“Nếp áo thanh xuân”: Góp phần lan tỏa tình yêu áo dài đến thế hệ trẻ

Ngày 7/6, Quỹ Hỗ trợ bảo tồn di sản văn hoá Việt Nam phối hợp với CLB Di sản áo dài Việt Nam, Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam tổ chức Toạ đàm “Nếp áo thanh xuân” với sự tham gia của PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; bà Nguyễn Thị Nghĩa - nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; các nhà nghiên cứu, nhà văn hóa, các thành viên CLB Phụ nữ với Di sản văn hóa và đại diện giáo viên và học sinh 3 trường: THPT Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; THPT Tương Dương, tỉnh Nghệ An; Trường THPT Cẩm Thủy 2, tỉnh Thanh Hóa và đại diện các cơ quan liên quan. Làm thế nào để áo dài lan tỏa nhiều hơn trong cộng đồng ở trong và ngoài nước là chủ đề được bàn luận tại Tọa đàm.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ nhiệm CLB Di sản áo dài Việt Nam cho biết, “Nếp áo thanh xuân” là nếp văn hóa của quê hương - nơi các bạn trẻ sinh ra, lớn lên, học tập và trưởng thành; “Nếp áo thanh xuân” sẽ theo các em vào giảng đường đại học hay bắt đầu hành trình lập nghiệp và cùng với thời gian sẽ trở thành di sản ký ức tươi đẹp của một thời tuổi trẻ. Thông qua buổi tọa đàm để góp phần lan tỏa tình yêu áo dài đến thế hệ trẻ.

Tại toạ đàm, TS Đặng Thị Bích Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Chủ tịch danh dự CLB Áo dài Việt Nam chia sẻ niềm tự hào về trang phục rất đặc biệt của Việt Nam, đó là áo dài. “Mỗi lần bảo vệ một di sản nào đó của Việt Nam trước Đại hội đồng UNESCO tôi đều mặc áo dài. Khi di sản Việt Nam được ghi danh, trong một phút máy quay chĩa vào tôi, cả thế giới biết tới áo dài của chúng ta. Làm gì có truyền thông quảng bá nào tốt hơn thế!”.

Theo bà Liên, ý tưởng về toạ đàm “Nếp áo thanh xuân”, đưa áo dài đến trường học đầu tiên trong hành trình lan toả trang phục này ra khắp mọi miền đất nước và quốc tế rất hay. Chúng ta nên khuyến khích các trường quy định một ngày trong tuần học sinh mặc áo dài và một ngày mặc trang phục dân tộc của họ. Như thế, vừa lan toả được áo dài vừa gìn giữ phát huy bản sắc dân tộc, từ đó đóng góp vào nền công nghiệp văn hoá.

GS.TS. Từ Thị Loan, Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam nhận định, áo dài xứng đáng là di sản, quốc hồn, quốc túy của văn hóa dân tộc. Chiếc áo dài có hàng nghìn năm hình thành, phát triển, với những kết quả nghiên cứu hình ảnh trên trống đồng Đông Sơn, trong tranh dân gian Đông Hồ…

“Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, áo dài Việt Nam ra đời trước sườn xám, sánh ngang kimono, hanbok, kiêu hãnh trên các sàn đấu nhan sắc thế giới. Hình ảnh tà áo dài là nguồn cảm hứng, vừa là sản phẩm sáng tạo, liên kết với các ngành thủ công mỹ nghệ, thiết kế, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, du lịch văn hóa; góp phần phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong cuộc sống đương đại”, GS. TS. Từ Thị Loan nhấn mạnh.

Theo bà Loan, để áo dài ngày càng phát huy giá trị trong đời sống đương đại, cần đẩy mạnh văn hóa mặc áo dài, tôn vinh, quảng bá rộng rãi trang phục này, quan trọng là đa dạng hóa đối tượng, giới tính, lứa tuổi sử dụng.

“Cần nghiên cứu, tổ chức các hội thảo khoa học, số hóa các tư liệu liên quan, xây dựng hồ sơ về áo dài với tư cách là một di sản. Mặt khác, cũng cần có chính sách phù hợp huy động nguồn lực xã hội hóa và phát huy sức mạnh của cộng đồng để có nhiều sản phẩm áo dài phong phú mang hơi thở đương đại, để áo dài không chỉ là hình ảnh, là bản sắc văn hóa mà còn là một sản phẩm du lịch đặc trưng” - GS. TS Từ Thị Loan nhấn mạnh.

Diễn viên Minh Tiệp chia sẻ tại Tọa đàm

Diễn viên Minh Tiệp, Phó Giám đốc Trường quay Cổ Loa, cho biết, mỗi lần dự các liên hoan phim quốc tế, đoàn Việt Nam đều diện áo dài. Khi mọi người nhìn thấy đoàn bước vào, họ biết ngay đến từ Việt Nam, hình ảnh áo dài khi đó như là bộ nhận diện quốc gia. Anh mong tương lai trang phục này sẽ được thế giới công nhận như thế.

“Sắp tới tại Trường quay Cổ Loa sẽ quay vài bộ phim về đề tài lịch sử, chắc chắn hình ảnh áo dài Việt Nam sẽ xuất hiện trong đó”, diễn viên Minh Tiệp cho biết.

Để hình ảnh áo dài lan tỏa và phát triển hơn nữa, các chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, cần xác định các tiêu chí kiểu dáng, chất liệu, điểm khác biệt, đặc trưng, bản sắc của tà áo dài Việt Nam so với các trang phục khác.

Bà Nguyễn Thị Thanh Tâm - Chủ nhiệm CLB Di sản áo dài Việt Nam phát biểu tại sự kiện

Trong khuôn khổ Tọa đàm, CLB Di sản áo dài Việt Nam đã tặng gần 1000 bộ áo dài nữ cho 3 trường: THPT Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; THPT Tương Dương, tỉnh Nghệ An; Trường THPT Cẩm Thủy 2, tỉnh Thanh Hóa.

CLB Di sản áo dài Việt Nam đã tặng gần 1000 bộ áo dài nữ cho 3 trường: THPT Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ; THPT Tương Dương, tỉnh Nghệ An; Trường THPT Cẩm Thủy 2, tỉnh Thanh Hóa.

PGS.TS Đỗ Văn Trụ - Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam tặng hoa một số nhà tài trợ Chương trình 

Chương trình “Nếp áo thanh xuân”, do Mạng lưới Di sản kết nối, Câu lạc bộ Di sản Áo dài Việt Nam điều hành, dưới sự bảo trợ của Quỹ hỗ trợ bảo tồn Di sản văn hoá Việt Nam thực hiện trong giai đoạn 1 là 5 năm, từ năm 2024 đến năm 2028. Mục tiêu của Dự án là tài trợ áo dài cho các em học sinh lớp 12, giáo viên nữ của các trường vùng khó khăn; mỗi năm sẽ tài trợ từ 3-5 trường.

Quỳnh Hương

Top