Phố Arbat cổ

Với những dấu ấn kiến trúc và văn hóa đặc sắc, phố Arbat cổ đang là một điểm đến mà du khách không thể bỏ qua khi đến với Thủ đô Mát-xcơ-va, Nga.

Phố Arbat cổ giống như một góc riêng của Mát-xcơ-va với đầy đủ sự náo nhiệt và yên bình, đủ để níu giữ du khách từ khắp nơi trên thế giới. Đến Arbat, du khách sẽ cảm nhận được một phần văn hóa và lịch sử nước Nga thông qua những nét đặc trưng riêng của khu phố nổi tiếng này.

Hiện ở Mát-xcơ-va có đến 2 phố Arbat song khi nhắc đến cái tên này, người ta luôn nghĩ đến khu phố cổ được hình thành từ thế kỷ XV như một vùng ngoại ô của khu Kremli. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi phố cổ Arbat đã có niên đại 520 năm, gắn bó với bao thăng trầm của lịch sử ở Mát-xcơ-va.

Trung tâm khu phố cổ Arbat hiện là một con đường dài hơn 1km, dành riêng cho người đi bộ. Địa danh này đã đi vào lịch sử Mát-xcơ-va qua rất nhiều tác phẩm văn học, hồi ký của những cư dân nổi tiếng.

Dọc theo phố Arbat cổ, du khách dễ dàng tìm được nhiều tác phẩm văn học, sách mới và cũ, nhiều góc trưng bày tranh ảnh nghệ thuật hay những món đồ lưu niệm mang đậm bản sắc văn hóa nước Nga. Đặc biệt hơn, du khách sẽ được gặp những nghệ sỹ đường phố là những họa sỹ, nhạc sỹ có mặt ở đây hàng ngày để kiếm sống, để hòa mình vào nhịp sống của khu phố cổ này.

Khu phố cổ Arbat là một trong số ít các con phố lâu đời còn sót lại nơi đây. (Ảnh: internet) 

Phố Arbat lần đầu tiên được nhắc tới vào năm 1493. Theo một giả thuyết, tên con phố được đặt theo địa điểm Orbat, vốn có thể được lấy từ tiếng Ả Rập “arbad” có nghĩa ngoại ô, nhiều khả năng do các thương gia phương Đông du nhập vào Mát-xcơ-va. Theo các giả thuyết khác, tên thành phố được lấy từ chữ  “gorbat,” phản ánh đặc điểm địa hình của khu vực này hay từ chữ “arba” (xe kéo) của người Tatar.

Sau vụ hỏa hoạn năm 1736, phố Arbat đã được xây dựng lại và các nhà quý tộc bắt đầu chuyển tới sống tại đây. Nơi đây có nhiều gia tộc nổi tiếng của Nga từng sinh sống như Gagarin, Dolgoruky, Tolstoy, Rostopchin,… cũng như các văn sĩ nổi tiếng như Pushkin, Gogol, Tolstoy, Saltykov-Shchedrin, Chekhov...

Trước cuộc cách mạng năm 1917, Arbat đã từng là trung tâm văn hóa của Mátxcơva, với hơn 200 cửa hàng, 4 rạp chiếu phim và một trường âm nhạc. Người ta ví Arbat như cửa sổ để nhìn thấy cuộc sống bên trong của thành phố

Phố Arbat cổ hiện là một trong những địa chỉ đang được bảo lưu không gian văn hóa truyền thống của thủ đô Mát-xcơ-va. Trên phố Arbat cổ có nhiều kiốt bán hàng, cũng có các họa sĩ ký họa chân dung và cũng có các nghệ sĩ biểu diễn ca, múa dân gian truyền thống của nước Nga. Nơi đây không gian văn hóa lên ngôi, còn không gian mua bán hàng hóa phải lui xuống hàng thứ yếu.

Phố cổ Arbat nhỏ hẹp hơn các tuyến phố mới của thủ đô Mát-xcơ-va, nhưng chiều ngang cũng rộng gấp đôi tuyến phố Hàng Ngang, Hàng Đào của Việt Nam. Nền đường không trải nhựa mà vẫn giữ lại những viên đá được lát từ nhiều thế kỷ trước.

Du khách có thể dễ dàng tìm được cho mình bức tranh ưng ý khi tham quan nơi này. (Ảnh: internet) 

Trên cái nền đá đã lồi lõm dấu vết thời gian, các nghệ sĩ dân gian đến từ khắp mọi miền tự do chọn vị trí để thăng hoa cảm xúc và cần mẫn lao động nghệ thuật để mưu sinh. Đông nhất có lẽ là đội ngũ họa sĩ ký họa và hý họa. Dọc phố có không dưới ba mươi nghệ sĩ luôn cầm trên tay những cây chì đen, chì màu chờ khách. Họ không cần phải mời chào mà du khách đến ngồi làm mẫu vẫn khá đông. Giá một bức chân dung bằng chì than trung bình là 600 rúp (khoảng 300.000 đồng tiền Việt Nam). Còn giá một bức hý họa cao hơn, tùy theo ý tưởng của người muốn vẽ. Được chiêm ngưỡng quá trình lao động của những họa sĩ vẽ chân dung có thể nhận thấy những tác phẩm của họ thật sinh động và đã lột tả được thần thái của người mẫu. Ở một đất nước có những họa sĩ tài hoa như Lêvitan, Xêrốp, Ivan Cramxcôi,… trình độ thẩm mỹ của người dân về hội họa khá cao, một họa sĩ không thực tài thì khó có thể đua chen kiếm sống ở nơi đô hội này. Không chỉ ký họa chân dung, một số họa sĩ còn có tranh phong cảnh gửi bán ở các kiốt giữa đường. Giá một bức tranh từ vài chục đến vài trăm đôla Mỹ. Người ta quảng cáo với du khách rằng, hãy mua những bức tranh này đi, sau này khi chủ của nó nổi tiếng, mỗi tác phẩm có khi lên hàng ngàn, hàng vạn đô la không chừng...Có thể đó chỉ là lời quảng cáo, nhưng được ngắm tranh, được tận mắt chứng kiến công việc sáng tạo của các họa sĩ trên phố cổ Arbat, du khách có thể cảm nhận được phần nào về hội họa dân gian của nước Nga.

Không đông đảo như các nghệ sĩ cầm chì, cầm cọ nhưng các nghệ sĩ dân gian đàn, hát, nhảy múa lại khiến cho Arbat có nét sống động hấp dẫn khác. Đầu phố, thường có một số nhóm nghệ sĩ trình diễn những tiết mục đặc sắc, chắc là của dân tộc ít người nào đó từ xa tới. Trang phục lạ mắt, lời hát không rõ bằng tiếng Nga hay tiếng Anh nhưng vũ điệu thì thật tưng bừng, khỏe khoắn.

Không gian êm đềm nơi dòng sông Moscow khi ánh chiều dần buông. (Ảnh: internet) 

Giữa phố, du khách lại bị hút hồn bởi một tiết mục độc tấu nhạc cụ rất độc đáo. Người nghệ sĩ có gương mặt hài hước, trang phục phong trần ngồi trên một chiếc loa thùng, hai bàn chân đeo đầy lục lạc, ôm chiếc ghi ta 12 dây đang say sưa biểu diễn. Người nghệ sĩ thản nhiên thả hồn theo âm thanh của cung đàn và chỉ dừng lại khi du khách đề nghị tấu một bản nhạc nào đó theo yêu cầu hoặc có khách ngỏ lời mua đĩa nhạc do chính người nghệ sĩ biểu diễn và sản xuất. Giá của một đĩa nhạc do nghệ sĩ dân gian biểu diễn thường đắt hơn đĩa của những ban nhạc trẻ khác. Ở một đất nước mà thói quen dùng hàng độc, hàng thủ công với giá đắt hơn hàng sản xuất theo công nghệ hàng loạt, người ta sẵn sàng mua đĩa của nghệ sĩ lang thang với giá cao. Và nhờ vậy, các nghệ sĩ dân gian vẫn có thể kiếm sống bằng lao động nghệ thuật truyền thống.

Phố Arbat cổ còn có một địa chỉ văn hóa mà bất cứ một du khách qua đây đều phải dừng chân chiêm ngưỡng. Đó là nhóm tượng Đại thi hào Nga Puskin và Natalia Gôntrarôva - vợ ông. Tượng bằng đồng, cao hơn 3m như tái hiện lại cảnh vợ chồng nhà thơ đang dạo bước trên phố Arbat hay đi dự một vũ hội nào đó từ gần hai thế kỷ trước.

Trên phố Arbat cổ còn có dịch vụ đọc và hát thơ thuê. Nhiều sinh viên hay những người mới tập làm thơ thường mang sáng tác mới của mình đến đây nhờ các nghệ sĩ chắp cánh cho tác phẩm nghệ thuật của mình với mong muốn để bạn bè và du khách cùng thưởng thức qua chất giọng đầy biểu cảm của những nghệ sĩ dân gian.

Một góc khung cảnh cung điện Mùa Hè - Versailles của nước Nga. (Ảnh: internet) 

Ở phố Arbat cổ, không gian văn hóa có vị thế cao hơn hẳn không gian phố chợ. Nhưng không gian chợ ở đây cũng khá độc đáo. Bởi lẽ suốt con phố người ta không bán hàng tiêu dùng, mà chỉ bán các loại hàng lưu niệm độc đáo. Hàng lưu niệm nhiều nhất vẫn là các loại trang phục của người lính Hồng quân, mũ áo, quân hàm, quân hiệu, huân, huy chương và cả những thanh kiếm của những sĩ quan từng xông pha trận mạc được bày la liệt tại các kiốt giữa đường. Dường như những người kinh doanh hàng lưu niệm ở đây muốn gửi đến du khách bốn phương một thông điệp: nước Nga còn tiềm tàng cả những hiện vật chứng minh cho kỳ tích chống xâm lăng của cha ông họ.

Dự án chuyển phố Arbat cổ thành phố đi bộ được tiến hành trong giai đoạn 1974-1986. Ngày nay, Arbat cổ là con phố đi bộ chính và là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của thủ đô Mát-xcơ-va.

Đến với phố Arbat cổ, bất cứ ai cũng có thể rũ bỏ âu lo thường nhật và hòa mình vào không khí hội hè với tiếng đàn, câu hát, điệu múa mang đậm tính cách Nga. Những khúc hoan ca trên phố cổ Arbat là sức sống tiềm tàng của dân tộc Nga, là bản sắc của nền văn hóa Nga, và bởi thế nó có sức lan tỏa bền lâu.

Thu Hà

Top