Mộc bản chùa Bổ Đà – Kho mộc bản thứ 2 ở Bắc Giang

Nói đến mộc bản ở Bắc Giang, mọi người sẽ nghĩ ngay đến Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm đã được UNESCO công nhận, nhưng trên thực tế tại Bắc Giang còn một kho mộc bản thứ 2 cũng vô cùng giá trị và độc đáo, đó là Mộc bản chùa Bổ Đà.

Nếu so với kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm thì kho Mộc bản của Bổ Đà có khiêm tốn hơn về số lượng nhưng lại có nhiều bản có niên đại sớm hơn.

Theo tài liệu ghi chép thì bộ kinh tại chùa Bổ Đà được hình thành từ ý tưởng của các vị tổ sư tại chùa muốn khắc kinh Phật trên gỗ nhằm lưu truyền cho đời sau, đồng thời làm phương tiện truyền dạy Phật pháp cho các môn đồ.

Kho Mộc bản này được khắc từ năm 1740, đời Vua Lê Cảnh Hưng, một số được khắc bổ sung về sau chưa xác định rõ năm. Bộ kinh mang tư tưởng của hai dòng Phật giáo lớn nhất đó là Ấn Độ và Trung Quốc. Trong đó có hơn 2.000 mộc bản của các bộ kinh như: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy…

Kinh được khắc nổi trên mặt gỗ bằng chữ Hán, nét tinh xảo, đến nay vẫn còn rất rõ nét. Giá trị tôn giáo lớn của bộ kinh nằm ở chỗ, bộ kinh gỗ này có nội dung đề cập đến nét đặc trưng của Phật giáo Trung Quốc khi truyền vào Việt Nam kết hợp với văn hóa bản địa đã có những sự thay đổi để thích nghi. Trọng tâm của bộ kinh nói đến nỗi khổ của con người và sự giải thoát. Phần nội dung trong kinh Tứ Diệu Đế có nêu rõ 4 chân lý kỳ diệu của đạo Phật gồm: Khổ đế, Nhân đế, Diết đế và Đạo đế… Trên các mộc bản không chỉ có văn tự mà còn có nhiều hình ảnh chạm khắc rất tinh xảo như hình ảnh Đức Phật Thích Ca tọa trên đài sen, Quán Thế Âm Bồ Tát, Các vị La Hán…

Nếu so với kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm thì kho Mộc bản của Bổ Đà có khiêm tốn hơn về số lượng nhưng lại có nhiều bản có niên đại sớm hơn. Ảnh: internet

Tuy xuất hiện cùng một thời kỳ nhưng bộ kinh ở chùa Vĩnh Nghiêm thuộc trường phái Đại thừa và một số bản mang tư tưởng của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, còn bộ kinh ở chùa Bổ Đà chủ yếu nói về Quan Thế Âm Bồ Tát và các giới. Trong đó có nội dung nằm ở các bản khắc thuộc ba bộ kinh: Lăng Nghiêm Chính Mạch, Yết Ma Hội Bản, Nam Hải Ký Quy…

Mỗi tấm gỗ dùng để khắc kinh (được gọi là mộc bản) dài khoảng 50 cm, rộng 25 cm. Một số bản đặc biệt có chiều dài 150 cm và rộng 30,40 cm. Nếu xếp tất cả những mộc bản này trên một mặt phẳng thì cần diện tích rộng hơn 250 m2. Loại gỗ được sử dụng để khắc mộc bản là gỗ thị - loại gỗ dễ kiếm lại ít chịu tác động của mối mọt, thời tiết. Gỗ thị không chỉ bền mà còn nhẹ, điều này cũng khiến cho việc cất giữ bảo quản hàng nghìn tấm gỗ đỡ vất vả hơn.
Tính từ khi mới được hình thành đến nay đã gần 3 thế kỷ, vậy nhưng kho mộc bản chùa Bổ Đà vẫn còn khá nguyên vẹn cả về số lượng cũng như hình hài. Những hoa văn, chữ nổi trên mặt gỗ còn sắc nét và không bị mối mọt. Hiện, toàn bộ kho mộc bản này đang được lưu giữ tại chùa Bổ Đà, tỉnh Bắc Giang.

Nhà chùa giới thiệu với du khách về kho Mộc bản Kinh phật. Ảnh: interenet

Nằm trên ngọn núi Bổ Đà, chùa Bổ Đà có tên chữ là Tứ Ân Tự nằm ở xã Tiên Sơn, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang. Chùa Bổ Đà được biết đến là một trong những ngôi chùa cổ kính nhất vùng Kinh Bắc. Theo văn tự ghi lại thì chùa có nguồn gốc từ thời nhà Lý khoảng thế kỷ thứ 11, đến thời nhà Lê chùa trở thành trung tâm phật giáo lớn của cả nước. Bên trong chùa Bổ Đà có tượng thờ ba vị Trúc Lâm Tam Tổ.

Kiến trúc của chùa Bổ Đà khá khác biệt so với các ngôi chùa truyền thống ở miền Bắc. Chùa có gần một trăm gian liên hoàn với vật liệu chính là gạch nung, ngói, tiểu sành…Toàn bộ chùa có diện tích khoảng 21.784m2 và được chia thành ba khu vực rõ rệt gồm: Khu vực nội tự chùa khoảng 13.000 m2; khu vực vườn tháp có diện tích 7.784m2; khu vườn 31.000 m2.

Bên cạnh kiến trúc độc đáo và lịch sử lâu năm, chùa Bổ Đà còn là nơi lưu giữ hệ thống tượng Phật gỗ có từ thời Lê tương đối đầy đủ và kho mộc bản vô giá với một số bản có niên đại sớm hơn mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm.

Theo cinet.vn

Top