Nghề làm trống của người Dao đỏ

Trong sinh hoạt văn hóa của tộc người Dao đỏ có một loại hình nhạc cụ không thể thiếu đó là chiếc trống có tang được làm bằng những mảnh gỗ nhỏ kết nối chặt với nhau gọi là “Trống nêm”.

Người Dao đỏ ở Lào Cai sinh sống thành từng thôn, bản lớn tập trung ở các huyện Bảo Thắng, Văn Bàn, Bảo Yên, Sa Pa. Người Dao đỏ có vốn văn hóa, nghệ thuật truyền thống phong phú và độc đáo thể hiện qua các làn điệu hát giao duyên, dân ca, dân vũ, lễ hội và các tập quán sinh hoạt tín ngưỡng.

Người Dao đỏ ở Lào Cai.

Người Dao đỏ quan niệm, tiếng trống biểu thị cho tín hiệu tình cảm của con người đối với thần linh. Trống trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao có vị trí quan trọng. Tuy nhiên, không phải người Dao nào cũng biết làm trống, cũng không phải ở vùng nào có người Dao sinh sống thì cũng làm được trống. Đơn giản bởi vì làm trống cần rất nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm và không dễ có thể học và làm. Nghề làm trống được xem là một nét văn hóa lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác trong gia đình, dòng họ người Tả Phìn ở Lào Cai.

So với các loại trống của người Kinh, người Tày, trống nêm của người Dao đỏ có kích thước nhỏ, chiều cao của trống trung bình từ 15 - 20cm, tang trống được làm bằng những miếng gỗ nhỏ hình chữ nhật đan chéo nhau bởi các sợi dây mây níu lại tạo thành một dải liên kết được nêm chặt ôm lấy mặt trống. Mặt trống được bưng bằng da thú hình tròn có đường kính 30 - 40 cm.

Cách làm trống của người Dao Đỏ khá công phu, tỉ mẩn. Người Dao đỏ làm trống chủ yếu bằng phương pháp thủ công nhưng khá công phu. Mặt trống được chọn lựa từ da bò, trâu, sơn dương nhưng phải có độ mỏng cần thiết, nếu da dày thì phải bào mỏng thêm mới có thể dùng được. Sau đó da được đem phơi nắng hoặc để gác bếp 10-15 ngày.

Một người đàn ông dân tộc Dao đỏ đang làm trống.

Điểm khác biệt trong cách làm trống của người Dao Đỏ so với các dân tộc, vùng miền khác là, tang trống được lấy từ gỗ mít đã bị rỗng, hoặc khoét thủng ruột, sau đó vót tròn, vót bóng xung quanh, làm sao cho tang mỏng, nhẹ nhưng vẫn bền và chắc. Điểm khác biệt nữa là, thông thường, da mặt trống sẽ được giữ vào tang trống bằng cách đóng đinh chết vào, nhưng với người Dao Đỏ, da mặt trống được giữ vào tang trống bằng cách dùng các dây mây nhỏ nối lại hai mặt trống.

Sau đó người thợ sẽ dùng các thanh gỗ nhỏ đã được vót đều gọi là nêm đóng chặt vào tang trống để kéo các sợi mây đan vào với nhau để cho da mặt trống căng ra mới có thể tạo ra âm thanh trầm bổng. Các thanh gỗ dăm găm tròn xung quanh tang trống trống như những cánh hoa nhỏ chính là nét độc đáo của trống người Dao Đỏ so với một số loại trống của một số dân tộc khác ở nước ta.

Cũng bởi làm trống là nghề gia truyền nên những bí quyết để làm được một chiếc trống tốt thường nằm trong kinh nghiệm của nghệ nhân, những bí quyết quan trọng như chỉnh âm cho trống, thuộc mặt trống... là bí quyết “cha truyền con nối”. Người biết chỉnh âm là người phải biết nghe. Kỹ năng nghe và thẩm định chất lượng âm thanh không thể truyền dạy bằng sách vở mà chỉ có thể nhờ kinh nghiệm và năng khiếu. Người làm trống, ngoài đôi tay khéo léo còn cần đôi tai tinh tế để nghe và chỉnh âm thanh của trống. Một chiếc trống chuẩn, khi đánh lên, người ở xa vẫn nghe tiếng âm vang, người ở gần không thấy chói tai, như vậy mới là một chiếc trống tốt. Một chiếc trống chuẩn là khi đánh trống lên, người đứng xa vẫn nghe thấy tiếng trống, còn người ở gần lại không bị chói tai.

Ngày nay, trống của người Dao đỏ bản Tả Phìn không chỉ phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt của người dân, mà còn là một sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách đến tham quan, tìm hiểu.  

Những chiếc trống đã được thành phẩm rất đẹp và độc đáo.

Ở bản Tà Chải, xã Tả Phình, huyện Sa Pa, Lào Cai có một nghệ nhân làm trống của người Dao như thế, đó là ông Lý Phủ Quyện. Nghề làm trống của người Dao Đỏ được xem là một nét văn hóa độc đáo đang dần biến mất khỏi đời sống văn hóa hàng ngày của người Dao Đỏ ở Tây Bắc. Vì vậy xưởng làm trống của Lí Phủ Quyện cũng trở thành nơi tham quan tìm hiểu văn hóa bản địa của nhiều khách du lịch. Đến thăm xưởng làm trống mới thấy cách người Dao làm trống vô cùng đặc biệt. Lí Phủ Quyện nói rằng, bí quyết làm nên một cái trống tốt chính là giai đoạn “gia” và “cố”. “Để làm được điều này ngoài kinh nghiệm người làm trống phải có được cái tay và cái tai tốt mới có thể thẩm âm được chiếc trống có âm vang trầm bổng cần thiết”.

Người Dao Đỏ còn có cả sách dạy đánh trống, có thơ bình về trống với nội dung: Trống này biết đánh thì vui như hội, không biết đánh thì buồn như người đi rừng một mình. Do cấu tạo và chất liệu của tang trống và mặt trống có sự khác biệt nên khi đánh trống tạo ra âm sắc rất riêng. Tiếng trống thoát ra trầm ấm, vang xa, lớp lông thú trên mặt trống đã kìm giữ và điều hòa cho âm thanh không bị “nhọn” và thô. Kỹ thuật đánh trống đã làm cho tiếng trống khi ngân vang, khi trầm bổng tạo nên nhưng âm “bùng…bục”.

Theo phong tục, mỗi gia đình người Dao Đỏ đều phải có một bộ trống và khèn (một bộ gồm một trống và một khèn) để phục vụ cho nhu cầu sinh hoạt văn hóa vào những ngày lễ tết, cưới hỏi...

Thanh Huyền

Có thể bạn quan tâm

Top