Người Lô Lô với trống đồng

Vài năm trước, ngành Di sản Văn hóa tỉnh Hà Giang trình hồ sơ công nhận Bảo vật quốc gia với hai chiếc trống đồng, phát hiện được ở lòng đất của cộng đồng người Lô Lô sinh sống, trong trường hợp cặp đôi Bố - Mẹ, có niên đại cách ngày nay khoảng 2300 năm, thuộc sản phẩm vật chất của nền văn hóa Đông Sơn nổi tiếng, có nhiều yếu tố giao thoa với đồ đồng Vân Nam, Trung Quốc.

Hai chiếc trống ấy đã được Chính phủ công nhận và dường như chúng chỉ là hai trong những đại diện tiêu biểu của trống đồng của người Lô Lô đã từng được tìm thấy trên địa bàn cư trú của họ.

Trống đồng hiện hữu trong sinh hoạt và tín ngưỡng của người Lô Lô. Ảnh: Internet

Gần đây, trong bao câu hỏi vấn vương về trống đồng và người Lô Lô, tôi tìm đọc lại cuốn sách được Nhà xuất bản Thế giới ấn hành năm 1996 với tên gọi “Trống đồng cổ với các tộc người ở Hà Giang” của TS Lò Giàng Páo – người con của chính dân tộc này biên soạn và thấy có những truyền thuyết khá hấp dẫn liên quan tới trống đồng: “Có dòng họ Mô (Trời) chuyên chế tác các loại nhạc cụ cho người Lô Lô. Trước hết, họ tạo ra những trống đồng để dùng trong đám ma đưa hồn người chết về với tổ tiên, dáng trống mô phỏng dáng người. Tiếp đó, họ tạo ra cồng chiêng và trống da để dùng trong lễ mừng nhà mới, kèn môi và sáo đôi để dùng cho các đôi trai gái tỏ tình.

Ngày khánh thành những chiếc trống đồng đầu tiên, ông vua đầu tiên của người Lô Lô ra lệnh cho dân chúng ăn mừng bảy ngày, bảy đêm. Vua cũng cho mời vị bố mo giỏi nhất đến cúng hồn cho trống đồng. Trong tiếng trống đồng Vua cùng dân múa điệu múa tế trời. Sau bảy ngày đêm đó, trời mưa to như trút ba ngày, ba đêm mới hửng nắng, khiến cỏ cây hoa lá đều xanh tốt. Năm đó, khắp nơi đều được mùa, dân chúng no ấm, hạnh phúc.

Truyền thuyết bảo rằng, người Lô Lô có đúc trống đồng, nhưng những chiếc trống ấy là trống loại I Heger (trống Đông Sơn) hay trống loại IV theo phân loại của Heger? Và, những chiếc trống sớm nhất của hai loại trống này cũng cách nhau hơn một thiên niên kỷ, còn những chiếc trống muộn nhất giữa loại I Heger và loại IV Heger, cũng cách nhau khoảng hai thiên niên kỷ. Thế nhưng, cả hai loại ấy, giờ đây vẫn là vật sở hữu của người Lô Lô, được dùng trong đám tang ma đưa tiễn hồn người chết về với ông bà, tổ tiên – như truyền thuyết có nói đến là hoàn toàn đúng sự thật, ít nhất là cho tới trước sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945.

Người Lô Lô sử dụng trống đồng thường có đôi, có cặp: một trống đực và một trống cái. Ảnh: Internet

Nhiều người, trong đó có tôi lại cho rằng, người Lô Lô nói tiếng Tạng - Miến ở Vân Nam (Trung Quốc), chỉ đúc trống đồng loại IV Heger, nhưng những chiếc trống đực - cái vừa được công nhận là Bảo vật quốc gia lại là trống loại I Heger, hẳn là sản phẩm của người Đông Sơn miền trung du và đồng bằng Bắc Bộ đưa lên, sau đó, người Lô Lô sử dụng, chứ không như truyền thuyết đã được Lò Giàng Páo ghi chép. Vậy nên, truyền thuyết vẫn ảnh xạ nhiều giá trị lịch sử nhưng cần phải bóc tách qua những lớp bụi thời gian, may chăng mới hiển lộ những cốt lõi đích thực của lịch sử.

Quanh câu chuyện về trống đồng, người Lô Lô còn có một truyền thuyết khác, thiên về quan niệm tín ngưỡng cổ xưa: “Ngày xưa, có một năm hạn hán kéo dài, người, cây, con đều chết, mùi hôi thối bốc lên khiến cả đất lẫn trời đều ngột ngạt. Vua Trời sai thần mưa thả nước xuống làm sạch trần gian. Mưa ào ào chín ngày, chín đêm khiến trần gian ngập lụt, người vật chết gần hết, chỉ còn hai chị em con một nhà làm trống may mắn kịp chui vào hai chiếc trống. Trời thôi làm mưa, hai chiếc trống dừng lại trên đồi cao. Hai chị em từ trống ra ngoài, thấy mọi vật trơ trụi, không một bóng người. Vua Trời phái một vị thần xuống khuyên hai chị em lấy nhau, gây dựng lại nòi giống. Hai chị em nghe theo. Khi già yếu, họ kể chuyện, dặn con cái giữ hai chiếc trống nơi linh thiêng, gọi trống to là trống Mẹ, trống bé là trống Bố, khi mẹ và bố chết thì đem ra đánh để đưa hồn bố mẹ lên trời.”

Ở đây, chúng ta thấy cặp phạm trù Đực - Cái tương tự Bố - Mẹ của 2 chiếc trống vừa được công nhận Bảo vật quốc gia. Quan niệm này không chỉ có ở cộng đồng Lô Lô mà còn ở nhiều cư dân làm nông khác với tín ngưỡng phồn thực như một hằng số của văn hóa cộng đồng. Rồi, cả hai truyền thuyết, nhắc tới con số 7 và con số 9 (mưa 7 ngày đêm, mưa 9 ngày đêm) ta cũng từng thấy trong nhiều cộng đồng các dân tộc phương Đông khác, với quan niệm 7 hồn, 9 vía ở nữ và nam. Nếu như ở người Mường, số lượng các cột đá – hòn mồ tượng trưng và chỉ định cho chủ nhân ngôi mộ là nam hay nữ qua hai con số này, thì ở người Lô Lô, nằm ở truyền thuyết, hẳn không phản ánh quan niệm rõ ràng, nhưng dường như trống Đực, trống Cái, trống Bố, trống Mẹ thì chỉ riêng có của người Lô Lô. Còn Mẹ to, Bố nhỏ cũng là một hiện tượng khá phổ biến trong nghệ thuật điêu khắc tượng tròn của người Việt (Kinh) trong các thời kỳ phong kiến độc lập tự chủ và đó cũng là một quan niệm về phồn thực nguyên thủy trên hầu hết các dân tộc của các quốc gia trên thế giới.

Người Lô Lô ở Hà Giang sử dụng trống đồng. Ảnh: Internet

Như vậy, kể cả di vật và truyền thuyết, người Lô Lô có sử dụng trống đồng và thậm chí, họ sử dụng trống đồng từ khá sớm. Có lẽ vì điều này và hẳn còn nhiều lý do khác nữa về ngôn ngữ tộc người, về lịch sử, văn hóa, khiến có ý kiến cho rằng, người Lô Lô có gốc là người Lạc Việt, nhưng ở xa tít xứ Ba Thục vùng Vân Nam (Trung Quốc).

Tôi thì không nghĩ như vậy và cho rằng, trống đồng Đông Sơn có mặt trong cộng đồng người Lô Lô, được đưa lên từ vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ Việt Nam vào những thế kỷ thứ III – II Trước Công nguyên với nhiều yếu tố giao thoa văn hóa để thích ứng với sở thích cộng đồng, khiến cho bộ sưu tập trống Đông Sơn hiện biết ở Hà Giang có nhiều nét tương đồng và dị biệt với trống Đông Sơn vùng trung du, châu thổ thuộc miền Bắc Việt Nam bây giờ. Đó là một hướng suy nghĩ và tiếp cận, trong rất nhiều hướng suy nghĩ và tiếp cận khác đang được đặt ra đối với một loại hình di vật hết sức độc đáo này, qua rất nhiều vấn đề còn đang để ngỏ, chưa đi đến  kết luận cuối cùng trong giới nghiên cứu trống đồng kể cả trong và ngoài nước.

 

TS PHẠM QUỐC QUÂN

Có thể bạn quan tâm

Top