Tầm nhìn bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể gắn với biển
1. Nhận diện di sản văn hóa gắn với biển
Việt Nam được coi là quốc gia bán đảo bởi “nằm trong bán đảo Đông Dương (Indo China), lại chiếm tròn phần Đông của bán đảo này nên tính chất bán đảo lại càng nổi bật”[1], có đường bờ biển dài tới 3.260km, cùng khoảng 3000 hòn đảo lớn, nhỏ khác nhau nên “từ khởi nguyên, biển đã là môi trường sống, là bộ phận hợp thành, góp phần tạo dựng, định diện bản sắc văn hoá và tư duy của người Việt”[2]. Có lẽ vì thế mà tư duy hướng biển và truyền thống bám biển đã được bảo lưu trong các truyền thuyết từ giải thích nguồn cội người Việt với 50 người con được cha Lạc Long Quân dẫn xuống biển, cho tới tư duy khai thác và ứng xử hài hòa với biển qua các huyền thoại về Tiên Dung - Chử Đồng Tử và các vị thần biển như Cá Ông, thần Độc Cước, thần Điểm Tước… Lịch sử cũng lưu giữ bằng chứng về năng lực khai thác biển và tư duy duy kinh tế biển của cư dân Việt cổ, từ Di chỉ Soi Nhụ, Cái Bèo của văn hóa biển Hạ Long, qua các văn hóa Bàu Tró, Thạch Lạc tới văn hóa Sa Huỳnh, Óc Eo…
Trước đây, với tư duy châu thổ hay tư duy lục địa (lấy nông nghiệp lúa nước làm căn bản), chúng ta mới chỉ quan tâm đến các loại hình di sản văn hóa trên đất liền mà phần nào lãng quên các di sản gắn với biển. Tuy nhiên, đối với một quốc gia biển như Việt Nam, có diện tích vùng biển lớn hơn diện tích đất liền nhiều lần, có bờ biển trải dọc đất nước từ đất mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái (Quảng Ninh), dù dấu ấn văn hóa đậm, nhạt, dày, mỏng tùy thuộc vào điều kiện cụ thể theo địa - văn hóa từng vùng/địa phương nhưng chắc chắn biển và văn hóa biển là một hợp phần của văn hóa dân tộc.
Có văn hóa biển đảo, tất yếu phải để lại dấu ấn vật chất và tinh thần qua các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể và cả di sản thiên nhiên. Lịch sử cho thấy, trong quá trình sáng tạo văn hóa hàng ngàn năm qua, cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã hun đúc nên ý chí sắt đá và sức mạnh liên kết cộng đồng để khai hoang, quai đê lấn biển, tạo lập lãnh thổ quốc gia và hy sinh xương máu bảo vệ nền độc lập, tự chủ cũng như chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia. Mà lãnh thổ quốc gia là không gian sinh tồn/không gian vật lý và không gian văn hóa do cộng đồng quốc gia dân tộc chung tay xây dựng chứ không chỉ đơn thuần là vùng đất/lãnh thổ do thiên nhiên ban tặng. Nếu “Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam”[3], thì từ góc độ vĩ mô có thể khẳng định, lãnh thổ quốc gia là di sản văn hóa quý giá nhất của dân tộc. Theo đó, đường biên giới trên đất liền, trên biển (phần lục địa, hải đảo, vùng biển, vùng trời) không chỉ là ranh giới hành chính, mà còn là “dấu mốc thiêng liêng” khu trú, xác định không gian sinh tồn của Tổ quốc Việt Nam - loại tài sản văn hóa đặc biệt cần được bảo vệ nghiêm ngặt. Bởi vì, lãnh thổ quốc gia là không gian bao chứa con người Việt Nam cùng tất cả các loại hình di sản văn hóa và thiên nhiên còn lại, là “giang sơn gấm vóc” được cha ông tạo lập, bảo vệ và trao truyền từ ngàn đời nay cho chúng ta.
Diễn xướng Bả trạo trong lễ cầu ngư. Ảnh: Phạm Cao Quý
Trong không gian sinh tồn của lãnh thổ quốc gia, dọc theo chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, các thế hệ người Việt Nam đã sáng tạo và để lại những di sản văn hóa gắn với biển, như minh chứng lịch sử và là “cột mốc văn hóa” trên biển góp phần quan trọng khẳng định chủ quyền lãnh thổ quốc gia, quyền chiếm lĩnh, khai thác và quản lý vùng biển đảo - bộ phận cấu thành của Lãnh thổ và biên giới của Tổ quốc. Nhận diện di sản văn hóa gắn với biển, cần đi từ chủ thể sáng tạo văn hóa tới những dấu ấn văn hóa, biểu hiện văn hóa và thực hành văn hóa gắn với biển. Cụ thể:
- Những dấu ấn vật chất từ thời tiền sơ sử qua các di tích khảo cổ phát hiện ở những vùng ven biển (Soi Nhụ, Hạ Long, Cái Bèo, Quỳnh Văn, Bàu Tró, Sa Huỳnh, Óc Eo…) với các loại di vật (đống vỏ sò, điệp, ốc, rìu bôn có vai, có nấc, gốm xốp…);
- Di sản văn hóa gắn với dấu tích của hệ thống của thương cảng cổ và giao thương quốc tế như: Vân Đồn kết nối giao thương với các nước Đông Bắc Á; Sa Huỳnh - Cù Lao Chàm giao thương với các quốc gia ở tận Trung Đông; Ba Thê - Óc Eo - Phù Nam gắn với các quốc gia vùng ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ; Phố Hiến, Hội An, Bến Nghé, Đồng Nai có mối giao thương với các thị trường Châu Âu (Bồ Đào Nha, Hà Lan, Anh…). Các di tích khảo cổ thời kỳ tiền sơ sử và các thương cảng cổ chính là một “đường viền” văn hóa gắn với biển của Việt Nam;
- Di sản dưới nước với hệ thống các con tàu đắm gắn với “con đường tơ lụa trên biển” mà hàng hóa chủ yếu là gốm sứ, hương liệu, chè, hồ tiêu…[4];
- Di sản văn hóa gắn với hoạt động khai, hoang quai đê lấn biển của Doanh Điền Sứ Nguyễn Công Trứ (Tiền Hải - Thái Bình, Kim Sơn - Ninh Bình) và Thoại Ngọc Hầu, Mạc Cửu ở miền Tây Nam Bộ (các nơi này đều có đền thờ đã được xếp hạng Di tích quốc gia); Các di tích lịch sử văn hóa (đình, đền, lăng, vạn…) là các thiết chế tín ngưỡng - không gian văn hóa - tâm linh gắn với các vị thần biển, thần bảo hộ cho ngư dân và nơi diễn ra các lễ hội truyền thống gắn với biển.
- Di sản văn hóa/di sản tư liệu minh chứng cho chủ quyền quốc gia ở vùng biển đảo quê hương trong đó hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Tổ quốc, như các văn bản chính thức của nhà nước phong kiến và chính quyền các địa phương về biển đảo (Châu bản Triều Nguyễn, sắc phong, tờ lệnh, bằng cấp,…), các bản đồ cổ - bằng chứng xác thực khẳng định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam giai đoạn trước 1945 (Đại Nam nhất thống toàn đồ, An Nam đại quốc họa đồ của Giám mục Taberd, xuất bản năm 1838,..)[5].
- Di sản văn hóa phi vật thể gắn với biển: Các hoạt động kinh tế biển và các phương thức khai thác biển: đánh bắt, nuôi trồng, chế biến hải sản, chế tác ngư cụ và đặc biệt là đóng thuyền, làm bè mảng; Tri thức dân gian về biển và ứng xử với biển, gồm các tri thức về ngư trường và nguồn hải sản, về con nước, về đoán định thời tiết và phòng tránh thiên tai…; Các lễ hội truyền thống và tín ngưỡng liên quan tới tâm linh biển và gắn với các vị thần biển cùng toàn bộ những biểu hiện, thực hành văn hóa như hệ thống nghi lễ, tập tục, nghệ thuật trình diễn dân gian (múa thiêng)…., Các nghề thủ công truyền thống phục vụ khai thác biển và chinh phục biển…
2. Giá trị di sản văn hóa phi vật thể gắn với biển
Theo GS. TS Ngô Đức Thịnh, văn hóa biển được hiểu như là “hệ thống các tri thức của con người về môi trường biển, các giá trị rút ra từ những hoạt động sống của con người trong môi trường ấy, cùng với nó là những cảm thụ, hành vi ứng xử, những nghi lễ, tập tục, thói quen của con người tương thích với môi trưởng biển”[6]. Từ góc độ di sản, văn hóa biển biểu hiện cụ thể ở nhiều loại hình:
2.1. Tập quán xã hội và tín ngưỡng
Cộng đồng ngư dân biển Việt Nam tìm đến sự trợ giúp của các thế lực siêu nhiên mà cụ thể là sự linh hiển các vị thần biển khi đối mặt với sự hiểm nguy, bất an trên biển cả. Tập quán thờ thần biển mà cụ thể là tục thờ cúng Cá Ông phổ biến đối với cư dân ven biển Việt Nam từ Quảng Ninh tới tận Kiên Giang, Cà Mau mà “tại vùng biển thuộc vịnh Bắc Bộ có thể xưa kia cũng tồn tại tập tục này, nhưng ngày nay đã bị các lớp văn hóa, tín ngưỡng phía Bắc phủ lên nên tập tục này chỉ còn rất mờ nhạt ở đôi nơi hoặc không còn tồn tại nữa”[7].
Tín ngưỡng thờ Cá Ông được ra đời trước hết để đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân vùng biển trong quá trình khai thác nguồn lợi mà biển đem lại, đồng thời thể hiện lòng biết ơn đến vị thần hộ mệnh luôn che chở, giúp đỡ các ngư dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông hình thành bởi “Vấn đề quan trọng nhất là ở chỗ đối với việc đánh cá ở phá, khi con người hoàn toàn dựa vào kiến thức và kĩ năng của mình, ma thuật không tồn tại, trong khi đối với việc đánh cá ngoài khơi, đầy nguy hiểm và bất trắc, người ta sử dụng một hệ thống nghi lễ ma thuật với phạm vi rộng lớn để đảm bảo an toàn và kết quả cao”.
Từ thời Hùng Vương, cá vẫn là loài vật thân thiết và là nguồn thức ăn quan trọng phục vụ đời sống sinh hoạt của con người. Hình tượng cá có mặt ở nhiều nơi, được khắc họa trên trống đồng, trên các các phẩm điêu khắc, trong các sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của cộng đồng. Ở một số làng người Việt, đặc biệt là những làng chài lưới có tục lệ đánh cá thờ vào đầu năm mới như (xã Đào Xá, tỉnh Vĩnh Phúc), Đền Và (thị xã Sơn
Tây, Hà Nội)..., cho thấy tín lý thờ cá cứu người đã được Việt hóa theo tâm thức “trọng cá chép” của người Việt, tức đã đổi Cá Ông thành cá chép. GS.TS Ngô Đức Thịnh đưa ra nhận định khi thấy lớp văn hóa biển ẩn chứa trong lớp văn hóa sông nước biểu hiện qua tục thờ Càn Hải Đại Vương, Tứ Vị Thánh Nương mà dấu vết có thể thấy được với tục thờ Cá Ông (cá voi) qua việc thờ “Bế ngư thuyền quan”- cá cứu người được thờ ở đền Dạ Trạch và những nghi lễ cầu mùa cá ở làng Chử Xá liên quan đến mùa cá mòi nước lợ.[9] Còn có ý kiến cho rằng Cá Ông là một thần riêng biệt của đất phương Nam... Đám lưu dân đi về phương Nam phát hiện thêm một hệ thống thần biển với những liên hệ vốn chỉ có ở những đại diện mờ nhạt ở trung châu miền Bắc”.[10] Điều mà chúng ta có thể khẳng định, tập quán thờ Cá Ông nói riêng hay thờ các vị thần biển nói chung đều bắt nguồn từ đời sống tâm linh của cộng đồng ngư dân bởi môi trường càng bất trắc, kết quả lao động càng bấp bênh thì con người càng có khuynh hướng sử dụng lễ nghi để gửi gắm niềm tin vào những vị “phúc thần” hay “thần may mắn” cụ thể.
Dưới góc độ khoa học về di sản văn hoá, các lễ hội biển được sáng tạo từ nhu cầu tâm linh của người dân vùng biển trong quá trình khai thác nguồn lợi mà biển đem lại. Có thể thấy, quan niệm của ngư dân về những kiêng kỵ, tục lệ cúng tế liên quan đến nghề biển, đến thần biển như những vị phúc thần, luôn phù hộ, ra tay cứu “độ” những người gặp nạn trên biển phù hợp với nghiên cứu về đời sống tâm linh của con người, rằng: “khoa học kỹ thuật phát triển cũng không thay thế được ma thuật. Khi đối mặt với khó khăn nơi biển cả mênh mông, con người hướng đến sự trợ giúp của các thế lực siêu nhiên, vì thế ở đâu có bất trắc, ở đó có bùa chú cúng kiếng”[11]. Trong mỗi chuyến đi biển, ngư dân luôn đặt niềm tin vào vị thần biển của cộng đồng mình nên trong hành trang đi biển, bên cạnh sự bù đắp bằng những loại hình phương tiện tàu thuyền cỡ lớn, máy móc hiện đại, kinh nghiệm dày dạn… thì con người vẫn là những cá thể nhỏ bé trước biển khơi, bị khuất phục trước những thiên tai, hiểm họa khôn lường, vì vậy mà hình ảnh Ông Nam Hải, Tứ vị Thánh nương hay thần Độc Cước, Bà Thuỷ Long... luôn là điểm tựa, chở che, khích lệ tinh thần của mỗi ngư dân làng biển.
2.2. Tri thức dân gian
Nếu như trong nông nghiệp có những “lão ngư tri điền” thì đối với ngư nghiệp cũng có những “lão ngư tri hải”. Đó là những người thông thạo tên các loài hải sản, các luồn lạch, bến, điểm đánh bắt hải sản. Từ đó, những kinh nghiệm nhận diện nguồn lợi hải sản và ngư trường được xây dựng, bồi đắp và truyền đời cho ngư dân ven biển nói chung để hình thành nên những tri thức bản địa mang bản sắc riêng của từng vùng.
Cuộc sống bám biển mưu sinh khiến ngư dân khác phải có những nhận thức nhất định về các loại hải sản có giá trị, phải nhớ, phải thuộc tên từng loài cá, tập tính sinh thái của chúng và giá trị mà chúng mang lại: “Tháng Bảy tháng Ba, vào ra ba chuyến”, “Một con cá góc bằng một thúng cá đối” hay “Muốn ăn con cá dưa dài, Đem con mà gả cho trai xóm Bè” hay cứ thấy Cá Ông “lên vọi” thì cứ bủa lưới quanh đó mà đánh cá cơm. Nhờ nhận thức được giá trị kinh tế và dinh dưỡng của các loại hải sản nên ngư dân đã định ra những hướng đánh bắt sao cho có lợi nhất đối với nghề ngư nghiệp cũng như việc duy trì, bảo vệ những đàn cá mà không tận diệt. Ví dụ các tháng 3, 4, 5 Dương lịch, trữ lượng cá nhiều hơn nên ngư dân tập trung đánh các loại cá; rừ tháng 6 đến tháng 12 Dương lịch, trữ lượng tôm, moi nhiều, ngư dân thường đánh các loại này và đánh cá với số lượng ít hơn. Với việc nắm bắt mùa vụ, xác định các luồng hải sản, kết hợp với xác định thời điểm và địa điểm đánh bắt, ngư dân ngày càng đánh bắt hiệu quả hơn, đời sống kinh tế và nghề đánh bắt khởi sắc.
Bên cạnh tri thức về khai thác hải sản, ngư dân còn tích lũy những kinh nghiệm về ngư trường như đánh dấu rạng đá ngầm, lạch nước, cồn ngầm hay độ sâu của nước, xác định và ghi nhớ điểm đánh bắt…, tránh rạng đã ngầm và sóng xoáy… Khi những ngư trường cũ kiệt dần trữ lượng hải sản và việc khai thác vùng lộng không thể mang lại sản lượng cao như khai thác vùng khơi, ngư dân phải đến khai thác ở những nơi khác và vươn khơi để đánh bắt nhằm thu được sản lượng hải sản lớn hơn, có cơ hội đánh bắt những loại hải sản có giá trị cao, nâng cao đời sống kinh tế, cho dù nhiều hiểm nguy hơn. Khi vươn khơi đánh bắt, ngư dân đã tiến tới và gia nhập một ngư trường rộng lớn, phải sử dụng những phương tiện đánh bắt hiện đại, tàu thuyền có công suất lớn, máy định vị, máy bộ đàm, máy tầm ngư,… thay thế các phương tiện định vị thô sơ, ngư cụ truyền thống thay bằng ngư cụ tự động, dẫn tới suy giảm một số kinh nghiệm dân gian song lại cũng sáng tạo ra những tri thức mới phục vụ cho đánh bắt xa bờ.
Ngư dân Việt Nam phần lớn vừa là nông dân, vừa là ngư dân nên cuộc sống chịu sự tác động lớn của các hiện tượng tự nhiên. Khi ngư dân chưa áp dụng được các tiến bộ khoa học thì việc nắm bắt các quy luật tự nhiên là vô cùng cần thiết vì một sai lầm nhỏ giữa biển cả mênh mông cũng có thể phải trả giá bằng tính mạng.
Vì thế mà bao đời ngư dân dọc bờ biển Việt Nam đã đúc kết một lượng tri thức hết sức đa dạng về đoán định thời tiết: Ví dụ “Tháng Tám trông ra, tháng Ba trông vào” nghĩa là vào tháng Ba, thường có giông kéo từ biển vào nhưng không kèm theo mưa bão lớn. Còn tháng Tám, nhìn ra hướng biển mà thấy mây đùn tựa bông thì chắc chắn sẽ mưa to, biển động và đánh bắt được nhiều hơn… Tháng Ba, tháng Tư, mây mọc đằng Tây, trời nhiều mưa. Tháng Tám, Chín, Mười, nếu nhìn thấy mây mọc đằng đông vần vũ, cuộn từ dưới lên thì trời động bão. Nếu đi biển nhìn thấy nước vỗ vào thuyền rất mạnh, dòng chảy xiết và nghe thấy tiếng chảy ào ào thì báo hiệu sắp có gió mạnh, hay bỗng dưng không thấy hải âu hay chim biển bay thì là sắp bão, phải nhanh tìm bờ. Dân gian đã đúc kết những tri thức về thiên nhiên hết sức phong phú: “Bấc tháng Giêng bất tài, bất lộc, Bấc tháng Ba bất độc, bất hại” hay “Trời ráng mỡ gà, ai có nhà phải chống”, hay “Móng cụt (cầu vồng) không lụt thì bão”.
Cùng với tri thức dân gian đoán định thời tiết và phòng tránh thiên tai để thích ứng với sinh kế và môi trường sống của mình, kho tàng di sản văn hóa biển còn chứa đựng những tri thức về lịch con nước được ngư dân trao truyền bao đời nay. Cách tính con nước chủ yếu để xác định ngày nước sinh - những ngày sóng yên, bể lặng, có thể đánh bắt được nhiều hải sản, cách tính chiều nước lên xuống để dong buồm ra khơi hoặc neo đậu tàu thuyền khi cập bến, đồng thời đúc rút ra những kinh nghiệm trong ứng phó với thiên nhiên. “Con ơi nhớ lấy lời cha, trăng xuống mái nhà, nước đã chảy lên”: nước có quy luật lên xuống nên ngư dân có thể nhìn vào trăng để biết được chiều nước đang lên hay xuống trong tháng. Vào những ngày nước lên, biển êm, tĩnh lặng, việc đánh bắt thuận lợi vì những loài hải sản sẽ áp vào gần bờ, dễ phát hiện, dễ đánh bắt. Khi nước xuống, nước dòng cạn kiệt, moi cũng theo dòng chảy mà đi ra ngoài bể, lúc đó người ta đánh moi từ ngoài bể đánh vào. “Trong ba cũ, ngoài ba con” nhằm lý giải, với mỗi chu kì con nước sẽ có khoảng 6 ngày nước tĩnh lặng, đó là 3 ngày đầu chu kì nước mới, và 3 ngày cuối chu kì nước cũ để chỉ thời điểm thuận lợi nhất trong đánh bắt của ngư dân.
Những tri thức dân gian này là vốn kinh nghiệm quý báu, thể hiện khả năng thích ứng với môi trường sống của người Việt ven biển, cũng thể hiện trí tuệ và sự sáng tạo tập thể đã được kết tinh thành các giá trị văn hóa trong ứng xử với môi trường tự nhiên - môi trường biển để sinh tồn.
2.3. Lễ hội truyền thống
Dọc theo bờ biển Việt Nam là hệ thống “cột mốc văn hóa” đền, lăng, đình, vạn… nơi cộng đồng ngư dân vạn chài thực hành các biểu hiện văn hóa liên quan tới tín ngưỡng biển, được cụ thể hóa thành các lễ hội với hạt nhân tâm linh là các vị thần biển. Các lễ hội gắn với biển như Lễ hội Chọi Trâu Đồ Sơn (Hải Phòng), Lễ hội đền Độc Cước (Thanh Hóa), Lễ hội đền Cờn (Nghệ An), Lễ hội Nghinh Ông (TP. HCM, Bến Tre, Sóc Trăng, Cà Mau…) hay Lễ hội Cầu ngư (Thanh Hóa, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận…), Lễ cúng biển Mỹ Long (Trà Vinh) là biểu hiện cụ thể trong thực hành tín ngưỡng thờ thần biển của ngư dân biển Việt Nam, được cộng đồng người dân vạn chài tổ chức và diễn xướng như một cuộc diễu hành tâm linh để tưởng nhớ và bày tỏ sự tri ân đối với vị thần biển của họ. Từ trước đến nay, việc nghiên cứu, đánh giá giá trị và vai trò của lễ hội thường đứng trên quan điểm về tín ngưỡng, coi lễ hội chỉ là một thành tố của tín ngưỡng thờ cúng thần biển, mà chưa nhìn nhận lễ hội như một thực hành văn hóa được cộng đồng những người dân biển Việt Nam. Thêm vào đó, các lễ hội truyền thống biển là môi trường sinh hoạt văn hoá, tâm linh, nghệ thuật truyền thống phản ánh chính cuộc sống vật chất và tinh thần của cộng đồng cư dân ven biển.
Lễ Cầu ngư ở Nhơn Hải, Bình ĐỊnh - Ảnh Nguyễn Văn Ngọc
Từ góc độ lịch sử, toàn bộ hệ thống đình, đền, lăng, miếu... cùng với kết cấu kiến trúc, trang trí nghệ thuật, hệ thống ngai, bài vị thờ, ngọc cốt (trường hợp Cá Ông)... là những bằng chứng vật chất cho lịch sử hình thành tín ngưỡng và lịch sử tụ cư, quần cư của cộng đồng ngư dân địa phương. Hệ thống sắc phong, thần tích, thần phả cũng chứa đựng nhiều thông tin liên quan đến lịch sử hình thành địa danh, phong tục, tín ngưỡng ở địa phương, cũng như sự tiếp biến và giao thoa văn hóa giữa cư dân bản địa với các khu vực khác. Do đó, các lễ hội truyền thống gắn với biển cùng các thiết chế tín ngưỡng, thờ tự liên quan là những bằng chứng xác thực về: (1) Lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển của cộng đồng cư dân miền biển từng địa phương; (2) Mối quan hệ giao thương kinh tế và giao lưu văn hoá giữa cư dân các vùng biển với nhau và với các cộng đồng khác qua đường biển; (3) Sự giao lưu và tiếp biến văn hoá để hình thành nên tín ngưỡng bản địa đặc sắc, phù hợp và đáp ứng nhu cầu của đời sống lao động và sản xuất đặc thù của cư dân địa phương. (4) Nguồn sử liệu vô cùng phong phú và xác thực về những bằng chứng liên quan đến chủ quyền biển đảo, về kinh nghiệm ứng xử với biển của các thế hệ người dân biển Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai. Quan trọng hơn cả, các lễ hội biển như Lễ hội nghinh Ông, Lễ hội đua thuyền Tứ Linh và đặc biệt là Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa chính là nguồn sử liệu vô cùng phong phú và xác thực về những bằng chứng liên quan đến chủ quyền biển đảo, về kinh nghiệm ứng xử với biển của các thế hệ người dân biển Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và cả tương lai.
Dưới góc độ văn hoá, các lễ hội là ngày hội của làng biển, ngày để cộng đồng thỏa mãn niềm tin tín ngưỡng, ngày để vui chơi, giải trí, thăm viếng lẫn nhau, dịp cho người xa xứ trở về quê hương, nối mạch ngầm ngàn xưa với ngàn sau để người dân biển muôn đời không xa biển. Các lễ hội biển chính là bệ đỡ tạo ra sức mạnh tinh thần giúp ngư dân vững vàng vượt qua những thách thức, nhọc nhằn trên biển để khai thác nguồn lợi biển, mang về cho cộng đồng những chuyến thuyền đầy ắp cá tôm, làm cho cuộc sống ngư dân nói riêng và cộng đồng cư dân biển nói chung thêm đủ đầy, no ấm. Lễ hội vì thế, là dịp để ngư dân thư giãn, tạo lập thế cân bằng trong đời sống tinh thần sau một năm đánh bắt vất vả, cực nhọc và tiếp thêm sinh lực, sẵn sàng cho một mùa ra khơi đầy sóng gió tiếp theo. Những lễ hội biển chính là môi trường duy trì, giáo dục đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", tôn vinh công đức của các vị thần biển cứu giúp ngư dân khi gặp hoạn nạn cũng như mang đến cho họ những vụ mùa biển bội thu, cho cuộc sống được an bình và no đủ, cũng như tri ân công lao của những anh hùng hy sinh vì chủ quyền biển đảo của Tổ quốc (Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa).
Từ góc độ nghệ thuật, các lễ hội gắn với biển nơi bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, từ hệ thống di tích kiến trúc - mỹ thuật của lăng, đình, đền, miếu... đến những giá trị độc đáo của các loại hình nghệ thuật diễn xướng như múa hát bả trạo, hát tuồng, hát bội, múa siêu... và các trò chơi dân gian tạo thành một bức tranh sinh động, đa sắc của ngày hội làng biển. Trong sự vận động không ngừng của dòng chảy văn hóa, các loại hình nghệ thuật, các nghi lễ và diễn xướng truyền thống ấy được cá nhân, cộng đồng liên tục tái tạo, duy trì, trao truyền, làm cho các sản phẩm tinh thần ấy có sức lan tỏa trong cộng đồng và các lễ hội biển trở thành môi trường diễn xướng/môi trường thực hành văn hoá mang tính bản sắc cộng đồng ngư dân biển và tính đặc thù của văn hoá biển Việt Nam rất sâu rộng và bền bỉ.
Một trong những giá trị văn hoá - nhân văn đặc sắc trong những lễ hội biển của ngư dân Việt Nam là thể hiện thái độ ứng xử hài hoà, thân thiện với môi trường biển, sự trân trọng đối với thế giới tự nhiên của ngư dân. Họ sống dựa vào biển, bám biển để mưu sinh nhưng chỉ dừng lại ở việc khai thác nguồn tài nguyên của biển một cách hợp lý mà không tận diệt, phá huỷ môi trường biển. Từ trong tâm thức người dân, việc nâng cá voi từ sinh vật biển thuần tuý thành vị thần biển được tôn thờ, đã trở thành ý thức bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường biển một cách tự nhiên, tự nguyện và hết sức đồng thuận trong cộng đồng, thể hiện thái độ ứng xử nhân văn với môi trường thiên nhiên của ngư dân biển Việt Nam.
2.4. Nghề thủ công truyền thống
Nghề thủ công truyền thống gắn với biển, phục vụ sinh kế trên biển của người dân vạn chái được hình thành từ các tri thức bản địa về chế tạo công cụ, ngư cụ sử dụng trong đánh bắt, thu lượm thuỷ hải sản và phương tiện di chuyển, giao thương trên biển. Trong quá trình con người thích ứng với môi trường biển, bên cạnh việc phải tìm hiểu để dần mở mang những hiểu biết về đại dương mênh mông, nơi chứa đựng nguồn tài nguyên như vô tận nhưng cũng chứa đầy những hiểm nguy, thì những hành vi, thói quen cũng được xây dựng để hình thành nên các tri thức, tập quán và nghi lễ để ứng xử với môi trường đó. Một trong những yếu tố đảm bảo sinh kế cho cộng đồng người dân vạn chài, đó là phương tiện đi lại để phục vụ di chuyển, đánh bắt, vận chuyển và thương mại trên biển. Các loại ghe, thuyền, bè, mảng bằng tre, nứa từ đơn sơ nhất tới tiện dụng, đa năng nhất đã thể hiện khả năng ra khơi, bám biển, khai thác biển, sinh sống trên biển và chinh phục biển của người Việt. Như nhận xét của nhà nghiên cứu Tim Severin sau chuyến du hành vượt Thái Bình Dương bằng chiếc mảng của những ngư dân Sầm Sơn: “Cùng với miền Nam Trung Quốc, Việt Nam là nơi đóng góp cho nhân loại hai phát minh trong việc sử dụng sức gió để đẩy thuyền, đó là buồm cánh dơi và chiếc xiếm”[12]. (Ở Việt Nam hiện nay còn nhiều nơi có thể chế tạo được buồm dân gian nhưng nơi bảo lưu được truyền thống đó chỉ còn gia đình nghệ nhân Phạm Văn Chính ở Phong Cốc, đảo Hà Nam, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh). Không chỉ là công cụ, phương tiện khai thác biển, thuyền, tàu, bè, mảng... còn hàm chứa và phản ánh đặc trưng văn hoá của từng cộng đồng ngư dân cùng bản sắc văn hoá - tự nhiên của vùng/miền đó. Tương tự, môi trường biển không chỉ như một không gian lao động, sản xuất, mưu sinh mà còn là một không gian văn hoá - sinh tồn của người dân biển Việt Nam. Điều đó đã chứng minh cho truyền thống hàng hải của dân tộc Việt Nam, chứng minh chủ quyền biển đảo mà nhiều bậc tiền nhân của chúng ta đã khai phá để góp phần bảo nên giang sơn gấm vóc Việt Nam ngày nay.
Bên cạnh đó, các nghề thủ công truyền thống gắn với biển còn được hình thành từ tri thức dân gian về bảo quản và chế biến hải sản để đảm bảo sự sinh tồn của ngư dân sau mỗi mùa biển. Đây là một trong 3 tiêu chí để cấu thành văn hoá biển theo quan điểm của GS. TS Ngô Đức Thịnh: (1) Tổ chức cộng đồng, gồm hội các lái, tổ chức xã hội nghề nghiệp, làng ngư nghiệp; (2) Tập hợp sinh kế của cư dân biển (đánh bắt hải sản, làm nước mắm, khai thác tài nguyên biển, thương mại trên biển, vận tải biển) và (3) Tín ngưỡng, tri thức bản địa.
Điển hình cho nghề thủ công truyền thống gắn với biển của người dân ven biển Việt Nam, với sản phẩm đã làm nên hồn cốt và tinh thần cũng như bản sắc văn hoá người Việt: Nghề làm nước mắm và Nghề làm muối.
Cả hai nghề thủ công này đều phản ánh một phần lịch sử khai phá đất đai trong tiến trình cha ông đi mở đất phương Nam, công cuộc lấn biển, chinh phục thiên nhiên, tạo dựng cuộc sống của nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Nghề làm muối của diêm dân ven biển từ Bắc chí Nam tạo ra sản phẩm không chỉ là hàng hóa thuần túy mà còn là mang tính sáng tạo và phản ánh phong tục, tập quán, tín ngưỡng, điều kiện tự nhiên khác biệt của từng vùng đất. Nghề lao động được xem là cực nhọc, vất vả nhất, phụ thuộc gần như hoàn toàn vào thiên nhiên này lại trở thành đề tài của nhiều tác phẩm văn học dân gian và đi vào truyền thuyết với những vị thần bảo trợ được diêm dân tôn thờ (Bà Chúa Muối, đền Quang Lang, Thái Thụy, Thái Bình). Nghề làm mắm có ưu thể hơn bởi có vai trò trong việc ổn định xã hội bằng cách tạo công ăn việc làm cho người lao động mà không quá lệ thuộc vào thời tiết mà mang lại giá trị kinh tế cao hơn. Từ việc đúc kết các kinh nghiệm trong lao động sản xuất thành các tri thức dân gian để thích ứng với tự nhiên và sinh tồn và nâng cao hơn thành các nghề thủ công truyền thống phục vụ đời sống cộng đồng cũng như trao đổi mang tính thương mại, nghề làm muối, làm mắm hay chế biến sản vật biệt thể hiện vai trò cố kết cộng đồng trong quá trình sản xuất; có giá trị giáo dục tinh thần lao động, ý thức trách nhiệm với cộng đồng, với tự nhiên và hơn cả là góp phần vào việc phát triển kinh tế của hộ gia đình và của địa phương, ổn định tình hình kinh tế - xã hội.
3. Tầm nhìn bảo vệ di sản văn hóa gắn với biển
Những biểu đạt, thực hành văn hóa trong những truyền thống gắn với biển thay đổi để phù hợp với cuộc sống đương đại là tích cực nếu sự thay đổi đó là quá trình tái tạo di sản của cộng đồng ngư dân vạn chài. Mặt khác, nếu sự thay đổi diễn ra do tác động của phát triển du lịch thiếu định hướng và thiếu kiểm soát, với sự chấp thuận “bằng mọi giá” của cộng đồng để phát triển kinh tế ngắn hạn và với sự áp đặt của chính quyền thì lại gây ra những hậu quả khó lường đối với các di sản văn hoá biển. Các di sản văn hoá phi vật thể gắn với biển đều là những sản phẩm văn hoá đặc thù, là bộ phận cấu thành tài sản văn hoá của các địa phương ven biển, nên cần được bảo vệ và phát huy đúng cách, đúng hướng để có thể tạo thêm việc làm, góp phần phát triển kinh tế địa phương, mang lại nguồn lợi sống bền vững cho chính cộng đồng sở hữu di sản, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội địa phương, vừa góp phần tích cực vào bảo vệ và phát huy giá trị bản sắc văn hoá người dân biển Việt Nam. Việc bảo vệ và phát huy các di sản văn hoá phi vật thể gắn với biển chính là sự chuyển giao tri thức, kỹ năng, bí quyết tổ chức và thực hành các nghi thức liên quan để duy trì sức sống của các thực hành văn hoá, đảm bảo di sản luôn là một phần của cuộc sống của thế hệ hiện tại và sẽ được liên tục được tái tạo và lưu truyền cho các thế hệ tương lai. Công việc này sẽ đem lại những hiệu quả thiết thực:
- Củng cố, giữ gìn di sản gắn với biển và chuyển giao liên tục trong cộng đồng cũng như cho phép nó thay đổi phù hợp với nền văn hóa biển đã sản sinh và nuôi dưỡng nó;
- Làm sống lại những yếu tố đã bị mai một, đảm bảo sự sống, sự liên tục làm mới và trao truyền các truyền thống văn hoá biển trong cộng đồng;
- Phản ánh và bảo vệ tính đa dạng văn hóa của ngư dân các vạn, chài có sở hữu di sản như một phương pháp toàn diện, có tính bao quát chỉnh thể với tất cả hình thức biểu hiện của di sản văn hoá phi vật thể gắn với biển;
- Góp phần tích cực bảo vệ bền vững tài sản - di sản của cộng đồng và của dân tộc, bảo vệ quyền sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của cộng đồng chủ thể văn hóa, những người ngư dân bám biển mưu sinh và sáng tạo văn hóa biển.
- Bảo vệ tiềm năng phát triển du lịch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương nói riêng và của các vùng văn hóa biển nói chung.
Người dân quanh năm bám biển mưu sinh không mong cầu gì hơn quanh năm năm sóng yên bể lặng, tôm cá đầy khoang, nên các sáng tạo văn hoá của họ cũng thể hiện và gửi gắm những mong cầu đó. Để có các giải pháp mang tính khả thi, vừa bảo vệ và phát huy giá trị các di sản văn hoá biển của cộng đồng, các địa phương có di sản cần nghiên cứu và phối hợp nghiên cứu, xây dựng chiến lược và các bước triển khai cụ thể. Đó là việc nghiên cứu, nhận diện, kiểm kê, tư liệu hóa hệ thống di sản gắn với biển để hiểu rõ về đặc điểm, vai trò, giá trị của di sản, cộng đồng nắm giữ di sản (nghệ nhân, người thực hành)…, có biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản phù hợp với xã hội hiện đại. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương và cộng đồng phối hợp đầu tư các nguồn lực cho việc tu bổ, tôn tạo không gian thực hành di sản; tổ chức truyền dạy di sản với sự tham gia của các nghệ nhân; có cơ chế, chính sách hỗ trợ nghệ nhân, người thực hành; nâng cao năng lực, nhận thức về di sản và phát triển du lịch cho cán bộ các cấp, cộng đồng, đặc biệt quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Các giải pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản, phát triển du lịch sử dụng tài nguyên văn hoá là các di sản văn hoá gắn với biển cẩn hết sức thận trọng và có sự kết nối chặt chẽ, đảm bảo mục tiêu bảo vệ di sản, lợi ích kinh tế và chủ quyền lãnh thổ.
Trong bối cảnh quốc tế và khu vực, việc bảo vệ và phát huy di sản văn hóa gắn với biển đã và đang trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách cần có sự hợp tác liên ngành và liên tỉnh, thành phố cũng như sự chung tay của cộng đồng cư dân biển nói riêng và của toàn dân tộc Việt Nam nói chung. Do đó, trong chiến lược chung về bảo vệ chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên biển đảo, cần có những kế hoạch, dự án bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể gắn với biển đảo mang tính chuyên biệt, có tầm nhìn xa và rộng để phục vụ được mục tiêu lớn đặt ra:
(1) Tập trung nghiên cứu sưu tầm và tư liệu hóa/số hóa các loại tư liệu lịch sử - bằng chứng lịch sử xác thực về văn hóa biển, khả năng thích nghi với điều kiện sống trong môi trường biển đảo, đặc biệt là các tư liệu khẳng định chủ quyền, quyền khai thác, quản lý và thực thi chủ quyền của Việt Nam trên biển, đảo.
(2) Xây dựng trung tâm nghiên cứu khảo cổ học dưới nước để hiểu sâu về văn hóa biển đảo, đặc biệt là hệ thống các con tầu đắm trên vùng biển quốc gia cùng với toàn bộ các hiện vật và các câu chuyện liên quan. (3) Tổ chức các chuyên đề trưng bày cố định và triển lãm lưu động giới thiệu các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể gắn với văn hóa biển và bằng chứng về chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
(4) Tổ chức các điểm đến du lịch, các tour du lịch biển đảo, tạo cho công chúng điều kiện tiếp cận, hưởng thụ giá trị di sản văn hóa, đặc biệt là trải nghiệm văn hoá biển của ngư dân vạn chài, góp phần phát triển cộng đồng ở những nơi có di sản văn hóa biển đảo.
(5) Tạo lập sự hợp tác liên ngành từ trung ương đến địa phương theo hướng huy động nguồn lực của toàn xã hội vì mục tiêu bảo vệ giá trị văn hóa biển, vì trách nhiệm vẻ vang mà các bậc tiền nhân đã ký thác cho thế hệ hôm nay: “Bảo vệ độc lập dân tộc, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ quốc gia trên đất liền và ở vùng biển”. Nhiệm vụ đó cũng là động lực thúc đẩy chúng ta phải vượt qua “tư duy thuần nông”/ để hướng tới tư duy biển cả/tư duy đại dương và tư duy hội nhập quốc tế, để khẳng định nền văn hoá biển của một quốc gia "rừng vàng, biển bạc" trong sự nghiệp bảo tồn, phát huy di sản văn hóa biển để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.
TS Nguyễn Thị Thu Trang
Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL)
[1] Trần Quốc Vượng, Văn hoá Việt Nam: Tim tòi và suy ngẫm, Nxb Văn hoá Dân tộc – Tạp chí Văn hoá Nghệ thuật, Hà Nội, 2000, tr.19-20
[2] Nguyễn Văn Kim, Từ huyền thoại về biển đến cơ tầng văn hoá biển nhận thức về biển, đảo trong nghiên cứu lịch sử, văn hoá dân tộc, trong: Nguyễn Văn Kim (cb), Người Việt với biển, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2011, tr.31
[3] Điều , Luật di sản văn hóa năm 2001 được sửa đổi, bổ sung năm 2009, NXB Chính trị quốc gia, HN 2009
[4] Theo ông Aoyagi Yoji - nhà nghiên cứu Nhật Bản, “tính đến năm 1990 đã có 33 địa điểm di tích ở Đông Nam Á có phát hiện gốm sứ Việt Nam”.
[5] TS. Nguyễn Văn Đoàn - ThS. Nguyễn Hoài Nam “Bảo tàng Lịch sử quốc gia với công tác nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị các tài liệu, hiện vật góp phần khẳng định, bảo vệ chủ quyền biển đảo Việt Nam”. Tạp chí Di sản văn hóa số 3 (48), 2014, Tr.118.
[6] Ngô Đức Thịnh, Văn hóa biển cận duyên (Từ tiếp cận nhân học văn hóa), Tạp chí Phát triển Kinh tế - Xã hội Đà Nẵng, tr. 34.
[7] Nguyễn Duy Thiệu, Tín ngưỡng Cá Ông, từ tập tục đến biểu trưng, Tạp chí Di sản văn hóa, số 1(34)-2011, tr.61-66.
[9] Ngô Đức Thịnh (2007), Phụng thờ Chử Đồng Tử trong biểu tượng“Tứ bất tử” trong Về tín ngưỡng và lễ hội cổ truyền, Viện Văn hóa - Nxb Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, tr.84.
[10]Tạ Chí Đại Trường (2000), Thần, người và đất Việt (bản mới), tr.33.
[11] Dẫn theo Phan Thị Yến Tuyết (2014), Đời sống xã hội - kinh tế văn hóa của cư dân vùng biển Nam Bộ, Nxb. Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, tr. 353.
[12] Tim Severin, Bè Tre Việt Nam Du ký - 5500 dặm vượt Thái Bình Dương. NXB Trẻ, Tp Hồ Chí Minh, 2014, Tr.12