Một đời dành cho Đờn ca tài tử

Đã bước sang cái tuổi thất thập cổ lai hy, song ngọn lửa đam mê Đờn ca tài tử trong Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Lê Thanh Tùng dường như chưa bao giờ giảm. Tiếng đờn ông mỗi ngày một thuần thục, ngọt lịm. Hơn mấy chục năm qua, ông luôn miệt mài rèn luyện và truyền tình yêu đối với bộ môn Đờn ca tài tử đến biết bao thế hệ trẻ trong hành trình gìn giữ và phát triển văn hóa dân tộc.

Học đờn từ năm 8 tuổi

Chúng tôi tìm đến lớp học của Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Lê Thanh Tùng ở ấp Thới Tây 1, xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP.HCM vào một buổi sáng thứ bảy. Từ xa, đã nghe âm thanh của những điệu đờn hòa quyện, các bài bản vắn được các anh chị trong lớp học cất lên lúc khoan lúc nhặt, khi bổng khi trầm… Có những lúc tiếng đàn nghe rời rạc, đứt đoạn quãng nhớ quãng không của các học trò mới vào, có khi là âm thanh du dương trong trẻo, thiết tha ngọt lịm của người chơi đàn lâu năm… Người đờn giỏi nâng người đờn còn non, hòa tấu nhịp nhàng thành những bài bản rộn ràng trong một buổi sáng cuối tuần.

Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Lê Thanh Tùng (bên trái)

Đón chúng tôi là nụ cười hiền hòa của thầy Tùng, người nghệ nhân già năm nay đã ngoài bảy mươi tuổi nhưng có đến hơn sáu mươi năm làm bạn với nhạc cụ dân tộc. Ông vốn là Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn, TP.HCM và đã dạy Đờn ca tài tử từ khi còn là một thanh niên. Sau này, khi đã thôi công tác, ông lại dành hết thời gian cho việc truyền dạy những ngón đờn hay đến những người đam mê nghệ thuật dân tộc.

Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Lê Thanh Tùng bắt đầu học đờn kìm với thầy Huệ Trì ở chùa Giác Huệ gần nhà từ năm 8 tuổi. Năm 12 tuổi, sau 4 năm học tập và rèn luyện nghề, ông đã sử dụng thành thạo các loại đờn như đờn kìm, đờn tranh, đờn sến, đờn cò, violon, guitar Việt Nam, đờn tỳ bà, ống tiêu… “Năm 18 tuổi, bản thân nhận thấy có năng khiếu về đàn và có khả năng truyền dạy đàn, ca tài tử nên tôi bắt đầu truyền dạy đàn trong nhạc tài tử và ca cổ cho những bạn bè, con cháu đam mê. Năm 1995, tôi mở lớp truyền dạy tại Trung tâm Văn hóa huyện Hóc Môn. Năm 2000, tôi cùng Nghệ sĩ ưu tú Ba Tu mở lớp dạy Đờn ca tài tử cho tỉnh Long An và An Giang…”.

Trong khoảng thời gian còn công tác, soạn giả Lê Thanh Tùng thành lập được 2 câu lạc bộ sáng tác và 5 câu lạc bộ biểu diễn sân khấu. Các câu lạc bộ cải lương do ông đào tạo đã biểu diễn giao lưu và phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân trong huyện. Bên cạnh đó, ông còn tham gia sáng tác ca khúc nhạc tài tử và nhiều bài do ông sáng tác đạt giải thưởng cấp thành phố, quận, huyện. Từ năm 2002 đến 2008, ông làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Đờn ca tài tử của Trung tâm Văn hóa TP.HCM với khoảng 300 thành viên.

Truyền dạy cho nhiều thế hệ học trò

Hiện lớp học của ông có 50 học viên từ 6 tuổi đến 70 tuổi đang học các loại đờn và ca. Ngoài ra ông còn tham gia làm cố vấn cho Nhà thiếu nhi huyện Hóc Môn, Củ Chi mở lớp đào tạo cho thiếu nhi và làm giám khảo trong các liên hoan đờn ca tài tử của Thành phố…

Hai học trò nhí

Căn cứ vào bài bản của nhạc tài tử và những kinh nghiệm thực tiễn, ông đã biên soạn thành giáo trình hướng dẫn cho học viên theo từng bước với phương pháp cụ thể và dễ hiểu nhất. Đối với đàn, đầu tiên người học đàn học nốt đàn trên từng cây đàn, kế tiếp là học cách lên dây đàn, tập nhịp và học bản đàn. Sau đó người học bắt đầu tập luyện ngón tay phải để khẩy đàn, ngón tay trái để nhấn và rung. Nhấn và rung là kỹ thuật để nâng cao ngón đàn, đòi hỏi người học phải luyện tập nhiều. Đối với ca, dựa vào tài liệu giáo trình, người học ca được hướng dẫn gạch nhịp để phân biệt nhịp nội và nhịp ngoại, sau đó sẽ dạy cách xướng âm. Giáo viên sẽ ca trước nhiều lần để người học cảm âm, sau đó người học sẽ được hướng dẫn để ca sao cho đúng nhịp…

Cô giáo Trần Thị Bích Thuần, giáo viên Trường Tiểu học Trần Văn Mười, huyện Hóc Môn cho hay, với tâm nguyện muốn đưa nhạc cụ dân tộc truyền dạy cho các học sinh của mình, cô đã tìm đến lớp học của thầy Tùng được hơn một năm nay để học đàn tranh. “Mỗi tuần tôi học 2-3 buổi, nhờ thầy chỉ bảo tận tình, đúng phương pháp, nên đến nay các ngón đàn của tôi đã khá chuẩn. Ngoài đàn tranh, tôi còn đàn được ghi-ta cổ, tôi cám ơn thầy rất nhiều”, cô giáo Thuần bày tỏ.

Lớp dạy đờn của thầy Tùng đủ mọi lứa tuổi, nghề nghiệp khác nhau. Anh Lê Văn Úy, năm nay 50 tuổi, công nhân ngành điện ở quận Tân Phú, cách nhà thầy Tùng hơn 20 km vẫn không quản ngại đến với lớp học vì quá đam mê bộ môn này. Anh Úy cho biết, cứ mong đến ngày thứ bảy được nghỉ làm để chạy lên đây gặp thầy và xin bài mới về tập đờn. Tương tự, cậu thanh niên Văn Công Thắng, 28 tuổi, làm IT của một công ty nước ngoài cho hay, mỗi khi bị áp lực công việc, em đến lớp học, lấy đờn ra luyện thì cuộc sống cân bằng nhẹ nhàng trở lại. Lớp học thầy Tùng còn có nhiều cô cậu học trò nhỏ được ba mẹ chở tới sau giờ học chữ ở trường, có khi các cha mẹ cùng học đờn với con hoặc ngồi say sưa xem con học rồi chở về...

Lớp học thầy Tùng có nhiều lứa tuổi khác nhau

Với những cống hiến cho nghệ thuật dân tộc nước nhà, Nghệ nhân ưu tú, soạn giả Lê Thanh Tùng đã được trao tặng nhiều bằng khen, danh hiệu cao quý, trong đó ông được phong Nghệ nhân ưu tú loại hình “Nghệ thuật trình diễn dân gian TP.HCM” năm 2015; Bằng khen của Thủ tướng trong bảo tồn, phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ năm 2014; Bằng khen của UBND TP.HCM về thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII; Bằng khen của UBND TP.HCM tuyên dương Tấm gương thầm lặng cao cả; Huy chương Vì thế hệ trẻ; Bằng khen của Bộ Văn hóa và Thông tin về xây dựng và tổ chức các hoạt động văn hóa; Giấy khen của Viện Âm nhạc Việt Nam về tham gia Nhạc hội Đờn ca tài tử TP.HCM…

Từ khi được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú, dù tuổi cao sức yếu nhưng soạn giả Lê Thanh Tùng vẫn không ngừng miệt mài rèn luyện ngón đàn của mình để đạt trình độ cao và điêu luyện nhất có thể; tiếp tục dành thời gian soạn lời mới hơn 20 bài bản tổ và 200 bài vọng cổ dễ đi vào lòng người.

Bài và ảnh: An Biên

 

Có thể bạn quan tâm

Top