Lễ hội với việc bảo tồn bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Nghệ An

Thời gian qua, có khá nhiều lễ hội được phục dựng ở miền núi Nghệ An, như: Lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong), Lễ hội Hang Bua, (Quỳ Châu), Lễ hội Mường Ham, Lễ hội đền Choọng (Quỳ Hợp), Lễ hội Làng Vạc (TX Thái Hòa), Lễ hội Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn), lễ hội Đền Vạn, Cửa Rào (Tương Dương), Lễ hội Môn Sơn (Con Cuông),… Thông qua Lễ hội, nhiều giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) được bảo tồn và phát huy. Đồng thời, thông qua lễ hội cũng thấy bộc lộ nhiều bất cập cần điều chỉnh cho phù hợp.

Nhiều giá trị văn hóa được bảo tồn và phát huy

Miền núi Nghệ An có 5 dân tộc thiểu số, gồm: Thái, H’Mông, Kh’Mú, Thổ, Ơ Đu. Mỗi dân tộc có một nét văn hóa riêng, rất đa dạng và phong phú, thể hiện qua kiến trúc nhà ở, nghệ thuật truyền thống, nghề truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục, tiếng nói, chữ viết, các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian,… Trước sự giao thoa của các nền văn hóa, cùng với thời gian, bản sắc văn hóa của các DTTS đã bị mai một nhiều. Việc phục dựng  lễ hội với các sinh hoạt văn hóa đã có tác động tích cực trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào các DTTS.

Lễ hội Hang Bua của người dân tộc Thái ở Quỳ Châu - Nghệ An.

Có thể nói liên hoan nghệ thuật quần chúng, trình diễn cồng chiêng, nhảy sạp là tâm điểm của hoạt động hội trong các lễ hội ở miền núi Nghệ An. Thông qua hoạt động này, nghệ thuật truyền thống của các dân tộc (dân ca, dân nhạc, dân vũ, các nhạc cụ truyền thống,…) được bảo tồn và phát huy. Đồng bào Thái có lăm, khắp, nhuôn, xuối, khắc luống, cồng chiêng…; Kh’mú có Tơm, Tex…; H’mông có Cự xia, Lù tẩu, Sua lồng, Sua trà…; Thổ có đu đu điềng điềng, tập tình tập tang, khai khai rế,… Đến với Lễ hội đền Chín Gian (Quế Phong), Pu Nhạ Thầu (Kỳ Sơn), hay đền Vạn (Tương Dương),… mọi người sẽ được say trong điệu hát Cự xia thổ lộ tâm tình, được say trong tiếng khèn, tiếng sáo gọi bạn và điệu múa ô hồn nhiên, duyên dáng của những chàng trai, cô gái H’Mông. Những điệu xuối, lăm, khắp của những chàng trai, cô gái Thái cũng rất ngọt ngào trong tiếng khen bè, sáo nhuôn, sáo lăng. Rồi vũ điệu cồng chiêng nghe như tiếng nước chảy, điệu múa sạp vui nhộn và tình tứ,… tất cả vốn dân ca, dân nhạc, dân vũ ấy trong cuộc sống thường ngày có thể bị lãng quên nhưng vào đã vào hội thì thăng hoa, cháy hết mình. Việc trình diễn nhạc cụ dân tộc Kh’mú, Thái, Mông,… trong lễ hội cũng thúc đẩy công tác sưu tầm, bảo tồn các nhạc cụ dân tộc trong cộng đồng.

Các môn thể thao dân tộc, các trò chơi dân gian như: ném còn, đẩy gậy, kéo co, bắn nỏ, đi cà khoeo, chọi cù, tò lẻ… luôn được tổ chức song hành với các hoạt động biểu diễn nghệ thuật trong lễ hội. Hội thi văn hóa ẩm thực của đồng bào cũng được tổ chức trong các lễ hội nhằm góp phần vào công tác bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa các dân tộc: Thi làm mâm cỗ ngày Tết với 7 món đặc trưng của người Thái (cá nướng, mọc, canh ột, bánh sừng trâu,…) trong Lễ hội hang Bua; Mâm cơm trong hội thi ở Lễ hội đền Vạn cũng với các món ăn truyền thống; Mâm cơm thi trong Lễ hội Pu Nhạ Thầu có các món mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc huyện Kỳ Sơn, như: Nặm nhooc (gồm các loại rau và thịt bò giằng), canh ột, mọc, thịt xông khói, cá nước ngọt, bánh day (H’Mông). Thi văn hóa ẩm thực ở Lễ hội đền Chín Gian gồm thi gói bánh chưng các loại, thi các món họ mọc, canh măng chua, cơm lam,  pắc chụm (nộm), thi làm mâm cỗ cúng,…

Lễ hội cũng là dịp mà trang phục các dân tộc trăm hoa khoe sắc, không chỉ ở trên sân khấu qua màn trình diễn trang phục các dân tộc mà ở những người đi dự hội, xem hội. Thiếu nữ H’Mông với bộ y phục sặc sỡ kết hợp với các hình thức trang trí kim loại nhằm tạo hiệu quả mầu sắc và âm thanh. Thiếu nữ Thái duyên dáng, tinh tế, thanh lịch trong bộ trang phục truyền thống với áo, váy, thắt lưng, khăn piêu, nón, xà cạp, các loại hoa tai, vòng cổ, vòng tay và xà tích. Thiếu nữ Thổ kín đáo, dịu dàng trong trang phục áo trắng, váy đen, khăn trắng,… Trang phục truyền thống của đồng bào các DTTS được dệt thủ công, thêu tay với màu sắc chế tác từ cây cỏ, thiên nhiên.  Kiểu dáng, hoa văn hay đồ trang sức hết sức đa dạng, sinh động, phản ánh sâu sắc nhân sinh quan, thế giới quan về vũ trụ, vạn vật cũng như phong tục, tập quán, sinh hoạt của cộng đồng và thể hiện sự khéo léo của người phụ nữ. Nhịp sống hiện đại, sản xuất, sinh hoạt của đồng bào có nhiều thay đổi, trang phục truyền thống không tiện dụng trong đời sống, sinh hoạt nên ít được mặc và vào dịp lễ hội mới được trưng diện. Đồng thời, tại sân hội, còn tổ chức thi dệt thổ cẩm. Nói lễ hội bảo tồn trang phục truyền thống là như vậy.

Lễ hội làng Vạc ở thị xã Thái Hòa - Nghệ An.

Tiếng nói và chữ viết là những yếu tố căn bản tạo nên bản sắc của mỗi dân tộc.  Có một thực trạng đáng lo ngại là một vài dân tộc không còn cả tiếng nói và chữ viết mà đã bị Kinh hóa hoặc Thái hóa. Người Kh’mú không có chữ viết, người Ơ đu chỉ còn ít người biết tiếng nói mẹ đẻ, ngay như người Thái, chiếm khoảng 70% dân số các DTTS nhưng cũng rất ít người biết chữ Thái. Nỗ lực bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào đã được thực hiện trong các lễ hội, như hội thi viết và đọc chữ Thái cổ Lai pao ở Lễ hội đền Vạn, Lễ hội hang Bua, Lễ hội Mường Ham,...

 Văn hóa nhà sàn cũng được nỗ lực bảo tồn qua lễ hội, ví như thi cắm trại theo mô hình nhà sàn trong Lễ hội đền Chín Gian. Hoạt động trưng bày, giới thiệu và bán các sản phẩm thủ công truyền thống của địa phương, như: thổ cẩm, chân váy, các sản phẩm mây tre đan (mâm mây, ghế mây, ép xôi,…) của người Thái; các loại dao, búa của người H’mông,… đã tạo thêm động lực thúc đẩy phát triển các nghề thủ công truyền thống của đồng bào.

Những bất cập cần điều chỉnh

 Có thể nói, các lễ hội của đồng bào các DTTS ở miền núi Nghệ An chủ yếu được phục dựng lại, lâu nhất là Lễ hội Hang Bua (phục dựng năm 1997) hay mới đây nhất là Lễ hội Đền Choọng (xã Châu Lý, Quỳ Hợp - năm 2016). Vì mới phục dựng nên bị “tam sao thất bản” trong hình thức lễ và hỗn tạp trong phần hội. Các lễ hội được tổ chức theo kịch bản định sẵn được hướng dẫn của cơ quan văn hóa từ trên xuống nên thấy na ná nhau và giống các lễ hội của người Kinh, từ nội dung, hình thức đến diễn trình của lễ hội. Phần nghi lễ thường có các nội dung lễ khai quang, yết cáo, lễ tế, lễ khai mạc, lễ rước, lễ tạ. Phần hội, cũng là hội diễn văn nghệ, thi đấu thể thao, hội trại, các trò chơi dân gian,… trong đó, có quá nhiều trò không phải là của DTTS như hát mới, thi cắm trại, bóng đá, bóng chuyền, thi người đẹp và nhiều kiểu “vui chơi có thưởng” khác…

Biểu diễn văn nghệ ở Lễ hội Môn Sơn Con Cuông - Nghệ An.

Ở một vài lễ hội đã xuất hiện tâm lý mê tín dị đoan, biểu hiện qua việc chen nhau thắp hương quá nhiều ở di tích nơi xảy ra lễ hội (ví như Lễ hội Đền Vạn) mà việc thắp hương mới được tiếp thu từ người Kinh chứ người Thái trước đây không có tục lệ này. Hay nhuốm màu thực dụng bởi các trò “vui chơi có thưởng”. Người đi hội không hoàn với tâm thế vô tư, hồn nhiên, trong sáng nữa. Các nghi thức như đọc diễn văn khai mạc, giới thiệu đại biểu, trình diễn trên sân khấu với các phương tiện hiện đại như loa máy, đèn chiếu… cũng giống như các lễ hội của người Kinh ở miền xuôi và không có trong lễ hội cổ truyền,…

Phục hồi các lễ hội cổ truyền ở miền núi là nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần, tâm linh của người dân và bảo tồn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Quan sát các lễ hội của đồng bào trong thời gian qua cho thấy, để đạt được mục tiêu như đã xác định thì việc khắc phục những bất cập nêu trên là đòi hỏi bức thiết đối với chính quyền địa phương và cơ quan quản lý văn hóa.

Anh Tuấn

Top