Tết Việt qua cảm nhận của người nước ngoài
Phóng viên: Chào bạn. Bạn có thể chia sẻ với độc giả Tạp chí Thế giới Di sản về cuộc sống và công việc bạn đang làm tại Việt Nam?
Miss Mary Ann Simpson: Năm nay tôi 24 tuổi. Tôi sinh ra và lớn lên ở Luân Đôn, Vương quốc Anh. Tôi đã sang Việt Nam được một năm với vai trò là một tình nguyện viên dạy tiếng Anh, hiện tôi đang làm việc tại một hệ thống trường tư thục đào tạo ngoại ngữ ở Hà Nội. Tôi thực sự rất yêu công việc của mình ở nơi này, có lẽ bởi học sinh của tôi rất thông minh, dễ bảo và luôn luôn tôn trọng thầy cô của chúng.
Phóng viên: Bạn có nhận xét gì về đất nước, con người Việt Nam? Hà Nội có gì hấp dẫn với bạn không?
Miss Mary Ann Simpson: Trong khoảng thời gian một năm làm việc và sinh sống ở Hà Nội, thỉnh thoảng tôi cũng đi du lịch thăm thú những địa danh nổi tiếng và cảnh đẹp ở Hà Nội cũng như vài địa phương khác của Việt Nam. Đối với tôi, thực lòng mà nói, cảnh sắc nơi đây vô cùng quyến rũ lòng người, đẹp đến mức ngỡ ngàng. Nó khiến cho tôi có một mơ ước là sẽ coi đây như quê hương thứ hai của mình và muốn ở lại lâu dài khi về già. Tôi thực sự hy vọng điều đó sẽ trở thành hiện thực. Điều đầu tiên khi sang Việt Nam, tôi cảm nhận các bạn Việt Nam rất kín đáo và tế nhị. Điều đó khiến tôi vô cùng ngạc nhiên! Một quy cách ứng xử lịch thiệp và kín đáo tế nhị là điều mà một cô gái phương Tây như tôi bị cuốn hút. Trong môi trường xã hội rộng lớn ấy, tất cả mọi người đều tôn trọng khoảng cách riêng tư trong giao tiếp và tiếp cận đối tác. Tôi nghĩ đó là nét văn hoá vô cùng đặc sắc rất khác xã hội phương Tây chúng tôi.
Mary Ann Simpson, tình nguyện viên dạy tiếng Anh, hiện đang làm việc tại một hệ thống trường tư thục đào tạo ngoại ngữ ở Hà Nội. Ảnh: QH
Bên cạnh đó, tôi cũng nhận thấy thêm một yếu tố hấp dẫn mình không kém, đó là ẩm thực Hà Nội. Thực sự đồ ăn nơi đây rất ngon, khiến tôi có suy nghĩ rằng đây phải là một nghệ thuật kết hợp giữa các yếu tố vô cùng hài hoà từ nguyên liệu chế biến như thịt, cá tươi ngon với các loại rau, gia vị đi kèm và hoa quả phong phú của xứ sở nhiệt đới, chỉ có ở đất nước các bạn. Đặc biệt, đồ ăn ngon như vậy nhưng giá cả rất phải chăng, tôi vô cùng yêu thích điều đó.
Phóng viên:Được biết, bạn đã từng thưởng thức Tết của Việt Nam. Bạn có thể cho biết những cảm nhận của bạn về Tết Việt? Tết ở Việt Nam khác gì với nước Anh khi bước vào năm mới?
Miss Mary Ann Simpson: Nói về Tết Việt Nam, đây là dịp vô cùng đặc biệt với người nước ngoài như chúng tôi. Tôi yêu thích cảm giác tất cả bạn bè ngồi quây quần bên mâm cơm cùng nhau nói “chúc mừng năm mới”, cùng thưởng thức các món ăn ngon, đặc trưng trong ngày Tết như: bánh chưng (thứ bánh mang lại cho tôi cảm giác rất đặc biệt), nem rán, giò lụa dùng với gia vị nước nắm độc đáo. Mọi người vừa ăn vừa nói chuyện rất vui vẻ, có thể chụp ảnh lưu niệm ngay trong bàn tiệc. Một điểm tôi thấy độc đáo nữa là tục lệ mừng tuổi tiền cho nhau, mọi người đều rất vui vẻ tặng tiền cho nhau với nhiều mệnh giá khác nhau tuỳ thuộc vào độ tuổi và sự yêu mến.
Những người bạn ngoại quốc hào hứng đi mua hoa đào ngày Tết.
Trong thời gian này, tôi cảm nhận thấy mọi hoạt động tấp nập hàng ngày đều dừng lại một cách tự giác, đường phố vô cùng vắng vẻ vì mọi người đã về hết với gia đình mình. Tôi thích không khí đoàn viên trong mỗi gia đình người Việt. Truyền thống ăn Tết ở Việt Nam thể hiện nét văn hoá tôn trọng gia đình và những người bạn. Trong những ngày Tết, khi đến thăm nhà ai đó, dù bạn quen biết hay không vẫn được gia chủ chào đón rất nhiệt tình, mời uống rượu, ăn các món ngon. Mọi người cùng chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất trong năm mới, điều mà ngày bình thường không bao giờ có được. Hơn thế nữa, thời gian nghỉ Tết của người Việt Nam cũng rất dài.
Bạn trẻ nước ngoài hào hứng đón Tết cùng người khuyết tật.
Ỏ đất nước chúng tôi, truyền thống chào đón năm mới cũng có điểm giống và khác so với các bạn. Thông thường, tối ngày 31 tháng 12 của năm cũ, chúng tôi tổ chức Lễ đón Giao thừa, nhưng khác với các bạn, vào ngày cuối cùng của năm này, mọi người vẫn đi làm bình thường, chưa phải là ngày nghỉ. Nhưng vào buổi tối, chúng tôi sẽ tổ chức buổi tiệc nhỏ ở gia đình mình. Mọi người tôn trọng sở thích cá nhân của nhau, vì vậy, có một số người sẽ liên hoan với bạn bè, gia đình của họ ở quán xá thay vì ở nhà. Người Anh chúng tôi rất thích tổ chức tiệc và tập trung bạn bè đông vui.
Trước lúc nửa đêm của Lễ đón Giao thừa, chúng tôi thường tụ họp gia đình và bạn bè, mọi người nắm tay nhau hát vang bài ca truyền thống có tên là “Auld lang syne”, có nghĩa là “vì khoảng thời gian xa xưa”. Lời bài hát vui vẻ, ấm áp phù hợp với không khí mừng năm mới, nội dung bài hát ca ngợi tình bạn lâu dài, nói về những điều tốt đẹp trong năm mới, những dự định sẽ làm trong tương lai. Chúng tôi cùng đếm ngược thời gian và khi đồng hồ điểm 0h mọi người hân hoan ôm hôn nhau, cùng nói chúc mừng năm mới. Bữa tiệc này chúng tôi thường ăn nhẹ và uống rượu sâm panh. Những đứa trẻ cũng được người lớn cho thức cùng để đón năm mới.
Ngày đầu tiên của năm mới sẽ được tổ chức vào ngày 1 tháng 1. Đó cũng là ngày lễ của quốc gia, mọi người được nghỉ ngơi, các cơ sở kinh doanh hầu hết đều đóng cửa. Mọi người sẽ ở nhà cùng người thân và bè bạn. Chúng tôi cũng có một phong tục rất giống Việt Nam, đó là ở Scotland và một phần của nước Anh vẫn duy trì phong tục có từ thời xa xưa, đó là tục “bước chân đầu tiên” hay tục xông nhà. Khi người đầu tiên bước vào nhà của ai đó trong ngày đầu tiên của năm mới sẽ mang may mắn đến với gia chủ trong suốt năm đó. Người đó cũng đồng thời cũng được gọi là “người xông đất”. Thông thường, những người có mái tóc đen được cho là người xông nhà may mắn nhất.
Phóng viên:Cảm ơn bạn. Chúc bạn và gia đình năm mới với rất nhiều điều tốt đẹp. Hy vọng bạn có thêm một Tết Việt với những ấn tượng khó quên trong đời.
Quỳnh Hương (thực hiện)