Praha - Thành phố trăm tháp

Nằm bên sông Vltava ở miền Trung Bohemia, Praha là thành phố lớn nhất và là Thủ đô của Tiệp Khắc từ năm 1918 và của Cộng hòa Séc từ năm 1993. Là thủ đô của một trong những đất nước trải qua nhiều biến động chính trị tại châu Âu nhưng Praha may mắn vẫn giữ nguyên được các công trình kiến trúc cổ kính mang phong cách Gothic và Baroque thống nhất. Praha còn là một trong những khu vực giàu có nhất ở châu Âu.

Từ 4000 năm Tr.Công nguyên, nơi đây đã có những bộ tộc không rõ nguồn gốc sinh sống. Cho đến thế kỷ thứ V, vùng đất này là nơi cư trú của những người thuộc bộ tộc Bôiami. Người Slav bắt đầu cư trú tại đây vào thế kỷ thứ VI trong một khu vực mà trước đây người Marcomanni gốc Đức sinh sống trong hơn 500 năm qua, và trước đó nữa là người Celtic Boii. Khoảng giữa thế kỷ VIII - IX, thành phố Praha được hình thành.

Thành phố Praha, Thủ đô Cộng hòa Séc lung linh về đêm.

Vào thời điểm đó, Praha là Thủ đô lịch sử của Bohemia và là nơi trú ngụ quan trọng của Hoàng gia và Triều đình, đặc biệt là của dòng họ Luxemburg và Habsburg. Sau khi nhà Přemyslid xây dựng hai lâu đài trong thế kỷ thứ IX và thứ X, nơi đây trở thành một đô thị sầm uất, các thương gia Do Thái và Đức thường xuyên đến Parha để buôn bán. Tên gọi Praha lần đầu tiên được đề cập trong chữ viết vào thế kỷ X, các khu vực xung quanh thành phố đã có dân cư đông đúc từ thời tiền sử. Khoảng năm 1230, khu cư trú này được nâng cấp lên thành thị trấn của hoàng gia và trong thế kỷ XIV, là thành phố trú ngụ của Hoàng đế La Mã đồng thời là trung tâm chính trị-văn hóa của Trung Âu. Tại Praha, trường đại học đầu tiên ở phía Bắc của dãy núi Alps và phía Đông Paris được thành lập năm 1348 và tiếp theo đó là các trường đại học về kỹ thuật, âm nhạc cũng được thành lập. Trong nhiều thế kỷ, Praha là một thành phố đa văn hóa, trong đó, văn hóa Séc, Đức và Do Thái giao thoa và có những ảnh hưởng qua lại.

Phần lớn diện tích của thành phố nằm trong một thung lũng rộng của sông Vltava, chảy qua khu vực thành phố với chiều dài là 30km, tạo thành một vòng lớn ở phía Bắc. Tại vòng cung phía Nam của vòng này là trung tâm lịch sử, bị chi phối bởi đồi Hradčany ở phía Bắc và đồi Vyšehrad ở phía Nam. Phần còn lại nằm trong thung lũng được bao quanh bởi những ngọn đồi khác như: Letná, Vitkov, Vetrov, Skalka, Emauzy, Karlov và cao nhất trong số đó là Petřín. Vào thế kỷ XX, các làng xung quanh được sáp nhập, lãnh thổ đô thị mở rộng tiến vào khu vực cao nguyên Praha.

Đồng hồ thiên văn học – một biểu tượng của thành phố Praha.

Sông Vltava chảy vào thành phố từ phía Nam với độ cao khoảng 190m và rời thành phố ở phía Bắc với độ cao khoảng 176m. Nó có ở đây độ sâu trung bình 2,75m và độ sâu tối đa là 10,5m. Sông chảy xung quanh một số đảo, bao gồm ở phía Nam của cầu Karl Slovanský ostrov, Dětský ostrov và Střelecký và một phần phía Tây của cầu Karl Kampa. Các vùng cao nằm ở phía Tây và phía Nam thành phố.

Về phía Tây, Bílá hora (núi Trắng) cao tới 381m, tại ranh giới của thành phố phía Tây Nam đạt tới 397m. Ở phía Nam đồi Čihadlo cao đến 385m. Vị trí thuận lợi tạo điều kiện cho Praha phát triển nhanh chóng. Vào cuối thế kỉ thứ XVIII, tại Praha xuất hiện nhiều xí nghiệp công nghiệp, thành phố được mở rộng và thu hút người dân từ các nơi đổ về đây. Năm 1918, Cộng hòa Liên bang Tiệp Khắc được thành lập, gồm hai nước Cộng hòa là Séc và Slovakia. 20 năm sau, Tiệp Khắc bị Hitler thôn tính.

Khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, với sự trợ giúp của Hồng quân Liên Xô, Tiệp Khắc được giải phóng. Từ năm 1993, khi Cộng hòa Liên bang Tiệp Khắc tách ra hai nước Séc và Slovakia, Praha là Thủ đô của nước Cộng hòa Séc.

Từ nhiều năm nay, Praha nổi tiếng là một trung tâm công nghiệp lớn và phát triển mạnh mẽ. Một trong những cơ sở kinh tế quan trọng hàng đầu của công nghiệp Praha là liên hiệp luyện kim - than. Praha cũng được coi là trung tâm chế biến kim loại và chế tạo máy lớn của đất nước thông qua các ngành sản xuất ô tô du lịch, ô tô vận tải, sản xuất các loại máy kéo, máy bay vận tải loại nhỏ, xe máy, công nghiệp điện lực và điện tử… Praha còn nổi tiếng với ngành cơ khí - quang học.

Praha Goethe và lâu đài cổ.

Một ngành nghề khác được coi là truyền thống của Praha là công nghiệp thực phẩm mà đứng đầu là sản xuất bia. Các ngành khác như giao thông vận tải, thương nghiệp, dịch vụ, văn hóa ở đây đều phát triển mạnh. Nơi đây còn là đầu mối giao thông quan trọng với 10 tuyến đường sắt, nhiều tuyến đường bộ.

Praha là một trung tâm đào tạo lớn với nhiều cơ sở giáo dục như Trường Đại học Tổng hợp 17-10, Trường Đại học Kinh tế, Nhạc viện... Praha tập trung nhiều cơ sở nghiên cứu khoa học, đứng đầu là Viện Hàn lâm, trong đó có nhiều viện nghiên cứu và phòng thí nghiệm.

Praha còn là thủ đô của những kiến trúc cổ kính, độc đáo theo nhiều phong cách khác nhau từ Roman, Gothic, Baroque, Rococo, Neoclasical cho đến kiến trúc hiện đại.  Praha được mệnh danh là “thành phố vàng”, hay “thành phố cổ kính nguyên vẹn nhất châu Âu”, “thành phố trăm tháp” vì có tới 347 ngọn tháp. Các công trình kiến trúc này đều xây bằng đá hoa cương và được chạm khắc rất nghệ thuật như: Lâu đài Praha, Cung điện Benvidơ, Quảng trường Staromestske namesti, Thành cổ Praha, Cầu Charles…

Trung tâm lịch sử của Praha đã được UNESCO công nhận là Di sản Thế giới vào năm 1992.  Các địa điểm tham quan nổi tiếng tại thành phố này mà du khách không nên bỏ qua đó là Lâu đài Praha, Cầu Karl, Đồng hồ tòa thị sảnh thời Trung cổ, Nghĩa trang cổ của người Do Thái và Hội đường Do Thái giáo… vẫn hoạt động lâu đời nhất trên thế giới. Nếu muốn biết một châu Âu thực sự, cổ kính như trong các câu chuyện cổ tích phương Tây, du khách không nên bỏ qua Praha khi có dịp đến Séc. Những món quà lưu niệm tinh tế, mang đậm dấu ấn của châu Âu như búp bê rối, hộp diêm, chuỗi vòng pha lê…luôn là những món quà không thể thiếu trong hành trang khi trở về nhà của mỗi du khách. Với hơn năm triệu du khách nước ngoài mỗi năm, Praha là 1 trong 10 thành phố được thăm viếng nhiều nhất tại châu Âu.

Thu Hà

Top