Nơi ra báo Thanh Niên
Đó là ngôi nhà số 13 (nay là số 248-250), đường Văn Minh, thành phố Quảng Châu, thuộc tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Đây là một trong những địa chỉ quan trọng nhất liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc. Địa chỉ này là nơi Người mở lớp đào tạo cán bộ đầu tiên cho cách mạng Việt Nam, trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cơ quan ngôn luận của Hội.
Với vai trò là cơ quan ngôn luận, báo Thanh niên không chỉ tuyên truyền tôn chỉ, mục đích của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mà còn làm nhiệm vụ quan trọng là giới thiệu chủ nghĩa Mác- Lênin, về cách mạng tháng Mười Nga, giải thích đường lối chiến lược của cách mạng Việt Nam. Báo đã hoàn thành sứ mệnh tuyên truyền tập thể, cổ động và tổ chức tập thể. Đặc biệt từ số 60, dưới sự chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Báo đã đề cập đến vấn đề thành lập một chính đảng vô sản ở Việt Nam. Và vì thế, Quảng Châu ngay từ những năm 20 của thế kỷ trước đã trở thành địa chỉ thân thiết lôi cuốn nhiều nhà cách mạng Việt Nam.
Theo nghiên cứu của Bảo tàng Hồ Chí Minh, trên quãng đường bôn ba tìm đường cứu nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và hoạt động ở Trung Quốc 10 năm, không kể những lần Người đi thăm và làm việc sau này. Người đã đến 21 trong số 33 tỉnh của Trung Quốc. Có 70 địa điểm và di tích có liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Trung Quốc. Trong đó có một số di tích đã được nước bạn xếp hạng di tích cấp quốc gia, cấp khu, cấp tỉnh và đang phát huy giá trị phục vụ giáo dục truyền thống cách mạng và quan hệ hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Báo Thanh Niên - Tờ báo cách mạng đầu tiên của nước ta
Riêng đối với địa điểm ngôi nhà trụ sở của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cơ quan ngôn luận của Hội ở thành phố Quảng Châu, từ lâu nước bạn đã rất coi trọng. Từ năm 1971 Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa quyết định giữ làm Di tích lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Di tích thuộc quyền quản lý của Bảo tàng Cách mạng Quảng Đông. Suốt trong nhiều năm qua Bảo tàng Cách mạng Quảng Đông đã gìn giữ và phát huy tác dụng di tích lịch sử này; đồng thời thường xuyên tôn tạo, nâng cấp vừa đáp ứng nhu cầu bảo tồn, vừa đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, tham quan của khách Việt Nam, Trung Quốc và bạn bè quốc tế.
Năm 1999 phía Trung Quốc đã chủ động phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh của Việt Nam thực hiện kế hoạch tu bổ Di tích và bổ sung nội dung trưng bày. Năm 2000, được sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá- Thông tin Việt Nam, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cùng với Bảo tàng Lịch sử Cách mạng Quảng Đông bàn phối hợp tu sửa Di tích. Theo đó nước bạn đã chủ động lập đề án tu sửa và đề nghị Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp tư liệu, hình ảnh bổ sung nội dung trưng bày. Được Đảng, Nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mà trực tiếp là chính quyền tỉnh Quảng Đông, Cục Văn hoá thành phố Quảng Châu quan tâm đầu tư cả về vật chất, trí tuệ và công sức nên việc tu sửa Di tích đã được tiến hành thuận lợi. Những phần trước đây của ngôi nhà số 13 đường Văn Minh không thuộc quyền sở hữu của Di tích đã được chính quyền thành phố Quảng Châu cho phép mua lại. Vì vậy hiện nay toàn bộ ngôi nhà đã thuộc về Di tích, việc trưng bày phục dựng lại Di tích cũng vì thế mà được bổ sung phong phú hơn. Ngoài các phòng trước đây là nơi ở của các học viên, phòng nghỉ của đồng chí Nguyễn Ái Quốc được khôi phục lại, tại ngôi nhà này còn dành một phòng riêng giới thiệu về Nguyễn Ái Quốc- Hồ Chí Minh với Quảng Châu. Ở phòng trưng bày này giới thiệu nhiều tài liệu, hình ảnh về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu những năm 1924- 1927. Đặc biệt ở đây trưng bày bức tranh lớn “Đồng chí Nguyễn Ái Quốc giảng bài tại lớp bồi dưỡng cán bộ cách mạng Việt Nam tại Quảng Châu”. Bức vẽ được bố trí trang trọng như một điểm nhấn giúp cho người xem hiểu được nội dung chính của Di tích lịch sử này. Ngoài phần trưng bày về hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu, phòng còn giới thiệu những hình ảnh về các chuyến thăm tỉnh Quảng Đông của Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này, hình ảnh về các đoàn lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đến thăm Di tích Trụ sở Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên từ khi Di tích được Nhà nước Trung Quốc công nhận năm 1971 đến nay. Những hình ảnh về các chuyến thăm Di tích của Thủ tướng Phạm Văn Đồng năm 1971; Đoàn Tổng Bí thư Đỗ Mười năm 1991; Đoàn của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu năm 1999 và nhiều đoàn lãnh đạo cấp cao của Chính phủ và Nhà nước Việt Nam... đã là những minh chứng cho ý nghĩa đặc biệt của Di tích này.
Chiếc máy in mà Bác dùng để in tờ Báo Thanh Niên đầu tiên
Với một diện tích khiêm tốn trong Di tích, gian trưng bày đã khái quát hoạt động của Nguyễn Ái Quốc tại Quảng Châu, những dấu mốc quan trọng về quan hệ thân thiết, tình hữu nghị truyền thống của nhân dân Việt Nam với nhân dân Trung Quốc do Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt nền móng và suốt đời xây đắp.
Ngày 30-4-2002, sau hơn một năm tu sửa và nâng cấp, Lễ khánh thành Di tích Trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên được tổ chức trọng thể với sự có mặt của các vị lãnh đạo tỉnh, các cơ quan văn hoá tỉnh Quảng Đông và thành phố Quảng Châu, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Quảng Châu, Bảo tàng Hồ Chí Minh, các phóng viên báo chí, truyền hình và đông đảo nhân dân địa phương. Ngày khánh thành đó đã thật sự là ngày hội chung của nhân dân hai nước tưởng nhớ về Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã đặt nền móng và suốt đời xây đắp tình hữu nghị láng giềng giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Trung Quốc.
Cũng nói thêm rằng, ở Quảng Đông và thành phố Quảng Châu nói riêng còn có nhiều địa điểm khác liên quan đến cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Trường Huấn luyện, Vận động nông dân Quảng Châu tại nhà số 5-7 phố Nhân Hưng, gần Đại lộ Nhân Cao, không xa với Di tích Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Đây là trường huấn luyện, vận động nông dân Quảng Châu, và cũng là nơi Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên mở lớp huấn luyện đặc biệt khoá 3 vào đầu năm 1927. Nguyễn Ái Quốc đã đến giảng bài ở đây.
Trong những năm sau này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đã nhiều lần đến thăm, nghỉ và làm việc tại Quảng Châu và một số địa phương khác thuộc tỉnh Quảng Đông. Người đã để lại nhiều dấu ấn về tình hữu nghị rất thân thiết với nhân dân tỉnh Quảng Đông nói riêng và nhân dân Trung Quốc nói chung. Đối với những người làm công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá nói chung và đặc biệt là các cán bộ đang gìn giữ và phát huy giá trị các di tích về Chủ tịch Hồ Chí Minh, những hình ảnh Bác Hồ với nhân dân Trung Quốc, nhân dân tỉnh Quảng Đông và thành phố Quảng Châu là vô giá. Chính giá trị đó đã có sức cổ vũ to lớn đối với quan hệ hợp tác giữa Bảo tàng Hồ Chí Minh của Việt Nam và Bảo tàng Cách mạng Quảng Đông, Trung Quốc trong việc gìn giữ và phát huy Di tích Bác Hồ ở Quảng Đông nói chung, đặc biệt là Di tích nơi Người tổ chức mở lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên và nơi Người ra tờ báo cách mạng đầu tiên của Việt Nam.
Di tích trụ sở Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên- Chiếc nôi của cách mạng Việt Nam là một điểm dừng chân không thể thiếu của du khách Việt Nam mỗi khi đến Quảng Châu. Đó cũng là mong muốn của các bạn Trung Quốc và là mục đích của chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Đông khi đầu tư gần một triệu nhân dân tệ vào tu sửa và tôn tạo Di tích. Đây cũng là điểm đến của các đoàn khách Trung Quốc và bạn bè quốc tế.
TS Nguyễn Thị Tình