Làng nghề miến dong Lại Trạch

Thôn Lại Trạch (xã Yên Phú, huyện Yên Mỹ, Hưng Yên) nổi tiếng với nghề làm miến dong. Càng gần đến ngày Tết Nguyên đán, làng nghề truyền thống chế biến miến dong Lại Trạch càng trở lên hối hả, khẩn trương. Kẻ bán người mua luôn tấp nập. Các lò chế biến miến trong làng đã hoạt động hết công suất mà sản phẩm làm ra vẫn không đủ nhu cầu thu mua của các thương lái.

Như thành truyền thống, ngày Tết, trong nhiều gia đình, một thứ không thể thiếu đấy là món miến. Về thôn Lại Trạch vào những ngày cuối năm mới thấy được không khí sản xuất thật rộn rã. Đi từ đầu làng đã thấy những khoảng đất trồng, sân vườn được người dân thiết kế riêng, bắc giàn cao để làm nơi phơi miến. Những phiến miến trắng trong vắt, ánh lên màu xanh nhẹ của bột dong và mùi thơm dìu dịu của lứa bột mới khiến không khí nơi đây mang hương vị rất đặc trưng. Từ các lò, miến vừa “chạy” ra phên đến đâu liền được người lao động nhanh tay chuyển lên giàn phơi đến đấy, không khí lao động trong nơi sản xuất cũng như ngoài bãi phơi đều rất tấp nập, khẩn trương.

Nghề làm miến dong của Lại Trạch đến nay đã có truyền thống hơn 50 năm, là niềm tự hào đối với người dân trong thôn. Toàn thôn hiện có gần 30 hộ đứng ra mở lò làm cơ sở sản xuất với khoảng 250 - 300 lao động thường xuyên phục vụ các công đoạn làm miến.

Bí quyết chế biến miến ngon của những người làm nghề trong làng là chọn bột dong riềng chuẩn, đánh đủ bột chín, không dùng hóa chất tạo màu, chỉ sử dụng nước sạch trong chế biến và tuyệt đối không dùng bột dong riềng Trung Quốc.

Nguyên liệu chủ yếu là bột củ dong được các cơ sở sản xuất đặt hàng và nhập về từ một số địa phương trong tỉnh như: Khoái Châu, Văn Giang và các tỉnh miền núi như: Sơn La, Yên Bái… Nhà làm miến khi đã đặt mua hàng, chọn được loại bột vừa ý là nhập hàng lâu dài. Bởi vì muốn miến ngon, được khách hàng ưa dùng thì bột làm miến phải là hàng chuẩn, không pha tạp. Bột dong riềng chuẩn là loại bột nguyên chất 100% được tinh chiết từ củ dong riềng. Bột dong riềng chuẩn sờ vào sẽ thấy mát tay, xoa vê thấy có cát bột (cánh bột to). Bột dong sau khi nhập về được chế biến, lọc lấy tinh bột rồi mới tráng qua nồi hơi để ra sản phẩm “bánh miến”. Bánh miến này được đem phơi ráo rồi mới tiếp tục cho vào máy cắt thành những sợi miến thành phẩm như vẫn thấy trên thị trường. Nước sạch cho chế biến miến dong phải là nguồn nước đã được cơ quan chuyên ngành kiểm tra, đánh giá đạt tiêu chuẩn vệ sinh quốc gia.

Không dùng hóa chất, không dùng phẩm màu là những tiêu chí hàng đầu của các hộ làm nghề. Không sử dụng hóa chất tạo màu sẽ tạo ra sản phẩm miến dong tinh khiết mang màu trắng lục của bột dong riềng tinh chất. Để không sử dụng hóa chất mà vẫn tạo được màu miến dong hợp thị hiếu người tiêu dùng, các chủ nghề chế biến miến dong làng Lại Trạch đã phối trộn tinh bột nghệ/tinh bột dong riềng theo tỷ lệ 200g/2,5 tấn hoặc 2 lít kẹo đắng/2,5 tấn, sợi miến làm ra sẽ mang màu vàng chanh hoặc da lươn. Các chất tạo màu này đều có nguồn gốc hữu cơ an toàn thực phẩm và rất dễ mua từ làng nghề trồng chế biến tinh bột nghệ xã Chí Tân (gần kề).

Nhờ bí quyết ủ bột, trộn tỷ lệ hợp lý lại luôn khắt khe trong khâu chọn nguyên liệu, phơi miến nên sợi miến thành phẩm vừa trong, vừa dai, khi ăn vừa mềm sợi lại có độ giòn tự nhiên, mùi thơm đúng vị. Đặc biệt, người làm nghề nơi đây hoàn toàn phơi bánh tự nhiên, không sấy hay bảo quản nhưng sản phẩm vẫn đẹp sợi, bảo quản được vài tháng mà không bị mốc hỏng.

Hiện nay, toàn thôn có khoảng 20 hộ sản xuất miến dong. Mỗi hộ sản xuất miến dong quy mô khá đều phải thuê từ 10- 15 lao động, sản xuất lớn hơn thì có thể thuê tới 20 lao động làm thường xuyên. Sau nhiều năm sản xuất, đến nay các công đoạn làm miến dong ở Lại Trạch đã áp dụng nhiều loại máy móc khác nhau để tăng hiệu quả và năng suất. Hiện nay, mỗi hộ làm miến trong thôn đều trang bị 1 máy tráng miến trị giá gần 30 triệu đồng, 3 máy cắt miến, một bếp nấu bột và một bể chứa bột. Từ dây chuyền sản xuất miến công nghiệp cùng với kinh nghiệm của thợ làng nghề, mỗi cơ sở sản xuất miến có thể chế biến từ 1,5- 2 tấn bột cho ra từ 1- 1,5 tấn miến/ngày. Năng suất cao hơn cũng đồng nghĩa với thu nhập của người làm miến tăng lên.

Miến ở đây sản xuất quanh năm và được đưa đi tiêu thụ ở nhiều địa phương trong tỉnh và cả một số tỉnh lân cận. Từ khoảng tháng 9 Âm lịch hàng năm, các hộ bắt đầu sản xuất hàng phục vụ tết, sản lượng thường tăng gấp 3 đến 4 lần so với ngày thường. Chỉ tính riêng hai tháng cuối năm, trung bình mỗi hộ sản xuất đưa ra thị trường khoảng 100 tấn miến các loại. Miến Lại Trạch hiện nay không chỉ được tiêu thụ ở các thị trường truyền thống như Hà Nội, Hải Dương, Nam Định mà đã có mặt ở Lạng Sơn, Sơn La, Hải Phòng...

Với mỗi người dân ở những làng nghề sản xuất các sản phẩm phục vụ thị trường Tết Nguyên đán, việc sản xuất sôi động, nhộn nhịp, thị trường ổn định không chỉ giúp họ đón Tết đầm ấm, đủ đầy mà còn chính là niềm vui, động lực để họ tiếp duy trì, phát triển nghề. Những sợi miến trong vắt, phơi xòe trên giàn lấp lánh đón nắng gió, những bao miến lớn nhỏ theo xe buôn tỏa đi các hướng tiêu thụ, hứa hẹn sẽ đem về hiệu quả kinh tế và một cái tết ấm cúng cho người dân nơi đây.

Thanh Huyền (tổng hợp)

 

 

Top