Núi Thái Sơn

Nằm ở đồng bằng sông Hoàng Hà, miền Trung của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc, núi Thái Sơn cao 1545m so với mặt nước biển, có diện tích 125km2, được coi là thánh địa của Đạo Lão, Đạo Phật và Đạo Khổng.

Với 6600 bậc đá dẫn đường lên tới đỉnh, núi Thái Sơn được ví như một cái thang lên trời. Lên cao theo những bậc đá du khách không khỏi kinh ngạc trước sự hùng vĩ, kỳ thú của thiên nhiên nơi đây. Đá phát ra những sắc màu rực rỡ, vui mắt. Xen giữa những khối đá có hình dáng kỳ lạ, sinh động là các cây đại thụ. Theo thống kê thì nơi đây có hơn 10.000 cây đã sống hơn một thế kỷ và ít nhất 3300 cây có tuổi từ 330 đến 1000 năm lâu hơn nữa. Những cây thông ở Đền thánh Thái Sơn đã được Hán Vũ Đế (156-87 Tr.CN) triều đại Tây Hán trồng. Hoàng đế Nguyên Phong nhà Đường còn cho dựng những hàng quân oai phong và 10 nghìn con chiến mã dọc suốt hàng vài trăm cây số để làm cho cảnh tượng trở nên ngoạn mục hơn.  Bất chấp những đỉnh núi cao chót vót, vẫn có những con suối nhỏ nhưng nước trong vắt và mát rượi, những thác nước đột nhiên đổ xuống từ trên cao khiến cho con người phải thán phục trước sự kiến tạo tuyệt vời của thiên nhiên.

Đứng trên đỉnh của ngọn Ngọc Đế (đỉnh cao nhất ở Thái Sơn), sẽ thấy thế núi trùng điệp dưới chân. Nếu đến đây vào những ngày đẹp trời du khách sẽ có cơ hội chiêm ngưỡng sông Hoàng Hà lấp lánh ánh vàng, những đám mây lãng đãng trên đỉnh núi và phủ khắp Thái Sơn.

Núi Thái Sơn nằm ở tỉnh Sơn Đông với tổng diện tích 426 km², nơi cao nhất là đỉnh Ngọc Hoàng với độ cao 1.545m so với mặt nước biển. (Ảnh: TL)

Đối với người Trung Quốc, Thái Sơn là một hình tượng của truyền thống văn hóa cổ thu nhỏ, có hơn 3 nghìn năm lịch sử tiếp nhận tế lễ của các bậc đế vương. Từ  xưa, người ta đã quan niệm phía Đông - nơi mặt trời mọc là nơi phát sinh của muôn vật, Thái Sơn nằm ở cực Đông Trung Quốc bởi vậy được coi là biểu tượng của Trời và hóa thân của Thần. Núi rất cao nên được coi như một cầu nối giữa trời với đất và giúp cho các hoàng đế - những người tự nhận là “thiên tử” thân chinh lên tận đỉnh núi nhằm gần với thiên đình hơn để thực hiện các đại lễ phong thiền Thái Sơn. Các hoạt động tế lễ phong thiền này đã diễn ra hàng nghìn năm tại Thái Sơn và xuyên suốt trong xã hội phong kiến Trung Quốc. Thái Sơn vì có các bậc đế vương phong thiền mà được nâng lên tới tầm cao thần thánh như hoàng đế, đồng thời cũng được cho là biểu tượng của sự ổn định, củng cố chính quyền, đất nước thịnh vượng và dân tộc đoàn kết, bởi vậy mới có câu nói "Thái Sơn an, bốn biển đều yên". Những vị hoàng đế nổi tiếng đã từng tế lễ ở đây như Tần Thủy Hoàng, Khang Hy, Càn Long…Truyền thuyết ghi lại có 72 hoàng đế đến đây để thực hiện nghi lễ này. Buổi lễ thành công nhất được ghi lại là do hoàng đế Tần Thủy Hoàng tiến hành.

Trên một vài mỏm đá, bia đá và hai triền của lối mòn vòng quanh núi còn lưu lại rất nhiều bút tích của các hoàng đế, những tao nhân mặc khách. Sử sách ghi lại rằng trước đây có một rừng bia ở Thái Sơn nhưng nay chỉ còn sót lại 1500 mảnh bia.

Vào năm 1987, núi Thái Sơn đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. (Ảnh: TL)

Tác phẩm khổng lồ ở Thái Sơn đã được khắc vào năm 219 Tr.CN khi Tần Thủy Hoàng tới đây làm lễ tế Thần. Trải qua thời gian, từ 222 chữ chỉ còn lại có 29 chữ do bị hư hại bởi vụ cháy năm 1740 và chỉ còn lại hai đoạn gồm 10 chữ được tìm thấy vào năm 1815.

Bản sao bộ Kinh Kim Cương của Đạo Phật nằm ở sườn Đông đường mòn là tác phẩm lớn nhất trên vách đá có đề ngày, tháng với 2799 chữ phủ kín 2064m2 đá. Chữ có đường kính từ 35-55cm, đó là thuật viết chữ nổi tiếng cổ xưa, được các nghệ nhân trong nhiều thời đại trân trọng, giữ gìn.

Vào thời kỳ phong kiến, núi Thái Sơn là thánh địa của Đạo gia và là nơi tế lễ của nhiều triều đại Trung Hoa. Theo sử sách ghi chép từ thời Tần Thủy Hoàng đến đời vua Càn Long, có tới 12 vị hoàng đế Trung Quốc lên núi Thái Sơn tế trời. (Ảnh: TL)

Trên vách đá dựng đứng ở đỉnh núi, là tác phẩm của Hoàng đế Nguyên Phong nhà Đường năm 725. Đó là một tấm bia cao 13,3m rộng 5,3m gồm 996 chữ, được cắt ra từ bề mặt vách đá. Chủ đề chính là ca tụng công đức, tài năng của các vị vua nhà Đường.

Có ba Đạo cùng tồn tại ở Thái Sơn là Đạo Lão, Đạo Phật, Đạo Khổng - ba trụ cột chính của nền văn hóa lâu đời Trung Quốc và đó cũng là sự khác biệt với các vùng núi khác ở Trung Quốc. Thành Thái Sơn dưới chân núi đã được tổ tiên lập nên để thờ cúng Thượng đế và cũng là nơi các Hoàng đế tiến hành lễ tế Thần. Đền được xây dựng lần đầu tiên vào triều đại nhà Tần và Hán, tổng diện tích 96.400m2, được bao bọc bởi tường cao 10m và phần bên trong xây dựng theo kiểu cung điện. Phía Bắc, Đông, Tây của tường đền trang trí các bức tranh lớn thuộc triều đại nhà Tống, cao 3,2m dài 62m, miêu tả một cách ngoạn mục khi Thần Thái Sơn bắt đầu đi duyệt quân.

Trên toàn bộ vùng núi còn có 20 quần thể kiến trúc, hơn 2.000 di tích lịch sử văn hóa, tiêu biểu như Đền Đại, đầm Vương Mẫu, cửa Nam Thiên, đền Bích Xá, cung Đấu Mẫu, lầu Xích Thiên… Đây đều là các công trình kiến trúc cổ nổi tiếng và có giá trị nghệ thuật. (Ảnh: TL)

Được ghi vào Danh sách Di sản Thế giới từ năm 1987 do có sự kết hợp đặc biệt giữa những yếu tố văn hóa và tự nhiên, Thái Sơn là một trong những mẫu hình cổ xưa nhất và quan trọng nhất của hàng loạt biến động địa chất thời cổ đại trên địa bàn miền Đông Trung Quốc. Trên Thái Sơn có 22 đền, chùa, 97 phế tích cổ xưa, 819 tấm bia đá và 108 bản khắc trên vách núi. Ngoài ra, còn rất nhiều di tích khác phản ánh di sản văn hóa phong phú của Trung Quốc. Thái Sơn là một trong những cái nôi của nền văn minh Trung Quốc. Nơi này đã phát hiện thấy dấu tích của con người cách đây 40 vạn năm. Hiện nay, vẫn còn di tích bức tường thành dài 500km do nước Tề dựng lên. Một số đền, miếu, chùa chiền trên Thái Sơn như Ngọc Đế Quán, Đầu Mẫu Cung và Bích Hà Từ đều là những trung tâm Phật giáo và Đạo giáo quan trọng.

Thái Sơn có sức hút mạnh đối với các du khách hiện nay. Hàng năm ở đây đón 3,7 triệu du khách Trung Quốc và nước ngoài. Những người leo bộ có thể vượt qua một vùng rộng gồm rất nhiều khối đá kỳ lạ, những cây thông rậm rạp. Nếu không, du khách có đi cáp treo lên thẳng cổng trời, chỉ mất có 7 phút. Trong tương lai, Thái Sơn sẽ trở thành một trung tâm du lịch lớn của Trung Quốc và thế giới.

Thu Hà 

Top