Lễ hội Cầu ngư, nét văn hóa độc đáo của người dân vùng biển xứ Thanh

Diêm Phố - tên gọi xưa, nay là xã Ngư Lộc, thuộc 1 trong 5 xã vùng biển (Minh Lộc, Hưng Lộc, Ngư Lộc, Đa Lộc và Hải Lộc) của huyện Hậu Lộc, tỉnh Thanh Hóa. Tên Diêm Phố bắt nguồn từ nét đặc trưng riêng nơi đây, “Diêm” là muối, “Phố” là sự trù phú, mang tính chất thành thị. Diêm Phố là nơi dân cư làm nghề muối với đời sống khá sung túc, sầm uất.

Nơi đây, dân cư đông đúc sinh sống ven biển với nghề  truyền thống:  đánh bắt và chế biến hải sản. Cuộc sống sinh hoạt của người dân nơi đây gắn liền với những phong tục tập quán, lễ hội truyền từ lâu đời, mang đậm đặc trưng vùng miền. Trong đó, độc đáo là Lễ hội Cầu ngư.

Theo các bậc cao niên trong làng, Lễ hội Cầu ngư xuất phát từ Lễ hội Cầu mát của cư dân làng Diêm Phố. Lễ hội có từ khi làng mới thành lập vào thời nhà Hậu Lê, trải qua nhiều thế kỷ vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị. Các vị thần được thờ ở Lễ hội này là: Tứ vị Thánh Nương, Đông Hải Đại Vương, Nẹ Sơn Tôn Thần, Nam Hải Đại tướng quân… Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của xã, đồng thời, cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Thanh. Lễ hội Cầu ngư được tổ chức thường niên vào các ngày từ 21 đến 24-2 Âm lịch, thu hút đông đảo nhân dân (ở xa gần) của xã Ngư Lộc  tham dự.

Lễ hội Cầu ngư bao gồm hai phần: Phần Lễ và phần Hội, trong đó phần Lễ đóng vai trò quan trọng và mang nhiều ý nghĩa nhất.

Phần Lễ

Làm Long Châu là bước quan trọng của công tác chuẩn bị. Long Châu là vật thiêng dùng để tế chính trong suốt thời gian diễn ra lễ hội. Long Châu thực chất là một chiếc thuyền Rồng, làm bằng luồng, nứa, giấy màu, xốp được quét phẩm màu,  mô phỏng chức năng và quyền lực của các vị thần vùng sông biển; là nơi chứa lễ vật cùng với lời cầu  nguyện của người dân, mong phù hộ cho họ trong cuộc sống trên biển khơi.

Sáng ngày 21 tháng 2 Âm lịch, đúng giờ hoàng đạo, vị Chủ tế nổi ba hồi chín tiếng trống đại ở nghè Cả, sau đó 24 trống lớn nhỏ nổi lên rộn rã. Ông Chủ tế bắt đầu khấn mời chư vị thần linh giáng lâm chứng giám, sau đó là nghi thức  rước thần linh về đàn lễ.

Tại khu vực đàn lễ, các đêm lễ hội, vào thời điểm chuyển sang ngày mới, Ban hành lễ tế lễ sang canh. Trong thời gian hai ngày 22 và 23, nhân dân và khách thập phương đến dâng hương. Vào chính lễ, các đội tế, phường bát âm, phường khiêng kiệu, các bản hội, hội đồng kỳ mục, các chức sắc trong làng, trưởng các dòng họ… có mặt tại đền Thánh Cả để làm thủ tục rước kiệu. Đoàn rước khởi kiệu rất sớm từ đền Thánh Cả đến bãi “đất Phúc” (nay là trung tâm văn hóa xã). Sau khi làm lễ cầu mát, cầu an tại đây, các dòng họ, nhân dân và du khách thập phương lần lượt vào cúng lễ và chiêm bái. Bước sang ngày 24 tháng 2 Âm lịch, các Giáp rước cỗ về đàn lễ, đến nơi lễ phẩm được đặt vào các vị trí (được Ban Tổ chức qui định)  trên đàn lễ. Đến chiều ngày 24-2 thì kết thúc phần lễ bằng việc “hóa tiễn Long Châu về biển”.

Phần quan trọng nhất của Lễ Cầu ngư là tế lễ Giao Ôn bao gồm hai phần chính.

Phần 1: tế lễ ở đàn chính. Vị pháp sư tiến hành làm lễ “Thỉnh”  các vị trong Hội đồng Thần linh: Hoàng Thiên Lão Mẫu, Ngọc Hoàng, Thành Hoàng Bản Thổ, Đức Vua Thông Thủy, Tứ Vị Thánh Nương… Đây là khu vực lễ tế chính cho toàn bộ lễ hội nên nội dung cầu khẩn mang tính bao quát những mong muốn của dân làng: Cầu phúc, cầu tài, sống lâu, giàu có, tránh được mọi tai ương, đi biển thuận buồm xuôi gió, cá tôm đầy thuyền, buôn bán thuận lợi, thủ công tinh thông, học hành tiến tới, văn tăng võ tiến, toàn dân phúc lộc đề huề.

Phần 2: tế lại Long Châu. Tại đây việc tế lễ chỉ dành riêng cho người đi biển. Hình tượng Long Châu là biểu tượng của ngư nghiệp. Long Châu là chiếc thuyền thờ, những người đến lễ, dâng lễ vật vào lòng thuyền. Đúng giờ lành, tại Long Châu, pháp sư mặc áo dài lương (đen) khăn thắt ngang lưng màu đỏ, đứng trước mũi Long Châu, một tay múa ấn quyết, một tay cầm ba nén hương đang cháy viết vào không gian và dõng dạc đọc lệnh khởi hành, sau đó đọc “Trát”. Sau khi đọc xong “Trát Long châu”, pháp sư quay về mũi thuyền, tay cầm bó đóm giơ cao và đọc “hịch Bảo Ôn”, lời hịch vừa dứt, 20 trai kiệu khiêng Long Châu đi theo pháp sư về phía Nam, phía sau là dân làng cùng đi tiễn dọc theo bờ biển. Đến cuối làng thì tiến hành “hóa“ Long Châu. Sau đó rước các kiệu trở về Nghè và làm lễ tất (kết thúc).

Phần Hội

Trong  Lễ hội Cầu ngư, phần Hội cũng được xem là phần không thể thiếu. Việc tiến hành một cách song song giữa phần Lễ và phần Hội trong Lễ hội Cầu ngư được coi là thích hợp và cần thiết, góp phần làm cho không khí lễ hội thêm vui tươi, náo nhiệt. Đây cũng là thời gian ngư dân được nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí xóa đi mọi căng thẳng, mệt mỏi trong những ngày mải miết lao động vất vả tìm kế sinh nhai, để chuẩn bị bước vào một mùa biển mới đầy hứa hẹn.

Phần Hội được tổ chức khá đa dạng bao gồm các trò diễn, trò vui chơi… diễn ra xen kẽ trong suốt bốn ngày hội của làng như: Trò thi câu mực, thi đan lưới, thi hò đối, trò đua thuyền, thi đánh cờ người, hát ghẹo... mỗi trò mang một ý nghĩa và nét độc đáo trong phong tục tập quán riêng, góp phần vui chơi giải trí cho ngư dân nơi đây.

Phần hội không chỉ là các hoạt động vui chơi giải trí của cộng đồng mà còn là dịp để người dân thể hiện tài năng giữa các thôn trong làng, tăng cường rèn luyện thể chất và lòng dũng cảm, biểu dương lực lượng, sức mạnh của cư dân nhằm gắn kết cộng đồng làng xã.

Lễ hội Cầu ngư là một hình thức sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng mang tính chất cộng đồng dân cư chặt chẽ, những phong tục tập quán, quy ước trong lễ hội được quy định nghiêm ngặt. Đây là lễ hội được đánh giá có quy mô và sức lan tỏa lớn không những ở Hậu Lộc mà còn ảnh hưởng đến ngư dân các huyện Hoằng Hóa, Nga Sơn, được thể hiện rõ nét trong những nghi lễ trang nghiêm, long trọng và những trò chơi đầy ý nghĩa gắn liền với phong tục, tập quán của ngư dân lấy việc đánh cá làm nguồn sống chính. Ngoài ý nghĩa lịch sử, lễ hội còn chứa đựng nội dung sâu sắc về mặt văn hóa - xã hội. Đây cũng là dịp để nêu cao tinh thần làng xã, kết nối cộng đồng.

Lễ hội là dịp để người dân Hậu Lộc nói chung và người dân xã Ngư Lộc nói riêng tưởng nhớ công đức to lớn của các vị thần thánh,  Đức Phật. Đồng thời còn là dịp để người dân gửi gắm những khát vọng về nghề đánh cá, ra khơi vào lộng, được gió lặng, sóng yên, khát vọng về mùa màng, về cuộc sống thanh bình cùng với ước mong được các vị thần Phật phù trợ, che chở, gia ân công đức, ban phúc cho muôn dân được ấm no, hạnh phúc. Là nơi tái hiện không gian văn hóa truyền thống của một làng cổ ven biển, tái hiện các phong tục tập quán cũng như các nghi lễ truyền thống của người dân cùng các trò chơi dân gian, văn hóa dân gian và các tri thức dân gian khác...

Từ khi ra đời đến nay, Lễ hội Cầu ngư có sức sống mạnh mẽ trong cộng đồng dân cư, thể hiện được bản sắc văn hóa, tinh thần của người dân Diêm Phố xưa và Ngư Lộc ngày nay. Nhận thức được điều này, chính quyền và người dân địa phương đã không quản khó khăn dồn tâm huyết cùng với các ngành chức năng của tỉnh đang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Cầu ngư Ngư Lộc vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là thể hiện sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền địa phương và cũng là biện pháp tốt nhất nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của Lễ hội Cầu ngư, một lễ hội mang đậm nét văn hoá tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Vũ Thị Ngời

 

Có thể bạn quan tâm

Top