Phố cổ Đồng Văn
Xưa kia, Đồng Văn là tổng Đông Quan thuộc châu Bình Nguyên, phủ Tương Yên, sau đó thuộc châu Bảo Lạc do một quan Đạo người Tày họ Nông ở Bảo Lạc cai quản. Khi thực dân Pháp chiếm đóng, chúng tách Đồng Văn ra khỏi Bảo Lạc. Năm 1962, Đồng Văn được tách làm 3 huyện: Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc.
Năm 1887 thực dân Pháp chiếm Hà Giang, với vị thế trọng yếu, Đồng Văn đã được chọn xây dựng lỵ sở, đồn bốt phục vụ cho việc cai quản vùng đất này. Công việc xây dựng các lỵ sở, đồn bốt được hoàn thành vào năm 1925. Những người già ở Đồng Văn kể lại: vào dịp Tết năm 1923 xảy ra một vụ hỏa hoạn đã thiêu chụi nhiều nhà dân và chợ Đồng Văn cũ. Sau vụ hỏa hoạn, người Pháp cho san ủi xây dựng lại khu chợ. Họ thuê thợ giỏi từ Tứ Xuyên (Trung Quốc) sang, thời gian kéo dài hơn 2 năm, từ năm 1923 đến năm 1925. Với kinh nghiệm, tay nghề cùng kỹ thuật tạc đẽo đá điêu luyện, các thợ đá vùng Tứ Xuyên đã biến những tảng đá xanh ở Cao nguyên đá Đồng Văn thành những “viên gạch đá” khổng lồ để xây dựng nhà cửa; họ cũng đã tạo ra những tảng kê chân cột với nhiều loại hình, kích cỡ; trên đó trang trí các băng hoa với nhiều chủ đề, mô típ khác nhau, tạo cho công trình có nét mềm mại, cổ kính. Cùng thời gian này, một số ngôi nhà liền kề khu chợ được xây dựng nhà sau tiếp nối nhà trước thành dãy nhà hình chữ L bao quanh chợ. Như vậy, những ngôi nhà cổ ở phố cổ Đồng Văn không phải được xây dựng cùng một thời kỳ mà được hình thành trong nhiều năm từ cuối thế kỷ IX đến nửa đầu thế kỷ XX.
Phố cổ Đồng Văn (Ảnh: TL)
Tổng thể kiến trúc các ngôi nhà trong khu phố cổ có nét khá tương đồng: cột gỗ, có hai tầng (tầng gác và tầng trệt); tường bằng đất, một số xây bằng tường gạch dày 0,50m, khung nhà bằng gỗ, không có mộng thắt, không trạm trổ cầu kỳ nhưng kết cấu gỗ hiện nay còn khá nguyên vẹn, mái lợp ngói âm dương – một loại ngói đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số vùng biên giới phía Bắc. Nhìn về tổng thể, phong cách kiến trúc của phố cổ Đồng Văn có sự giao thoa kết hợp giữa kiến trúc truyền thống của cư dân bản địa với kiến trúc của cư dân vùng Hoa Nam (Trung Quốc) còn tồn tại đến nay rất ít gặp ở nước ta.
Trong hơn 20 ngôi nhà có niên đại trên dưới 100 năm tuổi ở phố cổ Đồng Văn, cổ nhất và mang dấu ấn của kiến trúc Hoa Nam là nhà của dòng họ Lương (ông Lương Triệu Hội hiện đang sử dụng). Ngôi nhà này được xây dựng vào khoảng năm 1890, theo gia phả của gia đình, đến nay đã có 7 thế hệ từng sinh sống ở đây. Phía trên sườn đồi, cách ngôi nhà họ Lương vài chục mét là tòa nhà của Bang tá Nguyễn Đình Cương (1866-1930). Kiến trúc của tòa nhà này tương tự nhà Vương ở Sà Phìn nhưng quy mô nhỏ hơn, tiếc rằng không có sự chăm nom bảo quản, cách nay khoảng hai chục năm ngôi nhà bị dột nát, đổ sập, nay chỉ còn lại nền nhà và sân lát đá. Gần khu chợ là tòa nhà làm trụ sở UBND xã Đồng Văn (cũ). Ngôi nhà này ông Lương Trung Tú cũng thuê thợ Tứ Xuyên xây dựng khoảng năm 1924-1925.
Chợ phiên ở phố cổ Đồng Văn nói riêng và các chợ phiên ở vùng Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa của bà con trong vùng. (Ảnh: TL)
Nói đến phố cổ Đồng Văn, ngoài vẻ đẹp của những ngôi nhà cổ kính rêu phong, chúng ta còn thấy nét văn hóa đặc trưng của vùng Cao nguyên đá. Mặc dù sống ở phố chợ buôn bán nhưng người ta sống với nhau rất hòa thuận, chất phác. Trong một dãy phố, liền kề mấy nhà đều bán thịt treo, thịt bò khô, lạp xường…nhưng không bao giờ họ chèo néo, giành giật khách; khi gia đình nào có công to việc lớn như dựng nhà, đám hiếu hỷ mọi người đều tự nguyện đến giúp.
Vào phiên chợ chủ nhật hàng tuần, khu phố cổ vốn nhỏ bé tĩnh lặng ngày thường bỗng trở nên náo nhiệt đông vui như ngày hội với đủ sắc màu sặc sỡ. Khác với những phiên chợ vùng xuôi là người ta đến chợ để mua bán; chợ phiên ở phố cổ Đồng Văn nói riêng và các chợ phiên ở vùng Cao nguyên đá Đồng Văn nói chung còn là nơi giao lưu, sinh hoạt văn hóa của bà con trong vùng. Vào phiên chợ, trong gia đình, thường cả nhà đều đi chợ. Các bà mẹ, người vợ đi chợ để mua sắm; các ông chồng đi chợ để giao lưu uống rượu, ăn thắng cố, thổi khèn; trẻ em theo bố mẹ đi chơi chợ; thanh niên nam nữ đến chợ để giao lưu tìm bạn tình. Sau vài phiên chợ, nhiều đôi trai gái đã nên vợ nên chồng.
(Ảnh: TL)
Món ăn đặc trưng nhất ở phiên chợ vùng Cao nguyên đá Đồng Văn là thắng cố - món ăn được nấu “thập cẩm” gồm thịt và nội tạng của gia súc ăn cỏ như ngựa, bò. Với món ăn này người ta thường nói: “nếu đến vùng cao mà chưa ăn thắng cố thì coi như chưa đến vùng cao”. Được thưởng thức bát thắng cố, nhấp chén rượu ngô trong không khí của ngày chợ cùng tiếng khèn Mông văng vẳng bên tai, du khách sẽ cảm nhận được nét văn hóa đặc trưng của vùng Cao nguyên đá.
Năm 2009, Bảo tàng Hà Giang đã hoàn thiện hồ sơ trình xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Hy vọng rằng, thời gian tới, phố cổ Đồng Văn sẽ được bảo tồn, trùng tu tôn tạo và trường tồn trên mảnh đất Cao nguyên đá cực Bắc của Tổ quốc.
ThS Âu Văn Hợp