Nghề rèn truyền thống của người Tơ Đrăh
Từ truyền thuyết nghề rèn...
Ðến nay, vẫn chưa có một nguồn tài liệu nào khẳng định nguồn gốc và thời gian xuất hiện nghề rèn của người Xơ Ðăng trong không gian của văn hóa Tây Nguyên. Họ đã tự học, sáng tạo hay họ đã học tập nghề rèn của ai và từ bao giờ. Từ bao đời nay nơi đây tồn tại một truyền thuyết về con dao thần của A Wư đuổi được ma rừng.
Chuyện kể rằng, làng của người Tơ Ðrăh là những ngôi nhà sàn được dựng lưng chừng đồi núi, vừa tránh thiên tai khi mưa lũ vừa tránh được thú dữ trên rừng. Cuộc sống của dân các làng đang yên ả thì bỗng một hôm, một cơn gió lớn đủ sức thổi tốc mái nhà rông mang theo con ma rừng có tiếng kêu réo nghe đau đầu, tức ngực. Con ma mang lại dịch bệnh cho dân làng. Họ ngày càng ốm yếu, xanh xao, từ từ chết dần giữa tình thương yêu của lũ làng.
Các trưởng làng cùng nhau cử thanh niên, trai tráng, những người có sức khoẻ đi bắt con ma rừng để bảo vệ tộc người Tơ Ðrăh. Nhưng những lần vây bắt ma rừng đều không thành. Con ma rừng thường ẩn vào cây rừng lớn lưng chừng núi mà vũ khí của những thanh niên Tơ Ðrăh lúc đó chỉ có dao rựa và búa sắt, mỗi khi chém vào cây rừng, nơi có con ma ẩn nấp đều bị sứt mẻ.
Cũng không bắt được ma rừng như thanh niên các làng khác, chàng A Wư ở làng Wang Niôm mệt mỏi ngủ lại ngay trên cây trong rừng. Giữa giấc ngủ vùi mệt nhọc, chàng A Wư được một con chim rừng bảo phải dùng cây rừng loăng rlinh đốt lửa để rèn vũ khí thì mới giết được ma rừng. Nhưng cây loăng rlinh chỉ để rèn còn không được dựng nhà, không được dùng vào bất kỳ việc gì khác. Nếu không sẽ mất thiêng.
A Wư mang chuyện giấc mơ kể cho buôn làng nghe và dân làng đã giúp chàng tìm loại cây này để rèn vũ khí. Và cũng nhờ vũ khí này mới giết được ma rừng, mang lại no ấm cho các buôn làng tộc người Tơ Ðrăh.
Và cũng từ truyền thuyết này, trong 5 nhánh dân tộc Xê Ðăng khu vực Bắc Tây Nguyên, tộc người Tơ Ðrăh nổi tiếng với nghề rèn. Người đàn ông Tơ Ðrăh tài giỏi phải biết làm chiếc rựa sắc, không mẻ để có thể khuất phục được cây rừng.
Theo truyền thống, lò rèn Tơ Niam Pi Pu gồm có bễ hơi được làm bằng da mang (kea chiêu), ống bễ bằng gỗ (tê tê), ống dẫn hơi bằng nứa (rơ vang) và ống dẫn hơi chịu lửa dẫn ra lò (rơ chông) và lò nung (kloh tơ niam). Ảnh: internet
…đến bí quyết rèn truyền thống
Ðể nung được quặng và rèn sản phẩm, người Tơ Ðrăh dựng lò rèn làm từ da con mang mà người dân gọi là Tơ Niam Pi Pu. Theo truyền thống, lò rèn Tơ Niam Pi Pu gồm có bễ hơi được làm bằng da mang (kea chiêu), ống bễ bằng gỗ (tê tê), ống dẫn hơi bằng nứa (rơ vang) và ống dẫn hơi chịu lửa dẫn ra lò (rơ chông) và lò nung (kloh tơ niam).
Người Xơ Ðăng Tơ Ðrăh ở Ngọc Tem (Kon Plông, Kon Tum) dùng đất sét chịu nhiệt tốt đắp dạng hình vòm, làm thành bễ lộ thiên. Nếu người Kinh dùng hai ống bễ bằng gỗ, thụt hơi bằng pít-tông thì bễ thụt của người Tơ Ðrăh dùng dạ dày con mang đem phơi khô rồi gắn vào ống dẫn hơi, qua lực quay của thợ rèn, túi da phồng lên xẹp xuống sinh ra hơi rồi đẩy thẳng vào bể lộ thiên.
Bể lộ thiên này kín, giữ được nhiệt tốt, hơn nữa lại không để thoát hơi ra ngoài nên sử dụng rất hiệu quả, nó có thể làm than cháy đỏ và rất đều. Theo lời những người thợ rèn nơi đây, ngày trước, người Tơ Ðrăh rèn dụng cụ từ quặng nhưng nay đa số đều rèn từ sắt có sẵn. Từ một cục sắt, người Xơ Ðăng nung cho đỏ rực rồi đem nhúng vào nước để nhiệt độ giảm đột ngột làm cho sắt non hơn để dễ đập thành sản phẩm. Sau đó, người thợ phải hình dung được hình dạng của công cụ rồi dùng đột và búa cắt thành hình công cụ cần rèn. Họ tiếp tục bỏ vào lửa nung rồi lại đập cho đến khi nào thành hình như ý.
Rèn xong, người Tơ Ðrăh tiếp tục sử dụng dũa (hoặc lá rừng) dũa những đoạn bị mẻ, sứt hoặc chưa đều. Khi lưỡi của vật dụng đã nhẵn, họ tiếp tục lấy đá để mài, mài thật kĩ cho đến khi đầu lưỡi sắc hơn và bong ra một lớp trắng ở đầu lưỡi thì mới thôi. Công đoạn mài không hề đơn gian, phải mài thật nhanh, thật tỉ mỉ và khéo léo thì dụng cụ mới bén như ý muốn.
Sau khi vật dụng đã có độ bén nhất định, người Tơ Ðrăh bắt đầu lấy máu con mang bôi đều lên lưỡi vật dụng. Ðây là bí quyết riêng của người Xơ Ðăng. Họ quan niệm, bôi máu con mang lên sẽ làm cho lưỡi dao, rựa, rìu... rất bén và bền, khó sứt mẻ.
Vì không dễ bắt được con mang nên khi có máu con mang người dân thường để dành sử dụng nhiều lần. Mặc dù các công đoạn đều được thực hiện bằng thủ công nhưng mỗi ngày những thợ rèn lành nghề vẫn làm được từ 10-15 cái dao, Knoa...
Người Xơ Ðăng Tơ Ðrá ở Ðắc Ui (Ðắc Hà, Kon Tum) không còn làm lò thổi, luyện sắt mà họ tận dụng những miếng sắt sẵn có để rèn nông cụ. Nghề rèn cũng không được làm quanh năm như trước kia nữa, mà chủ yếu bà con chế tác dụng cụ sản xuất trước mỗi mùa rẫy. Mỗi làng cũng chỉ có một số gia đình làm nghề, và sẽ làm dụng cụ lao động cho các gia đình trong họ, trong xóm. Tuy không còn đào quặng, luyện sắt như trước kia, nhưng kỹ thuật rèn thì người Tơ Ðrá vẫn giữ nguyên. Ðặc biệt, không phải than nào cũng dùng để đốt lò, mà họ vẫn sử dụng loại than được đốt từ cây loăng rlinh, như cha ông mình ngày trước. Than từ cây loăng rlinh cho ngọn lửa có nhiệt độ lên đến trên 1000 độ C. Cách thức rèn nông cụ của người Tơ Ðrá cũng tương tự các dân tộc khác, nhưng ngoài các công đoạn đập, sửa, mài, tôi thì bà con còn dùng vảy tê tê, sừng trâu trong quá trình tôi, để sản phẩm có độ rắn chắc và bền hơn.
Người Xơ Ðăng Tơ Ðrá vẫn giữ các nghi lễ gắn với nghề rèn. Trước mỗi mùa rèn, bà con thường tổ chức cúng Giàng ngay tại lò. Lễ cúng Giàng thường gồm có con gà, ghè rượu và do người thợ rèn chính của làng đứng ra làm lễ. Họ lấy rượu, máu gà bôi lên chiếc đe, hòn đá mài, chiếc búa và khấn Giàng “mùa sắt này, người thợ sẽ làm ra nhiều mẻ sắt, rèn được nhiều dao sắc, cuốc bền…”. Trước và trong lễ, người Tơ Ðrá cũng kiêng cữ một số điều, như: người dân không ra đồng, lên rẫy, khách lạ không vào làng…
Trong bối cảnh của một nền công nghiệp hiện đại, hàng loạt các công cụ được sản xuất bằng máy móc ra đời với đầy đủ các tính năng nhưng đối với người Xơ Ðăng Tơ Ðrá ở Kon Tum, các sản phẩm đó vẫn không thể thay thế được chỗ đứng của các sản phẩm thủ công chất lượng, độc đáo do chính các thợ rèn Xơ Ðăng làm ra.
Thu Hường