Lễ hội truyền thống Bánh chưng, Bánh giầy

Sáng 25-6-2018, tại sân Đền Độc Cước (TP Sầm Sơn, Thanh Hóa), UBND TP Sầm Sơn đã tổ chức Lễ hội truyền thống Bánh chưng, Bánh giầy nhằm cầu mưa thuận gió hòa, biển lặng gió êm, thôn xóm được mùa, nhân dân vào lộng ra khơi đánh bắt được nhiều tôm cá, đồng thời góp phần giới thiệu và quảng bá về mảnh đất, con người và các giá trị văn hóa truyền thống, sản phẩm du lịch độc đáo, thu hút du khách bốn phương.

Ngay từ sáng sớm, hàng nghìn người dân đã nô nức tham gia nghi thức rước kiệu từ đền thờ, đình làng ở các xã phường đến chân đền Độc Cước. Mỗi đoàn rước có khoảng 250 đến 400 người, gồm người cầm biển hiệu dẫn đường, tiếp đó là nhóm người vừa đi vừa diễn trò dân gian đến kiệu làng, mâm bánh chưng bánh dày tế lễ, mâm sơn trang, ngũ quả, và sau cùng là đoàn người già, trẻ, gái, trai ăn vận quần áo truyền thống, khăn xếp áo the.

Sau phần nghi lễ truyền thống là chương trình nghệ thuật trình diễn gói bánh chưng, giã bánh giầy do các nghệ nhân của các làng và Đoàn Nghệ thuật Tuồng Thanh Hóa biểu diễn. Đây là chương trình nghệ thuật độc đáo, mới lạ, hấp dẫn, mô tả cách làm bánh chưng, giã bánh giầy được đông đảo nhân dân và du khách thập phương theo dõi. 

Đặc sắc và sôi động nhất của Lễ hội Bánh chưng, Bánh giầy năm 2018 là chương trình thi làm bánh chưng, bánh giầy tại chỗ. Tất cả các cung đoạn làm nên chiếc bánh chưng, bánh giầy được các nghệ nhân và nhân dân tái diễn chi tiết, thể hiện sức mạnh đoàn kết, sự  dẻo dai, khéo léo trong việc tạo nên hình tượng trời đất vuông tròn. Mỗi làng làm 2 bánh giầy có đường kính 30cm, đỉnh cao 10cm đặt trên mâm đồng dự thi. Sau khi lễ hội kết thúc, bánh được chia đều cho dân trong làng để trong năm gặp nhiều may mắn và bình an.

Lễ hội Bánh chưng, Bánh giầy đã được lựa chọn là một trong những lễ hội truyền thống tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Một số hình ảnh tại Lễ hội:

 

 

Top