Người nước ngoài cảm nhận thế nào về Tết Việt?

Tết Nguyên đán là ngày tết cổ truyền của người Việt Nam. Đây cũng là dịp để các gia đình Việt Nam đoàn tụ, sum vầy sau một năm bận rộn. Đối với người nước ngoài, Tết Việt là một trải nghiệm mới mẻ. Hãy cùng tìm hiểu người nước ngoài nghĩ gì về Tết qua cảm nhận của ôngChristopher Lincoln - Giảng viên đại học ở Canada gửi cho Tạp chí Thế giới Di sản nhé!

Tôi đã có cơ hội được ăn Tết tại Việt Nam, thực sự đó là trải nghiệm tuyệt vời nhất trong cuộc đời. Ngày tết, còn gọi cách khác là năm mới theo âm lịch, là dịp lễ hội quan trọng và lớn nhất của người Việt, thường diễn ra vào giữa tháng 2 Dương lịch, bởi vì âm lịch dựa vào chu kỳ quay của mặt trăng theo cách lý luận của người Á Đông. Tôi thực sự thích hoạt động di chuyển của các thành viên người Việt từ mọi miền đất nước về với gia đình họ trong ngày tết đoàn viên. Tết chỉ diễn ra trong vòng 3 ngày nhưng trước đó mọi người đã mất khoảng 1 tới 2 tháng để chuẩn bị.

Tôi có cảm giác rất giống với dịp lễ giáng sinh nơi quê nhà tôi, đất nước Canada xa xôi. Mọi người hay bảo, Tết của Việt Nam rất giống với nước láng giềng Trung Quốc nhưng bản thân tôi nghĩ khác, ngày Tết của các bạn có những nghi lễ và hoạt động cộng đồng rất đặc trưng, hài hoà và phù hợp với văn hoá cũng như điều kiện thời tiết địa lý.

Chẳng hạn, những hoạt động trước đêm Giao thừa khiến tôi có cảm nhận rất tốt đẹp về các bạn thể hiện ở những đức tính tuyệt vời như: Cẩn thận, chân thành và rất nhiệt tình... Để chào đón những vận hội đầy may mắn đến cùng năm mới, tất cả mọi người, từ trẻ tới già cùng nhau trang hoàng lại nhà cửa, đường sá với rất nhiều loài hoa tươi đẹp, trong đó, những loài hoa mang màu sắc rực rỡ, tươi thắm rất được ưa chuộng như màu vàng, màu đỏ, màu hồng ... Hoa đào được người Bắc ưa chuộng, trong khi người phương Nam thích hoa mai hơn bởi vẻ đẹp huy hoàng của nó. Những loài hoa này cũng mang ý nghĩa rất đặc biệt, luôn được đặt ở vị trí trang trọng trong mỗi ngôi nhà của người Việt.

Tôi cũng thấy rất nhiều gia đình trang trí nhà của họ với cây quất nặng trĩu những quả vàng. Bạn tôi nói, cây quất tượng trưng cho sự sum vầy, giàu có và thịnh vượng trong suốt cả năm mới. Quả quất rất thơm và chua, còn được người Việt sử dụng làm mứt.

Trước Tết một tuần, thậm chí cả tháng, người Việt dành thời gian lau dọn nhà cửa với niềm tin mạnh mẽ là để giũ bỏ những gì chưa may mắn của năm cũ, sẵn sàng đón nhận vận may trong năm mới. Người Việt cũng quan tâm mua những bộ quần áo mới cho trẻ con để chưng diện trong những ngày đầu năm. Một tháng trước năm mới, tôi thấy người Việt có phong tục tặng quà cho gia đình, bạn bè, họ hàng thân thiết như là việc tỏ rõ lòng tôn trọng và yêu quý với nhau với những món quà khá đa dạng, từ cà phê, trà,...

 Ông Christopher Lincoln

Trước khi đón năm mới còn có một ngày vô cùng đặc biệt, đó là ngày 23 Âm lịch, thời điểm mà mọi gia đình trang trí lại bàn thờ thần Bếp (Táo quân) và sắm sửa lễ vật cúng ông Công ông Táo về chầu Trời. Người Việt tin rằng, Táo quân cưỡi cá chép bay về trời để trình báo với Ngọc hoàng mọi việc đã diễn ra dưới trần gian. Sau đó, mọi người không quên tổ chức bữa tiệc nho nhỏ cùng sự kiện này, có thêm sự tham gia của bạn bè, họ hàng.

Trải nghiệm đêm Giao thừa của tôi cũng khá ấn tượng. Người Việt tin vào sự hiện diện của 12 con giáp mà mỗi con giáp có một thần chủ ngự trị. Trước lễ Giao thừa, người ta lập bàn thờ ở phía không gian cao nhất của ngôi nhà như sân thượng với đầy đủ lễ vật, trái cây để chào đón thần bếp (ông Táo) trở về từ Thiên đình. Vào thời khắc chuyển giao năm mới, pháo hoa được đốt lên cho tất cả mọi người và du khách chiêm ngưỡng. Sau đó mọi người cùng nhau đi hái lá non của cây (lộc) và đi lễ chùa để cầu mong may mắn đến với mình.

Buổi sáng ngày đầu tiên năm mới, mọi người chưng diện rất đẹp sang nhà bạn bè, họ hàng chào hòi thăm nhau với những lời chúc tốt đẹp nhất. Trẻ nhỏ được nhận tiền lì xì. Thông thường khách luôn dành những lời chúc và sự tôn trọng với chủ nhà như một nghi thức trước khi được chủ nhà chiêu đãi bằng những mâm cỗ thịnh soạn. Trong không khí đó, mọi người thường tỏ thái độ rất vui tươi, những khuôn mặt lo âu buồn bã không được khuyến khích dù với bất kỳ lý do gì. Các bạn cũng có một phong tục rất đặc biệt, giống với một vài nước phương Tây, đó là tục xông đất đầu năm, trong đó, những người xông đất luôn được lựa chọn từ trước và phải khá tương đồng với gia chủ. Người được đến xông đất theo quy tắc hòa hợp giữa các vật chủ trong 12 con giáp của 2 người nhưng không phải gia đình nào cũng mời khách đến xông đất, có nhiều người tự xông đất cho chính gia đình mình bằng cách đi ra khỏi nhà trước lúc nửa đêm và quay về nhà sau khi đồng hồ đã điểm 12h đêm.

Trái ngược với không khí sôi động của những ngày thường, ngày Tết ở đây vô cùng bình yên, mọi công sở, cơ sở dịch vụ cửa hàng đều đóng cửa, ngoại trừ nhà thương, trên đường phố cũng rất ít phương tiện giao thông di chuyển. Vào thời điểm này, tôi cùng bạn đang đi bộ trên phố đột nhiên reo lên rất vui khi thấy đoàn múa lân xuất hiện, chúng tôi đã mong đợi khá lâu, khoảng 2 tiếng đồng hồ rồi. Tôi rất thích xem múa lân, các nghệ sỹ trình diễn nhịp nhàng theo điệu trống tưng bừng lay động sự háo hức của mọi người. Bạn tôi nói, múa lân làm cho cô ấy nhớ lại ký ức tuổi thơ của mình rất nhiều, vừa nói cô ấy vừa hớn hở liếc mắt theo đoàn múa. Tôi thấy mấy cô mặc áo dài xanh truyền thống Việt Nam thật tuyệt, đám múa lân dường như đã thôi miên tất cả mọi người dù ở lứa tuổi nào đi chăng nữa. Ngày xưa tôi cũng được những người bạn Việt Nam mời thưởng thức những món ăn đầu xuân mang phong vị truyền thống đặc trưng của Việt Nam, trong đó, tôi đặc biệt thích bánh chưng, thứ bánh được làm từ gạo nếp nguyên chất và gói bằng lá dong. Đó là một trong những món không thể thiếu trong ngày Tết nên vô cùng ý nghĩa. Thưởng thức bánh chưng cũng vô cùng đặc biệt, từ hương vị thơm ngon và để luộc chín bánh mất rất nhiều công sức và 12 tiếng đồng hồ. Ý nghĩa hơn khi bạn tôi giải thích “Bánh chưng có hình vuông vì tượng trưng cho hành tinh nơi ta sinh sống, gạo nếp tượng trưng cho đất nơi ta đang ở, nhân đỗ xanh trong bánh là cây cối thực vật, thịt lợn tượng trưng cho muôn loài. Cũng chính vì vậy, bánh chưng luôn được đặt trang trọng lên bàn thờ tổ tiên trong dịp lễ quan trọng như ngày Tết. Qua đó người Việt chúng tôi luôn giữ gìn truyền thống văn hóa dân tộc mình cùng thời gian”.

Bên cạnh mâm cỗ còn có mâm ngũ quả ngày xuân mang ý nghĩa may mắn và hạnh phúc. Còn rất nhiều điều về văn hóa Việt Nam trong dịp Tết mà tôi đã từng trải nghiệm nhưng chưa thể hiểu hết được nhưng hơn tất cả, ngày Tết thật tuyệt vời, là ngày hướng về cội nguồn để tỏ lòng tốt với nhau, để tận hưởng thời khắc quý giá nhất mong ước cho mọi điều tốt đẹp trở thành hiện thực.

Tôi yêu Việt Nam!

                                 Quỳnh Hương(dịch)

 

Top