Sức hút Hội Lim và cần hiểu đúng việc “thướng” tiền
Phóng viên: Từ một lễ hội vùng miền, đến nay Hội Lim đã thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Đây là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc sắc. Ông có thể cho biết giá trị văn hóa truyền thống nào đã làm nên sức hút của Hội Lim?
Ông Nguyễn Năng Hà: Hội Lim là lễ hội truyền thống đầu xuân, đã có từ lâu đời ở miền Kinh Bắc. Chính Hội diễn ra vào ngày 13 tháng Giêng hàng năm. Lễ hội thường tổ chức trong 3 ngày, có năm kéo dài đến tận Rằm tháng Giêng. Hội Lim là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng, trong đó lễ hội tổ chức đầy đủ các trò chơi dân gian, giao lưu văn hóa… Tuy nhiên, nét đặc trưng của Hội Lim chính là lễ giao duyên Quan họ. Lễ hội chính là nơi giao lưu, kết chạ, kết nghĩa và hát giao duyên của cả 49 làng Quan họ, địa điểm chính là Thị trấn Lim. Trong ngày những ngày hội, các gia đình tại đây vẫn diễn ra hát canh, hát cổ thâu đêm. Hoạt động văn hóa truyền thống này vẫn được các gia đình nghệ nhân duy trì đến tận ngày nay.
Ông Nguyễn Năng Hà, Trưởng thôn Lũng Giang, thị trấn Lim, huyện Tiên Du, Trưởng Tiểu ban Lễ hội Lim 2018. Ảnh: CP
Phóng viên: Vừa giữ gìn được văn hóa truyền thống vừa phát huy được điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, Lễ hội Lim năm nay có gì mới, cũng như điểm nhấn của Hội là gì, thưa ông?
Ông Nguyễn Năng Hà: Lễ hội năm nay vẫn tiếp tục các hoạt động nhằm phát huy nét đẹp lễ hội truyền thống, khơi dậy lòng tự hào về văn hóa truyền thống của quê hương Kinh Bắc, cũng như thể hiện lòng thành kính và biết ơn những danh nhân lịch sử văn hóa, những anh hùng dân tộc trong lịch sử dựng nước và giữ nước, qua đó động viên nhân dân, ý thức bảo tồn và gìn giữ những giá trị văn hóa của ông cha để lại.
Trong phần lễ, từ ngày 10-15 bà con nhân dân tại di tích lịch sử các thôn vẫn duy trì tổ chức tế, dâng hương. Trong đó, ngày chính Hội 13 tháng Giêng tổ chức rước Mẫu và sắc phong ra đình Lim.
Trong phần hội có hát Quan họ dưới thuyền; Hát Quan họ trên bộ, hát ở các gia đình nghệ nhân Quan họ và hát Quan họ ở nhà chứa thôn Lũng Giang; Chơi đu ở khu Đồng Chuông; Cờ người ở sân đình Lũng Giang; Vật và đập niêu ở Núi Lim; Tổ tôm điếm ở đồi Lim; Giải bóng chuyền, cầu lông và triển lãm sinh vật cảnh.
Lớp CLB Quan họ Nhí. Ảnh: CP
Năm nay mọi hoạt động diễn ra trong lễ hội được quy củ hơn, chuyên nghiệp hóa. Điểm nhấn năm nay, có thể nói là những hoạt động tại Tiểu ban thôn Lũng Giang chúng tôi. Phần lễ, Tiểu ban thôn Lũng Giang phụ trách phần rước Mẫu và sắc phong ra đình Lim. Chúng tôi đã họp bàn và lựa chọn Ban tế gồm các bô lão đức độ, uy tín trong thôn và bà Nguyễn Thị Chung, một người hoạt động Tín ngưỡng thờ Mẫu 40 năm nay, đã từng trình diễn nghệ thuật này tại Thái Lan, Hà Lan, đứng ra lo việc rước Mẫu và rước sắc phong sao cho đúng cách, uy nghi và trang trọng. Hay như hoạt động cờ người, chúng tôi lựa chọn giao Ban hội. Ban hội lựa chọn kỹ lượng các em học sinh trai, học sinh gái được phù hợp để tham gia chơi cờ người.
Tiểu ban Lễ hội Lim Lũng Giang cũng như Ban Lễ hội Lim nói chung chúng tôi triệt để không lợi dụng việc mở hội để lập lại những hư phong, hủ tục làm lu mờ thuần phong mỹ tục và đặc biệt là không tuyên truyền và hành nghề mê tín dị đoan, kiên quyết loại bỏ các hoạt động thiếu văn hóa, các các tệ nạn xã hội.
Phóng viên: Nói đến thuần phong mỹ tục, có người nói rằng: Hành động “thướng” (cách gọi của người Quan họ về việc thưởng tiền) cho người hát, nhận tiền của các liền anh liền chị như là kiểu “ngả mũ xin tiền” là mất thuần phong mỹ tục. Song nhiều người lại cho rằng: Đó là nét văn hóa đã có từ lâu đời, là “oan cho các liền anh, liền chị”. Vâỵ theo ông cần hiểu đúng hành động này như thế nào?
Ông Nguyễn Năng Hà: Theo tôi, việc “Thướng” tiền có khi là thướng tiền, quả cau, bánh cho người hát để bày tỏ sự cảm mến khi liền anh, liền chị ca hay; Các liền anh, liền chị đưa nón hay đĩa ra nhận để đến đáp cái thịnh tình đó của người nghe. Theo tôi là không có gì xấu. Nó đã có từ lâu đời và là truyền thống của người Quan họ. Ta cũng không nên bỏ.
Du khách người Slokia thướng tiền cho liền anh, liền chị. Ảnh: CP
Thế nhưng, cần nhận thức đúng. Đầu tiên đó là việc các liền anh, liền chị không được chủ động hay yêu cầu người nghe thướng tiền cho mình; chỉ được phép đáp lại thịnh tình của người nghe, mong muốn thướng của người xem. Tiếp nữa, cái chính là mục đích sử dụng đồng tiền được thướng như thế nào. Liền anh, liền chị dùng tiền đó để công đức lại chùa, đình và một phần cho các lớp học Quan họ nhí, phát triển Quan họ. Với cách thức và mục đích chính đáng như vậy, theo tôi ta không nên bỏ. Còn nếu các liền anh, liền chị dùng đồng tiền vào mục đích cá nhân, hay có hành động chèo kéo du khách… thì mới đáng lên án và cần loại bỏ.
Phóng viên: Du khách thập phương về dự Lễ lớn, Ban Tổ chức đã có những hành động cụ thể như thế nào cho công tác giữ gìn an ninh trật tự và vệ sinh môi trường?
Ông Nguyễn Năng Hà: Vấn đề về công tác trật tự và môi trường luôn là bài toán khó không chỉ riêng Hội Lim mà ở hầu hết các lễ hội dân gian. Chính vì vậy, ngay từ đầu chúng tôi đã có những chuẩn bị cần thiết để giải quyết tốt vấn đề này.
Về công tác an ninh trật tự giao cho Ban Chỉ huy Quân sự huyện lên phương án đảm bảo an toàn giao thông, phân luồng, phòng chống cháy nổ, đảm bảo an toàn trật tự trên địa bàn lễ hội và các thôn.
Về công tác môi trường, làm sạch khu vực lễ hội trước, trong và sau lễ hội. Ban Tổ chức cho dựng 15 nhà vệ sinh tạm, đặt 30 thùng rác lưu động tại khu diễn ra Lễ hội. Đến thời điểm này cho thấy công tác vệ sinh có tốt hơn trước, tuy nhiên một vài nơi vẫn còn rác. Nhiều du khách đến dự vứt rác bừa bãi, vứt nhiều rác xuống hồ, hàng quán còn thiếu thùng đựng rác. Ý thức giữ gìn môi trường của một số người tham dự Lễ hội chưa cao. Việc này cần đẩy mạnh tuyên truyền hơn nữa để mùa lễ hội sau, môi trường ở Hội Lim sẽ được nâng cao.
Cát Phương (thực hiện)