Mầm ươm Quan họ đã hé

Cách Hà Nội chừng độ 25km, đường vào thị trấn Lim, tỉnh Bắc Ninh thẳng tắp. Vùng đất phía Bắc của Kinh thành Thăng Long xưa, là nơi gặp gỡ, giao hội của các mạch giao thông thuỷ, bộ tạo cho xứ Bắc sớm trở thành trung tâm kinh tế - văn hoá với một vị trí đặc biệt trong lịch sử dân tộc và văn hoá Việt Nam, đã và đang chuyển mình từng ngày. Nếp làng đang trong quá trình đô thị hóa đổi thay mạnh mẽ, đời sống cư dân nâng lên rõ rệt trong từng đường làng, ngõ xóm. Nhưng ở đâu đó, trong lây phây mưa Xuân và làn hương bưởi phảng phất vẫn thoảng nghe câu Quan họ luyến láy xa gần.

Theo tiếng hát Quan họ, tôi tìm đến Câu lạc bộ Quan họ Nhí (CLB Quan họ Nhí) của thị trấn Lim. Gương mặt “hai cô giáo” Nghệ nhân Nguyễn Thị Hồng Thái và Nghệ nhân Nguyễn Thị Chung rạng ngời niềm vui. Gác những bận rộn, bộn bề lo toan việc chuẩn bị cho Hội Lim Xuân Mậu Tuất, bà Thái và bà Chung hào hứng kể về duyên Quan họ và việc thành lập  CLB này của đôi bạn thân.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Chủ nhiệm CLB Quan họ Nhí thị trấn Lim. Ảnh: Trần Anh Tuấn

“Chúng tôi sinh ra và lớn lên tại làng Quan họ nên chất dân ca đã đi vào tiềm thức và thấm đẫm trong con người từ thuở ấu thơ cho đến tận bây giờ. Ở thị trấn Lim, cứ khoảng 6 - 7 tuổi là hát Quan họ. Chúng tôi, đứa bé theo đứa lớn; đứa lớn theo người lớn đến hát ở các nhà chứa Quan họ để học hát và tham gia các đội Quan họ của thị trấn Lim”. Bà Thái kể.

 Bà Chung trầm tư nhớ: “Có một thời gian dài Quan họ ít xuất hiện. Là bởi, người người lo mưu sinh, sự xâm lấn của nhiều trào lưu âm nhạc khác và cũng là bởi nhiều người, đặc biệt lớp trẻ không còn nặng lòng với dân ca Quan họ. Những người con Quan họ mê đắm với điệu dân ca, cả cuộc đời gắn bó với Người ơi người ở đừng về, Mời rượu mời trầu…., như chúng tôi đau đáu một nỗi buồn về sự hư hao mạch nguồn di sản. Hai chị em tâm sự cùng nhau và quyết tâm không thể để dân ca Quan họ mất đi trên chính vùng đất sản sinh, lưu truyền và nuôi dưỡng mình. Thế là hai chị em mở lớp Quan họ miễn phí cho các cháu từ 6 - 18 tuổi. ”Dù bà Thái ít hơn bà Chung 9 tuổi, nhưng “phải” đảm trách làm Chủ nhiệm CLB Quan họ Nhí, vì còn cửa hàng tại nhà, ít đi xa được có thời gian trông các cháu ở CLB nhiều hơn, còn bà Chung làm Phó Chủ nhiệm CLB.

CLB Quan họ Nhí tại đình Lim. Ảnh: MH.

Bà Thái tiếp lời: “Lúc đầu nhà văn hóa thôn được sử dụng cho lớp dạy Quan họ, nhưng mình thấy các con học ở đây không tập trung, liền chuyển các em đến Đền vọng từ Công Sơn Kiếp Bạc của tư gia chị Chung thì các con lại tập trung hơn. Vậy là lúc ở Đền, lúc ở Đình Lim lúc lại lên nhà văn hóa. Lớp học thì nhiều lứa tuổi, điều kiện vật chất như trang phục, nhạc cụ, âm thanh không có, chúng tôi nhiều khi ngược xuôi như con mọn nhưng chưa bao giờ chúng tôi nản lòng.”

Bởi lẽ, những câu chuyện được truyền tai nhau “Đàn con” của hai bà. Đó là những buổi hai bà ôm quần áo diễn chờ bên cổng trường đợi các con tan học, là đưa đi biểu diễn ngay kẻo trễ; hay nhưng hôm, đưa vội chiếc bánh mỳ các con ăn tạm trước khi chạy vội vào lớp do biểu diễn muộn, hoặc chiều lòng các cô chú truyền hình quay gấp. Và, dường như “Đàn con” của “hai mẹ” không bao giờ làm “hai mẹ”thất vọng. Các con say mê hát, dù có những buổi tham gia biểu diễn phải đi xa ở tỉnh, trên huyện hay được mời tham dự ở các tỉnh bạn như Phú Thọ, Vĩnh Phúc; có buổi trước giờ biểu diễn bị ướt áo biểu diễn, phải mặc áo yếm và váy tứ thân bên ngoài…, nhưng các con không bao giờ phụ lòng “các mẹ” luôn biểu diễn thật tốt. Các mẹ thường xuyên nhận được lời khen ngợi từ các cấp chính quyền, đơn vị, cá nhân làm các mẹ quên hết mỏi mệt. 

Cùng sự nỗ lực ấy thì sự chuyển mình của đời sống, sự nhìn nhận đúng đắn của cộng đồng, chính quyền, cơ quan quản lý với di sản cũng thay đổi. Quan họ bắt đầu hồi sinh. Trong hầu hết các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương thì dân ca Quan họ đã ở vị trí ưu thế, luôn là tiết mục “đinh”. Và bởi lẽ đó hai bà có thêm động lực để duy trì lớp “liền anh, liền chị” cho những cô bé, cậu bé đang ở độ tuổi cắp sách đến trường.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chung (đứng bên trái) và bà Nguyễn Thị Xuân thường xuyên trao đổi về CLB Quan họ Nhí. Ảnh: MH

Góp phần để những mầm ươm dân ca Quan họ nảy nở, ngoài công lao của bà Thái, bà Chung trực tiếp đứng lớp, còn phải kể tới vai trò của Liên hiệp Phụ nữ, Hội Phụ nữ thôn Lũng Giang. Chia sẻ với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Xuân - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thị trấn Lim kiêm hội trưởng Hội Phụ nữ thị trấn Lim cho biết: “Hội lo lắng từ địa điểm, thời gian… những lần đưa các liền anh, liền chị nhí đến Hội, nhiều khi còn phối hợp cùng nhà trường để có những cuộc giao lưu nho nhỏ, tạo môi trường diễn xướng cho Quan họ có đất diễn”.

“Hội Lim năm nay theo thông lệ có phần lễ và phần hội với những điểm hát Quan họ trên bên dưới thuyền. Ngay trong dịp Tết, các phần việc chuẩn bị đã được chúng tôi chuẩn bị chu đáo, sẵn sàng cho chính hội. Hội Lim nhiều năm đều có sự tham gia của các mầm non Quan họ. Điều này sẽ tạo nên mạch nguồn tiếp nối, để dân ca không chỉ là lời ca, giai điệu mà ở đó có truyền thống, lễ nghi đúng như thời điểm khởi sinh Quan họ.”, chị Xuân cho biết thêm.

Chị chi sẻ: “Giờ không phải việc tìm người mà thấy Thị trấn cần gì vai trò của phụ nữ là tạo điều kiện, là tham gia để hỗ trợ cho các phụ nữ, cho các cháu. Tôi cũng thường chủ động xuống khuyến khích động viên các chị em và các cháu. CLB Quan họ Nhí của thị trấn Lim tích cực lắm!. Các chương trình của chính quyền địa phương đều tham gia đầy đủ, không đòi hỏi điều gì. Tất cả đều vì một văn hóa Quan họ, truyền thống ông cha và vì một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại đã được UNESCO vinh danh năm 2009.” 

Với những con người nặng lòng tâm huyết như bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Nguyễn Thị Chung và Nguyễn Thị Xuân - các thế hệ nối tiếp nhau, chắc rằng mạch nguồn dân ca Quan họ sẽ tiếp tục lưu truyền hòa chung nguồn chảy của dân tộc 

Thành Văn

Top