Phố Mã Mây

Phố Mã Mây là một phố trong khu phố cổ Hà Nội, chạy theo hướng Nam lên phía Bắc rồi lại quay sang phía Tây. Đầu phía Nam của phố cắt phố Hàng Bạc, đầu quay sang phía Tây nối vào phố Hàng Buồm. Tên Mã Mây ghép từ hai tên phố Hàng Mã (đoạn phía Nam) và Hàng Mây (đoạn phía Bắc).

Sử sách ghi chép rằng, phần phố Hàng Mây thuộc đất của giáp Hương Tượng, phường Hà Khẩu, còn phần phố Hàng Mã thuộc thôn Dũng Thọ. Khu vực này gần cửa sông Tô Lịch nối với sông Hồng, thuyền bè buôn bán tấp nập, lái buôn thường lên phố Hàng Mã và Hàng Mây trao đổi, mua bán hàng. Thời Pháp thuộc, phố Mã Mây có tên là Rue des Pavillons Noirs nghĩa là phố Quân Cờ Đen vì năm 1883 có một đơn vị quân Cờ Đen đóng ở phố này. Đây là một đám quan quân từ phương Bắc dạt sang nước ta từng gây nỗi khiếp đảm cho người Pháp và người Việt. Ban đầu, quân Cờ Đen được Triều đình nhà Nguyễn dung nạp để chống nạn thổ phỉ ở biên giới. Khi Pháp tiến đánh Bắc Kỳ, quân Cờ Đen tham gia các trận đánh Pháp, từng tiêu diệt hai viên chỉ huy của giặc ở Cầu Giấy khiến quân Pháp khiếp đảm. Chúng cũng trở thành nỗi kinh sợ của dân vì nạn cướp bóc, hà hiếp nhất là hay bắt cóc trẻ con.

Giai đoạn đầu sau khi chiếm Hà Nội (thập niên cuối thế kỷ XIX) người Pháp đã có ý định mở mang khu vực này thành nơi kinh doanh của chúng. Chính quyền Pháp đặt nhiều công sở trong khu vực bến sông: Sở Thuế quan ở bờ sông ngoài cửa Ô Quan Chưởng (sau nhà đó dùng làm trường học Trường Ke); Sở Xen đầm ở Hàng Bè (số 55); Toà án ở Hàng Tre. Tại phố Mã Mây có nhiều di tích của sự mở mang đó: là nhà ngục (một dãy nhiều gian từ số 19 đến số 33 thuê của tư nhân; nhà chủ ngục người Pháp ở bên kia đường nhà số (20 -21), trụ sở Hội Tam Điểm Bắc Kỳ (nhà số 37, sau dùng làm trường học trường Hàng Mã). Bọn con buôn Pháp cũng có đôi ba cửa hàng ở Mã Mây. Thời kỳ đầu thế kỷ XX, những thập niên trước và sau chiến tranh thế giới 1914 - 1918, quang cảnh phố Mã Mây vẫn giữ các hình ảnh một phố cổ của Hà Nội.

Phố Mã Mây xưa (Ảnh: TL)

Đoạn phố Hàng Mây có những cửa hàng nhỏ bán đồ gia dụng bằng song mây tre như quang thừng; bán những sợi mây sợi song làm nguyên liệu. Sau 1920 có một số ít nhà làm đồ hàng như ghế mây bàn mây, ghế xích đu theo kiểu đặt hàng của khách nước ngoài, thợ là người làng Sơn Đồng học lại được nghề làm ghế mây theo kiểu hàng Nhật có bày bán ở Bảo tàng khu Maurice Long khu Đấu Xảo.

Những năm cuối thế kỷ XIX, tại đoạn phố này vì ở giáp phố Hàng Buồm - Chợ Gạo nên hãy còn một số tàn quân Cờ Đen không theo chủ tướng về nước. Đoạn phố Hàng Mã, giáp với Hàng Bạc, có nghề làm và bán đồ mã khá quan trọng: những đám ma lớn trong thành phố khi chưa có mốt rước cữu bằng xe song mã, vẫn rước bằng đòn rồng thì phải thửa nhà táng...

Phố Mã Mây ngày nay là con phố để lại nhiều ấn tượng cho khách du lịch và cả những ai quan tâm đến phố cổ Hà Nội. (Ảnh:TL)

Hiện nay, có lẽ mang nhiều đặc trưng của phố cổ Hà Nội, để lại nhiều ấn tượng cho khách du lịch và cả những ai quan tâm đến phố cổ Hà Nội chính là phố Mã Mây. Mã Mây thực sự là con phố kinh doanh, dịch vụ sầm uất, chủ yếu là phục vụ khách du lịch với các văn phòng du lịch, khách sạn mọc lên san sát. Chiều dài tuyến phố bắt đầu từ ngã ba Hàng Bạc-Mã Mây nối vào phố Hàng Buồm, uốn lượn tạo nên dáng cong của một con đường rất khác biệt với các phố cổ khác. Mã Mây cũng là phố còn tồn tại nhiều nhà cổ nhất, thường làm theo dạng nhà ống, mặt tiền hẹp nhưng dài, có khoảng không đón gió ở giữa. Nếu toàn khu phố cổ Hà Nội còn khoảng 1000 nhà cổ thì phố Mã Mây chiếm 1/10 số nhà cổ, trong đó ngôi nhà cổ 87 Mã Mây được bảo tồn khá nguyên vẹn, trở thành trung tâm tổ chức các hoạt động văn hóa và là điểm tham quan không thể bỏ qua đối với khách du lịch khi đến phố cổ Hà Nội. Sự có mặt của ngôi nhà cổ, xây dựng từ cuối thế kỷ XIX, đã được tu sửa lại từ năm 1999 làm nơi “bảo tồn tôn tạo phố cổ Hà Nội”, đã khiến cho con phố nhỏ này trở thành nơi tham quan của nhiều du khách. Đây là một dự án thực hiện với sự hợp tác của thành phố Toulouse (Pháp) và thành phố Hà Nội nhằm phục hồi một ngôi nhà mẫu truyền thống của Hà Nội xưa. Những ai đi qua đây đều ghé lại thăm ngôi nhà số 87 để biết được thế nào là một ngôi “nhà ống” của Hà Nội xưa.

Hiện nay, tại góc phố Lương Ngọc Quyến - Mã Mây là sân khấu của những chương trình biểu diễn các loại hình âm nhạc dân tộc và nghệ sĩ thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. (Ảnh:TL)

Trên tuyến phố này còn có đền Mã Mây, là đền thờ Nguyễn Trung Ngạn, người làm quan dưới 5 triều vua Trần, từng người giữ chức Đại doãn Kinh sư, đứng đầu Kinh thành Thăng Long. Tại ngôi đền còn giữ được 6 đạo phong thần của ba Vương triều Lê, Tây Sơn và Nguyễn cùng với 7 tấm bia đá. Nội dung của các bài văn bia là một kho sử liệu phong phú với những tên người, tên đất, những sự kiện cụ thể của các danh nhân địa phương.

Trong hành trình du lịch thăm phố cổ Hà Nội, Mã Mây là địa chỉ hấp dẫn, thu hút đông đảo khách nước ngoài đến tham quan, tìm hiểu về văn hóa, lịch sử và người Hà Nội.v

         Nguyễn Thành (Tổng hợp)

Top