Nét đẹp văn hóa ngày Tết

Tết Nguyên đán là cái tết lớn nhất mở ra đầu năm của dân tộc Việt Nam ta. Nó được chuẩn bị từ những tháng cuối năm, để mở cửa mùa Xuân mới với nhiều tục lệ biểu hiện giá trị, nếp sống thuần phong mỹ tục đẹp đẽ nhất!

Nói về tinh thần thì Tết Nguyên đán là một dịp vui tương đối trọn vẹn. Vì Tết là dịp sum họp gia đình họ hàng, bạn bè, làng xóm sau một năm xa cách hoặc lao động, công tác ít có điều kiện gặp nhau. Lúc này, mọi người được nghỉ ngơi thư giãn và nhìn lại thành quả đạt được trong thời gian qua. Ai cũng rủ bỏ mọi phiền muộn, vướng mắc hoài nghi để mang lại niềm lạc quan cho mình, cho người, tự tin bước vào năm mới.

Tết, cái đẹp về hình thức cũng được quan tâm. Từ quần áo, đồ dùng cũng được mua sắm mới mẻ hoặc được sửa sang trau chuốt, trang trí cho màu sắc, đường nét đẹp hơn. Trong nhà, trên bàn thờ luôn thơm nhang sáng đèn, biểu thị lòng thành kính tưởng nhớ tổ tiên. Thức ngon vật lạ được chuẩn bị đầy đủ phong phú để bù lại ngày thường vất vả, khó khăn, thiếu thốn, biểu hiện cho tài nội trợ và sự no ấm phồn thịnh. Tết, cái đẹp về đạo đức tâm hồn cũng được nâng cao. Con người cư xử với nhau hòa nhã hơn, ăn nói dịu dàng, tay bắt mặt mừng, chúc tụng những điều tốt đẹp. Trẻ con được ưu ái, chiều chuộng, mừng tuổi, tặng quà. Người già được mừng thọ cả về tinh thần và vật chất. Tết có nhiều trò chơi, hội hè, hát xướng, thi tài, thi đẹp đáp ứng nhu cầu văn hóa và khuyến khích nhân tài. Đó còn là nơi giao hữu, giao duyên, tình yêu, quan hệ cộng đồng làng nước. Tết, trong sinh hoạt có bao điều được kiêng kị hoặc nguyện cầu để tránh những rủi ro xui xẻo, mong mang lại nhiều may mắn: Kiêng cãi cọ, than khóc, kiêng nấu sống nấu khê. Kiêng làm đổ vỡ đồ ăn thức đựng (cũng là để nâng lên sự khéo léo dịu dàng). Kiêng quét nhà (vì sợ quét mất “lộc” và cũng để giữ gìn đừng bẩn), giữ gìn một tấm lòng “nhân” trong câu chuyện cổ “Sự tích cái chổi”. Làng xóm kiêng xin, kiêng mượn các thứ, nhưng lại mời mọc ban tặng, thăm viếng nhau rất tử tế, nhiệt tình, hào phóng. Tết, dựng cây nêu, rắc vôi bột, (ngày trước còn đốt pháo) để xua tan quỷ ma, tà khí. Ai đến thăm nhà đầu tiên sẽ là người đem lại may hay rủi tùy theo “vía” của người đó và quan niệm của gia chủ, nên khi “xông đất”, mỗi người đều tươi tắn, cố gắng vận dụng cái duyên, cái đẹp, cái khéo và sự hoạt bát của mình để mừng vui và tạo niềm tin cho chủ nhà…

Bao nhiêu tục lệ tốt đẹp từ ngàn xưa đến nay, từ Nam chí Bắc, người Việt chúng ta luôn gìn giữ, phát huy với tinh thần nhân ái bao dung, hướng tới cái thiện, cái tâm…

Phong hóa nước nhà có thể đổi thay về phong tục cho phù hợp với thời đại như giản dị, tiết kiệm hoặc phát triển thêm nhiều loại hình mới… Nhưng ý nghĩa Tết Nguyên đán vẫn giữ mãi cái đẹp, cái vui tươi lành mạnh, luôn trong sáng như tình yêu tuổi trẻ, như muôn hoa tươi thắm khoe sắc hương  khi Tết đến Xuân về…

Trương Quang Thứ

 

 

Có thể bạn quan tâm

Top