Thơm ngon lòng sốt xứ Phuống

Nhà có khách quý, con cháu ở xa về , dịp cuối tuần hay những ngày mùa mệt nhọc thì người xứ Phuống không thể không có bữa lòng sốt vào buổi sáng. Trong rất nhiều tục của người dân nơi đây thì ăn lòng sốt buổi sáng là một tục khá điển hình.

Xứ Phuống là tên gọi khác của xã Thanh Giang, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An- một vùng quê thanh bình nằm ở gần cuối huyện, bên dòng Lam hiền hòa, đã từng đi vào thơ ca:

“ Xứ Phuống ơi mảnh đất lúc bồi lúc lở

   Khi con về là lạc lối đường quê”…

Người xứ Phuống rất thích ăn lòng sốt bởi đó là một món ăn thơm ngon, tươi sốt, được mệnh danh đặc sản của vùng này. Món ăn chế biến từ nội tạng của lợn. Những gia đình làm thịt lợn ở Phuống rất trau nghề khi làm món lòng sốt.

Muốn lòng ngon họ chọn những con lợn cỏ không quá lớn, chỉ độ 50-70 kg, được nuôi bằng rau cỏ trong vườn, ngoài bãi, gạo, cám gạo, cám ngô tự sản xuất được, đặc biệt không sử dụng chất tăng trọng. Lợn được giết làm thịt lúc  3- 4 giờ  sáng. Các loại dạ dày, ruột non, gan, cuống họng được rửa sạch để riêng ra. Quan trọng và cầu kỳ nhất là món lòng tiết hay còn gọi là món dồi.  Tiết lợn được chọc chảy vào một chiếc thau. Người ta bỏ vào tiết các loại như: Mỡ vặt của lợn, lạc rang, một ít lộc mùi tàu, lộc răm, lộc quế, lá chanh, ruốc, hạt nêm, mì chính, hạt tiêu...đảo đều, sau đó múc hỗn hợp đã làm sẵn  cho vào bộ ruột già đã được rủa sạch, khử mùi . Đem các thứ đó vào một nồi to luộc trên bếp củi. Khi nồi lòng sôi được khoảng 15 phút thì vớt gan, ruột non ra trước, tiếp đến vớt dạ dày, cuống họng. Tất cả cho vào nước sôi để nguội cho trắng và giòn. Lòng tiết được vớt sau cùng khi dùng que nhọn châm vào không thấy tia nước màu đỏ bắn ra nữa. Nồi nước lòng nghi ngút hơi tỏa ra mùi thơm ngọt rất hấp dẫn. Một con lợn chỉ thu được khoảng 3-4kg lòng chín. Chủ nhà chia đều các loại ra từng phần bán cho khách. Khách hàng chủ yếu là những người hàng xóm đã đặt lòng từ ngày hôm qua hay vài ngày trước. Có người mang về để cả gia đình cùng ăn nhưng cũng có rất nhiều người ăn ngay tại đó, khi lòng vừa vớt ra, nước lòng đang nghi ngút hơi. Họ ăn tại chỗ để cảm nhận hết cái ngon của món lòng sốt xứ Phuống mà ít nơi nào có được, nó vừa có vị ngọt dịu của nội tạng lợn, vừa có vị thơm ngậy của mỡ , của lạc,... Vị thơm ngon của lòng được tăng lên khi được bỏ những cây gia vị mà chỉ trồng ở đất xứ này mới thơm đến thế. Chủ nhà thường sắm khá nhiều bát đĩa và một số bàn ghế để phục vụ những vị thực khách đã đến chờ ăn lòng sốt từ tờ mờ sáng, bên đĩa lòng sốt họ vừa thưởng thức vừa đàm đạo với nhau đủ thứ chuyện, từ chuyện vườn rau quanh nhà, chuyện đồng ruộng, chuyện làng xóm, đến chuyện cả thế giới. Họ có thể ăn với cơm hoặc chỉ ăn lòng bỏ vào nước lòng. Lòng tươi sốt chấm với nước mắm tỏi,chanh, ớt kèm theo một ít lộc thơm và một bát nước lòng nóng hổi, thơm lừng, một vài chén rượu gạo vào những sáng trời se lạnh thì còn gì bằng.

Những người con của xứ Phuống sống ở Vinh hay những vùng phụ cận nhớ quê, thèm một chút hương vị quê nếu không về quê được thì cũng không quên nhờ người thân đặt cho một ít lòng Phuống bỏ vào cặp lồng hay thùng xốp gửi theo xe khách xuống Vinh từ sáng sớm, xuống tới nơi lòng vẫn còn nóng ấm.

Ở xã Thanh Giang có rất nhiều gia đình làm thịt lợn và chế biến món lòng sốt được nhiều người biết đến như gia đình chú Tư, chú Phương, chú Trường ở xóm Biên Quản, chú Lý ở xóm Ba Nghè, chú Tuấn ở xóm Bàu Sen,...Sản phẩm của họ chế biến ra không đủ để phục vụ thực khách, ai muốn ăn thì không thể không đặt trước. Với quan điểm “Quý hồ tinh bất quý hồ đa” những gia đình chế biến lòng sốt ở Thanh Giang đã tạo được thương hiệu cho lòng sốt xứ Phuống. Mời bạn một lần đến Phuống thưởng thức món ngon quê tôi!

Nguyễn Thị Mai

Top