Dân ca Quan họ và Nghi lễ Hầu đồng đến Hà Lan
Hình ảnh đất nước con người Hà Lan luôn ngọt ngào thân thương và gần gũi với người dân Việt Nam qua hình tượng “sữa cô gái Hà Lan”. Vì vậy, khi nhận được lời mời đưa đoàn nghệ thuật sang Hà Lan biểu diễn nhân dịp Kỷ niệm Quốc khánh Việt Nam và tham dự Embassy Festival tại Hà Lan, tôi đã nghĩ đưa một đoàn nghệ thuật Quan họ và Hầu đồng trong Tín ngưỡng thờ Mẫu (thờ Mẹ), hai di sản văn hóa phi vật thể thế giới đến đất nước Tây Âu xa xôi, nhưng cũng rất đỗi gần gũi.
Mang hai di sản thế giới tới Hà Lan
Có thể nói, đây là lần biểu diễn ấn tượng và đong đầy kỷ niệm nhất giữa Đoàn nghệ thuật “Quan họ, Hầu đồng: Hai di sản thế giới” với bạn bè quốc tế và kiều bào ta tại Hà Lan. Đoàn nghệ thuật nhỏ gọn gồm 13 người do Nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chung - người được mệnh danh là “Người đàn bà hai di sản” làm Trưởng đoàn.
Trưởng đoàn Nguyễn Thị Chung. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Trần Anh Tuấn
Chương trình nghệ thuật biểu diễn kéo dài 60 phút và chia làm hai phần. Phần Quan họ với 3 bài Quan họ: Mời nước mời trầu, Ngồi tựa song đào, Làng quan họ quê tôi (ca khúc mang âm hưởng Quan họ) do chị Nguyễn Thị Hồng Thái (Chủ tịch CLB Quan họ, thị trấn Lim, Bắc Ninh), Nguyễn Thị Chung (Phó Chủ tịch CLB Quan họ, thị trấn Lim, Bắc Ninh), nghệ nhân Vũ Hồng Kiên (liền anh Bắc Ninh) và các thành viên trong đoàn biểu diễn; Phần Hầu đồng với một số giá hầu đồng tiêu biểu như giá Đức ông Trần Triều, ông Hoàng Mười, Chầu Lục, cô bé Thượng ngàn… được các thanh đồng Nguyễn Thị Chung, Nguyễn Văn Được, Trần Thị Thanh Hải thể hiện, diễn phụ nghệ sỹ dân gian Nguyễn Thị Huyền, Sơn Tùng, Hải Vân; với nền nhạc dân tộc do các nghệ sỹ dân gian: Bùi Kim Dung, Bùi Trần Nam, Xuân Tuyến và Thế Anh, trong chương trình chào mừng Quốc khánh 2-9 cho cộng đồng người Việt tại Hà Lan. Chương trình tham dự Embassy Festival do nhiều nước tham dự, giới hạn trong 15 phút nên Đoàn chỉ chọn dân ca Quan họ “Mời nước, mời trầu” và giá hầu “cô Chín”.
Tiết mục Quan họ tại Embassy Festival. Ảnh: MH
Dù chỉ trong thời gian ngắn với hai buổi biểu diễn nhưng chương trình đã thể hiện được những nét tinh túy nhất của cả 2 di sản văn hóa Quan họ và Hầu đồng, như “hai bông hoa đẹp” đầy sắc hương trong vườn hoa nghệ thuật di sản phi vật thể của nhân loại trước bạn bè quốc tế.
Tiết mục Chầu Lục của Thanh đồng Nguyễn Văn Được tại Đại Sứ quán dịp Kỷ niệm Quốc khánh 2-9. Ảnh: Hải Vân
Quan họ là một trong những làn điệu dân ca tiêu biểu của vùng châu thổ sông Hồng, miền Bắc Việt Nam, được hình thành và phát triển ở vùng văn hóa Kinh Bắc xưa, nay là khu vực Bắc Giang và Bắc Ninh. Những bài Quan họ không chỉ là hát cùng nhau, trao đổi tình cảm giữa các bạn hát với nhau, mà nó còn là nơi trao đổi tình cảm giữa người hát với khán thính giả. Hơn thế nữa, văn hoá Quan họ còn được thể hiện khéo léo, tế nhị qua như các làn điệu mời nước, mời trầu. Khi hai đôi nam nữ cất lên bài hát “Mời nước, mời trầu”, các nàng vừa hát, vừa đưa đẩy chiếc nón quai thao, còn các chàng cầm đĩa trầu do các nàng têm trầu cánh phượng mang mời các khán giả thưởng thức, đã đem lại một ấn tượng hết sức đặc biệt với những khán giả nước ngoài.
Bên cạnh đó, phần biểu diễn Hầu đồng cũng thu hút các đại biểu ngay từ những giây phút đầu bởi lễ nghi thờ cúng và người diễn kết hợp với âm nhạc, trang phục, nghệ thuật trình diễn.
Hầu đồng là một hình thức Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ người Việt Nam. Tam phủ là vùng Trời (Thiên phủ), vùng đất (Địa phủ), vùng nước (Thủy phủ), mang đậm chất tâm linh. Hầu đồng là quá trình thể hiện những vai diễn các vị thần thánh trong Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của những Thanh đồng - là những người có khả năng nối liền giữa thế giới vật chất và thế giới tâm linh, được thần thánh lựa chọn, mượn xác họ để nhập hồn vào một cách có quy tắc, lề lối nhất định.
Đặc biệt trong Hầu đồng, một thanh đồng có thể thể hiện nhiều vai diễn về một vị anh hùng dân tộc giúp dân, giúp nước được nhân dân suy tôn là vị thần (nữ thần hoặc nam thần). Điểm này có nét giống với nghệ thuật opera (Ca - Vũ - Kịch) của châu Âu - Hà Lan. Hầu đồng thể hiện khát khao của người dân mong được thánh thần phù hộ để cuộc sống được may mắn và hạnh phúc hơn. Điều kỳ diệu, chỉ một số người có năng khiếu nghệ thuật và có căn (số phận trời chọn) được gọi là Thanh đồng có thể biểu diễn được nghi lễ này. Một thanh đồng có thể thực hiện các giá đồng, mỗi giá họ có thể hóa thân thành một vị thánh.
Chuyến biểu diễn đầy lưu luyến
Có được những thành công từ 2 buổi diễn tại Đại Sứ quán và Embassy Festival như vậy, Đoàn Nghệ thuật “Quan họ, Hầu đồng: Hai di sản thế giới” đã mất hai tháng tập luyện. Có những buổi tập và tổng duyệt kéo dài đến nửa đêm.
Vì biểu diễn ở nước ngoài nên mọi đạo cụ được tối giản. Nghi lễ Hầu đồng khá nhiều đạo cụ và phụ kiện đi kèm nhưng Đoàn cũng chỉ chọn những thứ tiêu biểu nhất. Các thanh đồng, “vai diễn chính” sau khi diễn xong, đến giá sau “vai diễn chính” lại phải vào “vai phụ” (làm trụ)…. Chị Nguyễn Thị Chung vừa hát Quan họ, lại vào giá ông Hoàng Mười, khi lại làm trụ cho giá hầu Cô Chín của Thanh đồng Trần Thị Thanh Hải. Bản thân tôi vừa là nhà báo đi theo Đoàn, kiêm vai trò từ hậu cần, viết bài, chụp ảnh, phiên dịch đến kịch bản, dẫn chương trình…Do đây là lần đầu tiên Đoàn giới thiệu hai nghệ thuật này tại xứ sở Hoa tuy líp xa xôi nên không khỏi hồi hộp.
Song, được sự giúp đỡ của Đại Sứ quán Việt Nam tại Hà Lan, đặc biệt là Đại Sứ Ngô Thị Hòa, những nghệ sỹ dày dạn kinh nghiệm nên biểu diễn tự tin và đã để lại những buổi diễn lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng bạn bè quốc tế và Kiều bào.
Khán giá hứng thú với các tiết mục biểu diễn của Đoàn Nghệ thuật Việt Nam. Ảnh: Cor Melis
Ngay ngày đầu biểu diễn, khi màn biểu diễn vừa kết thúc, những tràng vỗ tay không ngớt và những lời khen ngợi đến từ các khách quốc tế; Kiều bào thì lưu luyến mãi không thôi. Đến tận ngày hôm sau, Đại sứ Ngô Thu Hòa vẫn còn gọi điện thoại chia sẻ: “Vui quá! Sau khi buổi biểu diễn kết thúc, hôm nay vẫn còn đại sứ và đại diện tổ chức nước ngoài gọi điện khen ngợi. Hôm qua, ngoài các món ăn rất ngon của Việt Nam, họ còn được nghe một chương trình biểu diễn rất hay và đặc sắc”. Lời khen ngợi đó và những lưu luyến không muốn xa Đoàn của các Kiều bào đã xua tan mọi mỏi mệt trên gương mặt của các nghệ sỹ, để tiếp tục làm tốt buổi biểu diễn tiếp theo tại Embassy Festival - ngày hội lớn của hơn 50 quốc gia trên thế giới.
Tại buổi biểu diễn ở Embassy Festival, khán giả ngồi chật kín nơi biểu diễn. Những miếng trầu cánh phượng được mang từ Việt Nam sang như lướt theo làn điệu Quan họ mượt mà của hai nghệ nhân dân gian Nguyễn Thị Chung và Nguyễn Thị Thái. Đặc biệt, giá đồng Cô chín do Nghệ nhân dân gian Trần Thị Thanh Hải thể hiện với những diễn xướng xuất thần, trong không gian sân khấu rực rỡ và tiếng nhạc chầu văn đầy mới lạ đã chiếm được trái tim của các du khách đến tham dự. Các khán giả tại Lễ hội dồn cả đến khu vực sân khấu truyền thống dân gian với những tiếng vỗ tay không ngớt.
Thanh đồng, Hoa hậu quốc tế Trần Thị Thanh Hải trong gia cô Chín. Ảnh: Nhiếp ảnh gia Trần Anh Tuấn.
Ông Cor Melis, một nhiếp ảnh gia ở Hà Lan có mặt tại Lễ hội chia sẻ: “Các tiết mục của Việt Nam rất đẹp và rất hay. Sân khấu của các bạn rất rực rỡ, cầu kỳ nhất trong các tiết mục tôi được xem ở đây. Tôi thấy phần hát Quan họ của các bạn còn có sự giao lưu với khán giả, mời khán giả “ăn” trầu rất đặc biệt. Tiết mục thứ hai thì cô ấy đẹp quá, múa hay quá và tôi đã chụp được rất nhiều ảnh đẹp. Khi chuyện trò, được biết thêm đây là hoạt động tín ngưỡng của các bạn, tôi càng trân trọng hơn.”
Xin cảm ơn những khoảnh khắc nhà nhiếp ảnh gian Hà Lan ghi lại nét văn hóa đẹp của Việt Nam và chúng tôi cũng muốn nói rằng: “Chúng tôi có ống kính của riêng mình - ánh mắt, trái tim ghi lại những tình cảm tốt đẹp của các khán giả Hà Lan và bạn bè quốc tế đã dành tặng cho Đoàn Việt Nam trong sắc vàng mùa thu Hà Lan ấy”.
Minh Hòa