Ký ức Vécxây

Lâu đài Vécxây (Versailles) ở Pari, nước Pháp có từ thế kỷ XVII. Tuy vậy người Việt Nam biết đến tên gọi này gắn liền với một sự kiện quan trọng trong cuộc đời của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam từ 100 năm trước.

Lâu đài Vécxây cũng thường được gọi là Cung điện Vécxây, nằm ở phía Tây của Pari. Nơi đây là biểu tượng quyền lực tối thượng của các triều đại phong kiến Pháp, có một lịch sử phát triển từ đầu thế kỷ XVII.

Năm 1623, trên cơ sở vùng đất được mở rộng của lâu đài sau khi lên ngôi, năm 1660 Vua Louis XIV quyết định chuyển Hoàng gia từ Lâu đài Saint - Cloud về Versailles (Cung điện Saint - Cloud nằm trên một địa điểm nhìn ra sông Seine, cách Pari  khoảng 5 km về phía Tây). Cùng với đó, lâu đài cũng được mở rộng với ý định biến nơi đây trở thành một lâu đài tráng lệ hàng đầu trong các hoàng gia châu Âu. Từ 1664 đến năm 1666 lâu đài được mở rộng gấp 3 lần đài nhỏ của Chúa đất ở Vécxây, Vua Louis XIII cho xây dựng một khu nhà bằng gạch và sau đó lại cho mở rộng và xây một lâu đài bằng đá cẩm thạch đầu tiên. Sau khi Vua Louis XIII qua đời, truyền ngôi lại cho con trai, một trong những vị vua vĩ đại nhất của nước Pháp, còn được gọi là Louis Mặt Trời - Vua Louis XIV.

Từ năm 1668 đến năm 1670 Vua Louis XIV cho xây dựng cung điện mới. Đây là một công trình ghi dấu những tinh hoa của nghệ thuật Pháp thế kỷ XVII, XVIII (Vua Louis XIV trị vì từ 1645 đến 1715). Kiến trúc của lâu đài tuân theo những quy tắc chuẩn mực của chủ nghĩa cổ điển theo tính đối xứng, có nhiều cột ở hành lang…

Lâu đài Vécxây

Lâu đài Vécxây là một công trình kiến trúc cực kỳ đồ sộ và lộng lẫy, là một trong các lâu đài đẹp nhất và lớn nhất châu Âu cũng như trên thế giới. Trên một diện tích rộng 67.000m2 gồm hơn 2.000 phòng, trong đó phòng xa hoa nhất là phòng gương của Cung điện được xây dựng xong năm 1684. Sau khi xây xong phòng gương này, Vua Louis XIV tuyên bố Versailles là lâu đài chính thức của Hoàng đế Pháp. Ngoài Cung điện, lâu đài còn có một công viên với diện tích hơn 800 héc-ta, trong đó có 300 héc-ta rừng, hai vườn cảnh kiểu Pháp. Phần công viên có 20km hàng rào, 42 km đường mòn, 372 bức tượng, 55 hồ và bể chứa nước, 600 vòi phun nước, 35 km kênh đào. Dưới thời Vua Louis XV và Louis XVI, Lâu đài Vécxây vẫn tiếp tục được mở rộng thêm.

Cách mạng Pháp nổ ra, chế độ phong kiến Pháp dưới Triều Vua Louis XVI sụp đổ thì Lâu đài Vécxây cũng mất đi vị trí vốn có của nó. Rất nhiều vật báu của lâu đài hoặc được đưa về Bảo tàng Louvre, hoặc bị bán cho Triều đình Anh. Khi Vương triều Bourbon trở lại, dưới thời Vua Louis Phillippe I, Vécxây được chuyển thành “Bảo tàng lịch sử Pháp”. Với 18.000m2 và bộ sưu tập tranh lớn được sắp xếp theo niên đại lịch sử, bảo tàng Lịch sử Pháp là Bảo tàng lớn nhất thế giới lúc đó.

Tháng 1 năm 1919, sau hai tháng chiến tranh thế giới lần thứ nhất kết thúc, Vécxây được chọn làm nơi họp Hội nghị hòa bình. Tham dự Hội nghị có đại biểu của 27 nước thắng trận, các nước bại trận cũng có các đoàn đại biểu tham dự Hội nghị hòa bình. Nhiều đoàn đại biểu của các dân tộc bị áp bức cũng tới dự vì nghe trong chương trình của hội nghị có quan tâm tới quyền lợi của các dân tộc bị áp bức. Năm cường quốc nắm quyền điều khiển Hội nghị là Mỹ, Anh, Pháp, Italia và Nhật Bản, nhưng thực sự có quyền quyết định Hội nghị là Tổng thống Mỹ Wilson, Thủ tướng Anh Lloyd George và Thủ tướng Pháp Clemenceau.

Cũng trong thời gian sau chiến tranh đó, trên hành trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Tất Thành từ Anh trở lại nước Pháp. Được sống trong không khí sôi động của nước Pháp dưới ảnh hưởng của cuộc Cách mạng tháng Mười Nga, Nguyễn Tất Thành hoạt động trong phong trào Việt kiều - Hội những người Việt Nam yêu nước tại Pháp đã được Phan Chu Trinh và Phan Văn Trường thành lập trước đó mấy năm. Anh gặp gỡ các hội viên, tranh luận với họ để hoạt động của Hội theo hướng tích cực, dần dần trở thành người có uy tín trong các giới đồng bào Việt Nam tại Pháp.

Nguyễn Tất Thành cũng gặp gỡ với những nhà hoạt động nổi tiếng của Đảng Xã hội Pháp, một tổ chức chính trị duy nhất ở Pháp lúc đó lên tiếng ủng hộ thuộc địa. (Như chúng ta biết sau đó Nguyễn Tất Thành trở thành đảng viên của đảng này.)

Trở lại với Hội nghị hòa bình đang diễn ra ở Lâu đài Vécxây (Hội nghị kéo dài gần hai năm với những diễn biến rất gay go, quyết liệt vì các cường quốc thắng trận đều có những mưu đồ, tham vọng riêng trong việc phân chia quyền lợi về thiết lập trật tự thế giới sau chiến tranh). Trong bối cảnh đó, ngày 18 tháng 6 năm 1919 Nguyễn Tất Thành đã ra mắt bản Yêu sách của nhân dân An Nam với tên gọi mới là Nguyễn Ái Quốc. Véc xây ngày hôm đó đã chứng kiến hành động dũng cảm của một người thanh niên Việt Nam đòi quyền tự do cho dân tộc mình và các dân tộc thuộc địa. Anh gửi Yêu sách tới các đoàn đại biểu các nước đồng minh, gửi Yêu sách tới các nghị viên của Quốc hội Pháp. Anh liên lạc với các đoàn đại biểu của các dân tộc thuộc địa như Triều Tiên, Ấn Độ… Anh viết Thư gửi Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ dự Hội nghị; gặp các thành viên Đoàn đại biểu Pháp dự Hội nghị và gửi họ bản Yêu sách; gửi bản Yêu sách đi in báo Nhân đạo, cơ quan Trung ương của Đảng Xã hội Pháp…

Tuy nhiên háo hức, chờ đợi, hy vọng bao nhiêu, thì Nguyễn Ái Quốc càng cay đắng, thất vọng bấy nhiêu khi bản Yêu sách không được Hội nghị Vécxây quan tâm tới. Thực tế từ Lâu đài Vécxây năm 1919 đó làm cho Nguyễn Ái Quốc càng hiểu sâu sắc rằng muốn được giải phóng, các dân tộc chỉ có thể trông cậy vào mình, trông cậy vào lực lượng của bản thân mình. Nhận thức đó giúp Nguyễn Ái Quốc quyết tâm bước vào cuộc chiến mới nhằm thực hiện lý tưởng cuả mình. Và cũng từ đây phong trào cách mạng giải phóng dân tộc bước sang một giai đoạn mới, giai đoạn nhân dân các dân tộc thuộc địa tự mình tổ chức và đoàn kết đấu tranh. Nguyễn Ái Quốc trở thành người chiến sỹ tiên phong của phong trào này, góp phần làm thay đổi thế giới trong thế kỷ XX.

Sau cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 thắng lợi, với tư cách là Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm nước Cộng hòa Pháp. Trong chuyến thăm này, Người có dịp trở lại thăm Lâu đài Vécxây. Trong cuốn Hồ Chí Minh Biên niên tiểu sử tập 3 (1945-1946)  ghi rõ: Ngày 7 tháng 7 năm 1946, 21 giờ Chủ tịch Hồ Chí Minh “dự hội pháo hoa của nhân dân thành phố Vécxây tổ chức chào mừng Người.” Vécxây đón Người lần ấy thật là khác lạ với ký ức của Người 27 năm trước.

Với bề dày lịch sử và sự tráng lệ của mình, Lâu đài Vécxây đã được UNESCO ghi vào danh sách Di sản Thế giới từ năm 1979. Đây là một trong những địa điểm thu hút nhiều triệu lượt khách quốc tế mỗi năm. Đối với mỗi người Việt Nam ta, trong lịch sử lâu đời và sự nguy nga, tráng lệ của Lâu đài Vécxây, có cả ký ức về một thời đấu tranh oanh liệt của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, người anh hùng giải phóng dân tộc và danh nhân văn hóa thế giới.

TS Nguyễn Thị Tình

Top