Ngày Tết cổ truyền bàn về di sản văn hóa
Có thể chưa có cứ liệu để khẳng định cái Tết cổ truyền bắt đầu từ khi nào? Nhưng đã từ lâu lắm rồi Việt Nam chúng ta đón Tết cổ truyền khi một năm (Âm lịch) bắt đầu.
Như thế Tết cổ truyền là một di sản văn hoá phi vật thể - một di sản văn hoá đặc biệt của dân tộc Việt Nam đã có từ ngàn đời.
Tết cổ truyền của người Việt đã có từ hàng ngàn đời.
Cùng với bánh chưng xanh, những mâm cỗ Tết đầy đủ những món ngon vật lạ, mâm ngũ quả tươi ngon, là những câu đối Tết, cây nêu cao vút trước sân, những lời chúc tốt lành khi mọi người gặp nhau ngày Tết, những phong bao “lì xì” cho lũ trẻ, những bài cúng Tất niên (Trừ tịch) bài cúng Giao thừa và trước đó chiều 23 tháng Chạp là lễ ông Táo chầu trời. Tất cả những nghi lễ đó đều là di sản phi vật thể đặc biệt hội tụ về tạo nên cái Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam
Thời gian cứ trôi vào quá khứ để năm nối tiếp năm, ngày nối tiếp ngày, ở đó cùng với những trang bi hùng của lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc là những dòng đầy ắp sự kiện, là không gian chứa đầy tài sản vô giá truyền đời - những di sản thiên nhiên, di sản văn hoá vật thể cùng những di sản văn hoá phi vật thể.
Thiên nhiên ưu ái cho mảnh đất hình chữ S những danh lam thắng địa mà không phải nơi nào trên thế giới cũng ước mơ có được; đó là những di sản thiên nhiên: Vịnh Hạ Long đóng góp cho đất nước những hình sông dáng núi; Động Phong Nha, Kẻ Bàng góp cho đất nước những hang động đẹp nhất trần gian; Quần thể Di tích Tràng An góp cho đất nước Việt Nam thêm một “Vịnh Hạ Long trên cạn”, những Vườn Quốc gia Cúc Phương, Vườn quốc gia Cát Tiên, Vườn Quốc gia Ba Bể... Những hòn Vọng Phu nhắc tấm lòng thuỷ chung của người phụ nữ chờ chồng...
Quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước, cha ông ta đã sáng tạo nên những giá trị văn hoá - đó là những công trình kiến trúc vĩ đại, nhiều công trình nay đã trở thành phế tích, nhưng qua phần nền móng để lại giúp chúng ta hình dung ra sự hùng vĩ thuở nào, rồi những công trình trải qua tháng năm vẫn thi gan cùng mưa nắng.
Mâm cỗ ngày Tết của người Việt với bánh chưng xanh, vò rượu thơm... có từ thời Vua Hùng.
Khu Di tích đền Hùng trên đỉnh Hy Cương dẫn chúng ta về cội nguồn tiên tổ, nhắc cháu con chuyện “Trăm trứng sinh ra bọc đồng bào”; Khu Di tích Hoàng thành Thăng Long với nhiều tầng văn hoá, mỗi tầng hiện lên dấu tích một vương triều; Khu Di tích Hoa Lư ghi dấu ấn: Đinh, Lê, Lý - Mấy vương triều; Khu Di tích Lam Kinh nhớ Lê Thái Tổ mười năm nếm mật nằm gai, giành lại giang sơn dựng nên nước nhà Hậu Lê sáng danh trong quốc sử; Thành đá nhà Hồ ( Độc nhất vô nhị ) để hôm nay nhân loại phải ngỡ ngàng; Cố đô Huế - Hơn 300 năm tuổi vẫn vững vàng - một di sản đến nay vẫn còn nguyên vẹn.
Những toà tháp Chăm trải qua nghìn năm vẫn chưa bong kết dính như những giọt sương đêm tạo hoá “Vô tình” đánh rơi xuống dải đất miền Trung...
Còn biết bao công trình trải đều khắp non sông đất nước, những đền, chùa, miếu mạo... nơi gửi gắm tâm linh cho cuộc sống bao người. Đền Thánh Tản Sơn Tinh nhắc muôn dân trị Thủy; Đền Phù Đổng Thiên Vương nhắc sức mạnh muôn dân chống giặc ngoại xâm, sáng tạo thông minh trong xây dựng đất nước, là hồn cốt của giang sơn xã tắc, trải mấy nghìn năm vẫn bền vững giữa đời.
Tiếng trống đồng thuở Hùng Vương dựng nước còn vọng đến hôm nay, trầm hùng giữa lòng người Việt chúng ta.
Cùng với những di tích lịch sử, những danh lam thắng cảnh còn có cả một khối tài sản văn hoá phi vật thể chứa đầy năm tháng, là linh hồn là cốt cách của dân tộc Việt Nam.
Tục thờ cúng Hùng Vương đã đi vào tâm thức ngàn đời người Việt, chuyện “Bọc đồng bào trăm trứng” là căn nguyên nguồn cội chúng ta. Điệu hát Xoan ngàn đời vẫn mãi ngân nga; câu Quan họ Kinh Bắc cứ ngọt ngào cùng đôi mắt huyền lúng liếng. Khúc Ca trù vang lên theo nhịp phách. Giá Chầu văn còn đắm say lòng người. Những câu hò, điệu lý trăm nơi...câu hát Dặm thắm tình người xứ Nghệ. Trò diễn xướng kể chuyện xưa tích cũ. Nhịp Cồng chiêng Tây Nguyên lay động cả đại ngàn.
Tục thờ cúng Hùng Vương đã đi vào tâm thức ngàn đời người Việt.
Truyện cổ tích ngấm vào tâm thức dân gian, truyện huyền sử kể về cội nguồn dân tộc. Lá trầu, quả cau kết chặt duyên đôi lứa, nhạc Cung đình còn nhắc nghi lễ chốn Hoàng cung...
Như thế chúng ta đủ thấy đất nước Việt Nam mang trong mình bề dày di sản. Di sản văn hoá đã song hành cùng non sông đất nước trong suốt chiều dài năm tháng thiêng liêng.
Về phần mình di sản văn hoá đã đóng góp phần không nhỏ cho sự nghiệp dựng nước vào bảo vệ giang sơn xã tắc. Mỗi di sản văn hoá là một thông điệp được gửi từ quá khứ để hậu thế nhận ra ông cha suốt chặng đường dài, là điểm tựa để vươn tới tương lai chung sức dựng xây non sông đất nước.
Khi quan hệ bang giao ngày càng rộng mở, di sản văn hoá là tâm điểm để phát triển kinh tế du lịch. Với một đất nước mang trong mình cả một kho tàng di sản thì di sản văn hoá sẽ giúp cho du lịch Việt Nam thành ngành kinh tế mũi nhọn - một ngành công nghiệp không khói. Thông qua du lịch, di sản văn hoá sẽ giúp cho hình ảnh đất nước và con người Việt Nam được quảng bá ra khắp năm châu bốn biển, để cả nhân loại cùng yêu mến thêm non sông, đất nước Tiên Rồng.
Tuy nhiên, thời gian vô cảm đã bào mòn, nắng mưa thay phiên nhau đổ xuống, cùng với chiến tranh mấy bận tràn qua, rồi chính con người với nhiều lý do khác nhau đã tàn phá các di sản một cách kinh hoàng, dẫn đến nhiều di sản có nguy cơ cận kề phế tích.
Đặc biệt, cuộc sống hiện đại đã đẩy nhiều di sản văn hoá dân tộc đến bờ “diệt vong”. Một khu di tích quốc gia có thể bị thay thế bằng những công trình đồ sộ, một thắng cảnh thiên nhiên có thể bị thay bằng một dự án kinh tế vùng miền.
Nhiều người thích nghe nhạc Trẻ hơn là nghe một khúc Ca trù; một vở Tuồng hay một vở Chèo chất lượng có thể ít người xem hơn một bộ phim hành động của nước ngoài...
Bên mâm cỗ Tết hãy lắng nghe một giá Chầu văn, trước lúc buông màn hãy tĩnh tâm nghe một làn Quan họ Bắc Ninh.
Một sản phẩm làng nghề tinh xảo khó bán hơn một sản phẩm công nghiệp của ngoại bang...Tất cả những điều kể trên đều là nguy cơ đẩy di sản văn hoá đến hồi huỷ diệt.
Bên mâm cỗ Tết, bánh chưng xanh vẫn đầm vị ngon của gạo nếp từ buổi Lang Liêu dâng bánh lễ Hùng Vương, thiết nghĩ chúng ta cũng nên bàn về các giải pháp để bảo tồn và giữ gìn di sản.
Chúng ta nên lo lắng: Một ngày nào đó tất cả các di sản văn hoá đột ngột biến mất thì bản sắc văn hoá Việt Nam sẽ còn lại những gì cho hôm nay và hậu thế? Từ đó mà chung tay bảo tồn và gìn giữ di sản. Từ thiên nhiên đến các di tích lịch sử, di sản văn hoá phi vật thể đều phải được trân trọng, giữ gìn.
Bên mâm cỗ Tết hãy lắng nghe một giá Chầu văn, trước lúc buông màn hãy tĩnh tâm nghe một làn Quan họ. Sau một tuần xem phim nước ngoài nhiều tập hãy vào rạp xem một tích Chèo kể chuyện ngày xưa...
Hy vọng sau mỗi lần đón Tết, di sản văn hoá Việt Nam lại được tôn vinh và bền vững hơn giữa dòng chảy cuộc đời.
HỒ QUANG SƠN