Tháp Cánh Tiên

Tháp Cánh Tiên nằm giữa thành Ðồ Bàn, thuộc làng Nam An, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Qui Nhơn 27km về hướng Tây Bắc.

Tháp được xây dựng vào thế kỷ XII, thuộc phong cách Bình Định và có một phần ảnh hưởng từ kiến trúc Angkor Vat của người Khmer do thời kỳ này có sự giao lưu thường xuyên giữa Vương quốc Khmer và Chăm Pa.

Trong số những tháp cổ Chăm Pa còn lại ở tỉnh Bình Định, tháp Cánh Tiên không chỉ là một trong những kiến trúc còn khá nguyên vẹn, mà còn thuộc nhóm những cụm tháp ít thấy trong lịch sử kiến trúc Chăm Pa là khu đền chỉ có một tháp. Mặc dù chỉ có một tháp đơn lẻ song hình dáng, cấu trúc của tháp Cánh Tiên lại không hề khác với các ngôi tháp vuông nhiều tầng xây bằng gạch vào loại lớn của Chăm Pa.

Tháp có 4 tầng thu nhỏ dần về phía trên, tầng nào cũng có 4 tháp góc trang trí, mỗi góc lại có những tầng nhỏ, dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như cánh chim đang bay, từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh tiên bay lên nên được gọi là tháp Cánh Tiên.

Nét hoang sơ của thiên nhiên nơi tháp Cánh Tiên tọa lạc (Ảnh: TL)

Đế tháp xây cao, bề thế trên một bình diện gần vuông, mỗi bề dài khoảng gần 10 mét với các đường giật cấp so le. Toàn tháp cao khoảng 20 mét, bốn mặt quanh thân tháp đều trang trí các cột trụ ốp tường, nhô ra theo một tỉ lệ hài hoà với tổng thể kiến trúc. Các góc thân tháp được bó bằng các khối đá có kích thước lớn nên khá vững chắc. Về hình thức, tháp có 4 cửa vòm nhọn vút lên mở ra 4 hướng, nhưng chỉ có cửa chính hướng Đông là ăn thông với lòng tháp, còn lại là 3 cửa giả. Bộ diềm hơi nhô ra tạo thành bộ đỡ cho các tháp góc bên trên. Các hình chạm khắc chủ yếu tập trung trên bộ mái. Những tảng đá chạm khắc hình đuôi phụng gắn trên các tầng tháp giả và hình Makara, một loài thuỷ quái trong thần thoại Ấn Độ với nanh nhọn, vòi dài, trang trí ở các góc đầu tường đã tạo cho tháp Cánh Tiên một vẻ đẹp sang trọng, huyền bí.

Khác với nhiều tháp Chàm, trang trí tháp Cánh Tiên cầu kì đến độ hoàn mỹ. Từ hệ thống vòm cửa đến dải hoa văn hình xoắn xếp lớp đối xứng nhau uyển chuyển đến các khối đá ốp cạnh được chạm khắc tinh tế tạo thành những hoa văn nối, đều toát lên vẻ đẹp vừa thanh thoát, trang nhã, vừa uy nghi, bề thế.

Nét thanh thoát của tháp được ví như của những đôi cánh nên gọi là Tháp Cánh Tiên (Ảnh: TL)

Tháp Cánh Tiên là một trong những ngôi tháp thuộc phong cách Bình Định, hiện lên với một kiến trúc hoành tráng với những khối hình lớn gây ấn tượng từ xa: các cột ốp, những khung dọc trên mặt tường nằm giữa các cột ốp nổi lên thành những mảng lớn khoẻ khoắn, các vòm của các cửa giả vút cao vươn lên như hình những mũi giáo khổng lồ, các tháp trang trí góc các tầng cuộn lại thành những khối chắc nịch, những phiến đá trang trí các góc tường phía trên của các tầng hình hoa lá nhô mạnh ra như những cánh tiên.

Như mọi ngôi tháp truyền thống khác, tháp cấu trúc gồm hai phần: tiền sảnh và điện thờ, hiện nay toàn bộ cấu trúc của tiền sảnh đã bị sụt lở từ lâu, các mặt tường phía ngoài của thân tháp được trang trí bằng những cột ốp và các khung dọc nhô mạnh ra khỏi mặt tường, một trong những điều kỳ lạ nhất ở tháp Cánh Tiên nửa phần phía ngoài của cột ốp góc tường được ốp kín bằng những phiến đá sa thạch màu tím có chạm khắc hoa dây xoắn và góc các diềm mái của tháp cũng được làm bằng đá - hiện tượng độc nhất trong lịch sử kiến trúc tháp Chăm Pa.

Kiến trúc độc đáo của tháp Cánh Tiên (Ảnh: Lan Nguyen)

Tuy đã hỏng một phần, song vẫn có thể nhận ra cấu trúc và hình tháp khá đặc biệt của các cửa giả trong tháp Cánh Tiên, mỗi cửa giả đều có ba tầng thu nhỏ dần về phía trên và mỗi tầng đều có hai thân, các tầng của cửa giả đều có cấu trúc hai phần: hai trụ ốp tạo thành ô khám bên dưới và hình cung nhọn bên trên.

Điểm đặc biệt của tháp Cánh Tiên là phần phía trong các cột ốp tường được ốp kín bằng các phiến đá sa thạch màu tím có chạm khắc hoa văn dây xoắn. Ngôi tháp được tạo dáng, thanh thoát nhưng trang nghiêm, tháp có 4 tầng thu nhỏ dần về phía trên, tầng nào cũng có 4 tháp góc trang trí, mỗi góc lại có những tầng nhỏ, tạo dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như cánh chim đang bay, từ vai tháp trở lên, bốn phía đều giống như cánh tiên bay lên nên được gọi là tháp Cánh Tiên.

                                                          Hồng Phượng

Top