Nghi lễ Chầu văn của người Việt ở Nam Định

Nam Định là Trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Nghi lễ Chầu văn ra đời, phát triển trước hết là gắn với hầu Thánh Mẫu, Thánh Trần. Vì vậy, nghi lễ Chầu văn ở Nam Định vừa là nơi khởi nguồn, hội tụ, vừa là nơi lan tỏa. Kết quả kiểm kê bước đầu cho thấy, số lượng các di tích có diễn ra nghi lễ Chầu văn được phân bố ở khắp 10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Nam Định với 287 di tích ( trong đó có 118 phủ, 64 đền, 29 điện, 51 chùa, 25 di tích khác). Thông thường, các phủ, miếu thường gắn với tín ngưỡng thờ Mẫu, còn đền, điện thường gắn với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Tuy nhiên, ranh giới trên chỉ là tương đối. Hiện nay, nhiều chùa trên địa bàn tỉnh Nam Định thường sắp xếp bài trí thờ tự theo kiểu “tiền Phật hậu Thánh”, phần lớn các chùa thường có phủ thờ Mẫu trong khuôn viên. Tại một số phủ này cũng diễn ra nghi lễ Chầu văn và Hầu đồng.

Các di tích thờ Mẫu có diễn ra nghi lễ Chầu văn, chủ yếu tập trung ở huyện Vụ Bản, trung tâm là Quần thể Di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái. Quần thể Di tích Phủ Dầy gồm 20 di tích lớn nhỏ, trong đó có 14/20 di tích liên quan đến tín ngưỡng thờ Mẫu, tiêu biểu là các di tích: phủ Tiên Hương, phủ Vân Cát, phủ Nguyệt Du Cung, đền Trình, đền Công Đồng... Phủ Dầy vừa là quê hương, đất phát tích của tín ngưỡng thờ Mẫu. Theo kết quả khảo sát, kiểm kê thì chỉ có một số di tích thờ Đức Thánh Trần có diễn ra nghi lễ chầu văn, tập trung chủ yếu là các di tích: đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc, huyện Mỹ Lộc), đền Cố Trạch (phường Lộc Vượng, TP Nam Định) Nghi lễ Chầu văn của người Việt là sự tổng hợp nhiều hoạt động nghi lễ tín ngưỡng do cộng đồng sáng tạo và trực tiếp thực hành, trình diễn trong môi trường không gian thiêng của Di tích.

Chủ thể của di sản văn hoá nghi lễ Chầu văn là những người trong cộng đồng dân cư, trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia thực hành gồm: Cung văn (người hát chầu văn và sử dụng nhạc cụ trong nghi lễ); các ông/ bà Đồng (người hầu đồng, làm việc Thánh) các nhóm/ đối tượng khác như: ông /bà thủ nhang (người trông coi di tích), người hầu dâng, con nhang đệ tử…

(Ảnh: TL)

Theo kết quả kiểm kê bước đầu, toàn tỉnh Nam Định có 245 cung văn, 246 ông /bà đồng, 162 người sử dụng nhạc cụ, 16 người hầu dâng có tính chuyên nghiệp. Tuy nhiên, số lượng những người thực hành ngày càng phát triển về số lượng, phong phú về đối tượng, độ tuổi, tầng lớp tham gia. Hầu hết, họ thường tham gia vào các hội, bản hội.

Trong thực hành nghi lễ Chầu văn có sự kết hợp chặt chẽ giữa các đối tượng: ông/ bà Đồng (người làm việc Thánh), cung văn (người hát các bài văn hầu Thánh), người sử dụng các nhạc cụ (để hòa nhịp cùng các điệu múa của ông Đồng, bà Đồng trong mỗi giá đồng và lời của người hát văn), người hầu dâng (người giúp việc cho ông Đồng, bà Đồng) và các con nhang đệ tử, trong một không gian thiêng. Như vậy, nghi lễ Chầu văn, Hầu đồng là loại hình âm nhạc gắn với các nghi lễ tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ và Đức Thánh Trần. 

Trong nghi lễ Chầu văn, có sự phối hợp hài hoà cả về nghi thức trình diễn lẫn nhận thức và ứng xử giữa ông/bà Đồng với cung văn, người sử dụng nhạc cụ và người hầu dâng. Tất phải nhịp nhàng, thống nhất chặt chẽ với nhau, đồng cảm và tạo thành một chỉnh thể, gắn bó mật thiết không thể tách rời. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghi lễ Chầu văn hầu đồng đã có những giai đoạn bị coi là mê tín dị đoan và bị cấm thực hành. Từ năm 1995, sau khi được sự chỉ đạo của Bộ Văn hoá- Thông tin, Cục Văn hoá Thông tin cơ sở (nay là Bộ VHTTDL), Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh Nam Hà (nay là Nam Định) đã tổ chức mở thử nghiệm Lễ hội Phủ Dầy và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Nhận thức của các nhà quản lý, các cấp chính quyền và nhân dân dần được nâng lên theo xu hướng phát triển của thời đại. Ngày nay, Lễ hội phủ Dầy nói chung và nghi lễ Chầu văn nói riêng đã trở thành tài sản tinh thần vô giá không chỉ của nhân dân Nam Định, mà còn lan toả khắp các vùng miền trong nước và quốc tế.

(Ảnh: TL)

Nam Định có 12 hội, bản hội và 6 câu lạc bộ (gắn với nghi lễ Chầu văn). Trong số 12 hội, bản hội có nhiều hội, bản hội có số con nhang đệ tử lên tới 100, thậm chí 200, 300 người, như: huyện Mỹ Lộc có hội phủ Tâm Linh có từ 200-300 người; huyện Nam Trực có hội Chân Hương với 300 người, hội những người hát Văn hầu đồng của xã Nam Hồng; huyện Trực Ninh có các bản hội: Đông Quang phủ có 120 người, Ninh Quang phủ có 100 người, Thanh Hoa điện có 80 người,  Đông Cuông có 70 người, Thiêm Lộc phủ, Đông A phủ (xã Trung Đông), Đông Minh (TT. Cổ Lễ) với 60 người; huyện Ý Yên có bản hội phủ Quảng Cung với 110 người; huyện Xuân Trường có bản hội Cửu Long với 80 người... Họ có thể là những ông /bà Đồng, ban cung văn, người hầu dâng hoặc là các tín đồ, con nhang đệ tử. Ngoài các bản hội trên, còn có 6 Câu lạc bộ như: CLB Hát Văn Hành Thiện (Xuân Trường), CLB Thơ ca Mỹ Trung (Mỹ Lộc), Đoàn Nghệ thuật dân ca Hương Quê (TT. Mỹ Lộc), CLB Thông tin huyện Ý Yên, CLB Thơ ca huyện Hải Hậu... Đặc biệt, ngày 25-4-2012, được sự bảo trợ của Trung tâm Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hoá Tín ngưỡng Việt Nam (Hội Di sản Văn hoá Việt Nam và sự hướng dẫn chuyên môn của Câu lạc bộ Chầu văn Việt Nam, CLB Hát văn Nam Định (trực thuộc CLB Chầu văn Việt Nam) được thành lập gồm 120 hội viên, là những người hát Văn dân gian chuyên nghiệp, nhạc công dân gian phục vụ hát Văn; các nghệ sỹ hát Văn, chơi đàn chuyên nghiệp; các nhà nghiên cứu; các nhà quản lý văn hoá; những người thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu và những người yêu thích Nghệ thuật Chầu Văn... đang sinh sống trên địa bàn tỉnh Nam Định. CLB Hát Văn Nam Định có nhiệm vụ nghiên cứu sưu tầm, tư liệu hóa nhằm tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu toàn diện về nghệ thuật hát Chầu văn; đào tạo và truyền dạy các bản văn cổ; quảng bá và giới thiệu nghệ thuật Chầu văn tới công chúng trong và ngoài nước; xây dựng đạo đức nghề nghiệp; tổ chức thực hành nghề và nâng cao năng lực cho hội viên… Việc truyền dạy hát Văn sẽ do các nghệ nhân có kinh nghiệm lâu năm trực tiếp thực hiện. Họ là những bậc cao niên, có kinh nghiệm, nắm giữ nhiều tri thức về nghệ thuật hát Văn truyền thống, có người thuộc được cả trăm bài Văn như cụ: Hoàng Thị Lương 84 tuổi, cụ Đào Thị Phòng 72 tuổi, cụ Nguyễn Thị Bằng 79 tuổi (huyện Ý Yên), cụ Trần Thị Ngó 84 tuổi, ông Trần Như Thoại 72 tuổi (TP Nam Định), cụ Vũ Văn Lại 81 tuổi, cụ Nguyễn Thị Hoa 75 tuổi ( huyện Nam Trực), cụ Trần Văn Hiến 82 tuổi, cụ Vũ Thanh Bình 75 tuổi (huyện Nghĩa Hưng)...

(Ảnh: TL)

Di sản văn hoá phi vật thể “nghi lễ Chầu văn của người Việt” là di sản của cộng đồng do cộng đồng sáng tạo và lưu truyền. Do đó, để bảo vệ và phát huy giá trị của di sản, cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa các cấp chính quyền địa phương với cộng đồng, đặc biệt là những người, nhóm người trực tiếp quản lý di tích và chủ thể văn hoá đã và đang nắm giữ bí quyết, thực hành nghi lễ Chầu văn. Vừa qua, thực hiện chỉ đạo của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Nam Định đã lập hồ sơ khoa học Nghi lễ Chầu văn ở Nam Định để đưa vào danh sách di sản văn hoá phi vật thể quốc gia và là tiền đề cho việc đề cử vào danh sách phi vật thể đại diện của nhân loại. Được biết Nam Định là tỉnh đầu tiên nộp hồ sơ di sản này.

Nguyễn Văn Thư

Top