Nguyễn Ái Quốc ở Pháp (1917 - 1923) và những dấu ấn
Trong những năm xây dựng nội dung trưng bày cũng như suốt quá trình hoạt động của mình, Bảo tàng Hồ Chí Minh luôn luôn chú ý nghiên cứu, sưu tầm các tài liệu, hiện vật về Chủ tịch Hồ Chí Minh với nước Pháp nói chung và thời kỳ Người sống và hoạt động ở Pháp (1917-1923) nói riêng. Những tài liệu thu được giúp chúng ta tìm hiểu ngày càng toàn diện và sâu sắc hơn những quyết định đúng đắn của người thanh niên Nguyễn Tất Thành trong hành trình tìm đường cứu nước. Thời kỳ ở Pháp đó đã để lại những dấu ấn sâu đậm và rất quan trọng đối với cuộc đời cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và đối với cách mạng Việt Nam.
Sau này nhớ lại thời tuổi trẻ của mình, Bác Hồ nói: Vào chạc tuổi 13 khi được nghe những từ “Tự do- Bình đẳng- Bác ái” của cách mạng Pháp, Người đã muốn tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ đó. Năm 21 tuổi, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành quyết định hướng đi của mình là: ra nước ngoài xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào ta.
Cuộc hành trình đó bắt đầu từ ngày 5-6-1911 từ bến cảng Sài Gòn. Theo con tàu Đô đốc Latútsơ Tơrêvilơ Nguyễn Tất Thành đến Singapo, Côlômbô,…rồi đến thành phố Mácxây của nước Pháp vào tháng 7-1911. Từ Mácxây, theo một con tàu khác, Nguyễn Tất Thành đã có một cuộc hành trình rất dài đi vòng quanh châu Phi, sang Mỹ, rồi đến nước Anh. Đến cuối năm 1917, Người lại trở về nước Pháp. Bắt đầu gần 6 năm sống và hoạt động tại nước Pháp, mở đầu một thời kỳ mới trong phong trào giải phóng dân tộc nói chung và cuộc cách mạng giải phóng của nhân dân Việt Nam nới riêng.
1- Với Bản Yêu sách của nhân dân An Nam do Nguyễn Ái Quốc ký tên gửi tới Hội nghị Vécxây, đã làm chấn động dư luận nước Pháp và là “phát pháo hiệu” thức tỉnh nhân dân Việt Nam đứng lên đấu tranh giải phóng.
Trở lại nước Pháp vào cuối năm 1917 đầu năm 1918, Nguyễn Tất Thành gặp gỡ lãnh đạo của Hội những người Việt Nam yêu nước đã được thành lập tại đây trước đó mấy năm, thảo luận phương hướng hoạt động của Hội. Chỉ ít lâu sau đó, Nguyễn Tất Thành đã trở thành người có uy tín trong các giới đồng bào Việt Nam tại Pháp.
Năm 1919, các nước đế quốc thắng trận trong cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất đã họp Hội nghị tại Vécxây để chia lại thị trường thế giới. Thay mặt những người Việt Nam yêu nước tại Pháp, Nguyễn Tất Thành, lấy tên là Nguyễn Ái Quốc, đã gửi Bản Yêu sách của nhân dân Việt Nam tới Hội nghị. Yêu sách đề cập đến những vấn đề sơ đẳng nhất về quyền tự do, dân chủ, về quyền tự quyết của dân tộc Việt Nam; bắt đầu nói rõ cho nhân dân thế giới biết những tội ác của đế quốc Pháp ở thuộc địa, để cho giai cấp công nhân, các tổ chức dân chủ Pháp chú ý đến tình hình Việt Nam dưới ách thống trị của đế quốc Pháp. Nguyễn Ái Quốc còn gửi yêu sách tới các đoàn đại biểu của các nước Đồng minh và gửi tới cả các nghị viên của Quốc hội Pháp. Hai tờ báo Nhân đạo (L` Humanite) và Dân chúng (Le Populaire) đã đăng Bản yêu sách đó. Ngoài ra, Nguyễn Ái Quốc còn cho in 6.000 tờ truyền đơn để phân phát Bản Yêu sách trong các cuộc họp, các cuộc mít tinh của các tổ chức dân chủ ở Pháp.
Yêu sách của nhân dân An Nam không được Hội nghị Vécxây xem xét đến, bởi hội nghị này cũng chỉ là nơi các nước đế quốc họp nhau để chia phần. Mặc dù vậy, cuộc đấu tranh của Nguyễn Ái Quốc ở Hội nghị Vécxây đã có tiếng vang lớn trong nhân dân Pháp, nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước thuộc địa Pháp. Yêu sách đã nói lên rằng, phong trào cách mạng giải phóng của nhân dân Việt Nam đã có ngọn cờ lãnh đạo, đó là ngọn cờ yêu nước với người đứng đầu là Nguyễn Ái Quốc.
Nguyễn Ái Quốc ở Pháp năm 1920
2- Tại Đại hội của Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tua lịch sử, Nguyễn Ái Quốc đã bỏ phiếu để Đảng gia nhập Quốc tế Cộng sản, trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, đồng thời là người cộng sản Việt Nam đầu tiên.
Trong không khí sôi động của nước Pháp dưới ảnh hưởng của Cách mạng Tháng Mười, sự ra đời của Quốc tế Cộng sản tháng 3-1919; Đại hội lần thứ II Quốc tế Cộng sản tháng 7-1920… Nguyễn Ái Quốc đã hoạt động rất tích cực để thực hiện hoài bão đã chọn. Anh đã tiếp xúc với những nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Xã hội Pháp và đã gia nhập Đảng Xã hội, một tổ chức chính trị duy nhất ở Pháp lúc đó lên tiếng ủng hộ thuộc địa.
Ngày 16 và 17 tháng 7-1920, báo Nhân đạo của Đảng Xã hội Pháp đã đăng Luận cương của V.I. Lênin về vấn đề dân tộc thuộc địa. Sau này, nhớ lại niềm sung sướng khi đọc bản Luận cương của V.I. Lênin, Hồ Chí Minh đã viết: “Luận cương của Lênin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Cuối năm 1920 lịch sử đó, Đại hội lần thứ XVIII của Đảng Xã hội Pháp họp tại thành phố Tua, Nguyễn Ái Quốc là đại biểu chính thức của Đảng và là đại biểu duy nhất của các nước thuộc địa Đông Dương. Trong cuộc tranh luận rất gay gắt về việc Đảng gia nhập Quốc tế III hay ở lại Quốc tế II, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với một số đồng chí của mình ủng hộ việc Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế III. Tại diễn đàn Đại hội, Nguyễn Ái Quốc đã phát biểu về vấn đề Đông Dương, tố cáo tội ác của thực dân, kêu gọi những người Pháp chân chính ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam và nhân dân các thuộc địa khác. Trong biên bản của Đại hội, phát biểu của Nguyễn Ái Quốc thể hiện ý chí cách mạng, thấm đượm tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân các nước thuộc địa với nhân dân ở các nước đế quốc, Người cũng nêu lên trách nhiệm của giai cấp công nhân Pháp đối với vận mệnh các dân tộc thuộc địa. Người nhấn mạnh: “Đảng Xã hội cần phải hoạt động một cách thiết thực để ủng hộ những người bản xứ bị áp bức… Chúng ta thấy rằng việc Đảng Xã hội gia nhập Quốc tế III có nghĩa là Đảng hứa một cách cụ thể là từ nay Đảng sẽ đánh giá đúng tầm quan trọng của vấn đề thuộc địa…”
Tham gia Đại hội Tua và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp là một sự kiện chính trị vô cùng quan trọng trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Ái Quốc và trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Sự kiện này đánh dấu một bước chuyển biến quyết định, bước nhảy vọt, thay đổi về chất trong nhận thức tư tưởng chính trị của Nguyễn Ái Quốc. Từ đây, cách mạng Việt Nam đi theo con đường của Người đã chọn, con đường cách mạng giải phóng dân tộc gắn với giải phóng xã hội, giải phóng con người mà cuộc Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 đã mở ra.
3- Với việc sáng lập Hội Liên hiệp thuộc địa và tờ báo “Người cùng khổ” (Le Paria), Nguyễn Ái Quốc và các đồng chí của mình đã thổi một luồng gió mới đến nhân dân các nước bị áp bức, đoàn kết họ trong cuộc đấu tranh chung chống chủ nghĩa đế quốc.
Để thúc đẩy phong trào cách mạng ở các thuộc địa, trong đó có cách mạng Việt Nam, Nguyễn Ái Quốc đã sớm nhận thấy sự cần thiết phải xúc tiến công tác tuyên truyền và tổ chức. Tại Pari, Nguyễn Ái Quốc đã gặp nhiều người cách mạng châu Phi, châu Mỹ latinh. Tháng 7-1921, tại Pari, Nguyễn Ái Quốc đã cùng với họ thành lập Hội Liên hiệp thuộc địa. Lúc thành lập Hội đã có 200 hội viên và hai tổ chức người thuộc địa xin gia nhập toàn bộ vào Hội, đó là Hội Những người Việt Nam yêu nước tại Pháp và Hội Đấu tranh cho quyền con người ở Ma-đa-gát-xca. Hội đã bầu Ban Thường vụ do Nguyễn Ái Quốc đứng đầu; thông qua Điều lệ do Nguyễn Ái Quốc thảo với mục đích chính là “Bênh vực cho quyền lợi của tất cả đồng bào ở các xứ thuộc địa”. Để thực hiện mục đích đó, Điều thứ 2 của Điều lệ nêu rõ: Hội tập hợp và hướng dẫn cho mọi người dân các xứ thuộc địa hiện sống trên đất Pháp để:
- Soi sáng cho những người dân ở thuộc địa về tình hình mọi mặt ở nước Pháp theo tôn chỉ tương trợ;
- Thảo luận và nghiên cứu tất cả những vấn đề chính trị và kinh tế của thuộc địa.
Ngày 19-1-1922, Ban Thường vụ Hội Liên hiệp thuộc địa đã họp quyết định lập ra Hội Hợp tác người cùng khổ và ra tờ báo cùng tên. Nguyễn Ái Quốc nêu rõ, Hội Hợp tác là hội kinh doanh sản xuất, mỗi cổ phần đóng 100 phơ-răng, hùn vốn 15.000 phơ-răng để ra tờ báo “Người cùng khổ”. Tuy nhiên, về sau, số người đóng cổ phần không đủ nên Hội Hợp tác người cùng khổ không thành lập được nhưng báo Người cùng khổ vẫn được ra.
Ngày 1-2-1922, Nguyễn Ái Quốc cùng các đồng chí trong Hội Liên hiệp thuộc địa ra lời kêu gọi nhân dân các nước thuộc địa đoàn kết trong cuộc đấu tranh chống kẻ thù chung, ủng hộ Hội Liên hiệp thuộc địa, đoàn kết với nhân dân “chính quốc”. Lời kêu gọi có đoạn: “Các bạn ở chính quốc! Các đồng chí ở thuộc địa! Vì lợi ích của công lý, sự thật và tiến bộ, cần xóa bỏ mọi khoảng cách giả tạo chia rẽ các bạn. Người cùng khổ là tờ báo đầu tiên có mục đích thực hiện nhiệm vụ không dễ dàng đó. Để có thể thành công trong việc này, chúng tôi kêu gọi sự tận tình của các đồng chí mà chúng tôi biết là luôn luôn vượt trên mọi thử thách. Hãy gia nhập Hội Hợp tác “Người cùng khổ” của chúng tôi hoặc ngay từ hôm nay gửi mua dài hạn báo Người cùng khổ của chúng tôi, hoặc tốt hơn, nếu có thể đồng chí làm luôn cả hai việc cùng một lúc. Thành công của chúng tôi tùy thuộc ở sự tận tình của các đồng chí và tương lai các thuộc địa tùy thuộc ở sự thành công đó…”
Nguyễn Ái Quốc là người phụ trách chính trong việc xuất bản báo “Người cùng khổ”, từ việc tổ chức ban biên tập, tòa soạn, viết bài, sửa chữa, đi in, đem báo về tòa soạn, cho đến việc gửi báo đi các thuộc địa. Trong số đầu tiên báo có lời chào mừng như sau: “Trong lịch sử của quần chúng bản xứ các thuộc địa Pháp chưa có một tờ báo nào lập ra để kêu to sự thống khổ và sự nghèo nàn chung của họ, không phân biệt xứ sở và chủng tộc. Báo Người cùng khổ ra đời do sự thông cảm chung của các đồng chí ở Bắc Phi, Trung Phi và Tây Phi thuộc Pháp, ở Ma-đa-gát-xca, ở Đông Dương, Ăng-ti và Guy-am.”
Báo “Người cùng khổ” đã thật sự trở thành vũ khí chiến đấu, là diễn đàn để Nguyễn Ái Quốc và Hội Liên hiệp thuộc địa tuyên truyền tư tưởng giải phóng các nước thuộc địa.
Việc xuất bản báo “Người cùng khổ” là một vố đánh vào bọn thực dân ở các nước thuộc địa, nhất là ở Đông Dương, ai đọc báo “Người cùng khổ” đều bị bắt. Mặc dầu khó khăn nhưng tờ báo vẫn tiếp tục phát triển. Suốt trong thời gian tồn tại, từ tháng 4-1922 đến tháng 6-1926, báo “Người cùng khổ” ra được 38 số với 35 tờ. Nguyễn Ái Quốc ủng hộ rất đều cho báo mỗi tháng 25 phơ-răng. Anh nói: Chúng ta phải bằng bất cứ giá nào làm cho tờ báo sống. Nó mất đi sẽ là một thiệt hại to lớn đối với tổ chức và nhất là đối với công tác tuyên truyền lúc này cần thiết hơn lúc nào hết..”.
Tháng 6-1923, trước khi rời nước Pháp, Nguyễn Ái Quốc đã viết bức thư gửi lại cho các đồng chí của mình. Anh viết: Hội Liên hiệp thuộc địa và tờ báo “Người cùng khổ” đã làm cho nước Pháp, nước Pháp chân chính hiểu rõ những việc đã xảy ra trong các thuộc địa. Làm cho nước Pháp hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được. Nó đã thức tỉnh đồng bào chúng ta. Đồng thời nó cũng khiến cho đồng bào chúng ta nhận rõ nước Pháp tự do bình đẳng và bác ái. Nhưng chúng ta còn phải làm nhiều hơn.
Theo yêu cầu của Quốc tế Cộng sản đào tạo Nguyễn Ái Quốc trở thành lãnh tụ tương lai cho cách mạng Đông Dương, Quốc tế Cộng sản cùng với Đảng Cộng sản Pháp tổ chức cho Nguyễn Ái Quốc đến nước Nga. Tháng 6-1923, Nguyễn Ái Quốc tạm biệt Pari, tạm biệt nước Pháp, để lại hình ảnh đẹp về một chiến sỹ quốc tế nhiệt thành đấu tranh giải phóng dân tộc, giải phóng con người, thực hiện những lý tưởng cao đẹp của đại cách mạng Pháp: Lý tưởng Tự do - Bình đẳng - Bác ái.
TS Nguyễn Thị Tình