Làng hát Kiều ở Quảng Kim
Hát Kiều ở Quảng Kim đã có hơn hai trăm năm, xuất xứ chiếu hát kiều của làng du nhập từ bên kia Đèo Ngang, thuộc địa phận tỉnh Hà Tĩnh sang. Từ năm 1937 làng đã có đoàn hát kiều, năm 1945 làng có đến 2 đoàn hát kiều do ông Đại và ông Từ Huệ phụ trách. Khoảng thời gian này phong trào hát Kiều của làng có lẽ là hưng thịnh nhất. Hai đoàn đã đi diễn Kiều khắp nơi, từ Cảnh Dương, sang Quảng Châu, lên Quảng Hợp, hay vào tận Ba Đồn rồi ra cả vùng Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, đoàn hát Kiều của làng được sát nhập vào đội văn nghệ tuyên truyền của xã đi biểu diễn ở khắp vùng tự do.
Tiếng hát Kiều làng Quảng Kim trải qua những thăng trầm. Trong khoảng thời gian chống Mỹ đến những năm 80 của thế kỷ trước, chiếu Kiều của làng lắng xuống rồi thất truyền trong dân gian. Ông Đặng Văn Đôn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Kiều của làng được dân làng gọi là “người khôi phục làn điệu Kiều của làng”. Năm 1990, dưới sự giúp đỡ của ông Từ Xuân Ấn, một người từng diễn nức tiếng vai Từ Hải, ông Đôn bắt tay khôi phục lại làn điệu hát Kiều.
Ông Đặng Văn Đôn - Chủ nhiệm Câu lạc bộ hát Kiều ở Quảng Kim(Ảnh: TL)
Sưu tầm kịch bản là công việc đầu tiên và hết sức vất vả, phải thông qua mấy trưởng thượng của làng, xin các cụ nhớ lại mấy điệu hát Kiều rồi chép lại để khỏi thất truyền. Sưu tầm được kịch bản rồi thì phải tìm các cụ trong đội hát Kiều năm xưa để biết phải hát những làn điệu gì. Cuối cùng tập hợp lại, rồi chỉnh lý nhằm có kịch bản hoàn chỉnh đậm tính truyền thống. Công việc này ông Đôn làm mất 4 năm. Có các bản tích hát rồi, ông lặn lội tìm các cụ ông cụ bà từng sắm vai hát như cụ Tỷ, cụ Khấu, cụ Dẫn, cụ Khuể... để biết các đoạn trong kịch bản hát Kiều ấy phải hát điệu gì... Sau đó mới tập hợp lại và chỉnh lý để có một kịch bản hoàn chỉnh đậm nét hát Kiều truyền thống. Hiện kịch bản hát Kiều Quảng Kim có 65 trang viết tay với 31 điệu hát Kiều kết hợp hát tuồng Quảng Bình, làm nức lòng nam phụ lão ấu trong vùng. Ngoài những làn điệu hát như nói lối, hát xướng, ngâm thơ, hát Kiều ở Quảng Kim còn có điệu "la chớ".
Khi có kịch bản và thành lập được Câu lạc bộ hát kiều, từ năm 1993 đến nay làng hát Kiều Quảng Kim được khôi phục và phát triển. "Kép" chính của Câu lạc bộ lúc bấy giờ là những cụ ông, cụ bà vốn "bị" tiếng hát Kiều cổ của làng ngấm vào máu thịt, nên họ gắn bó với Câu lạc bộ rất chặt bằng niềm đam mê nghệ thuật truyền thống của bản thân, mà không hề đòi hỏi điều gì. Từ đó đến nay, các thế hệ người dân ở Quảng Kim tiếp tục lớp sau theo lớp trước để duy trì Câu lạc bộ hát Kiều và đều đặn sinh hoạt, biểu diễn phục vụ người dân trong xã và tham gia các hội diễn văn nghệ quần chúng ở huyện, tỉnh. Mỗi tháng Câu lạc bộ sinh hoạt định kỳ 2 lần để tập hát điệu mới, tích hát mới. Đội hát Kiều làng Quảng Kim hiện có 20 thành viên. Trang phục, đạo cụ, anh em trong đội tự nguyện bỏ tiền mua. Trong những ngày Tết, ngày lễ trọng đại của đất nước, chiếu Kiều lại diễn hát cho dân làng xem.
Một tiết mục hát Kiều của câu lạc bộ hát Kiều Quảng Kim(Ảnh: TL)
Điều ông Đôn còn trăn trở là trong 31 làn điệu hát Kiều được phục hồi, Câu lạc bộ mới tập hát và minh hoạ được 9 làn điệu, liệu mai này những người tâm huyết trong Câu lạc bộ hát Kiều như cụ Đôn, cụ Phan Uy, cụ Từ Tình, cụ Lê Lam… không còn nữa thì hát Kiều ở Quảng Kim không biết có còn truyền giữ cho đời sau được nữa không? Bởi theo ông, hầu như các thành viên trong Câu lạc bộ hát Kiều của Quảng Kim đều là người cao tuổi. Các thế hệ sau này chưa hiểu hết được cái hay, cái sâu sắc của Truyện Kiều, vì thế chưa lĩnh hội được cái độc đáo của loại văn nghệ truyền thống này của dân tộc. Hơn nữa cuộc sống của bà con còn khó khăn, họ phải bận bịu với chuyện áo cơm hàng ngày.
Viện Âm nhạc (Nhạc viện Hà Nội) đã điều tra và đánh giá cao loại hình ca trù ở Quảng Bình để lập hồ sơ trình Tổ chức UNESCO công nhận là Di sản văn hoá thế giới đối với loại hình ca trù của người Việt. Còn hát Kiều của Quảng Kim, Sở VH-TT đã lập Hồ sơ đầu tư và phát triển trong chương trình giữ gìn và bảo tồn các làn điệu dân ca ở Quảng Bình. Hy vọng rằng, bằng việc đó, làng Quảng Kim sẽ bảo tồn và phát huy được điệu hát Kiều độc đáo này.
Hữu Phong (Tổng hợp)