồng chí, chiến sỹ đến thăm, làm sao tôi ở đây được. Do đó, một thời gian sau, Văn phòng Chính phủ đã xây dựng cho Thủ tướng một căn nhà cũng ở trong khu vực Phủ Chủ tịch. Đây cũng là căn nhà nhỏ có hai tầng, tầng lầu có phòng làm việc, phòng ngủ, phòng sinh hoạt; tầng dưới là nơi tiếp khách và hai phòng làm việc và nghỉ ngơi của các đồng chí giúp việc…Câu chuyện về ngôi nhà sàn đó cho chúng ta hiểu thêm mối quan hệ rất đặc biệt và hiếm có giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và Thủ tướng Chính phủ Việt Nam ta.
Phòng thi hài Bác trong Lăng được mô phỏng căn phòng Bác ở Nhà sàn
Bộ Chính trị Trung ương Đảng quyết định xây dựng Lăng Bác ngay trên Quảng trường Ba Đình Hà Nội để giữ gìn toàn vẹn và lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh. Công trình Lăng là công trình vĩ đại của toàn thể nhân dân Việt Nam kính dâng Người, thể hiện lòng kính yêu và biết ơn vô hạn đối với Bác. Đây cũng là một công trình kiến trúc- nghệ thuật hiện đại nhưng giản dị, dân tộc và trang nghiêm.
Với vai trò là thành viên Ban Phụ trách xây dựng Lăng Bác, đồng chí Vũ Kỳ cùng với tập thể Ban Phụ trách đặc biệt quan tâm tới phòng thi hài nơi Bác yên nghỉ. Nếu tổng thể kiến trúc Lăng là một công trình hiện đại, dân tộc, trang nghiêm, giản dị, thì phòng thi hài là sự thể hiện tập trung nhất phương châm đó, phù hợp nhất với cuộc sống và phong cách của Người. Và thế là hình ảnh về Nhà sàn của Bác lại được thể hiện ở đây. Vào qua cửa Lăng, trên nền đá hoa cương vân đỏ hồng tươi là dòng chữ bằng vàng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Theo cầu thang đến phòng thi hài sẽ thấy một cấu trúc được mô phỏng theo phòng ở Nhà sàn của Bác trong Phủ Chủ tịch. Toàn phòng là một khối vuông 10m x 10m x 10 m, tường phòng thi hài được ốp bằng đá cẩm thạch ghép thẳng đứng giống gỗ ghép nhà sàn. Cột được tạo dáng bằng đá màu đen. Phía trên tường cao là cờ Đảng và cờ Tổ quốc được ghép bằng 4000 miếng đá nhồi Bá Thước, Thanh Hóa. Búa liềm và ngôi sao vàng năm cánh được ghép bằng đá cẩm vân vàng sáng. Hàng lan can trong phòng được mạ kền, hệ thống tay vịn được gia công thận trọng, tôn thêm vẻ đẹp hoàn thiện nơi Bác yên nghỉ vĩnh hằng.
Đó là những câu chuyện nhỏ để hiểu thêm về ngôi nhà sàn huyền thoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Phủ Chủ tịch.
TS Nguyễn Thị Tình