Lần đầu tiên Bác Hồ đến nước Pháp
Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, dưới ách thống trị của thực dân Pháp và phong kiến, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam liên tiếp nổ ra. Sau phong trào Cần Vương (1885-1896) của các sỹ phu yêu nước chống đế quốc thất bại, phong trào khởi nghĩa của nông dân Yên Thế do Hoàng Hoa Thám lãnh đạo đã nổ ra; rồi phong trào có xu hướng tư sản cải lương của Phan Chu Trinh, xu hướng bạo động của Phan Bội Châu…Nhưng tất cả các phong trào yêu nước đó đều bị thất bại. Bởi vì như sau này Chủ tịch Hồ Chí Minh nhận xét: “Cụ Phan Chu Trinh chỉ yêu cầu người Pháp thực hiện cải lương…Cụ Phan Bội Châu hy vọng Nhật giúp đỡ để đuổi Pháp. Điều đó rất nguy hiểm, chẳng khác gì đưa hổ cửa trước, rước beo cửa sau…Cụ Hoàng Hoa Thám còn thực tế hơn vì trực tiếp đấu tranh chống Pháp. Nhưng theo lời người ta kể thì cụ còn nặng cốt cách phong kiến.”
Năm 1905 Nguyễn Tất Thành được thân phụ cho đi học Trường Pháp- bản xứ mở tại Vinh, tỉnh lỵ của Nghệ An. Tại Trường Tiểu học Vinh, Nguyễn Tất Thành chú ý đến ba từ tiếng Pháp được sơn vào gỗ gắn phía trên bảng đen Tự do-Bình đẳng-Bác ái. Tìm hiểu những từ này, Nguyễn Tất Thành biết đó là khẩu hiệu nổi tiếng của Đại cách mạng Pháp năm 1789. Đây là điều hoàn toàn mới lạ đối với Nguyễn Tất Thành, nó rất khác với những điều mà anh được học trong sách vở, khác với cả những cảnh được mắt thấy tai nghe những người Pháp đối xử với đồng bào mình. Vì vậy, rất tự nhiên Nguyễn Tất Thành nảy ra ý muốn “tìm hiểu những gì ẩn giấu đằng sau những từ ấy.”
Bến cảng Sài Gòn nơi Nguyễn Ái Quốc ra đi tìm đường cứu nước (Ảnh: internet)
Những bậc sinh thành lúc đó đã khuyến khích để Nguyễn Tất Thành học tiếng Pháp. “Muốn đánh kẻ thù phải học tiếng kẻ thù để hiểu kẻ thù”. Được tiếp thu tư tưởng mới của các cuộc cách mạng đương thời, Nguyễn Tất Thành quyết chí đi ra nước ngoài tìm đường cứu nước. Anh đã lựa chọn con đường đi sang Pháp. Như sau này Bác Hồ đã nói: Chỉ có dân ta mới cứu được ta. Muốn đánh Pháp thì phải hiểu lực lượng gốc rễ của Pháp và phải học cách tổ chức của những dân tộc mạnh hơn Pháp.
Hướng đi đã được chọn, Nguyễn Tất Thành tiếp tục tìm con đường đi đến Pháp. Anh đi dần về phương Nam. Theo cha vào Huế, Nguyễn Tất Thành cùng anh trai Nguyễn Sinh Khiêm vào học Trường Quốc học Huế, nơi tiếng Pháp chiếm phần lớn trong chương trình dạy. Các thầy giáo ở Trường Quốc học có cả người Việt Nam và người Pháp. Ở Trường Quốc học tuy vốn tiếng Pháp còn ít ỏi nhưng Nguyễn Tất Thành đã bắt đầu tiếp xúc với sách báo Pháp. Trong số thầy giáo dạy tại Trường Quốc học có thầy Lê Văn Miến, người đã học Trường Thuộc địa và Trường Mỹ thuật Pari. Thầy đã dành nhiều thời gian nói chuyện với học sinh những thành tựu về dân chủ và văn minh của phương Tây. Chính vì vậy, ý muốn sang phương Tây lớn dần lên trong tâm trí của Nguyễn Tất Thành. Anh tiếp tục học Trường Tiểu học Pháp- Việt Quy Nhơn khi theo cha vào Bình Định, rồi vào Phan Thiết. Đến đây tiền nong dành dụm được đã cạn, phải tìm cách vừa sinh sống, vừa dành tiền để đi tiếp. Nhờ mối quan hệ của thân phụ, Nguyễn Tất Thành được giới thiệu vào làm Trợ giáo môn Thể dục tại Trường Dục Thanh. Đối với anh, dạy học chỉ là tạm thời. Ngoài giờ lên lớp Nguyễn Tất Thành thường đọc sách và chính tại Phan Thiết anh đã có dịp tiếp cận với tư tưởng của J.J. Rutsô, Fr.Vônte, Ch.de Mông-tec-skiơ, những văn hào và triết gia Pháp đã khởi xướng các thuyết nhân quyền, dân quyền, tự do, bình đẳng, bác ái.
Tháng 2-1911, thầy giáo Nguyễn Tất Thành rời Phan Thiết vào Sài Gòn. Ở đây anh đã làm quen với những thanh niên cùng lứa tuổi đang làm thợ hoặc học nghề ở trường kỹ nghệ thực hành, làm quen với những hiệu giặt là ở gần cảng Nhà Rồng chuyên giặt quần áo cho các thủy thủ trên tàu của Pháp để xin việc làm trên tàu, tìm cách thực hiện những chuyến đi xa.
Tàu Latouche Treville, con tàu đã đưa người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước từ Cảng Sài Gòn. Ảnh internet
Tháng 5-1911, trong các tàu nước ngoài cập bến cảng Sài Gòn có chiếc tàu lớn thuộc hãng Sácgiơ Rêuyni mang tên Amiran Latusơ Tơrêvin.
Ngày 3-6-1911, một thủy thủ của tàu dẫn Nguyễn Tất Thành, với tên mới là Văn Ba, lên tàu gặp Thuyền trưởng và được nhận làm phụ bếp trên tàu. Ngày 5-6-1911, tàu Amiran Latusơ Tơrêvin rời bến cảng Sài gòn đi Mácxây. Một bước ngoặt mới mở ra trong cuộc đời của người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành.
Sau một tháng lênh đênh và ghé qua một số cảng trên đường đi, nhật ký hành trình của con tàu ghi rõ ngày 6-7-1911, tàu đến Mácxây, một thành phố cảng lớn nhất và cũng là một trung tâm công nghiệp lớn của nước Pháp.
Lần đầu tiên đến nước Pháp, Nguyễn Tất Thành lại thấy thêm những điều mới lạ. Anh thấy có nhiều người Pháp cũng nghèo như ở bên nước mình. Anh tự hỏi: “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa chúng ta?” Và anh cũng thấy có những người Pháp tốt và rất lịch sự, không như những người Pháp ở Việt Nam.
Lần đầu tiên đến nước Pháp, Nguyễn Tất Thành có dịp theo tàu hành trình tới Lơ Havơrơ, một hải cảng ở miền Bắc nước Pháp; đến Đoongkéc, một hải cảng của Pháp trên bờ biển Măngsơ.
Đến nước Pháp, Nguyễn Tất Thành có cơ hội để tìm hiểu nhiều hơn. Và để tận dụng cơ hội đó, anh đã viết đơn gửi Tổng thống Pháp xin vào học tại Trường Thuộc địa. Lá đơn đề ngày 15-9-1911. Trong đơn Nguyễn Tất Thành viết: “…Tôi rất ham học. Tôi muốn sẽ trở nên có ích cho nước Pháp đối với các đồng bào của tôi, đồng thời có thể giúp họ hưởng được những ân huệ của giáo dục... ”Cuối tháng 10-1911, sau khi nhận được lời từ chối từ Pari, Nguyễn Tất Thành rời Mác xây, thực hiện một chuyến đi dài cho đến cuối năm 1917 đầu năm 1918 anh mới trở lại nước Pháp
Anh thanh niên Văn Ba trên tàu Latouche Treville
Như vậy, lần đầu tiên đến nước Pháp Nguyễn Tất Thành chỉ ở lại đó hơn 3 tháng. Chặng đường đầu này cho anh biết hành trình tìm con đường cứu nước sẽ còn dài. Những bài học đầu tiên khi tiếp xúc với những người Pháp không phải là những tên thực dân càng khiến anh phải tìm hiểu thêm. Anh muốn hiểu bản chất của những tên thực dân pháp, cũng như những giá trị văn hóa của nước Pháp và bằng cách nào đó để nói cho nhân dân Pháp và nhân dân các thuộc địa hiểu “nước Pháp chân chính, hiểu rõ bọn cá mập thực dân đã lợi dụng tên tuổi và danh dự của nước Pháp để gây nên những tội ác không thể tưởng tượng được”. Đồng thời, anh cũng muốn nhân dân việt Nam và nhân dân các thuộc địa “nhận rõ nước Pháp, nước Pháp tự do, bình đẳng, bác ái.” (Thư của Nguyễn Ái Quốc gửi các đồng chí cùng hoạt động ở Pháp năm 1923). Sự bắt đầu đó như sau này chúng ta biết, đó là bước ngoặt về nhận thức trên con đường đi tới giải phóng của nhân dân Việt Nam.
TS Nguyễn Thị Tình