Masouleh: Ngôi làng kiến trúc nhà không mái

Nằm cheo leo giữa sườn núi ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển ở dãy núi Alborz, gần bờ biển phía Nam của biển Caspian, Masouleh là một trong những ngôi làng cổ nổi tiếng bậc nhất của Iran. Nơi đây từng được cho là con đường tơ lụa của vùng Gilan với các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa sôi động và tấp nập. Masouleh trở nên nổi tiếng bởi kiểu kiến trúc đặc biệt của loạt mái nhà.

Mái nhà là con đường đi lại

Làng Masouleh được thành lập khoảng năm 1006 sau Công nguyên, từng nằm trên “con đường tơ lụa” của vùng Gilan. Do sở hữu nhiều mỏ sắt, kẽm và thạch anh ở khu vực xung quanh nên nơi đây từng là trung tâm thương mại thịnh vượng nhờ vào ngành công nghiệp đồ sắt. Trong nhiều thế kỷ, mọi người từ khắp nơi đến khu vực này để giao thương buôn bán.

Masouleh mang lối kiến trúc đặc trưng, thể hiện sự thích ứng đặc biệt của người Iran xưa với điều kiện tự nhiên ở đây. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mùa hè quá nóng trong khi mùa đông quá lạnh giá, những người Iran bản địa xưa kia thường dựa vào các sườn núi để lập làng, lợi dụng luôn vách núi làm nơi chắn nắng, gió. Để thích ứng với địa hình dốc lớn, người dân Masouleh đã xây nhà theo lối bậc thang với phần mái nhà của nhà dưới là sân và đường đi của dãy nhà phía trên. Những ngôi nhà trong làng thường có 2 tầng, được xây dựng từ đất sét và gỗ và san sát bên sườn núi có độ dốc cao. Cấu trúc xây dựng có một không hai, sân nhà này là mái căn hộ khác, góp phần tạo sức hút để du khách ghé thăm vùng đất này.

Kiểu kiến trúc phân cấp, nhiều tầng bậc kỳ lạ đã làm nên nét riêng của ngôi làng. Những mái nhà bằng không chỉ trở thành sân, vườn mà còn được sử dụng làm đường phố công cộng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Lối kiến trúc này vừa giúp tiết kiệm được không gian, vừa có thể chống được tình trạng sạt lở đất, cũng như tạo ra sự bền vững đã được chứng minh qua hàng thế kỷ của những ngôi nhà ở đây, dù vật liệu làm ra chúng chỉ là đất sét, đá và gỗ. Masouleh được du khách đặc biệt ưa thích bởi nó tọa lạc giữa một vùng thiên nhiên hùng vĩ, cây cối xanh tươi, mùa hè rất mát mẻ, dễ chịu, mùa đông không quá lạnh. Mỗi ngôi nhà ở đây đều sở hữu khung cửa lớn với những ô cửa sổ nhiều màu sắc và được trồng hoa rất xinh xắn.

Những con dốc bằng phẳng giúp người dân địa phương dễ dàng hơn trong việc vận chuyển hàng hóa. Đoạn đường thiết kế nấc thang nhằm phục vụ việc đi lại, tham quan của người dân và du khách. Với cách bố trí không gian độc đáo, Masuleh là khu dân cư duy nhất ở Iran nghiêm cấm ôtô và các phương tiện giao thông kích thước lớn. Riêng người đi bộ được tự do qua lại trên mọi cung đường.  

Đa số người dân trong làng đều là người già

Từ ngôi làng nhìn ra xa là những khu rừng, cánh đồng cỏ xanh mướt, đầy sức sống, bao quanh ngôi làng là ngọn đồi nhấp nhô trong sương gió. Mùa đông khung cảnh càng thêm lãng mạn khi tuyết trắng phủ kín khắp ngôi làng, len lỏi tới từng căn nhà, từng ô cửa.

Bạn sẽ khá ngạc nhiên khi đa số người dân trong làng đều là người già bởi thanh niên gần như đã tới những nơi khác lập nghiệp, trường tiểu học thậm chí cũng không còn tại đây do rất nhiều người dân đã di cư đi nơi khác. Ở  Masouleh, người dân vẫn sản xuất hàng thủ công để bán cho khách du lịch. Các loại thảm từ lông dê, len, giày Chamush truyền thống hay áo, khăn  đều được bày bán ở khu chợ. Du khách có thể mua làm quà, cũng như sử dụng những tấm thảm Ba tư trứ danh mà hoàn toàn có thể yên tâm vào xuất xứ cũng như chất lượng. Khám phá làng cổ Masouleh là trải nghiệm khá đặc biệt khi du khách được sống ở một nơi vẫn giữ được nét truyền thống ngay ở phong cách ăn mặc, đời sống sinh hoạt và Masouleh khác biệt hoàn toàn so với những thành phố sôi động, thậm chí không an toàn khác của Iran.

Đến đây, du khách đừng quên thưởng thức ly cafe ở những ngôi nhà xinh xắn được xây nhô ra từ những vách núi. Bàn ghế gỗ trải thảm êm sẽ khiến du khách có cảm giác được “xuyên không” về quá khứ. Vừa nhấm nhấp ly cafe thơm nồng, ngắm nhìn khung cảnh hùng vĩ bao la của những dãy núi là một trải nghiệm tuyệt vời sau những chặng đường dài để đến được với Masouleh.

ĐỨC CƯỜNG

 

Top