Ngày lễ Thánh Patrick
Ngày lễ Thánh Patrick là lễ hội truyền thống của người dân Ireland, được tổ chức để tưởng nhớ vị Thánh của quê hương họ, tôn vinh nét đẹp văn hóa lâu đời của dân tộc Ireland, thể hiện đức tin của họ vào tôn giáo và là dịp để sum họp, đoàn tụ gia đình, mong muốn niềm vui và sự may mắn đến cho bản thân và mọi người. Hoạt động văn hóa này diễn ra khắp nơi trên thế giới - nơi có đông đảo cộng đồng người Ireland sinh sống, được tổ chức vào ngày 17 tháng 3 hàng năm - ngày mất của Thánh Patrick.
Đường phố ngập tràn sắc xanh trong ngày lễ Thánh Patrick.
Thánh Patrick, tên thật là Patricius Magonus Sucatus, sinh khoảng năm 389, trong một gia đình người Anh gốc La Mã. Năm 16 tuổi khi đang sống ở xứ Wales thì Ngài bị cướp biển bắt làm nô lệ và bán cho một địa chủ ở Ireland. 6 năm sau, Ngài trốn thoát sang Pháp và bắt đầu sự nghiệp một tín đồ Thiên chúa giáo. Trong thời gian bị bắt, tinh thần Ngài thay đổi hoàn toàn. Ngài bắt đầu học làm linh mục trong thời gian 12 năm và được chịu chức bởi Thánh Germanus, Đức Giám mục của Auxerre. Sau đó, năm 43 tuổi, Ngài được tấn phong làm Giám mục. Ngài đến phía Tây và phía Bắc, nơi đức tin chưa bao giờ được rao giảng ở đây, Ngài đã được sự bảo vệ của các vua chúa trong vùng và đã hoán cải rất nhiều người. Ngài tấn phong nhiều linh mục, chia quốc gia này thành các giáo phận, tổ chức các cộng đồng, thành lập nhiều đan viện và tiếp tục thúc giục dân chúng sống thánh thiện hơn. Ngài chịu đau khổ vì bị các tăng sĩ ngoại giáo chống đối, bị chỉ trích cả ở Anh và Ireland vì đường lối truyền giáo của ngài. Trong 40 năm rao giảng và hoán cải, Ngài đã làm được nhiều điều kỳ diệu và dành về tình yêu tuyệt đối cho Thiên Chúa. Ngài từ trần ngày 17 tháng 3 năm 461 ở Saul, County Dow, Ireland, nơi Ngài xây dựng nhà thờ đầu tiên, hưởng thọ 72 tuổi. Sự cống hiến của Ngài được người dân Ireland tôn vinh và Giáo hội ghi nhận. Ngài được phong Thánh và đất nước Ireland chọn ngày mất của Ngài - ngày 17 tháng 3 làm quốc lễ: Ngày lễ thánh Patrick.
Vào ngày 17-3, người dân nơi đây đều dừng hết tất cả công việc và cùng nhau hưởng trọn không khí tưng bừng của lễ hội. Các công sở, trường học... đều được nghỉ vào dịp lễ hội để không ai bị bỏ lỡ ngày quốc lễ quan trọng này. Ngày lễ thánh Patrick được chính thức được công nhận là ngày lễ quốc gia vào khoảng thế kỷ XVII và dần dần trở thành ngày lễ tiêu biểu cho nền văn hóa của người Ireland.
Trẻ em Ireland trong trang phục ngày lễ Thánh Patrick.
Có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến Thánh Patrick. Một trong số đó là Thánh Patrick có khả năng làm người chết sống dậy. Và có truyền thuyết mà mọi người thường hay truyền tai nhau là khi Thánh Patrick giảng đạo trên đỉnh một ngọn đồi và đặt lời nguyền của Thiên chúa giáo, toàn bộ các loài rắn có nọc độc bị đuổi khỏi lãnh thổ Ireland và chết ngoài biển khơi. Một số người cho rằng, rắn là hình ảnh ẩn dụ cho những tà giáo đã bị Thánh Patrick loại bỏ khỏi Ireland.
Người ta còn nói rằng Thánh Patrick đã sử dụng cỏ 3 lá shamrock - một loại thực vật thân mềm, có 3 lá thuộc họ đậu, mọc trên đất Ireland- để giải thích cho dân chúng về học thuyết “Ba ngôi một thể” (Cha, Con và Thánh thần) trong Thiên Chúa giáo vào thế kỷ thứ V. Ngài sử dụng hình ảnh này trong các bài giảng đạo của mình để diễn tả tại sao Cha, Con và Thánh Thần lại có thể tồn tại như những thành phần riêng biệt, ngang nhau về đặc tính và quyền năng của một thực thể giống nhau.
Ngày nay, vào ngày Thánh Patrick hàng năm, cộng đồng người Ireland vẫn giữ nguyên truyền thống mặc trang phục màu xanh lá có hình cây cỏ 3 lá để kỷ niệm truyền thuyết này. Cỏ 3 lá cũng trở thành biểu tượng cho niềm tin, hy vọng và sự đâm trồi nảy lộc trên đất nước Ireland. Từ truyền thuyết này mà vào ngày lễ hội, vạn vật trên khắp các con đường và góc phố, từ các công trình kiến trúc đến những món ăn, đồ uống đều khoác lên mình màu xanh lá Ireland truyền thống. Có người còn trang trí cỏ ba lá lên mặt, lên quần áo và các vật dụng, có người thì chọn cho mình những bộ quần áo hóa trang cầu kỳ nhưng điều kiện tiên quyết phải là màu xanh lá, hay ở một vài nơi, người dân còn nhuộm xanh cả một dòng sông, đài tưởng niệm và thậm chí cả khu trượt tuyết cũng biến thành màu xanh để kỷ niệm dịp lễ trọng này. Tâm điểm của lễ hội là các đám diễu hành hoành tráng với sự tham gia của đông đảo dân chúng, hóa trang thành nhiều nhân vật khác nhau trong các trang phục màu xanh lá, sau đó họ cùng nhau ăn các món ăn truyền thống, uống bia và thưởng thức âm nhạc.
Đối với người Ireland, khi mang trên mình màu xanh là sự thể hiện tình yêu, tình đoàn kết dân tộc và niềm tin tôn giáo. Bởi thế, từ những cụ bà mang khăn choàng xanh, cài huy hiệu xanh đến các cô gái đeo bờm xanh cho đến nhưng cô bé cậu, bé mặc những bộ cánh dễ thương cũng trong một màu xanh ngắt, đều ánh lên niềm tự hào chung khi mang trên mình sắc màu truyền thống bắt nguồn từ ngày lễ Thánh Patrick...
Thu Hà