Phú Thọ - Nơi Di sản Văn hóa được tôn vinh

Phú Thọ là mảnh đất cội nguồn, đất phát tích của dân tộc với chiều dài mấy ngàn năm lịch sử. Phú Thọ hiện còn bảo tồn được những di sản độc đáo, đặc sắc vô giá đồng thời được ghi nhận, tôn vinh.

Quá trình khảo cổ quanh Khu Di tích lịch sử Đền Hùng với các di vật tìm được đã minh chứng nơi đây là trung tâm chính trị của Nhà nước Văn Lang xưa đồng thời còn là Cung điện, nơi các Vua Hùng xưa lập điện thờ trời và bàn việc nước. Tại nơi này, qua khảo cổ cũng như trong quá trình lao động, người dân còn tìm được nhiều hiện vật quý giá có niên đại trên 4000 năm như: gốm sứ, rìu đá, mũi tên đồng, trống đồng, đặc biệt, ngay bên núi Nghĩa Lĩnh còn tìm được chiếc trống đồng có niên đại 3.500 năm, là trống đồng lớn nhất Việt Nam và Đông Nam Á hiện nay.

Di chỉ khảo cổ Sơn Vi thuộc nền Văn hóa Đông Sơn, Gò Mun, Đồng Đậu. Di chỉ được phát hiện từ những năm 1965, hiện vật tìm được đã chứng minh về sự sinh sống và phát triển rực rỡ của con người trên mảnh đất này có niên đại cách ngày nay 3.500-4.000  năm. Đặc biệt, Khu Di tích lịch sử Quốc gia Di tích Làng Cả được khai quật lần đầu tiên vào năm 1976, qua nhiều lần khảo cứu cho thấy, Làng Cả là một di chỉ cư trú thuộc Văn hóa Đông Sơn. Các nhà sử học đã khẳng định Khu Di tích di chỉ này có niên đại từ cuối thế kỷ IV đến nửa cuối thế kỷ II trước Công nguyên. Đối chiếu với lịch sử, thư tịch và truyền thuyết thì Di tích Làng Cả được xác định vào thời đại Hùng Vương thời khởi đầu dựng nước và có trước cuộc xâm lược của nhà Hán. Gần đây nhất, năm 2005, tỉnh Phú Thọ phối hợp với Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành khai quật thứ 3, trong đợt khảo cổ này đã phát hiện nhiều hiện vật quí, trong đó có 10 mộ táng đều là loại mộ đất thuộc thời đại kim khí, đồ tùy táng đều là đồ gốm sứ thuộc Văn hóa Đông Sơn… Kết quả khai quật đã khẳng định rằng, nơi đây chính là trung tâm kinh tế, văn hóa chính trị thời Hùng Vương, thời Bắc thuộc và thời phong kiến tự trị.

Khu Di tích lịch sử Đền Hùng(Ảnh: TL)

 Cùng với Khu Di tích lịch sử Làng Cả, Khu Di chỉ Xóm Rền thuộc xã Gia Thanh – huyện Phù Ninh và khu Gò De (Thanh Đình - Lâm Thao) cũng đã được công nhận là di tích khảo cổ Quốc gia. Tại các khu khảo cổ này đã thu được nhiều hiện vật quí như: đồ kim khí, nha chương, gốm sứ, đặc biệt là ngôi mộ cổ có niên đại cách đây 4.000 năm. Qua đồ tùy táng, các nhà khảo cổ học khẳng định, người nằm dưới mộ phải là người có quyền uy tối thượng. Tại khu khảo cổ xã Gia Thanh còn phát hiện nhiều hiện vật quí có niên đại trên 3.500 năm trên địa bàn rộng lớn, chứng tỏ xưa kia nơi đây có nền văn minh phát triển rực rỡ. Song song với khảo cổ học, Phú Thọ còn bảo lưu được nhiều loại hình nghệ thuật dân gian dân vũ, nhiều loại hình có nguồn gốc từ xa xưa thật độc đáo và đặc sắc như: diễn xướng dân gian, diễn xướng bách nghệ khôi hài, đâm đuống, đánh trống đồng, múa chuông, múa rùa, múa khèn, múa lập tĩnh, diễn xướng cồng chiêng, trống đu, ca trù, múa chim gâu xúc tép… Phú Thọ cũng là một trong tỉnh phát triển ca trù từ rất sớm và là 1 trong 15 tỉnh, thành phố trong cả nước hiện còn gìn giữ bảo lưu và phát triển được loại hình nghệ thuật này. Cùng nhiều ca nương tài sắc đặc biệt còn có nghệ nhân Phạm Thị Bang, ca nương tiếng tăm một thuở từng hát trong những cung to, phủ lớn dưới thời phong kiến. Nay đã bước sang tuổi 87 nhưng cụ Bang vẫn nhớ được 8 giọng hát chính và 38 giọng hát lẻ của hát bát thanh; trong đó cụ hát được nhiều giọng như: giọng chầu văn, giọng hát tuồng, giọng xướng tế, giọng xẩm, giọng khóc… và nhiều điệu hát như: xẩm chèo, kể chuyện… Đặc biệt, cụ còn nhớ được gần 40 bài hát Mưỡu và hát Nói, hơn chục bài hát thờ. Được biết, Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam đã tặng thưởng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp dân gian Việt Nam và bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho Nghệ nhân Phạm Thị Bang.

Với Phú Thọ, dân ca xoan, ghẹo là 2 loại hình nghệ thuật tiêu biểu, có chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, từ thời các Vua Hùng dựng nước.(Ảnh: TL)

Với Phú Thọ, dân ca xoan, ghẹo là 2 loại hình nghệ thuật tiêu biểu, có chiều dài lịch sử mấy ngàn năm, từ thời các Vua Hùng dựng nước. Hát Xoan tồn tại lâu đời ở hai xã Kim Đức và Phượng Lâu, thuộc huyện Phong Châu, sau đó là huyện Phù Ninh (cũ), nay thuộc thành phố Việt Trì. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, hát Xoan thường được trình diễn vào mùa xuân trong những ngày hội đám ở một số đình làng trong tỉnh nên còn được gọi là Hát cửa đình. Các phường Xoan cổ đều được bắt nguồn từ những làng cổ nằm ở địa bàn trung tâm Bộ Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước. Những người đi hát Xoan thường sống cùng chòm xóm và tổ chức thành phường. Người đứng đầu một phường Xoan gọi là ông Trùm. Các thành viên thì gọi trai là Kép, gái là Ðào. Y phục dân tộc giống quan họ Bắc Ninh, nam mặc áo the, khăn xếp, quần trắng; nữ mặc áo năm thân, khăn mỏ quạ, áo cánh trắng, yếm điều, thắt lưng bao, dải yếm các mầu, quần lụa, đeo xà tích. Các tiết mục múa hát thường theo thứ tự nhất định. Mở đầu là bốn tiết mục có tính nghi thức, mang nội dung khấn nguyện, chúc tụng, xen mô tả sản xuất. Ðây là những bài ca cổ, chủ yếu hát nói hoặc ngâm ngợi theo thứ tự: giáo trống, giáo pháo, thơ nhang, đóng đám. Tiếp theo là phần hát cách gài huê, hát đúm, đánh cá... Trước đây, Phú Thọ có 18 làng hát Xoan, trong đó bốn phường Xoan được gọi theo tên làng là: An Thái, Phù Ðức, Kim Ðơi và Thét. Năm 2005, hát xoan Phú Thọ là đại diện cho đoàn Việt Nam, là một trong 8 đoàn khu vực và quốc tế tham gia biểu diễn tại Hội thảo Quốc tế về văn hoá dân gian các dân tộc tại Thái Lan. Năm 2008, hát Xoan Phú Thọ cũng là một trong những tiết mục của Việt Nam tham gia Liên hoan nghệ thuật dân tộc Quốc tế tại Hàn Quốc và đã để lại nhiều ấn tượng. Trước nỗi lo thất truyền và mai một về loại hình nghệ thuật đặc sắc này, tỉnh Phú Thọ và các cơ quan chức năng đã vào cuộc nhằm bảo tồn, gìn giữ và phát triển, cùng với việc triển khai lập hồ sơ. Sau quá trình triển khai thực hiện, Hồ sơ "Hát Xoan Phú Thọ", ứng cử vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại đã chính thức trình UNESCO theo đúng thời hạn.

Lễ hội Đền Hùng (Ảnh: TL)

Là loại hình nghệ thuật ra đời và phát triển tồn tại song hành cùng dân ca Xoan nhưng hát Ghẹo là hình thức hát nước nghĩa: dao duyên, kết chạ giữa các làng với nhau. Về mặt hình thức có nhiều nghi thức, ngôn ngữ, giai điệu giống với hát Quan họ, nhưng trong lời ca của hát Ghẹo chứa đựng nhiều ngôn ngữ cổ và ra đời sớm hơn so với dân ca Quan họ. Bên cạnh việc phát triển các loại hình dân ca, dân vũ đặc biệt này, Phú Thọ còn gìn giữ và bảo tồn trên 150 lễ hội trong đó có nhiều lễ hội đặc sắc và nhiều lễ hội gắn với thờ tự các Vua Hùng, tướng lĩnh, lạc hầu, lạc tướng ..., cũng như các lễ hội dân gian tiêu biểu như: lễ hội trò trám, lễ hội cướp phết, lễ hội ông Khưu - bà Khưu, lễ hội chọi trâu ở Phù Ninh thuộc đất Phong châu thời các Vua Hùng, lễ hội bơi chải, lễ hội cầu trâu, lễ hội cầu mùa, lễ hội đền mẫu Âu Cơ… Các lễ hội tại Phú Thọ còn lại hiện nay đều mang sắc thái riêng với tín ngưỡng tâm linh, linh thiêng, huyền bí và đa màu sắc. Các lễ hội ở đây gợi nhớ cho chúng ta về một thời lập quốc với những bậc tiền nhân cũng như các nhân vật lịch sử có công với dân tộc trong quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước. Với những giá trị quan trọng về tín ngưỡng thờ tự các Vua Hùng, vừa qua Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch và UBND tỉnh Phú Thọ khẩn trương xây dựng hồ sơ về: tín ngưỡng thờ tự Hùng Vương trình UNESCO công nhận là di sản phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Với nhận thức đúng đắn về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vùng đất Tổ, chúng ta tin tưởng rằng, Phú Thọ sẽ sớm trở thành trung tâm  lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam.

Phạm Công Đảo

Top